Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Trần gian chẳng của riêng ai (tiếp theo)

Chuyện đã quá lâu rồi, tính theo tuổi ông Việt kiều Và Văn Vẻ có lẽ vào những năm đầu thế kỷ 20. Một phụ nữ bụng mang dạ chửa phiêu giạt đến cánh đồng làng Dõng thì trở dạ đẻ. Những người đang làm đồng thấy vậy bảo nhau ra tay giúp đỡ. Họ bẻ những cành lá và (thứ cây thời đó trồng trên các bờ be làm mốc phân định các ruộng liền kề) làm lều che nắng che mưa trên một gò đất hoang nơi ngôi mộ vô chủ. Người về làng cắt lá chuối khô rải thay giường, người đi mời bà đỡ. Cũng may, người đàn bà ấy dễ sinh nên đẻ mẹ tròn con vuông sau khi bà đỡ can thiệp bằng chuyên môn vài thao tác nhẹ. Thời ấy tục lệ làng Dõng nhiều thứ kiêng kỵ vô lối. Họ sợ gái đẻ đổ phong long làm cho tay chân trở nên hậu đậu, hay đánh rơi làm vỡ, sợ hãm tài; nuôi lợn: lợn ốm; nuôi tằm: tằm ươn nên mẹ con họ phải đợi đầy tháng thôi nôi mới được vào làng sinh sống. Cùng phận đàn bà với nhau nên những người làm đồng phân công nhau ngày ba bận đem thức ăn ra đồng cho mẹ con họ. Người có quần áo cũ thì của mẹ đem cho mẹ, của con cho con. Một ông tốt bụng vác cho cái chõng tre cũ giúp mẹ con họ không phải nằm đất. Làng Dõng trên hai trăm suất đinh thì cũng có gần hai trăm người vợ, người mẹ là thợ cấy thợ gặt, từng mang nặng đẻ đau để được làm mẹ, nên có từng ấy tình thường gộp lại thì việc cưu mang hai mẹ con họ có đáng gì. Lòng tốt, tình thương người đáng trân trọng không thể chê vào đâu được ấy, lại bị sự đối sử khắt khe đến khắc nghiệt của các bậc chức sắc, cùng những vị trưởng các dòng họ tự cho mình là con ông cháu cha, con dòng cháu giống cao quý hơn người, gây cho mẹ con họ lắm ê chề nhục nhã về thể xác cũng như tinh thần sống để dạ, chết mang theo sang kiếp sau vẫn chưa hoàn hồn.

Trần gian chẳng của riêng ai

                            

                                     Truyện ngắn                              

Dân làng Dõng mấy ngày nay vui như mở hội, nhà nhà tấp nập, người người hớn hở, bàn thờ nhà nào nhà nấy đều có mâm cỗ cúng, khói hương nghi ngút. Cúng riêng tại gia, cúng ra nhà thờ họ, cúng tạ mả ngoài nghĩa trang mới. Gà, vịt, ngan, ngỗng ơn trời được hoá kiếp sớm hơn trước Tết Nguyên Đán dăm tháng.

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Cười xuyên thế kỷ (tập truyện)

7. Huýt chó bụi rậm 

Sáng nay, bốn con nhà quê bọn em lại thủng thẳng từ phố này qua phố khác mỏi rời hai cẳng mà chẳng mua được tý tẹo gì đút vào đôi quang gánh để kiếm xuất cơm bụi ném vào bụng bữa trưa. Lăng quăng thế nào lại í ới gặp nhau ở một con phố nhỏ ngán ngẩm với bốn đôi quang gánh rỗng không, túm lấy nhau ngồi dưới một gốc cây lật nón, lật khăn nhau ra đứa nọ nhổ tóc ngứa cho đứa kia để vừa buôn dưa lê chuyện trên trời dưới bể tứ lung tung  thời sự “thế giới” chồng con. Đứa khen chồng hết lời, đứa chê chồng cạn một dòng sông nhẽ. Chuyện đang tới hồi vui tưng bừng thì bị hãm phanh đánh bụp! Bởi một ông, mắt đeo kính cận hay kính lão rất khó đoán định, phân biệt.  Vì kính cận hay kính lão mắt kính đều trắng giống nhau. Mà việc gì phải đoán, ở vào tuổi ông ta chẳng ông Hai Cận cũng bà Ba Viễn, đoán chi cho mệt cái khúc dồi Tây (xúc xích)! Hai tay ông ta xách lễ mễ hai bó vừa sách, vừa tạp chí cũ đứng soi đôi tròng kính trắng vào mặt từng đứa trông rất chi thám tử hình sự làm bốn con nhà quê chột dạ, sợ ông này cũng giống ông đi xe máy hôm trước đến rủ về nhà đổi vỏ lon... bia thì hãi lắm. Đứa nọ bấm đứa kia bảo nhau cảnh giác.

Chuyện cười xuyên thế kỷ (tập truyên)

 6. Chán quá đi mất                        

Chiều hôm trước, ký kết được một “bản hợp đồng” lau 5 tầng nền nhà, cửa kính. Chủ “hợp đồng” hẹn phải hoàn thành trước hai giờ chiều hôm đó để họ tổ chức mừng sinh nhật cho cô con gái rượu. Oái oăm là bên A không cho hai người làm vì họ không có người để trông mỗi người một tầng. Làm một mình nên em dậy từ 5h sáng đến làm sớm cho kịp bàn giao “công trình”. Lúc ra đi anh xã xe ôm nhà em đang ôm cái vỏ chăn ngáy khò khò. Mặc kệ, không cần hỏi cứ muợn tạm bộ quán áo bảo hộ và cái mũ lưỡi trai của anh đội tạm để lúc làm cho gọn tóc tai, dễ thao tác, dễ xoay sở khi trèo lên trèo xuống lau cửa kính. Anh chồng em cũng thuộc loại đầu to nên cái mũ lưới trai cũng rộng. Em cặp gọn mớ tóc dài chấm lưng của em lại, đội chụp cái mũ lưỡi trai lên chặt chẽ, vừa khít.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Cười xuyên thế kỷ (tập truyện)

 5. Cúng vong hồn chó

       Gần nơi bọn em ở trọ có một nhà thơ. Ấy là nghe bác chủ nhà thường chào anh ta như vậy mỗi khi gặp ngoài đường, chứ em đâu dám to gan làm quen. Một con nhà quê mua đồng nát như em, nhà thơ ai người ta thèm quen. Mỗi khi có vỏ lon bia, hộp đựng rượu hay đồ đồng nát gì gọi bán cho bọn em bọn em còn phải mặc cả sùi bọt mép mới mua được một mớ. Quen em có mà nhà thơ xí hổ chết.

Chuyện cười xuyên thế kỷ (tập truyện)

 4. Chạy mất quang gánh

        Đang thủng thẳng quẩy đôi quang gánh đi như dạo mát trên hè một khu phố vắng. Khu phố ấy toàn nhà biệt thự mới được “trồng” lên đất ruộng lúa từ năm 2000. Ới giời ơi! toàn nhà to vật vã, mỗi cái một kiểu mề gà lẫn dồi chó trông cứ lộn tùng phèo các kiểu kiến trúc pha tạp, véo của ông Tây cái mặt tiền, bẹo của bà Nhật cái mái ngói; hông ông Hồng (Hồng Kông), hậu bà  Bắc (Đài Bắc) loạn xì ngầu văn hóa học làm sang. Lúc ấy em đang thơ thẩn ngắm các kiểu nhà của họ với hy vọng, nhỡ mai kia, giời ị vào đôi quang gánh cho ít tỉ đồng còn có kiểu nhà mà xây, mà dựng cái biệt Thằng Cu Thự chứ. Bỗng nghe tiếng gọi mát mẻ phía sau lưng:

        - Em ơi chị bảo này!

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Cười xuyên thế kỷ (tập truyện)

3. Chạy mất dép

Hôm ấy bọn em gồm bốn đứa cùng làng, đi hết ngõ này qua phố khác rạc hai cẳng chân mà chẳng đứa nào mua được tý giấy vụn gì vào quang gánh. Tình hình này khéo trưa nay chẳng có thứ gì đút vào dạ dày mất. Vòng vo thế nào trưa bốn đứa gặp lại nhau ở phố nọ. Bốn con nhà quê (người TP họ thường gọi chúng em vậy) vứt quang gánh ngồi dưới bóng cây nhổ tóc ngứa cho nhau. Bỗng một ông đỗ ịch xe máy sát sạt bọn em phanh đánh hự một cái rồi hất hàm hỏi:
       - Mua vỏ lon bia không?
       Cả bốn đứa nhao nhao đứng dậy, mắt đứa nào đứa ấy sáng long lanh niềm hy vọng. Nghĩ trưa nay thế nào cũng được bữa cơm bụi no, không phải ăn vào vốn.

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ