Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Trần gian chẳng của riêng ai

                            

                                     Truyện ngắn                              

Dân làng Dõng mấy ngày nay vui như mở hội, nhà nhà tấp nập, người người hớn hở, bàn thờ nhà nào nhà nấy đều có mâm cỗ cúng, khói hương nghi ngút. Cúng riêng tại gia, cúng ra nhà thờ họ, cúng tạ mả ngoài nghĩa trang mới. Gà, vịt, ngan, ngỗng ơn trời được hoá kiếp sớm hơn trước Tết Nguyên Đán dăm tháng.

            Ông Xóm Đồng hỏi ông Xóm Bãi:

            - Nhà bác chạy 4 ngôi mộ dễ dư ra triệu bạc ấy nhẩy?

            Ông Xóm Bãi mặt tươi hơn hớn:

            - Cũng được ngót nghét chừng ấy. Nhà ông chạy 6 ngôi chắc dư triệu hai triệu ba chứ lại?

            Ông Xóm Đồng:      

            - Các cháu đem xây ngôi nào cũng to cũng cao nên tốn gạch, tốn xi măng thành chả thừa mấy.

            Ông Xóm Bãi:

            - Nhà tôi xây dông xây dài gọi là để giữ nấm ấy mà, có xây to, xây đẹp thì cũng chỉ là cái mả nằm ngoài gò sỏi, khoe với ai mà phải đắp to, xây lớn cho tốn đất Hợp tác xã!

            Nghe mấy lời đối thoại trên kể cũng lạ tai. Đang mồ yên mả ấm ai động rồ đem chạy, xây lại làm gì, vừa tốn kém vừa phát lo vào người? Mà không, nghe họ nói xây mộ xong còn dư tiền ra cơ mà? Vâng, quả có thế thật.

            Chả là thế này:

            Có một anh Việt kiều về thăm quê, không tìm về thẳng làng ngay, mà anh ta tới uỷ ban xã xưng với các cán bộ xã, anh là người làng Dõng. Trong số cán bộ xã có ông người làng Dõng đang ngồi thường trực trên ghế uỷ ban mừng như bắt được của, giơ bàn tay vỗ đánh bịch một cái vào giữa ngực mình:

            - Chính tôi người làng Dõng đây!

            Làm cho các ông uỷ ban khác, ông nào ông ấy tiếc ngẩn tiếc ngơ: "sao tay Việt kiều kia không là người làng mình nhỉ, chán quá đi mất."

            Ông uỷ ban người làng Dõng:

            - Đồng chí họ gì, con ông bà nào trên ta thêêê...ế ?

            - Tôi họ Và, con ông Vẻ. Bố tôi là Và Văn Vẻ.

            Ông người làng Dõng vội điểm nhanh trong đầu: "Họ Nguyễn là một này, họ Bùi là hai này, Trần ba, Võ bốn, Đỗ năm... danh sách xã viên, danh sách thu thóc thuế, sổ theo dõi thuỷ lợi, sổ theo dõi khoán sản hai mươi năm nay ngồi đầu ghế uỷ ban mấy nhiệm kỳ mình nắm chắc như nắm chặt cái thừng trâu, gì ra có nhà nào họ Và? Lạ quá đi mất! Hay tay Việt kiều này hỏi nhầm làng?" Bụng ông ta đã hơi tiêng tiếc và lo lo, nếu “nó” là người làng khác thì sao... kệ,  mày nhầm thì ông được! Ông ta vội reo to:

            - Úi...iii...hì! Họ Và nhà anh ngày xưa nhiều người làm qua to trong triều đình ra phết!

            Nghe thế, anh Việt kiều nghiêng vành mũ phớt che đi nửa nụ cười buồn.

            Sau đó ông uỷ ban người làng Dõng được mời lên xe taxi cùng anh Việt kiều trở về làng Dõng. Vì không biết tay Việt kiều con cháu họ mạc nhà ai trong làng mà dẫn đến, ông uỷ ban đành chỉ đường cho lái xe chở thẳng lên đình. Cụ thủ từ đang vun gốc chuối sau đình nghe thấy tiếng ôtô từ xa nghĩ có khách Hà Nội về lễ, liền buông tay cuốc tất tả chạy về mở cửa đình, liền được ông uỷ ban sai tìm chủ tịch hội NCT, mời ban chấp hành cùng các cụ tuổi cao lên đình họp để đón khách Việt kiều về thăm quê hương, cũng là để nhờ các cụ nhớ hộ xem làng Dõng ta nhà nào mang họ Và mà không khai đúng họ? Âm mưu trốn nghĩa vụ công dân đây?

            Cụ nào cụ nấy mặc diện như diện Tết. Các cụ 80 tuổi trở lên đã được hội NCT mừng thọ áo điều, khăn xếp điều đều mặc đủ. Anh Việt kiều thấy toàn các cụ cao niên ra đình đón mình đâm nể quá, bèn nhờ ông uỷ ban và lái xe taxi chạy lên phố huyện đặt nhà hàng dăm mâm cỗ để, trước cúng thánh, sau đãi các bô lão trong làng một bữa tươi để ra mắt các già làng, đồng thời nhận quê hương luôn.

            Trong khi chờ làm cơm, dĩ nhiên là phải uống nước. Không muốn để các cụ uống cái thứ nước trà đặc săn ruột non ruột già, đêm mất ngủ các cụ hành tội cụ bà thì khổ (ấy là anh Việt kiều tưởng giống má các cụ làng ta tốt như giống má mấy anh cu Tây, cu Tàu nên nghĩ vậy). Bèn nhờ người lái xe taixi lái vù đi mua cho mấy thùng bia và nước ngọt về đãi các cụ, vừa chờ nhà hàng mang rượu thịt đến, vừa trò chuyện để tìm cái ngọn ngành gốc tích dòng họ Và của mình ở làng Dõng. Tuy sang tây ở từ lúc nhỏ, nhưng gia đình anh Việt kiều vẫn giữ được đạo nhà, vẫn thờ cúng tổ tiên như ngày ở trong nước. Khi người lái xe mua bia về, anh ta liền mở thùng bia lấy mỗi thứ năm lon đặt lên ban thờ thánh giữa đình; cũng mỗi thứ năm lon đem sang tam bảo bên chùa dâng, cửa đức ông hai thứ ba lon, bên điện thờ mẫu cũng số bia nước ngọt tương tự, làm cho một ông am hiểu việc cúng lễ ghé tai ông bên cạnh nói nhỏ: "Thằng cha thạo việc lễ bái Việt Nam thế này khéo nó chén thịt chó tốt"! Dâng bia đi cúng đủ các cửa phật cửa thánh xong, trở lại đình để đãi người trần. Cứ lon một, lon một đặt vào từng tay mỗi cụ, rồi mình một lon bật nắp cái bụp giơ cao:

            - Xin chúc sức khoẻ các cụ, chúc ngày về thăm quê cha của con. Mời các cụ cạn ly mừng cho kẻ tha hương trở về đất tổ. Rồi anh ta ngửa cổ uống ừng ực, khi ấy các cụ mới thi nhau bật nắp ừng ực tu theo. Được lon bia mát lành vào bụng, cụ nào cụ nấy thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên. Một cụ già nhất làng, đã hưởng ba lần mừng thọ: Năm 80 tuổi: được mừng chiếc áo đỏ. Năm 90: chiếc quần đỏ. Năm 95: chiếc khăn đỏ; chỉ còn 5 năm nữa tròn 100 tuổi cụ sẽ được hội NCT xã mừng đôi hài đỏ nữa là đủ bộ đỏ từ đầu xuống đến chân chờ ngày cưỡi hạc về chốn bồng lai. Sau khi ngắc ngứ hơn mười hụm mới cạn được lon bia, cụ xúng xính trong bộ quần áo đỏ đòng đọc đi tới vòng tay khoác lấy tay anh Việt kiều:

            - Cho lão hỏi thăm, đằng ấy con cái nhà ai ấy nhẩy?

            Anh Việt kiều đang mải tiếp chuyện mấy cụ trẻ hơn liền quay sang cụ nhất kính cẩn:

            - Dạ, kính cụ hỏi thăm, bố cháu tên Vẻ ạ!

            Làm cụ nhất ớ người ra không hiểu, sau đó hết nhìn ra cửa đình lại nhìn lên ban thờ thành hoàng làng đang khói hương nghi ngút để cố moi móc lại trí nhớ về ngày xửa ngày xưa, mãi sau nhớ ra, cụ reo to:

            - Lão nhớ ra rồi, nhớ ra rồi, thì ra anh là con thằng Vẻ, à chết quên, con anh cu Vẻ... à à...thế nào nhỉ?... à... à này, bố anh có khoẻ không, cũng về cùng anh chứ?

            - Dạ thưa... bố cháu vẫn khoẻ ạ! Cháu về trước thăm làng xem thế nào rồi sang đón bố cháu về sau ạ!

            Cụ nhất hào hứng:

            - Quý hoá quá, quý hoá quá! Bố anh xa quê dễ đến sáu chục năm rồi mà vẫn nhớ quê, thật là con người có tâm có đức, biết yêu quê hương đất nước, tốt thật! Quý hóa quá đi mất!

            Một ông đứng gần hỏi xen vào:              

            - Cho tôi hỏi khí không phải, nhà bác tên là gì cơ?

            Anh Việt kiều hai bàn tay chắp vào nhau, đầu cúi cúi lễ phép:

            - Dạ, cháu tên Vang ạ!

            Cụ nhất nghe thấy thế bắt lại mạch chuyện:

            - Úi giời ơi, bố Vẻ, con Vang hèn chi khá giả là phải quà đi chứ!

            Sau bữa cơm trưa ấy với các cụ trên đình làng, Vang được từng cụ mời về thăm nhà riêng. Đến nhà ai cũng có đĩa trầu mời khách. Thấy hay hay Vang ăn một miếng, bị say trầu toát mồ hôi, mệt lử. Là nhà doanh nghiệp nhưng Vang có bằng cử nhân hoá thực vật, Vang nhận ngay thấy trong vị lá trầu có một chất gì đó là lạ có thể sát khuẩn cho răng miệng mà các hãng sản xuất nước súc miệng, kem đánh răng cả ở Việt Nam và trên thế giới đang tìm kiếm chưa ra. Tất cả đều bí rì, vì chưa đâu tìm ra được chất gì toàn bích, nên hãng thì đưa dung dịch muối, tinh dầu chè xanh, vitamin E, Can xi,  Fluor, bột ngọc trai...(?) vào kem đánh răng mà chưa làm người tiêu dùng hài lòng, chưa ngừa được sâu răng, hôi miệng tuyệt đối.

            Chuyến về thăm quế ấy, được ăn những miếng trầu, Vang cảm nhận và nẩy ra ý tưởng chiết xuất tinh dầu từ lá trầu không để pha chế nước xúc miệng và kem  đánh răng cho hãng của mình. Khi trở lại nước cư trú, Vang không đem một thứ gì khác, ngoài 20kg lá trầu không xin được từ làng Dõng là hàng hoá được mang theo lên máy bay về nước. Vang chiết được tinh dầu từ lá trầu không và đem  thử nghiệm trên răng miệng nhiều lần đã cho kết quả tốt, rất khả quan. Với thành công ấy Vang bèn đổi ý định, bàn với bố trở về nước làm ăn chứ ở nơi hàn đới băng giá tuyết dày, cây trầu không thể phát triển tốt như ở Việt Nam được. Vả lại lương dân công bên nhà lại rẻ nữa tội gì không về lợi dụng sức lao động của họ...

            Vang trở lại làng Dõng với kế hoạch làm ăn tại quê hương có cả người bố về cùng. Hai cha con mang hai tâm trạng khác nhau. Con thì trong đầu đầy ắp những dự định lớn về làm ăn. Người bố thì về để thăm lại nơi gửi nhờ bọc nhau và thắp cho người mẹ tội nghiệp của mình ba nén hương mà khi vác mẹ đi chôn ông không có nổi.

                               ***

 HXH

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ