Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Chân dung người xây ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ

Thảm án Lê Chi Viên 570 năm trước dưới thời lê dẫn đến viếc ba họ quan Hành khiển Nguyễn Trãi - Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bị chém đầu rõ ràng là một vụ án oan. 


Cả dân tộc Việt Nam đời này qua đời khác, người viết sử, người kể sử, người nghe sử, người học sử ai ai cũng được truyền lại rằng đó là vụ án kinh hoàng về sự oan sai mà gần 600 năm nay chẳng ai dám dũng cảm đứng ra nhân danh một thể chế để minh oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi.

Thời nào cũng cho rằng vụ án Lệ Chi Viên thuộc về lịch sử. Đã của lịch sử thì cứ để nguyên đấy! Đụng vào chuyện án oan của lịch sử xa vời từ mấy trăm năm trước thì những điều oan sai của thể chế mình cách đây vài chục năm cũng phải xem xét lại thì phiền phức! Trong việc tranh giành quyền bính tất nhiên phái tả phải đối lập phái hữu. Tả đánh đổ hữu là điều đương nhiên, hoặc ngược lại! Với nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, ông không cho là vậy. Từ khi thấu hiểu lẽ đời, việc người, trong tâm thức ông: Vụ án oan Lệ Chi Viên từ địa đầu Lũng Cú cho đến chót Mũi Cà Mâu sau này đều coi đó là vụ án oan đau lòng nhất. Nó ám ảnh dân tộc Việt trên năm thế kỷ chưa được “giải mã”; cho dù đó sai lầm của quá khứ cũng cần được quan tâm làm rõ để những đời sau không mắc sai lầm tương tự. Mỗi khi đứng trên bục giảng, giảng cho học sinh về lịch sử thời Lê, kể cho học sinh nghe vụ án đó là ông nghẹn ngào ứa nước mắt. Khi Lê Thánh Tông lên làm vua, vị vua này đã xuống chiếu giải oan, nhưng chỉ giải oan cho Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thị Lộ thì “Quốc sử vẫn âm thần với nước non…”, mấp mờ như muốn giấu kín! Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cho rằng trong việc này, hình như Lê Thánh Tông vẫn còn nghi ngờ, tin theo sự vu oan giá họa của giới cầm quyền trước đó? Nỗi oan của Nguyễn Thị Lộ muốn bắt dân tộc này quên đi thì cũng phải sòng phẳng nhìn nhận cho đúng trước khi cho vào bảo tàng quá khứ. Thời nào cũng không dám dũng cảm chỉ ra điều sai trái của vụ án đó, cứ đời này truyền qua đời kia câu chuyện rắn báo oán mô phỏng theo chuyện huyền thoại Tàu do đám người tranh bá đồ vương thời đó bịa ra để “xí xóa” những việc làm tội lỗi của họ trước lịch sử dân tộc. Chỉ đôi khi, tiện thể kỉ miệm danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi, vài nhà sử học được mời đọc tham luận mới thấy họ ồn ào bút mực đôi ba lời gọi là thương xót cho thân phận Nguyễn Thị Lộ xong lại đóng băng, bỏ két một cách phi lí!

Gần đây, trong cuốn “Nghìn năm vương triều” của Hoàng Đình Long, nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin 2009, chương 38 ghi một tiêu đề xanh rờn câu chữ: “Lê Thái Tông kế ngôi, nhiều bất ổn Nguyễn Thị Lộ đa tình, Ức Trai Nguy”!? Một cái tiêu đề tùy tiện khó thể chấp nhận. Tác giả Nghìn Năm Vương Triều căn cứ vào nguồn sử liệu nào để đưa ra nhận định vô lối, trái lẽ công bằng với người phụ nữ mảnh mai chịuoan ức thới nhà Lê ấy vậy? Khi chúng tôi đưa cho nhà giáo Hoàng Đạo Chúc xem cuốn sách viết cái tiêu đề trên, quan sát thấy mắt ông rớm lệ và lặng đi. Lúc sau ông rủ rỉ tâm sự: Hồi cuối thế kỷ 20, mình gặp một nhà sử học có tến tuổi của ngành sử đề nghị ông này cùng tham gia mở cuộc vận động minh oan cho Nguyễn Thị Lộ trước công luận hiện tại. Nhà sự học này không những gạt đi mà còn đưa ra một nhận xét… “Chắc là…”đại loại gần giống hàng tít của Hoàng Đình Long về cái chết của Lê Thái Tông! Thật buồn cho nhân tình thế thái.

Không thể hiểu nổi cách nghĩ thô thiển, định kiến kiểu cha truyền con nối của đám hủ nho bụng luôn thích đàn bà nhưng ngoài miệng lé tránh cái “phần mềm” nhậy cảm của họ! Không biết làm gì hơn, ông quyết với lòng mình phải làm một viếc gì đó để góp phần minh oan, ít nhất cũng từ thế 21 trở đi không còn người nghi ngờ sự trinh tiết của Nguyễn Thị Lộ với chồng. Nghĩ thế, nhưng ông cũng chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu nữa. Quyền không, chức không, với hai bàn tay trắng thì biết làm sao đây! May sao ông Phạm Q D phát hiện ra, ở Khuyên Lương có ngôi đền thờ, một di tích về Nguyễn Thị Lộ. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cùng phó giáo sư Chu Quang Trứ rủ nhau về thôn Khuyến Lương nơi duy nhất có ngôi miếu thờ nhỏ nhoi do nhân dân tự xây giấu sau khi bà bị hành hình với ý định thắp ba nén hương khấn cầu, biết đâu bà sẽ run rủi cho ông làm một việc gì đó theo ý nguyện mà ông tâm niệm mãi chưa thành của lòng ông. Hai người tìm đến nơi, giữa đám ruộng rau màu thì ôi thôi… đó chỉ là cái miếu hoang, người ta đang dùng làm kho chứa phân, bên cạnh chuồng nhốt dê, sặc mùi xu uế!  Hai hàng nước mắt ông chảy dòng dòng, cổ họng ông tắc nghẹn không thể nói thành lời. Cảm thông với bạn, PGS Chu Quang Trứ bình tĩnh, lựa lời động viên bạn! Và thật lạ, ngày lúc đó Hoàng Đạo Chúc nảy ra ý nghĩ: Có lẽ là từ đây, mình sẽ bắt đầu phải xây lại ngôi đền thờ Nguyễn Thị Lộ tại chính nền đất ô nhiễm, băng hoại văn hóa này. Ông vận động những người tâm huyết, có lòng yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ trong giới trí thức, trong giới sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa… lập thành “Hội Những Người Yêu Kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ”, cùng họ khảo sát điền dã các vùng đất Khuyến Lương (Hà Nội), Tân Lễ (Thái Bình), Đại Lai (Bắc Ninh) quay đi quay lại nhiều lần. Ông giấu vợ con rút tiết kiệm ra 70 triệu làm quỹ chi tiêu ban đầu, sau đó làm cuộc vận động. Người đầu tiên ông gặp là doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, giám đốc công ty Hòa Bình của thương bệnh binh Hà Nội, hy vong vị giám đốc này tài trợ cho ít nhiều rồi sẽ đi vận động tiếp những người khác, nơi khác. Thật bất ngờ, Nguyễn Hữu Đường nhận tài trợ toàn bộ cho việc xây ngôi đền trên đất Khuyên Lương, cả phần nội thật. Ông sung sướng đến đặt vấn đề với các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Nghe ông trình bày, tất cả đều ủng hộ việc làm ý nghĩa của ông. Ngôi đến xây trên đất Khuến Lương được khánh thành vào giữa năm 2004, được nhiều người biết đến đồng tình, hoan nghênh. Ước nguyện của ông đã bước đầu thành công! Rồi một buổi chiều muộn, chuông điện thoại réo, cầm máy lên nghe, đầu dầy đằng kia ai đó gọi cho ông. Người đó hỏi: - “Tôi xin gặp nhà giáo Hoàng Đạo Chúc ạ”! - Ông nhanh nhẩu trả lời: - “Vâng, Hoàng Đạo Chúc đây. Bạn là ai đấy”? – Người gọi cho ông giọng ngập ngừng trong máy: - “Cháu… cháu chào bác…! Bác cho cháu hỏi… Cháu muốn được đóng góp vào việc xây đền thờ hai cụ Nguyễn Trái - Nguyễn Thị Lộ thì cháu góp bằng cách nào ạ?”. Ông thoáng nghĩ trong đầu: “Mình tuổi đã cao, bệnh tật vây quanh mình, xây được một ngôi đền thờ đức ông đức bà ở Khuyến Lương đã là một cố gắng. Giờ anh bạn này xin tài trợ tiếp thì khước từ sao đây”. Bụng nghĩ thế nhưng ông vẫn không muốn làm nguội lòng người muốn công đức việc xây đền thờ bà Lộ. Và ông hẹn: “Khi nào rảnh rỗi, bạn đến mình, ta bàn kỹ đã”. Ông hẹn thế để thử xem người đó có lòng công đức thật sự không. Và cũng để có thời gian nghĩ cách từ chối. Hôm sau chuống điện thoại réo. Ông nhấc máy thì đầu dầy bên kia tiếng người gọi điện hôm trước với giọng hồ hởi: “Bác ơi, cháu muốn gặp bác để bàn việc xây đền cụ Lộ được không ạ? Không thể khước từ, ông nói: “Nếu bạn muốn cung tiến thì còn hai nơi nữa đang cần xây. Một là quê hương bà, Tân Lễ tỉnh Thái Bình; hai là, Lệ Chi Viên tỉnh Bắc Ninh. Bạn muốn đóng góp, mời bạn cùng mình ra Khuyến Lương xin “ý kiến”, xem hai cụ có đồng ý cho thì mới được”. Ông nói thế cột để người đó nản lòng mà rút lại ý định. Không ngờ người đó đồng ý và ngay lập tức lái xe ô tô đón ông tận nhà đưa ra Khuyến Lương. Vào đền, dâng hương hoa xong ông với cái đĩa có hai đồng trinh cổ trên ban thờ đưa cho người đó, ông bảo: “Bạn xin đài xem hai cụ đồng ý thì làm”. Sau một hồi khấn vái cầu khấn tha thiết với tấm lòng thành kính, người đó gieo hai đồng trinh vào đĩa và reo to: - “Bố ơi, hai cụ đồng ý cho con được cung tiến rồi”. Rồi người đó ôm chầm lấy ông đầy vẻ sung sướng, mãn nguyện.  

Đó là doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Tổng giám đốc CTTNHH T&T. Trên đường về, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bảo: “Bác cho con số tài khoản con chuyển tiền vào để bố xây dựng. Con xin nhận xây dựng cả hai nơi: Tân Lễ và Lệ Chi Viên. Đề nghị ấy càng làm ông kinh ngạc hơn. Khi định thần lại, ông nghĩ:  Gần như một đời người, ông chưa bao giờ quản lý món tiền to đến vậy. Hồi xây ngôi đền bà Nguyễn Thị Lộ Khuyến Lương, mọi chi phí đều do nhà tài trợ Nguyễn Hữu Đường trực tiếp thanh toán với người cung cấp vật liệu, người thi công chứ  ông không trực tiếp cầm một đồng tiền mặt. Nay doanh nhân Đỗ Quang Hiển đề xuất việc đưa cho ông số tiền lớn, làm ông sởn gai ốc. Ông bảo: - “Ấy! Ấy…! Đằng ấy ấn vào tay tớ số tiền to vậy lớ ngớ không biết cách tiêu pha, thất thoát đi thì tớ tù mọt giông! Mà nào tớ có tài khoản tài khiếc gì đâu”. Doanh nhân Đỗ Quang Hiển bảo: – “Thì con mở cho bác một tài khoản, để bác toàn quyền sử dụng?”. – Không được, đã bảo tớ không có khả năng quản lý số tiền lớn vậy. Hay thế này, đằng ấy xem đâu có thợ thì thuê họ làm, đằng ấy tự chi tiền công, tiền nguyên vật liệu cho họ như hồi Nguyễn Hữu Đường xây đền bà Lộ ở Khuyến Lương. Chứ tớ…!” - “Vậy thì công ty con cũng có đội chuyên xây dựng, con bảo họ làm, bác chỉ việc giám sát, hướng dẫn họ làm theo ý tưởng của bác”. Và cứ thế, công việc cuốn ông vào hai ngôi đền tiếp theo. Một ở Tân Lễ, một ở Lệ Chi Viên. 

Cái xe đua Liên Xô hạ thấp khung gắn bó với ông từ thời công chức, sáng kẽo kẹt đưa ông đến cơ quan, chiều “anh chàng” lại kẽo kẹt thồ ông về nhà cho đến tuổi nghỉ hưu. Những ngày xây đền Khuyến Lương chiếc xe đạp ấy lại sáng chở ông từ làng Lủ ra làng Khuyến Lương, chiều lại thồ ông từ Khuyến Lương về Lủ; đi gõ cửa các cơ quan xin giấy tờ cho việc xây đền, đi giao dịch việc này việc nọ, “anh chàng Liên Xô” ấy là người bạn đường bền bỉ đưa rước ông đi đây đi đó, cần mẫn, thủy chung. Khi “anh chàng” không còn khả năng thồ nổi ông nữa, vì phụ tùng thứ nào cũng rệu rã sắp rời khỏi nhau, lúc ấy ông mới nghĩ đến việc lên đời xe gắn máy. Chiếc xe lên đời ấy là chiếc Ba bét ta màu đỏ ớt đã cũ. Thôi thì “cũ người mới ta”, dù sao nó cũng hơn “anh chàng Liên Xô” xuống khung vì nó là cái “bình bịch” của nước Tiệp Khắc anh em đồng chí một thời… 

Rồi cái Ba bét ta cũng chỉ chịu được những chuyến đường trường với ông vài năm và lại giở chứng. Mỗi khi muốn cưỡi nó ông phải rướn người ra sức đạp lấy đạp để từ nhà ra khỏi công làng mới nổ được máy. Nhiều lần guồng đến hàng cây số nó vần ì ra không chụi nổ cho cái máy mà đi. Ông đành phải mắm môi mắm lợi guồng về nhà cất, rồi ra đi xe buýt. Thương bố mỗi lần đi công việc là mỗi lần đánh vật với cái cái bình bịch Tiệp Khắc. Cô con gái rượu vận động anh chị em góp tiền mua tặng bố cái xe Nhật 82 – 89, cũng lại xe cũ! Nhờ các con mà ông được lên đời xe, xe có số má đoàng hoàng như ai.  

Hai ngôi đền tiếp theo ở Tân Lễ, tỉnh Thái Bình và Lệ Chi Viên, tỉnh Bắc Ninh xây xong phần cơ bản làm ông vui lắm. Đứng ngắm công trình đang từng bước hoàn thiện tâm hồn ông lâng lâng trong mênh mang gió nắng, vút theo những cánh én mùa xuân chao nghiêng trên cánh đồng mươn mướt lúa xanh dọc dòng sông Đuống chậm dòng in đậm sắc mây. Trong giây phút như bay bay ấy ông thăng hoa thêm một ý tưởng nữa: Lê Chi viên không chỉ là nơi xảy ra vụ án oan với ba họ công thần Nguyễn Trãi, mà nơi đây từng là những Hành Cung, Ly Cung, Cung Yên Hà của mấy vương triều nối tiếp mỗi khi các vị vua đi kinh lý non sông xong lại về đây nghỉ ngơi để bàn công việc. Vùng địa linh Kinh Bắc, một vùng đất nhiều di tích văn hóa, với những đình, chùa, đền, miếu được người xưa xây để ghi công tích dọc dải đất này hầu như xã nào, huyện nào cũng có. Từ suy nghĩ ấy, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc “lên kế hoạch” trong đầu: Đền có rồi, còn lại bên phải bên trái phải là những công trình văn hóa khác nữa mới đúng với tầm vóc Lệ Chi Viên. Phải có tượng đài, nhà bia, ao sen, cây cảnh, tường bao quanh; cổng đền phải hoành tráng và vườn vải nữa! Vốn dĩ mảnh đất thiếng này xưa là vườn vải (Lệ Chi Viên). Phải trồng một vườn vải trên tất cả diện tích đất trong khuôn viên đền thờ. Thế là hồ bán nguyệt trước cửa đền được đào trước tiên, tường hoa bao quanh hồ và bậc cầu ao cũng được xây luôn và ông tìm mua một loài sen trắng về thả. Hồ mới đào chưa tạo được lớp bùn dầy để nuôi sen. Có người mách chợ Hà Đông có giống cá chạch nhỏ xục, tạo  bùn rất tốt. Ông tìm đến mua hàng kilôgam cá chạch rồi dong dong xe máy từ chợ Hà Đông về Lệ Chi viên thả xuống hồ để cá chạch tạo bùn cho sen xanh tốt. 

Một điều lý thú là khi đào móng xây bệ đặt tượng Bà Lộ ở Tân Lễ Thái Bình, bỗng từ lòng đất trào bật lên một dòng nước trong mát, ngọt như nước suối khoáng. Tin lành đồn xa, vài ba công ty tìm đến đề nghi được xây dựng nhà máy sản xuất nước đóng chai tại nơi vưa phát hiện ra nguồn nước quý. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc lại phải vận động chính quyền địa phương từ chối với lí do xây nhà máy tại đó cảnh quan di tích sẽ bị phá vỡ, mất đi ý nghĩa thiêng liêng mà nhân dân tạo dựng dành cho vợ chồng vị công thần khai quốc thời Lê.

----------
nh: Từ trái sang phải: Nhà nghiên cứu văn hóa Trân Vân Hạc, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, GS sử học Phan Huy Lê, ông Nguyễn Văn Sở chủ tịch dòng họ Nguyễn Bậc, và tác giả bài viết.
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ