Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Trần gian chẳng của riêng ai (tiếp theo)

Chuyện đã quá lâu rồi, tính theo tuổi ông Việt kiều Và Văn Vẻ có lẽ vào những năm đầu thế kỷ 20. Một phụ nữ bụng mang dạ chửa phiêu giạt đến cánh đồng làng Dõng thì trở dạ đẻ. Những người đang làm đồng thấy vậy bảo nhau ra tay giúp đỡ. Họ bẻ những cành lá và (thứ cây thời đó trồng trên các bờ be làm mốc phân định các ruộng liền kề) làm lều che nắng che mưa trên một gò đất hoang nơi ngôi mộ vô chủ. Người về làng cắt lá chuối khô rải thay giường, người đi mời bà đỡ. Cũng may, người đàn bà ấy dễ sinh nên đẻ mẹ tròn con vuông sau khi bà đỡ can thiệp bằng chuyên môn vài thao tác nhẹ. Thời ấy tục lệ làng Dõng nhiều thứ kiêng kỵ vô lối. Họ sợ gái đẻ đổ phong long làm cho tay chân trở nên hậu đậu, hay đánh rơi làm vỡ, sợ hãm tài; nuôi lợn: lợn ốm; nuôi tằm: tằm ươn nên mẹ con họ phải đợi đầy tháng thôi nôi mới được vào làng sinh sống. Cùng phận đàn bà với nhau nên những người làm đồng phân công nhau ngày ba bận đem thức ăn ra đồng cho mẹ con họ. Người có quần áo cũ thì của mẹ đem cho mẹ, của con cho con. Một ông tốt bụng vác cho cái chõng tre cũ giúp mẹ con họ không phải nằm đất. Làng Dõng trên hai trăm suất đinh thì cũng có gần hai trăm người vợ, người mẹ là thợ cấy thợ gặt, từng mang nặng đẻ đau để được làm mẹ, nên có từng ấy tình thường gộp lại thì việc cưu mang hai mẹ con họ có đáng gì. Lòng tốt, tình thương người đáng trân trọng không thể chê vào đâu được ấy, lại bị sự đối sử khắt khe đến khắc nghiệt của các bậc chức sắc, cùng những vị trưởng các dòng họ tự cho mình là con ông cháu cha, con dòng cháu giống cao quý hơn người, gây cho mẹ con họ lắm ê chề nhục nhã về thể xác cũng như tinh thần sống để dạ, chết mang theo sang kiếp sau vẫn chưa hoàn hồn.

          Mẹ con họ trở thành dân ngụ cư làng Dõng. Ai thuê việc gì làm việc nấy để kiếm miếng sinh nhai. Thằng bé mới sinh cũng được ông lý trưởng “thương hại” làm cho tờ giấy khai sinh sau khi mẹ nó biếu ông tờ năm đồng gánh dừa (tiền Đông Dương thời ấy) . Ông lý trưởng hỏi họ hỏi tên người mẹ trẻ chỉ nhận được cái lắc đầu "cháu không biết, cháu không nhớ". Vô lý! Người ngợm gì đến họ tên mình cũng không nhớ, không biết? Vâng, nhớ làm gì một quá khứ buồn đau đời mình đã nếm trải!

          Ở vùng lưu vực sông Hồng, có ngôi làng nhỏ ven sông, đất thì rộng nhà lại thưa, vườn nhà nào nhà ấy cũng hàng mẫu đất bãi trồng toàn tre bao quanh làm phên dậu bảo vệ mỗi cơ ngơi riêng. Từng luỹ tre xanh tốt rủ bóng xuống mặt sông làm duyên làm dáng cho một vùng quê trù phú, ngoài bãi thì tốt mía, xanh dâu, trong đồng đôi vụ mùa, chiêm lúa tốt bời bời. Làng ấy đã từng có cô gái nết na xinh đẹp, môi  đỏ như thoa son, má tươi như đánh phấn hồng, sắp về làm dâu nhà ông chánh tổng người cùng làng. Một buổi trưa vắng cô quẩy đôi thùng ra sông gánh nước bất ngờ gặp chiếc thuyền buôn; ba thằng kéo dây ngược dòng sông trông thấy cô chúng sấn đến, đứa bịt miệng, đứa cởi áo chùm mặt bế thốc cô lên thuyền thay nhau cưỡng hiếp. Làm xong cái việc đồi bại ấy bọn chúng thả cô lên bờ rồi kéo thuyền đi mất. Quá uất hận, cô nhẩy xuống sông tự vẫn. Do sinh sống với sông nước từ nhỏ nên cô bơi lội giỏi, mấy lần buông xuôi tay, chân cho chìm để chết đi cho hết kiếp nạn. Nhưng người cô cứ nổi bềnh lên mặt nước, không chịu chìm cho. Rồi chân tay cô muốn quờ đạp, và cô quờ đạp; một khi còn quờ đạp thì người không thể chìm. Không chìm người được thì sao sặc nước để mà chết. Và cô quyết định không chết nữa. Cô bơi, cô đạp, cô vùng vẫy ngụp xuống ngoi lên trong dòng sông để gột rửa đi sự ô uế nhục nhã, rồi cô quẩy đôi thùng nước về nhà. Chuyện bị cưỡng hiếp cô giấu kín không cho ai biết. Nhưng cái bụng của cô mỗi ngày một to lên thì không thể giấu. Tiếng cô chửa hoang loang ra khắp làng, đến tai ông chánh tổng thì không còn là chuyện nhỏ nữa. Như thế là khinh thị quyền thế nhà ông. Ông Chánh tổng cùng lý trưởng sai trương tuần bắt cha mẹ cô ra đình hành tội, tra khảo việc con họ chửa hoang(!). Cha cô nghĩ nhục lao thẳng đầu vào cửa đình chết tại chỗ. Mẹ cô vì thương chồng lại buồn nỗi con không chồng mà chửa, ngã bệnh mất sau đó ít tháng. Bị họ hàng ghẻ lạnh, làng lại bắt phạt vạ số tiền lớn cô không có nộp, làng đem cô ra đình gọt đầu bôi vôi đóng bè chuối thả trôi sông!  Cái bè chuối trôi xuôi khỏi làng xa xa, một người thuyền chài bơi theo đưa cô lên bờ rồi bảo cô đi nơi khác mà sinh sống, gặp nhà nào hiếm con thì lấy làm vợ lẽ. Cô không theo lời người thuyền chài tốt bụng, cô bẻ đôi chiếc đũa thề trước trời đất, đời cô từ giờ cho tới chết, không thèm chung chạ với đàn ông, dù thằng đó có là vua là chúa, thì cũng đều là giống dâm dê thượng hạng đáng nguyền rủa. Hàng ngày cô cầu trời khấn phật, ước ao sao cho giống đàn ông biến hết khỏi mặt đất này để riêng đàn bà sống với nhau cho người luôn trong trắng, để xống váy luôn sạch sẽ. Cô đi từ cánh đồng làng nọ sang cánh dồng làng khác, ai thuê việc gì làm việc nấy để kiếm bát cơm độn ngô, độn khoai, sống cho qua ngày. Trưa nghỉ gầm cầu, đêm ngủ lều, ngủ quán, lang thang vô định. Nhiều lúc cô phải bôi than trát gio lên mặt làm xấu đi để những quân dê cụ không còn thấy được sắc đẹp của cô mà thèm chảy dãi dài dãi ngắn. Dần dà cô lạc tới giữa đồng làng Dõng thì trở dạ đẻ.

          Không hiểu sao ông lý trưởng cũng lắm thông tin, biết tường tận cái sự sinh nở của cô từ đầu đến cuối nên ông lấy ngay tên cây Và làm họ, sự đẻ rơi giữa đồng vắng vẻ làm tên. Đầy đủ cả chữ đệm như ta đã biết ở trên. Vẻ lớn lên trong sự khinh miệt của người làng Dõng. Trong làng ngoài xóm hễ ai mất thứ gì họ đều đổ cho Vẻ: "Chỉ có thằng Vẻ lấy chứ ai!" Kẻ quá khích bắt trói Vẻ tra khảo để ép cung, bắt Vẻ phải nhận mình ăn cắp. Mẹ côi con cút, thân cô thế cô, người mẹ khốn khổ đó chỉ còn biết van xin và tự nhận những tội đổ vấy mong họ tha cho con. Có điều lạ là con người Vẻ được cấu thành từ giọt máu của một trong ba kẻ cuồng dâm hung bạo ngày ấy, nhưng Vẻ lại là đứa trẻ ngoan ngoãn không hề có tính tắt mắt cái kim sợi chỉ của ai mà vẫn bị mang tiếng xấu một cách oan ức…

Vừa bước vào tuổi 18 thì người mẹ lâm trọng bệnh và mất. Vẻ bó thi thể mẹ vào cái chiếu cũ vác xuông nghĩa địa làng đang định đào huyệt chôn mẹ thì các dòng họ trong làng kéo nhau xuống không cho Vẻ chôn mẹ gần mồ mả cha ông họ. "Cái con mẹ làm thuê kiêm làm mõ (gặp hôm làng nhiều đám giỗ, đám cưới, vợ chồng nhà mõ đi các đám rửa bát để xin phần, lý trưởng cần mõ đi rao, vợ chồng nhà mõ thuê lại mẹ con Vẻ  rao mõ thay, mẹ con Vẻ cũng làm) thối tha ấy chôn gần mồ mả những dòng họ con dòng cháu giống để xúi quẩy con cháu người ta ra à?" Vẻ đành vác mẹ xuống cái gò sỏi cuối làng, chọn nơi cao nhất giữa gò, đào vài thép mai đã vướng đá cuội, mảnh sành, mảnh chĩnh lổn ngổn. Đào bật máu tay mới xong cái huyệt. Chôn mẹ xong Vẻ rời làng Dõng ra đi từ ấy.

                                                     ***

          Hôm nay cùng con trai trở lại làng Dõng, Vẻ đã thành ông lão gần 80 tuổi. Ông Vẻ dẫn Vang xuống gò sỏi tìm mộ bà nội. May, ngày đó Vẻ đắp cho mẹ cái mộ to, cao nên mưa nắng bão bùng, cả thơì gian muôn trùng dâu bể không thể dập xoá nổi mộ ấy.

          Khu gò sỏi ấy HTX trồng chuối, chuối còi, trồng khoai lang, khoai lang không ra củ... hết thanh niên ba sẵn sàng, đến phụ nữ ba đảm đang, đặt quyết tâm cải tạo khu đất ấy thành một mô hình tiên tiến nhất huyện. Bón phân lợn, phân trâu, đạm, lân, ca li mà trồng khoai chỉ ra dải chứ không thấy củ. Sau HTX đem giao cho hội phụ lão trồng bạch đàn đã mấy chục năm rồi vẫn chưa ra bạch cũng chẳng thành đàn nhị sáo kèn gì sất. Một gò bạch đàn còi cọc yếu ớt vươn cao tít, cây chết đứng, cây chết nghiêng cho trẻ con đến bẻ cành về làm củi đun.

          Thăm mộ bà nội xong Vang về làm việc với xã để thuê đất xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu trầu không. Vang nhất quyết đòi thuê đất nghĩa trang của làng Dõng. Đầu tiên uỷ ban xã và HTX làng Dõng không đồng ý với lý do, các dòng họ đang mồ yên mả đẹp chuyển đi nhỡ động mồ động mả thì sao? Hai bên đối tác họp đi bàn lại mấy lần chưa ngã ngũ. Vang phải vữa doạ vừa gợi ý:

          - Quê hương không bằng lòng cho tôi về làm  ăn thì tôi đành phải tìm sang xã khác hoặc huyện khác vậy. Nếu đồng ý, toàn bộ mồ mả hiện có trên đất tôi xin bồi thường di chuyển, mộ xây năm triệu đồng một ngôi, mộ đất ba triệu đồng một ngôi. Giá đền bù thế là gấp đôi mức giá nhà nước đền bù cho mồ mả ở ngoại thành Hà Nội đấy. Xây dựng nhà xưởng xong tôi sẽ thu nhận lao động là con em của xã nhà vào làm việc. Còn việc di chuyển nghĩa trang làng Dõng đi đâu đang là một băn khoăn của các bác, tôi biết! Cái đó không khó. Việc gì các bác phải nghĩ đến lấy đất ruộng đang canh tác ổn định để chuyển nghĩa trang ra, phí của đi. Khu đất gò sỏi cuối làng kia rộng rãi thế, lâu dài có thể để được hàng ngàn ngôi mộ ấy chứ. Nếu ăn nên làm ra tôi sẽ xin xây tường bao quanh toàn bộ nghĩa trang cho, vì mộ bà nội tôi cũng năm trong đó.

Cứ như là Vang đọc được mọi ý nghĩ của từ cán bộ thôn đến xã, Vang nói đến đâu tất cả há mồm, trố mắt với vẻ hiểu ra. Một ông bảo Vang:

-  Đồng chí thuê cái gò sỏi có hơn không? Thuê gò sỏi sẽ mất ít tiền đền bù hơn?

-  Vang gải thích:

- Thưa các bác, các anh, các chị. Việc làm ăn là cần phải có địa điểm, địa thế. Người Việt Nam ta chẳng có câu tổng kết rất hay rằng: "Thứ nhất cận thị, thứ nhì cận giang" đó sao. Nếu gò sỏi mà ở cạnh đường giao thông thuận tiện thì giữa tôi và các bác chẳng phải bàn nhiều đến tận hôm nay. Theo tôi gò sỏi làm nghĩa trang là hợp nhất. Vừa yên tĩnh vừa xa làng, môi trường không bị ô nhiễm. Các bác nhìn về làng mà xem, ai đi để nghĩa trang cạnh làng thế kia. Ma khô còn được, chôn ma tươi, thịt người phân huỷ nhiễm ra các nguồn nước giếng trong làng, hàng ngày chúng ta uống, ăn thứ nước có lẫn thịt người chết rất hại cho sức khoẻ. Ngay bây giờ các bác ra nghĩa trang mà xem, hàng chục ngôi mộ mới chôn chưa xanh cỏ, vẫn nguyên vòng hoa phủ. Những mộ chôn cách đây hai ba tháng nữa, đang trong thời kỳ phân huỷ. Ở bên kia tôi đọc báo bên nhà gửi sang, viết về việc các nhà khoa học công nghệ & môi trường xét nghiệm mẫu nước cách nghĩa trang Văn Điển trên mười cây số vẫn thấy có váng mỡ người, thế có rợn không? Nếu các bác giữ lại nghĩa trang thì nên di chuyển làng ra xa ít nhất hai ky lô mét mới tạm an toàn cho nguồn nước.

Mấy vị người làng Dõng nghe Vang nói thế, vị nào vị ấy như ngồi phải tổ kiến lửa, giật mình đánh thót.

- Đúng rồi... chuyển nghĩa trang thôi... phải chuyển nghĩa trang ngay…

Mấy ngày sau hợp đồng thuê đất nghĩa trang được trình lên huyện và tỉnh phê duyệt. Vì thế người làng Dõng mới có những ngày di chuyển và xây mồ mả vui như mở hội kể trên.

Để cho người làng Dõng chuyển mộ và xây toàn bộ mộ nhà họ xong, Vang thuê luôn tay kỹ sư đang phụ trách xây dựng nhà xưởng cho mình, thiết kế xây mộ bà nội Vang to cao đẹp nhất vùng. Khi ấy dân làng Dõng nhìn thấy mới té ngửa người, thì mọi sự đã khít như đố khớp vào ngoàm kèo, không thể thay đổi. Mộ bà nội Vang nằm giữa trung tâm nghĩa trang, xung quanh là mấy trăm ngôi mộ xây nhỏ nhoi, xếp hàng như đang phủ phục ngước chầu lên ngôi mộ to giữa gò sỏi.

          Hóa ra trần gian này chẳng là của riêng ai thật!

                                                                                     15-4- 1999

                                                                                         HXH

 

 


XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ