Chàng sinh viên văn khoa được coi là người văn hay chữ tốt nhất làng đang nghỉ hè tại quê được các vị trong ban quản lí di tích văn hoá thôn Đại Sa tín nhiệm, mời đến bên mâm cỗ cúng thần, vừa hết tuần nhang các ông hạ xuống để ban quản lí vừa đánh chén vừa bàn bạc và nhờ chàng viết hộ lá đơn trình lên Sở văn hoá Thông tin tỉnh xin xét duyệt, xếp hạng thêm cái miếu cuối xóm Vạc thành di tích văn hoá cho liên hoàn một cụm: đình, chùa đã được công nhận trước đó vài năm. Đình thờ thánh, chùa thờ Phật được công nhận rồi, còn cái miếu thờ thần... chẳng lẽ lại không? Vô lí bỏ sừ đi chứ lị! Mà miếu thờ vị thần gì thì hỏi tất cả dân làng Đại Sa từ cụ già nhất làng cho đến ông cán bộ văn hoá thông tin thôn đều lắc đầu ú ớ: “À à, ờ ờ… thờ một ngài linh lắm, tài cao đức trọng lắm. Ấy là cổ xưa truyền lại thế thì con cháu cũng sang tai cho nhau rằng thế, ai nhớ được đầu cua tai nheo nó ra thế nào; làm sao mà hậu sinh các người hỏi đến lắm, nhiễu sự ghê! Cứ làm đơn gửi lên tỉnh, lên trung ương trên ấy người ta nắm được tuốt tuột ấy mà. Xin công nhận thêm cái miếu này nữa là làng ta mỗi năm ba lần mở hội: Hội đình, hội chùa, hội miếu nữa cứ là vui nhất huyện cho mà xem… Đố anh nào bằng.
Cái miếu âm u trên ba chục mét vuông
lòng nhà nằm lọt giữa đám cây duối, cây si cổ thụ rậm rì, bốn bức tường mốc meo
rêu phủ, mái ngói âm dương gồm một gian hai chái ngự trên gò đất diện tích đến
hơn một sào Bắc bộ cuối xóm Vạc có từ đời nảo đời nào người làng chẳng ai nhớ
rõ. Nội thất bên trong gồm một cái ban thờ xây chính gian giữa, hai gian chái
hai bên là hai cái bệ lát gạch lá nem trải vừa khít chiếc chiếu đại. Trên ban
thờ đặt cỗ ỷ đã rộp sơn cùng giá nến, ống hương thứ nào cũng đủ đôi, duy cái
mâm bồng nhỏ chỉ có một. Hình như người xưa lập miếu cố ý bày đặt thế để cặp
đôi với chiếc lư hương. Chiếc lư hương đúc bằng vữa xây trộn mật rắn đanh trông
hơi khác lạ để thay cho bát hương sứ thông thường ở những đền, miếu khác. Cái
lư hương hình bầu dục hai chân khuỳnh khuỳnh quỳ như người đứng tấn sắp xông
vào đánh vật. Chính vì cái lư hương trông hình thể vậy nên người làng Đại Sa
mới luận ra rằng miếu “làng ta” thờ một vị quan võ! Hai bên cửa miếu đắp nổi
đôi câu đối chữ Nôm lộn Hán, nét sứt nét sẹo, người biết đọc thông thạo Hán -
Nôm có thể vừa đọc vừa luận vẫn hiểu ra ý nghĩa.
Chàng sinh viên mới viết được vài
dòng, các ông trong ban quản lý di tích văn hoá đã mỗi người tợp gọn chén rượu,
rồi ông nọ tiếp cho ông kia khuyết đi non nửa đĩa thịt gà trống tơ luộc chặt
đầy một đĩa sau khi đã cúng thần nguyên cả con. Ông thứ nhất ngửa cổ rốc cạn
chén rượu vào miệng cho hưng phấn tinh thần để tăng hiệu xuất công việc rồi đặt
cái chén đánh cạch xuống mâm, quay sang hỏi chàng sinh viên:
- Thằng cháu viết được nhiều chưa?
Chàng sinh viên lễ phép:
- Dạ, cũng được kha khá rồi ạ!
Làm như mình hiểu biết chữ nghĩa hơn
người, ông hỏi:
- Kha khá là bao nhiêu đọc tao
nghe!
Chàng sinh viên cầm tờ giấy đang viết
dở, giơ lên:
- Vâng ạ! – Chàng đọc: - “Cộng
hoà...”
Liền bị ông thứ hai chém bàn tay mạnh
vào không khí giữa mâm cỗ ngăn giọng đọc của chàng lại:
- Được rồi, được rồi, cộng hoà với độc
lập thì đơn từ nào chẳng phải có, thiếu sao được hai câu quan trọng đó! Biết
rồi, không phải đọc nữa. Đọc từ chỗ kính thưa xuống tao nghe.
Chàng sinh viên bèn bỏ qua thủ tục
đọc hàng chữ nơi đầu lá đơn, đọc theo ý ông ta chỉ bảo:
- Kính thưa sở văn hoá thông tin
tỉnh...
Ông thứ ba không chịu kém cả trong
việc uống rượu lẫn việc chỉnh sửa chữ nghĩa. Cầm chai rượu tự rót đầy chén của
mình ngửa cổ dốc vào miệng xong quay sang chàng sinh viên:
-
Bất kính! Bất kính! Sao lại chỉ kính thưa sở văn hoá thông tin chung chung thế,
phải viết rõ chức danh từng ông một, khi xem đơn họ mới sướng, mới cấp ngay
hiểu chưa. Học đến đại học rồi mà vẫn dốt! Chúng ông mà học đến đại học, chữ
chúng ông mà đẹp, chúng ông viết lấy thì cứ là là … lá đơn kêu phải biết!
Chàng sinh viên vốn mát tính, bị chê
là dốt vẫn nín thinh. Ông thứ tư ngồi cạnh nghĩ thương tình, cầm chén rượu rót
từ đầu bữa vẫn đầy nguyên, mải viết chàng chưa kịp uống:
- Này, cạn chén rượu đi là sáng dạ ra
ngay ý mà.
- Cảm ơn bác, cháu không biết uống
rượu.
Nghe chàng sinh viên nói không biết
uống rượu, ông ta mắng:
- Lại giống thằng bố mày rồi, rượu
không biết uống, thuốc không biết hút, suốt đời cơm nhà, L... vợ. Đàn ông như
bố con nhà mày vứt mẹ nó ra rệ đê cho chó gặm.
- Ông thứ năm nghĩ thương hại, đỡ lời:
- Đừng mắng cháu thế, để bình tĩnh thì
nó viết mới ra văn.
Rồi ông ta giảng giải:
- Phải viết là kính thưa ông chủ tịch
UBND tỉnh, đồng kính thưa ông giám đốc sở văn hoá thông tin tỉnh, sau đó mới
diễn giải lai lịch ngôi miếu làng mình, biết chưa? Miếu làng mình có từ hàng
nghìn năm nay, thờ một vi thần có công dẹp giặc “nước”, đã có nhiều sắc phong
của các đời vua. Viết trong ngoặc đơn là các sắc phong đó do biến thiên, địch
họa thất lạc cả, làng chưa tìm lại được. Theo truyền thuyết, huyền thoại, cổ
tích ngày xửa ngày xưa của làng thì vị thần đang thờ ở làng Đại Sa có công to
lắm! Ngài là vị dũng tướng chuyên đánh giặc trên sông nước, lập nhiều chiến
công lớn, khi ngài bị trọng thương vẫn không chịu để quân lính của mình khiêng,
tự đi về tới làng thì ngài hoá... thành thần...!
Theo hướng dẫn của năm ông ban quản
lí di tích văn hoá làng Đại Sa, chàng sinh viên gạn lọc, thêm bớt, có tí gia
giảm đôi chút thìa là rau răm làm cho lá đơn khúc triết hay ho ra cái phết. Sau
đó đọc to cho các ông cùng nghe. Nghe xong, cả năm ông đồng loạt vỗ đùi đánh
bốp, khen:
- Thằng này khá! Viết lá đơn rất chi là
nghe được. Bác thưởng cho miếng phao câu ngon nhất mâm đây!
Ông ta vơ đôi đũa kều vào đĩa định
gắp, nhưng trong đĩa chẳng còn mảnh xương gà nào, bèn chữa ngượng bằng cách bốc
nắm lạc rang, nắm lấy bàn tay chàng sinh viên bắt xoè ra để ông bỏ cho nắm lạc
thưởng. Chàng khum tay trả lại nắm lạc vào đĩa rồi xin phép ra về. Năm ông còn
ngồi lại “bàn bạc” cho kỳ hết mâm rượu, sau đó mới cử người đem đơn xuống xã,
lên huyện xin dấu chứng thực rồi đem nộp lên Sở Văn hóa thông tin tỉnh.
Có điều lạ, làng Đại Sa từ xưa đến
giờ là một làng thuần nông, ngoài việc trồng lúa và trồng dâu nuôi tằm, làng
chẳng có nguồn, nghề gì khác để thu nhập thêm những lúc nông nhàn mà làng vẫn
đủ điều kiện xây mấy toà: đình, chùa, điện thờ Mẫu, miếu thờ thần, bồ đề, nghè,
quán cùng những am to nơi gốc đề, da thờ ông bình vôi, con chó đá canh ngôi mộ
vô chủ; tuần rằm mồng một nơi nào cũng oản quả, bánh trái, hương khói nghi ngút
khắp nơi, đều đặn không sứt một ngày!
Nghe kể (vẫn là chuyện nghe kể) thì
làng Đại Sa xưa có 4 người đỗ tiên sĩ ở các đời vua, mỗi vị tiến sĩ vinh quy về
làng, làng đều cắt thưởng mỗi vị tiến sĩ một mẫu ruộng để khuyến khích con cháu
trong làng học hành, đỗ đạt. Cánh đồng mười hiện nay, xưa gọi là cánh đồng tiến
sĩ. Đến người thứ 4 đi thi lại đỗ nữa, khi vinh quy về làng, giữa lúc trời đại
hạn, nhà nào nhà nấy đang trằn mình lo tát nước chống hạn, không tổ chức đón
rước linh đình như các vị tiến sĩ trước được. Một lý do khác là tân tiến sĩ này
nhà nghèo, không thể có nổi vài chục mâm cỗ khao làng, đón rước linh đình sẽ
mất không mẫu ruộng. Dân làng dựa vào việc trời làm hạn hán để lờ lớ lơ việc
đón rước vị tân khoa vinh quy bái tổ.
Võng lọng, cờ xí của triều đình rước
tiến sĩ vinh quy về tới làng mà đường làng ngõ xóm vắng tanh vắng ngắt. Thấy
thế, tân tiến sĩ bảo quân lính dừng ngựa ngoài đầu làng chờ, để mình anh ta về
đình tạ lễ thành Hoàng làng. Chả là lúc lều chõng trẩy kinh đi thi, vị tân tiến
sĩ có biện cái lễ cầu thánh Hoàng phù hộ cho mình thi đỗ khoa ấy. Lễ tạ xong
nghĩ phẫn chí, tân tiến sĩ lấy cái đinh thuyền leo lên đóng vào lưng chừng cột
đình với lời nguyền viết bên cạnh: "Đại Sa nhà nhà biếng học”.
Không ngờ lời nguyền của vị tiến sĩ ấy độc mồm độc miệng, làm mấy trăm năm kế
tiếp làng Đại Sa chẳng ai thích học hành, chẳng con cháu nhà nào mở mày mở mặt
về đường học hành, dù đi bôn ba tứ xứ. Đi lính sang tây, đi phu cao su mãi Nam
kỳ, sang tận nước Mã Lai làm đồn điền thời thuộc Pháp. Thời nay, đi Liên Xô,
Đức, Hung, Tiệp... có giầu lên được thì cái sự giàu ấy cũng chỉ là cái sự giàu
của anh lái buôn, làm thuê mà giàu, không thể sánh với các làng khác người ta
chăm học hành. Học để ra làm quan to trên huyện, trên tỉnh, trên Thủ đô, vừa có
chức quyền, vừa giầu ú ụ. Chứ sự giàu của anh lái buôn, anh làm thuê không thể
vênh vang với ai được.
Chính vì nhiều nơi thờ thần thờ thánh
thành thử đẻ ra lắm ban bệ xôi thịt xeo xẻo ăn theo. Nào thủ từ đình, thủ từ
miếu, bà trông điện, chú đồng cô trông am, coi nghè người nào người ấy mắt cứ
hau háu liếc xẻo vào con gà, đĩa xôi, rẻo thịt, cút rượu người làng và khách
thập phương đến cúng, “một miếng lộc thánh bằng cả gánh của trần” mà lại!
Đơn nộp, xếp hàng trên tỉnh hai năm sau
Sở văn hoá thông tin cũng duyệt tới. Tỉnh cử một đoàn gồm ba vị cán bộ về khảo
sát, nghiên cứu để nếu đúng miếu thờ người có công với dân với nước sẽ trình
cấp trên xét duyệt công nhận là di tích văn hoá. Trước khi đoàn cán bộ văn hoá
tỉnh về kiểm tra, sở đã có công văn gửi về làng Đại Sa báo trước. Nên, hôm ấy
ban bảo vệ di tích đã có ngay sự chuẩn bị sẵn sàng. Mấy mâm cỗ mặn cúng thần
được sửa soạn từ sáng sớm bày kín trên ban thờ. Đèn nến nhấp nha nhấp nháy,
khói hương nghi ngút mù mịt cứ như trong cái bếp chật nhóm đến cả chục lò than
tổ ong cùng lúc, bốc khói đặc quánh như hun chuột. Ba ông cán bộ văn hoá bước
vào miếu. Ông nhìn góc này, ông ngó góc kia để tìm cái chỗ di tích văn hoá.
Chưa được ba phút đã, ông dụi mắt, ông hắt xì hơi, ông ho sặc sụa. Chẳng ông
nào bảo ông nào cùng lúc móc túi lấy khăn mùi soa ra: ông lau mắt, bịt múi, bịt
miệng chạy cả ra sân miếu để hít không khí trong lành cho dễ thở. Bất thình
lình ông trưởng đoàn nhìn lên đôi câu đối chữ Nôm lộn chữ Hán đắp nổi hai bên
cửa miếu, bèn giương mục kỉnh đọc. Đọc xong ông che miệng cười. Cũng khí ấy cái
điện thoại di động trong túi ông nó rung lên tính tang tình dạo khúc nhạc tây.
Rút cái máy điện thoại ra áp vào tai, và cứ thế ông trưởng đoàn vâng vâng dạ dạ
tràn cung mây vào cái máy. Sau khi nhét điện thoại vào túi, ông trưởng đoàn
quay sang bảo một ông trong ban quản lý di tích làng Đại Sa (lúc ba người bị
sặc khói hương chạy ra ngoài, ông ta cũng xum xoe ra theo):
- Các bác thông cảm cho, tỉnh đang
gọi chúng tôi về để họp gấp, khi nào xuống làm việc lại sẽ báo các bác sau.
- Ấy chết, mời ba đồng chí ở lại thụ
lộc thánh đã, thắp tuần hương thứ hai đấy mà, hạ lộc ngay được rồi mà, không
phải chờ lâu đâu. Các đồng chí chả xét lúc này thì xét khi khác, vội gì? Đánh
chén cái đã.
- Xin phép các bác, cấp trên đang
gọi chúng tôi về có việc quan trọng.
Hai ông cùng đoàn không rõ chuyện gì
nữa, thấy trưởng đoàn cắp cặp ra xe, tất cả cũng đi theo. Trong miếu, trên chục
ông khác đang cung kính tế lễ xì xụp nghe cấp báo rằng đoàn cán bộ văn hoá tỉnh
về chưa xem xét gì đã bỏ đi. Ông nào ông ấy nháo nhác chạy ra để giữ khách thì
cái ôtô đã vọt đi mất.
Ra khỏi làng Đại Sa một quãng xa, ông
trưởng đoàn mới nói với hai cán bộ đi cùng:
- Đôi câu đối, thể phú, chữ Nôm lộn
chữ Hán ghi rành rành, tớ tạm dịch các cậu nghe: -“Quơ dậm sông sâu thần bắt
tôm như thánh/ Kéo te ruộng trũng thánh vơ tép tựa thần ”, thì rõ ràng là
miếu thờ thằng đánh dậm chứ còn gì nữa. Thế mà cũng xin công nhận di tích di
toác, mất thời gian của người ta.
Cả ba ông ôm bụng cười hinh hích, về
đến tỉnh vẫn còn hinh hích cười. Cho mãi bây giờ ba ông cán bộ văn hoá ấy mỗi
khi nhớ lại “vụ” đi xét công nhận di tích văn hoá ở làng Đại Sa lại cười một
mình như bị dở hơi!
Năm 2000
HXH