Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

Con dở người (truyện ngắn)

            


    Mấy bà bán hàng giữa chợ đình làng Đơ đứng dõi theo con dở người làm nghề quét chợ thì thầm với nhau. Một bà bức xúc bô bô:

- Bụng con này lại to nữa rồi, cả nhà ơi! Lần này không biết thằng nào đây? Thằng đánh tổ tôm khuya về, thằng bảo nông, thằng đi kéo vó đêm, hay con ma mem say khướt từ quán nhậu ngang qua, tạt vào lều rơm gốc đề làm bụng nó lại phưỡn ra nữa rồi? Kinh khủng khiếp cơ!

Bà khác đang mải xếp đặt lại hàng hóa trong quầy nghe thấy chạy ra, ngắm kĩ, nhận thấy bụng nó lùm lùm lên thật, liền hai tay chống nạnh chổng về phía quán phở đang đông khách đàn ông xì xụp ăn sáng. Giọng chanh chua:

- Tiên nhân lũ dâm dê thượng hạng! Bà mà có phép thần thông như Tề Thiên Đại Thánh thì bà sẽ hô “biến” cho chúng bay rụng tiệt cha chúng mày hết. Bà chỉ êu êu hai tiếng là đàn chó làng này xông trận ngoạm nhai cho sướng hai hàm răng chó!

Một bà nghe tin, biết chồng có máu… hay tí tởn, bèn chí ngón tay trỏ vào giữa trán chồng thẩm vấn:

- Con dở người lại to bụng nữa rồi, ông có xí xớn chấm mút tí gì không đấy?

- Cái nhà bà này! Nó chửa thì kệ thây cha nó, can hệ gì đến tôi?.

-  Không can hệ! Lạ gì đàn ông làng này, thằng nào thằng ấy chẳng như cái gậy ăn mày! Tởm lợm!

            Nói đến tiếng “tởm lợm” bà ta nhổ phì nước bọt ra nền nhà làm như của “tởm lợm” ấy vừa dính vào mồm mình. 

- Sao bà vơ đũa cả nắm, coi ai cũng như ai là sao? Hay nhỉ? Tôi mà lại thèm xí xớn với nó?.

            - Á ààà…! Thế là ông tự “thú tội trước bình minh” rồi nhé! Không xí xơn với nó thì đi xí xớn con khác chứ gì?  Hèn nào mấy tháng nay tối nào ông cũng đi đến khuya mới về! Ông đi đâu? Đưa “đĩ” vào nhà nghỉ phỏng?

- Tôi đi đánh tổ tôm.

           - Tổ tôm hay tổ chấy… nhà các ông ai mà biết được!

           Ông chồng tóm lấy chủ đề “tổ chấy” để trêu lại vợ:

           - Tôi chỉ mê mỗi cái “tổ chấy” của bà thôi.

- Rõ nỡm!

Sau câu “rõ nỡm” là ánh nguýt dài ném ra từ đôi mắt lạnh vì sự đa nghi của bà vợ.

 

           Sân đình làng Đơ trở thành nơi họp chợ. Chợ làng họp liên miên từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Chợ bán thập cẩm, từ quà sáng cho người lớn, quà sáng cho trẻ em, rau, đậu, thịt, cá, gà, vịt, mắm muối... nói chung đủ mọi thứ cho hai bữa ăn hàng ngày của mọi nhà. Có cả hàng bán cho những người thích ăn đêm như phở gà, miến lươn, cháo vịt, bia hơi nhắm với chân gà, cánh gà nướng đến các món đặc sản tôm, cua, ốc, ếch, cầy tơ, tiểu hổ... Vì là chợ làng nên không cần ban quản lý. Người làng bán, người làng mua, trong họ ngoài làng cả, lập ban quả lý để quản lý ai?

            Không cần thiết!

Đã là chợ tất phải có rác. Mà có rác tất phải cần người dọn rác.

Làng Đơ xuất hiện con dở người từ những năm 70 của thế kỷ trước do Tuy mù lang thang đi ăn xin dẫn về định lấy làm vợ. Bị họ hàng phản đối không cho lấy. Chồng mù vợ dở hơi, đẻ con ra nuôi nấng làm sao? Nhà Tuy không phải dạng nhà nghèo, ỷ đôi mắt bị mù Tuy đi xin, thấy dễ thì chống gậy khua khoắng đi xin lấy tiền ăn quà vặt, uống rượu cho vui.

Con dở người không biết đi đâu, về đâu đành quanh quẩn ở chợ nhặt gốc mía hít, ăn cả thứ trẻ con tuột tay đánh rơi vào chỗ bẩn, những thứ thừa người bán hàng bỏ đi nó vơ, nhặt ăn tất. Thương nó, người vét cho bát cơm nguội, người cho củ khoai luộc, một chị bán hàng tinh đời, nhận ra, thấy nó không đến nỗi nào, còn đẹp là đằng khác. Cũng trán cao, múi dọc dừa, khuôn miệng nhỏ cân đối với khuôn mặt, bộ ngực căng phồng, eo lưng thắt đáy đàng hoàng. Duy đôi mắt là hơi lờ đờ. Nếu mắt nó không lờ đờ, được ở vào thời bây giờ cho mặc áo tắm, áo dài hở ngực lên sân khấu diễn thời trang cùng những người mẫu khéo nó cũng ngang bằng các nàng chân dài…

 Tuy mù thế mà “tinh”!

Nhà đang lúc neo người, chị bán hàng thuê luôn nó đến làm việc vặt. Lúc sai nó đi gánh bể nước. Cái bể nước đâu phải nhỏ, hai trăm gánh chưa đầy. Lúc sai cọ rửa chuồng, tắm cho đàn lợn, quét nhà quét sân, rửa chậu bát, cuốc mảnh vườn trồng mấy luống rau... Tất tật công việc Ôsin làm, nó đều làm gọn ghẽ trong ngày. Xong công việc, đêm lại ra lều rơm gốc đề để ngủ.

 Được vài tháng, thấy bụng nó lùm lùm, gân cổ giật giật hiện tượng người mang thai. Lần trước hỏi, nó bảo ông Cột ngủ với nó. Làng có đến bốn ông tên Cột, chẳng biết ông cột đình hay ông cột chùa! Lần sau hỏi, nó bảo ông Nước ngủ với nó. Làng có đến năm ông tên Nước, chẳng hiểu ông nước ao hay ông nước giếng! Không muốn mua dây buộc mình, gia đình thuê nó bèn đuổi thẳng cổ! Thế là nó thành con quét chợ từ đấy.

Dở người nhưng cũng có cái nó khôn. Sáng quơ chổi quét xong cái sân đình rộng cả nghìn mét, vun rác vào một góc lấy xe cải tiến hót đi đổ xong xuôi rồi đến từng quán một chìa tay xin mỗi người một hào (đồng tiền theo mệnh giá những năm 1970). Ai không cho nó thì rác của bà xin mời bà quét lấy, nó chừa lại đúng khu vực bà ngồi. Ngày hai lần như thế, nó quét, nó thu tiền, đố ai không cho đấy. Nhờ nó ra giếng đình gánh cho bể nước ư? Hữu nghị thôi. Cách giếng 100m: hai hào một gánh. Cách giếng 200m: bốn hào một gánh. Xa 100m nào tăng tiền 100m ấy. Người thuê sợ nó không biết đếm, nhầm nó nó thiệt, nhầm mình mình thiệt, bảo nhau cắt miếng bìa cứng đánh số thứ tự ký tên vào; khi nó đổ gánh nước thứ nhất vào bể thì đưa cho vé số một, gánh thứ hai đưa vé số hai, đầy bể đếm vé nó lấy tiền luôn tút xít, đố ai ăn gian của nó nổi một gánh.

Thu tiền quét chợ hàng ngày, gánh nước thuê, cả làm nhiều công việc khác, nếu người nào tỉ mỉ thống kê, tháng nó có thể thu nhập từ 180 đến 200 đồng, hơn cả lương thợ kỹ thuật bậc bảy thời ấy.

Thấy nó sắp đến tháng đẻ, cả chợ góp tiền thuê người làm cho nó cái lều rơm cạnh gốc cây đề để nó nuôi con. Khi nó đau đẻ cả chợ xúm lại dìu nó xuống trạm xá xã để đẻ. Cơn đau vượt cạn vật vã dữ dội vài bận, nó đẻ tọt ra một thằng cu mập mạp đỏ hỏn. Sau tiếng khóc ré lên oe oe thằng bé đã sáng mắt lơ láo nhìn trời, nhìn cuộc đời mênh mông trước mặt. Hôm sau vứt con lại trạm xá nó về quét chợ. Thằng bé được một người hiếm con xin về nuôi. Còn nó thì như một cô gái còn son càng ngày càng trắng trẻo, đẹp nõn nà phây phây ra. Và nó lại chửa, lại đẻ, lại bỏ con ngoài trạm xá để về quét chợ, và lại có người đến xin. Có nhiều “khách hàng” tiêu thụ con cho nó tội gì nó không sản xuất! Sản xuất không mất vốn nhưng cũng chẳng thèm lấy lời. Số tiền hàng ngày gánh nước thuê, tiền quét chợ, cả tiền công làm các việc khác nếu tinh như người tỉnh; nếu không bị dở người, đem gửi tiết kiệm trên hai mươi năm nó phải mua được cái nhà to bự ấy chứ. Thế mà những thằng phải gió, cột đình, cột chùa, nước ao nước giếng đêm mò đến sản xuất con với nó lần túi móc lấy sạch đi đánh tổ tôm, đi uống rượu…! Biết mất tiền nhưng nó không kêu ca, chỉ lẩm bẩm:

- “Rõ ràng chiều qua có hơn trăm bạc mà sáng nay trở dậy không thấy đâu nữa là thế nào nhỉ?”.   

Lần mang thai này nó không còn trẻ nữa. Chết sau khi sinh lần thứ năm vài tháng do bị bệnh hậu sản.

                               ***

Chiếc xe con gắn biển số kiểm soát màu trắng đi vào chợ đình làng Đơ. Từ trên xe bước xuống một chàng trai to cao đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc. Chàng ta dạo khắp chợ một vòng. Đứng xem hàng này, ngó hàng nó, ngắm hàng kia. Những người bán hàng tưởng khách sộp mua hàng, hàng nào cũng mời chào đon đả, tíu tít. Nể lời, mỗi hàng chàng mua một thứ cho vui. Sau đó vào quán cà phê ngồi uống và ngắm chợ. Chủ hàng cà phê là người nhanh mồm miệng, vui tính. Đặt ly cà phê lên bàn cho khách xong người bán hàng kéo ghế ngồi xuống bên, bắt chuyện: 

- Cậu em chắc về uỷ ban xã làm việc?

Đang tư lự trước ly cà phê bốc hơi, nghe chủ quán hỏi, chàng chợt giật mình:

- Không ạ!

- Hay cậu đi tìm mua nguyên vật liệu gì phỏng? Làng này có đủ hết, thượng vàng hạ rẻ rách; chính phẩm, thứ phẩm, phế phẩm chẳng thiếu thứ gì. Cần gì cậu cứ gọi tên ra tôi chỉ nơi người bán cho, tha hồ mua. Nếu cậu muốn mua đầu Binlađen đem nộp cho Mỹ thì làng này mới không có để bán!

- Em tìm bà quét chợ.

Chủ quán cà phê tròn xoe hai mắt, đôi lông mày kẻ chì cong lên, líu lưỡi lại thành nói lắp:

- Cậu cậu… cậu là thế nào với “con” dở người đó?

Chàng trai thần người ra một lát, cầm ly cà phê uống một hụm rõ to ngắc ngứ mãi mới nuốt nổi. Chị chủ quán ngồi bên còn nghe rõ tiếng nuốt đánh ực:

- Chị ơi, bà quét chợ hôm nay đi đâu ạ?

           - Bà ấy chết rồi!

           Mặt chàng xỉu lại, hai hàng nước mắt rơm rớm…                              

Một tháng sau, người làng Đơ xôn xao bàn tán về con trai cả người quét chợ học hành giỏi giang, học cùng lúc hai trường đại học, đỗ bằng giỏi. Mới ba mươi tuổi đã thành một doanh nhân thành đạt, giàu có, đi tìm mẹ đẻ ngồi trên cái xe ôtô bạc tỷ bóng lộn. Mà cái nhà xin nó về nuôi cũng là nhà tốt phúc, tốt đức. Nuôi con con mụ dở người mà thành tài được. Giỏi thật!

- Chả bù cho lũ ngay lưng làng này, học trường chưa đủ, còn học thêm học nếm thày nọ, giáo sư kia tốn bao nhiêu tiền của, đi thi chả đỗ nổi lấy “nửa” trường đại học cho bố mẹ được nhờ. 

Bà khác thì:                                       

- Lũ lười học làng này ra nghĩa trang mà xem cho mở mắt ra, nó xây mộ mẹ nó đẹp như lăng vua lăng chúa bên nước Tàu ấy. Hôm qua gặp tôi, nó còn hỏi: bác có biết ai là bố cháu không? Thằng nào ngủ với mẹ nó ngày xưa giờ ra mặt mà nhận là bố nó, nó sẽ mời về để nuôi ấy chứ. Nó sẽ tậu nhà, sắm ôtô cho mà đi, chả bỡn đâu!                                                                                                                                                                                         

                                                                                                      

                                                   1989   
                                                   HXH                    
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ