Làng Hiến Văn có bốn chức sắc quan trọng thì Vinh nắm giữ hai: chủ nhiệm HTX nông nghiệp, kiêm trưởng thôn, còn lại hai chức, phó chủ nhiệm HTX là thằng em con ông chú. Bí thư chi bộ - cô em ruột. Các chức hội đoàn thể hữu danh vô thực ai làm thì làm Vinh không quan tâm. Riêng chức trưởng ban văn hoá thông tin chuyên đi kẻ vẽ, cắt khẩu hiệu để ăn... hồ dán trừ dược bữa cơm trưa ở nhà Vinh cũng vơ lấy, nhận về phần mình. Vinh còn có khiếu xào xáo từ những dòng khẩu hiệu thành những câu thơ "lục bát đĩa" viết lên các bức tường khắp ngõ trong xóm ngoài cho dân dễ nhớ, dễ thuộc lòng, thành thử dân làng Hiến Văn được xơi nhiều thơ ca hò vè nên tâm, can, tỳ, vị, đầu óc người nào người nấy cũng ướt đẫm mộng mơ, và từ già chí trẻ đều xuất khẩu thành thơ! Vậy là câu lạc bộ thơ làng Hiến Văn ra đời, Vinh kiêm thêm chức chủ nhiệm CLB thơ nữa là bốn chức vuông chằn chặn.
Hoan hô!
Tuổi già làng ta những đêm khó ngủ vì đói bụng tha hồ chong mắt gửi hồn vào
gió, vào mây bằng những bài thơ ca ngợi quê hương một thời oanh liệt, một thời
vui tươi, một thời no ấm chảy tràn đầy ăm ắp những trang giấy làm cho chủ nhiệm
Vinh bội thực thư thơ cúng cụ, bốc thơm. Để tạo không khí mới cho khỏi nhàm chán, Vinh liền phát động phong
trào toàn CLB làm thơ tình. Trúng tâm lý những người hiện thiếu nửa kia cuộc
đời đang trong cảnh chăn đơn gối chiếc,
thành ra họ hưởng ứng ầm ầm. Vậy là từ già cho chí trẻ làng Hiến Văn, sớm hôn
gió, trưa hôn mây, đêm hôn sao trời, sáng hôn đất hôn lung tung thúng mẹt nhét
đầy cả chục tập thơ in vi tính chia nhau đem tặng để tra tấn bạn bè, người quen
gần xa đây đó.
Vợ chết,
Vinh làm hàng chục bài thơ khóc vợ, thương vợ, nhớ vợ, đêm tiễn biệt, ngày chia
ly, trách trời, giận đất đem vợ Vinh đi đâu mất để mình Vinh trên cõi trần thế
buồn tẻ, cô đơn này? Cứ ngỡ thứ thơ “ấp mồ vợ” từ xa ấy sẽ còn tuôn ra như cháo
chảy cho đến khi dòng Nhị Hà kia cạn nước Vinh mới hết nhớ thương người vợ xấu
số… Ai tai!...
Không đâu, thiên hạ chớ vội tưởng cứ củ khoai là bở! Chưa tới ngày sắm mâm cỗ
giỗ đầu vợ, Vinh đã hùng hục gánh đất đổ xuống ngăn sông Nhị Hà lại, bắt nước
Nhị Hà chảy rẽ ngả khác để Vinh giữ trọn lời thề thuỷ chung đã hứa với vong
linh người xưa bằng thơ rằng: Khi nào dòng sông kia cạn nước anh mời hết nhớ thương mình!
Một cô gái tên Quyên bỏ quê ra Hà Nội làm tiếp viên cho các quán cà
phê đèn mờ sắp bước sang tuổi băm, chán phè cuộc sống trôi nổi nơi thị thành
đang muốn trở về làng để rũ bỏ quá khứ, bỗng một ngày gặp Vinh vào hát Kraoke.
Kẻ liếc mắt, người đưa tình, hai bên cuốn dính vào nhau. Những năm làm tiếp
viên nhà hàng lúc rỗi rãi, ngồi đợi khách, thấy nhà chủ có một giá báo, tạp chí
cho khách uống cà phê đọc. Những lúc rảnh rỗi Quyên lấy đọc để giết thời gian.
Được đọc nhiều báo chí, thành thử đầu óc Quyên bỗng phát tiết, xuất khẩu thành thơ. Hai tâm hồn “thi sĩ” gặp nhau. Chàng đưa nàng
đi mây, nàng dắt chàng về gió, mây gió bay đầy đây đó ngó thấy họ mà thèm. Đám
cưới đôi "trai tài gái sắc" được tổ chức sang trọng nhất các câu lạc
bộ thơ trên nước Việt. Quán Trúc Ngà đang ế ẩm, từ khi đăng cai tổ chức đám
cưới thơ của hai người nổi tiếng, quán được
thơm lây. Từ đó khách vào đông nghìn nghịt như siêu thị bán hàng giảm giá.
Người nước Nam mình có tính cũng buồn cười. Hôm trước vơ
dải khoai, củ chuối nhét vào cho đầy dạ, hôm sau hôi được vài con cá chõn (cá
quả con) đã làm như mình giầu nhất làng. Hết rán chả,
đến băm viên, làm lẩu, xì xụp húp húp chan chan vểnh hai râu mép mà coi thường người khác, làm cho cái sĩ diện cũng vác lên tận mây xanh, còn
mỹ tự nữa chứ. Miệng tuôn ra lời chợ búa tục tằn thì không sao, người khác cũng
nói những lời tương tự thì kêu nói bậy, dè bửu lườm nguýt?
Bác lý trưởng đời mới, tay xách va li,
tay dắt chị bồi bàn từ tỉnh về quê tăng cường cho CLB thơ Làng Hiến Văn một
thành viên mới cong!
Rổ rá cạp lại thì cũng nên biết mình, biết người,
tìm người tương xứng tuổi tác, sức khoẻ mà tái hôn chứ! "Mần chi dữ rứa
cha nội"? Nàng còn kém tuổi con gái lớn của chàng
hàng chục tuổi! Chính vì nàng còn ít tuổi, lại có thời ở tỉnh tập ăn chơi sành
diệu nên nàng nhõng nhẽo làm cho ông già biết thế nào là cầm dùi ghè trống
bỏi.
- Anh ơi, sáng mai vợ chồng mình đi Hà Nội ăn cơm niêu
với cá kho tộ, chiều ăn bánh tôm Hồ Tây cơ!
- Anh à, vợ chồng mình đi câu cá ở nhà sàn câu lạc bộ Đầm
Sen đi!
- Anh nhé, chủ nhật này du lịch ao Vua hay đi ăn cơm lam
với trứng cò ốp lết ở vườn cò Ngọc Nhị Ba Vì được không?
- Ô thế, hè này tắm biển Sầm Sơn hay Cửa Lò hả anh?
- (...)
Tất cả những câu "anh ơi, anh à, ô thế" đại loại như trên đều được
Vinh chiều nàng đến nơi đến chốn làm cho bồ thóc, chum gạo vét quèn quẹt đến
đáy mà lòng vẫn đê mê với những "anh ơ, anh à, ô thế", dẫn đến căn
bệnh trầm kha là bồ thóc, chum gạo nhà Vinh nhẵn như chùi vì sự tiêu sài quá
trớn. Khi đã túng thì phải nghĩ cách tính! "Gà già ăn quẩn cối xay nhà
hàng xóm" vậy.
Tất cả các hồ ao trong làng hồi chưa có hợp tác xã đều
của sở hữu tư nhân. Từ tổ đổi công chuyển nhanh sang hợp tác xã, bà con rất
phấn khởi, nhà nhà đều làm đơn xin vào hợp tác xã để được làm ăn trong tập thể
xã hội chủ nghĩa mong giầu có nhanh chóng. Giữ lại mảnh ruộng, cái ao tù tư hữu
làm gì mãi chớ ? Vậy là mọi ao nhỏ, đầm to trong làng Hiến Văn đều do hợp
tác xã quản lý. Có ao hồ trong tay ban chủ nhiệm thành lập ngay đội nuôi trồng
thuỷ sản. Trên bờ ao là những dẫy chuồng lợn lai kinh tế, phân lợn ị ra giội
nước tăm cho lợn, chảy cả xuống ao làm thức ăn nuôi cá luôn. Nhưng cái sự
đời nó lại cứ ngược với ý muốn của con người, thế mới tức chứ! Các loại ao xưa
nay thường nằm trong khuôn viên của mỗi gia đình, nước không thể lưu thông sang
ao nhà khác, mà ao nhà khác cũng chẳng thể chảy nước được sang ao nhà này, trừ
nước mưa trời cho. Nay đem nuôi cá dưới ao, nuôi lợn trên bờ, phân lợn chảy
xuống nhiều, cá ăn không xuể làm nước ao nhiễm bẩn đen ngòm, cá giống vừa thả
đã thiếu ô xi chết nổi lên phền phềnh. Vỡ mất
nồi đành vơ lại rế. Ban chủ nhiệm ra lệnh cho tổ chăn nuôi vớt cá chết ướp muối
nấu cho lợn ăn dần.
Các chuồng lợn của hợp tác xã nằm xen kẽ sát nhà xã viên,
mùi phân lợn bay đầy không khí. Ngoài sân, trong nhà, cả trong buồng ngủ đâu
đâu cũng ngửi thấy mùi phân, thậm chí uống hụm nước vối, cắn miếng khoai luộc
cũng thấy thoảng mùi phân lợn. Bị bà con phản ứng quá ban chủ nhiệm hợp tác xã
đành giải thể nghề chăn nuôi. Những hồ ao đó liên chuyển sang kinh doanh... hóng cá lạc! Cuối năm bị tốn bao nhiêu tiền điện cho máy bơm tát ao bắt lấy vài cân rô ron, săn
sắt chia cho xã viên kho dưa khú! Lúc chuyển cơ chế sang chia ruộng khoán hộ,
những cái ao tù đó chả thấy ban chủ nhiệm đếm xỉa tới nữa, coi như ao hồ hoang. Bà con cứ nghĩ ao xưa là của nhà
mình thì mình được sử dụng. Vợ chồng con cái hò nhau tát nước vét bùn lên bón
gốc chuối, bơm nước mới vào thả đôi mươi con trắm cỏ, vài chục con rô phi để
khi có khách, có giỗ chạp ra kéo mẻ vó bắt cá đãi khách cho tiện. Cá dưới ao,
gà nuôi vườn không phải mua chợ, sợ gì cha con “lý trưởng” soi mói nhà mình hay
ăn thịt, ăn cá.
Bỗng các nhà có ao được mời đi họp đều giật mình
khi nghe chủ nhiệm Vinh phổ biến "tình hình mới": Tất cả mọi ao
hồ trong làng đều do hợp tác xã quản lý, giờ nhà nào muốn lấy lại phải nộp trả
hợp tác xã một sào ao là năm triệu đồng. Ai không lấy lại ao thì để người khác
vào mua, vẫn giá ấy.
Dân tình phản đối ầm ầm... Phản đối cho cái bức
vách nó nghe!
Các cụ nhà ta ngày xưa sai bét be, nhìn thấy đôi
tai bức vách mọc ở đâu mà các cụ bảo "Bức vách có tai"? Kính xin bậc
tổ phụ nào đã sáng tác ra câu "bức vách có tai", cho con mãn phép
được đính chính: "bức vách không có tai, và cả ông chủ nhiệm làng con cũng
không hề có tai nốt" vì thế cho nên bao nhiêu ao hồ của tổ tiên để thừa kế
lại cho ông nội chúng con, ông nội chúng con thừa kế lại cho bố chúng con, bố
chúng con thừa kế cho chúng con, giờ bị chủ nhiệm Vinh "ưu
tiên" chúng con bỏ tiền mua lại hồ ao thừa kế của mình!? Không có tiền mua
chủ nhiệm đem bán cho người khác? Nông dân chúng con xin cắn rơm, cắn chấu:
"Lạy ông cơ chế, lạy bà tư duy" thời đổi mới!(*)
Nhiều nhà không có tiền mua lại hồ ao của mình bị chủ
nhiệm Vinh bán cho người khác thật. Người đẻ ra nhiều mà đất đai vẫn có thế.
Năm triệu đồng nghe có vẻ to thật nhưng vài năm nữa nhà nước mở rộng Thủ đô đến
đây thì tiền tỷ nắm trong tay ta là cái chắc. Những người có đầu óc tính toán,
tính ra ngay cái lợi. Thế là làng Hiến Văn như một cái chợ giời mới mở cho họ
đem bán xe máy, tivi, tủ chè, sập gụ, hoành phi, câu đối cổ, trâu, bò, lợn, gà...
bán tào bán huyệt để dồn tiền mua lại hồ ao nhà mình hoặc của nhà hàng
xóm! Người các xã xung quanh đổ về làng Hiến Văn khuân đồ đi như nước chảy.
Nhiều nhà không mua lại, cũng không cho người khác đến mua hồ ao trong vườn nhà
mình. Họ đe: "Đứa nào cố tình đến đây mua ông chém chết!" làm
cho tình làng nghĩa xóm rối beng như búi tóc tóc rối. Nhà này hầm hè doạ dẫm
nhà kia, gây thù chuốc oán nhốn nháo mấy năm trời. Chính quyển xã lại cho đây
là việc làm mang tầm vĩ mô tăng ngân quỹ cho xã một khoản tiền lớn. Xã liền
trích hai mươi phần trăm số tiền bán hồ ao làng Hiến Văn thưởng công cho cái
“tầm vĩ mô” của Vinh. Uỷ ban xã thừa thắng xông lên phát động các làng
khác làm theo sáng kiến của Vinh. Vinh có ngay món tiền để chiều
theo ý thích tưng tửng của cô vợ trẻ ở những nơi non xanh nước biếc cùng nhau
treo hồn lên cành cây, vách núi in thành vài tập thơ đem đi kính các kiểu biếu,
tặng trong làng ngoài nước để làm sang!
Tiền có đồng, cá có con, đâu phải là nước sông nước biển
mà múc không bao giờ cạn. Số tiền xã thưởng việc bán hồ ao của mình cho nhà
mình, cho người làng tiêu hết. Vinh lại nghĩ ngay ra kế kiếm tiền mới. Kế này
mới cao... thịt thủ con mẹ đồ tể. Chỉ cái đầu những ông chủ nhiệm HTX kiêm “thi sĩ” nhà quê mới sáng tác ra nổi.
Vinh mời các hộ đang canh tác ổn định trên những thửa
ruộng vừa gần nhà, vừa là những chân ruộng tốt, cấy một năm hai vụ lúa và thâm canh thêm hoa màu năng xuất khá cao
đem chia lại. Bản chất người nông dân không thích thay đổi, chẳng thích xáo
trộn. Hồi còn mồ ma kiểu ăn công chấm điểm cha chung không ai khóc. Cày bừa ví
dụ, miễn sao cắm cây lúa xuống ruộng cho xong
để lấy công điểm ngày hôm đó cái đã, lúa tốt hay xấu đã có hợp tác lo. Phân hoá
học vãi bừa, làm cho đất vừa kiềm vừa chai. Từ chia khoán sản nhà nào nhà nấy
bỏ bao công sức cắt lá ủ với phân lợn, phân trâu, cày sâu bừa kỹ, rầm ải đổi màu cải tạo lại bằng phân hữu cơ, giờ đất mới thuần, gieo
trồng đang có năng suất thì lại bị đổi sang ruộng khác.
-Vô lý quá!
Vâng, vô lý thật. Nhưng chủ nhiệm Vinh thì lại thấy có lý!
Trăm cái lý của bà con... không bằng tí cái lý của chủ
nhiệm Vinh. Ai muốn được tiếp tục canh tác trên ruộng cũ thì đem phong bì đi
cổng sau vào nhà Vinh mà thương lượng... Sau đó làng Hiến Văn chẳng ai phải đổi
ruộng cả. Đâu cứ vẫn y nguyên cày cấy trên ruộng nhà mình như xưa. Chủ nhiệm
Vinh lại có tiền rủng rỉnh cùng cô vợ trẻ đi du ngoạn sơn thuỷ hữu tình, ăn đặc
sản cua lùi, ốc nướng, thịt chồn, thịt cáo, lẩu dê, lẩu lươn để tuôn ra thật
nhiều thơ. Thơ tuôn ra và các ngón tay, ngón chân Vinh cũng mọc gai đỏ mọng,
nhẵn thín, hai mắt cá chân xưng tấy lên đau nhức, buốt râm ran đến nỗi
phải chống nạng mới đi được. Đi khám, bác sĩ ghi
vào sổ y bạ của Vinh một chữ... Gút (Goulte) to đoàng
___________
(*): Thơ Nguyễn Duy.