Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Cười xuyên thế kỷ (tập truyện)

7. Huýt chó bụi rậm 

Sáng nay, bốn con nhà quê bọn em lại thủng thẳng từ phố này qua phố khác mỏi rời hai cẳng mà chẳng mua được tý tẹo gì đút vào đôi quang gánh để kiếm xuất cơm bụi ném vào bụng bữa trưa. Lăng quăng thế nào lại í ới gặp nhau ở một con phố nhỏ ngán ngẩm với bốn đôi quang gánh rỗng không, túm lấy nhau ngồi dưới một gốc cây lật nón, lật khăn nhau ra đứa nọ nhổ tóc ngứa cho đứa kia để vừa buôn dưa lê chuyện trên trời dưới bể tứ lung tung  thời sự “thế giới” chồng con. Đứa khen chồng hết lời, đứa chê chồng cạn một dòng sông nhẽ. Chuyện đang tới hồi vui tưng bừng thì bị hãm phanh đánh bụp! Bởi một ông, mắt đeo kính cận hay kính lão rất khó đoán định, phân biệt.  Vì kính cận hay kính lão mắt kính đều trắng giống nhau. Mà việc gì phải đoán, ở vào tuổi ông ta chẳng ông Hai Cận cũng bà Ba Viễn, đoán chi cho mệt cái khúc dồi Tây (xúc xích)! Hai tay ông ta xách lễ mễ hai bó vừa sách, vừa tạp chí cũ đứng soi đôi tròng kính trắng vào mặt từng đứa trông rất chi thám tử hình sự làm bốn con nhà quê chột dạ, sợ ông này cũng giống ông đi xe máy hôm trước đến rủ về nhà đổi vỏ lon... bia thì hãi lắm. Đứa nọ bấm đứa kia bảo nhau cảnh giác.

Bỗng ông ta hất hàm:

-  Mua sách cũ không?

       Em vội vàng hất tay con bạn đang táy máy nhổ tóc ngứa trên đầu, đứng bật dậy:

- Vâng, cảm ơn anh! - (Người thành phố, già mấy họ cũng thích phụ nữ kêu bằng anh) - Bán cho bọn em là anh rất tinh. Bọn em mua bao giờ người bán cũng được lời! Không tin anh hỏi cả phố này mà xem, ai có chè chai đồng nát, phế liệu phế liếc đều chờ bán cho bọn em cả. Các hội” khác là chúa hay ép giá, còn làm sai lệch cân lệch đấu để ăn gian của các anh cơ!

- Dưng mà sách của anh là sách quý, tính theo quyển, anh không bán cân.

Ông ta giải thích.

Em liền túm lấy bó sách, đặt xuống vỉa hè mở dây ra xem. Toàn sách quý thật. Sách triết học, sách chính trị, tiểu thuyết nội, tiểu thuyết ngoại, sách giáo khoa các loại, có cả giáo trình đại học, sách tham khảo các chương trình học từ lớp 7 đến lớp 12, cả những tập thơ với những cái tên rất bay con bươm bướm còn nguyên chữ của tác giả đề tặng, ký lằng ngoằng giun dế hẳn hoi; có trang còn chưa rọc!  Em tò mò muốn biết tên ông ta, liếc dòng chữ đề tặng ở trang đầu, em hỏi:

- Tên anh là Văn Cuôi ạ?  

  Ông ta trố mắt nhìn em:

- Sao cô biết?

Em vênh mặt lên khoe:

- Anh chớ coi thường, em là thày bói bài Tây loại xịn đấy. Năm ngoái em bói cho một anh nhà văn ở tỉnh nọ, bói trúng đến nỗi nhà văn bắt em “bói bù”! Bài phú của anh ấy gửi cho em qua imeo (emai), em đọc anh nghe:

“Phú dâng thày bói bài Tây!
- "Nhờ linh thày
Ngồi Bờ hồ cho ruồi đậu mép
ăn mỳ tôm, uống nước máy cầm hơi
Ế chảy ế chương vì lối đoán mò
cha bỏ con, tớ bỏ thày phán xanh rờn:
                                                 hạnh phúc
Đầu con ruồi, đuôi cái đĩa luẩn quẩn đoán mò
cái cứng như đanh phán là mềm nhũn
Nước kiệu phi lại bảo nước mã hồi
thôi cũng cho qua để thày kiếm chác quẻ
này không trúng xin thày
"bói bù"
Em bèn i meo lại cho anh ta bài phú luật Đường, ba lung tung đủ:"Bát tứ, song quan, cách cú, hạc tất":

Anh khoe nó cứng
Bà xã kêu mềm
Sợ vợ, đầu lộn phèo xuống đít
Có ít anh đem suýt ra nhiều
Bởi ăn phàm, ăn cả tôm non
giống má;
Cho nên cứt lộn lên đầu
Cũng khoe tài nhà văn, nhà viết
Đọc văn anh em đây thừa biết
Tay cầm bút,
tay vác riu đưa đẩy
Làm thêm;
ngâm nước suốt ngày, còn gì ngựa phi ngựa... phiếc
Mà đòi mặt vênh vang cái...
"Lộn s
èo".

- Cô này buôn đồng nát mà cũng lắm chuyện nhỉ?

- Hi hi...! Anh chưa biết mặt hàng của em đâu. Ngày xưa suýt  nữa em thành nhà thơ, suýt nữa được đi dự hội nghị những người viết văn trẻ ở Ấp Thái Giám cơ đấy!

- Sao cô không cố mà viết văn, làm thơ cho sang, lại đầy thân đi buôn đồng nát?

- Anh bảo cứ ai thích cái gì làm được cái đó thì có mà xã hội đã công bằng mĩ mãn. Cố ngoại ngoại ngoại về đằng mẹ em ngày xưa bụng một bồ chữ Hán, chữ Nôm, thơ Đường thơ Tống, truyện Tam quốc, Thủy Hử, Truyện Kiều... thuộc làu văn tự mà vẫn chỉ đi gõ đầu trẻ nít ở làng và cày ruộng lấy thóc xay ăn ngày ngày nữa là... em!

Thấy bọn em mua sách bằng cân với giá đồng nát, ông ta không bán, bảo:

- Rẻ thế thì anh đem về đọc dần để nâng cao kiến thức còn hơn.

Em liền nói đùa:

- Trông anh đã thấy đầy mình “Kiến thức quanh ta” thế kia thì việc gì phải đi đọc lại ba cuốn sánh cũ này chi cho mệt. Bây giờ người ta viết, dịch toàn những thứ sách “Ăn mày dĩ vãng” của thế kỷ 20 hay ơi là hay sao không tìm mà đọc? Bó sách này của anh đã được một ông nhà thơ khái quát bằng bốn câu:

- “Những cuốn sách một thời như sấm trạng

    Giờ bán cân bà đồng nát mua về

    Những quy phạm một thời như thước ngọc

    Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê...”.

                               (Thơ Trần Nhương)

       Nghe em đọc xong bốn câu thơ trên ông ta đỏ bừng mặt vác bó sách về không nói gì thêm nửa câu.

Nửa tháng sau, bất ngờ em gặp ông ta rải tấm bạt trên hè một con phố bày bán lẻ số sách định bán cho em hôm trước, hôm nay bày bán cho người sưu tầm sách cũ, người nghèo thích đọc sách. Em cũng vừa mua được một gánh toàn tiểu thuyết nội, tiểu thuyết ngoại, các  loại sách tử vi, sách bói toán, sách xem tướng số in ấn giấy đẹp, bìa đẹp của một hiệu sách tự chọn họ bán thanh lí. Em chào bán lại cho ông ấy. Ông ấy đòi mua đánh đồng theo cuốn. Nhẩm tính lãi được dăm chục nghìn bỏ túi em bèn bán luôn. Thanh toán tiền xong ông ta mới nhận ra người quen, mặt ông ta đỏ bừng. Nghe người ta nói: “Biết đỏ mặt vì xấu hổ là nhân cách của giới trí thức”, chả hiểu có đúng thế không?

         Ông ta chiếm góc vỉa hè ngồi bán sách cũ chắc cũng đắt hàng, làm ăn được. Mỗi buổi chiều về qua thấy khách xúm xít chọn chọn xem xem tíu tít. Lại có thêm một thanh niên trông giống ông ta như bản copy đứng hỗ trợ bán hàng. Từ hôm ấy, hễ mua được sách cũ, em đem bán lại cho ông ta cả; thanh toán tiền xong, rảnh rỗi là “đàm đạo” chuyện văn, chuyện sách, chuyện đọc, tào lao trên trời dưới bể cùng ông ta...

Một lần ông ta hỏi:

- Cô đã đọc THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY chưa?

- Em đã đọc qua.  - Em trả lời.                               

       - THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY mà cô chỉ đọc qua thôi a? - Ông ta bảo.

       - Thì người ta bán giấy mớ cho em, thấy thì em đọc chơi chơi.

       - Thế tiểu thuyết RUỒI TRÂU? - Ông ta lại hỏi:   

       - Cũng xem lướt qua để giết thời gian buổi trưa nơi gốc cây.

           - Trời, nhà cô này đọc với chả học! Phí cơm! Trách gì đời cô chỉ buôn đồng nát là phải! Pa Ven và Ruồi Trâu là hai nhân vật anh hùng của nhân loại, thanh niên cả thế giới gần trăm năm nay người ta học theo, làm theo tinh thần dũng cảm của họ chứ cô tưởng chuyện thường à?      

       Em thủng thẳng trả lời:

- Các anh tài trai chí nhớn, các anh học chứ em phận đàn bà nhà quê, lấy chồng, đẻ con, quần quật làm để nuôi con đến nỗi thân tàn ra đồng nát thế này thì anh bảo học gương các vị ấy để ứng dụng vào đâu mà học cho đau đầu, nhọc xác!

Ông ấy nhìn em từ đầu tới chân vẻ thương hại và giải thích:

- Hai cuốn ấy phải đọc kỹ, nhớ kỹ để khi con cô lớn lên biết cách mà dạy dỗ chúng sống sao cho ra cuộc sống, không thì chúng sẽ thành một lũ hèn nhát, khó khăn không dám xung phong, giặc chưa tới đã bỏ vị trí chiến đấu thì... có mà mất nước như chơi...! 

Ông ta chỉ vào thằng con chừng 20 tuổi đang đứng phụ giúp trông hàng, diễn thuyết tiếp:

- Thằng con tôi đây, tôi bắt nó thuộc lầu từng chi tiết trong hai cuốn truyện đó, tôi kiểm tra đoạn nào phải kể lại y chang như sách...!

       Đúng lúc ấy có một cô gái, chắc là sinh viên tạt xe sát vỉa hè, đứng ngó những cuốn sách bày từng dãy, từng dãy trên tấm bạt. Chiếc túi xách treo lủng lẳng nơi ghi đông xe máy. Bỗng anh con trai ông ta lao ra giằng lại chiếc túi từ tay một gã trai hom hem, môi thâm, mắt trắng dã trả lại cho cô gái; còn định nện tên ăn cắp một trận. Thấy sắp xảy ra “chiến sự”, em vơ vội đôi quang rổ đồng nát của em ngăn giữa hai người. Tên kẻ cắp bỏ chạy,  còn cô gái mặt tái xanh tái mét nhận lại chiếc túi, nói:

- Cảm ơn anh! Không có anh thì em mất cái túi này. Trong túi bao nhiêu giấy tờ quan trọng...    

       Nói lời cảm ơn xong cô gái phóng xe đi. Ông bán sách vội vàng giục con thu hàng gói lại. Thấy lạ, em hỏi:

       - Giờ tan tầm bán được sao anh đã dọn hàng sớm thế?

       Ông ta gắt, mắng anh con trai:

- Ngu lắm con ơi! Nó ăn cắp của người ta chứ ăn cắp của nhà mày đâu mà can thiệp vào? Từ nay bố mày phải “bán xới” khỏi đây rồi. Còn ngồi bán ở đây thì mày chết, cả tao cũng hết hơi với chúng nó. Gói hàng nhanh lên mà về không chúng nó kéo “hội” nọ hộ kia đến trả thù bây giờ... Nhanh lên!

Em vội giúp họ nhanh chóng thu đống sách gói lại buộc lên hai xe đạp. Khi bố con họ đèo mỗi người một bó đi đã xa xa, nhìn theo thấy thương hại cha con họ quá. Hóa ra cái kiến thức của ông ta chỉ ở trình độ “huýt chó bụi rậm”!     

                                                 HXH (ghi)

  

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ