Phần 1
Cõi âm
(43)
Tiếp theo
Tiếng mõ dội vào tai tôi đều đều, năm tiếng cốc kèm một tiếng keng (chuông
điểm). Thầy thế tôi buột mồm hỏi:
- Nhà mình gần chùa hả chị?
- Không, nhà em đấy ạ.
Không hiểu do Thó, hay vợ Thó muốn khoe cái bàn thơ Phật mà dẫn tôi lên thẳng tầng ba. Vì đi theo chủ nhà, làm theo chủ nhà, chủ nhà bỏ giầy dép dưới tầng một đi chân không lên, tôi cũng làm theo nên chúng tôi đến sau lưng Thó, không hề nhìn lại thó vẫn biết tôi vào. Tay đang liên tục gõ cốc cốc vào cái mõ nhỏ, Thó gõ một nhát xuống chiếu phía tay phải mình. Vợ Thó biết ý chắp vội hai bàn tay trước ngực quỳ xuống chiếu. Nhát thứ hai Thó gõ xuống bên trái. Là người chậm hiểu về ngôn ngữ kí hiệu nên tôi vẫn đứng trân trân ngắm bức hình Phật bà Quân Âm do thợ vụng vẽ trên kính với đôi mắt vô hồn đang nhìn đi đẩu đi đâu chẳng hề giống những pho tượng cổ trong các chùa, dù tôi đứng ở bất cứ góc độ nào cũng cảm thấy các vị Phật đưa mắt nhìn theo mình. Mới thấy các nghệ nhân dân gian xưa thật tài hoa, tô đôi mắt tượng có thần khí và có hồn cốt bao nhiêu. Vầng hào quang điện xoay xoay sau gáy tượng cùng những cái bóng điện nhỏ như hạt đỗ nhấp nháy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng đuổi nhau chạy từ ngực lên đầu, lại từ đầu xuống ngực như gõ vào thị giác khi nhìn vào, làm tôi rờn rợn, chờn chờn, hãi hãi mà tin tin, mà ngưỡng ngưỡng (tín ngưỡng) theo gia chủ vài giây. Thó gõ nhát thứ hai tôi vẫn đứng nghĩ vơ nghĩ vẩn, tiếp nhát thứ ba tôi vẫn đứng trơ thổ địa giương đôi mắt ếch nghĩ đi đẩu đi đâu, cả ý nghĩ của tôi cũng đẩu đâu nốt!
Những dịp đầu xuân rảnh rỗi tôi cũng đi tham quan các chùa chiền để thưởng
ngoạn những nét chạm trổ tài hoa của ông cha thể hiện trên tượng Phật và các đồ
thờ cúng nơi đình chùa. Vì là người không ham hưởng của phù vân, thứ của không
mất mồ hôi mà có nên tôi chẳng cầu xin thánh thần, Phật phiếc bao giờ, thành
thử tôi không quen sì sụp quỳ bài bái lễ dưới đất để xin xỏ các vị ấy, dù người
ta đồn thổi chùa này linh, đình kia thiêng, đền nọ ứng nghiệm, cầu gì được nấy
cả tài lẫn lộc! Vì tò mò tôi đến ngắm ngó chứ chẳng cầu xin gì ở những “thế lực”
ảo huyền ấy.
Thó vẫn bàn tay trái xoè thẳng, ngón
tay cái áp ngực, bốn ngón tay còn lại thẳng hàng hướng lên ban thờ, tay phải
liên tục gõ mõ, gõ chuông, miệng liến láu đọc những câu trong quyển kinh dày
cộp mở sẵn một tràng: “Tu lị, tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị, ta bà ha… Tu đa lị,
tu đa lị, tu ma lị, tu ma lị, ta bà ha”... làm cái đầu đặc quánh mỳ ăn liền của
tôi chịu cứng không hiểu nổi ý nghĩa uyên thâm những câu “tu li, tu lị” huyên
thuyên xích đế từ mồm dẻo quèo quẹo của Thó đang đọc là gì. Và tôi nhớ ngày xưa
hễ thấy ai đi lễ chùa là Thó chế giễu họ
bằng câu: “Nam vô a di đà mật, nước Nam vô Phật...”.
Ðứng một lúc hai chân mỏi rời, ê ẩm, tôi đánh mắt nhìn lên cái kim dây đồng
hồ trên tường đang chạy giật cục mãi mới hết một vòng càng thêm sốt ruột. “Trên đời không gì đau khổ bằng chờ đợi”.
Câu văn này của ai nhỉ? Hình như của Vũ Trọng Phụng. Chữ “đau” liền với chữ
“khổ” lúc này hợp cảnh ngộ mình thế! Hai chân đã tê dại, mặt nóng bừng bừng,
mắt hoa, đầu như có vật gì nén căng muốn vỡ. Tôi phải vặn người, vươn vai, khua
chân múa tay cho máu lưu thông.
Như một vị chỉ huy nghiêm khắc đến lạnh lùng, Thó ra lệnh thêm:
- Quỳ xuống!
Thấy tôi chưa quỳ, vợ Thó nhắc:
- Nhà em bảo bác quỳ lễ phật đi, chứ người hành lễ, người đứng xem phải tội
chết!
HXH
(Còn nữa)