Phần
1
Cõi âm (42)
Tiếp theo
Trên bờ sông vắng, một bãi sông rộng bạt ngàn tre và xoan. Cây xoan, tre nào cũng sắn dây leo bám chùm kín tới lưng cây một búi. Chạy dọc ven bờ sông, một lối mòn nhỏ ngoằn ngoèo đang ba đoàn người mỗi đoàn đi cách nhau quãng một, người nào người nấy mình trần trụi mắc sợi dây chão trên vai gò lưng, cong người úp sát mặt cỏ kéo ba cái thuyền buồm ngược dòng sông. Ba con thuyền chở đầy đá hộc, thuyền nào cũng có ba tên quỷ đầu trâu mặt ngựa ngồi quây tròn trên sạp thuyền uống rượu cùng nhau. Bên mạn thuyền phía bờ sông một người đẩy sào, liên tục chống cây sào vào bờ, cong người đẩy ngược dòng nước hỗ trợ thêm cho những người kéo dây trên bờ. Chẳng hiểu bọn quỷ ngồi để canh thuyền đá hay để ốp thúc đoàn người kéo thuyền làm việc cho nghiêm túc? Trong đoàn kéo thuyền có một người trông hơi quen quen. Tôi đang moi trí nhớ để nhớ ra con người này thì hắn đã ngước lên nhìn tôi và reo to:
- Ơ Phong, mày cũng xuống đây rồi hả? Mày làm gì, có được làm nghề cũ
không? Còn tao là cán bộ trên trần gian nhưng khi xuống đây Diêm vương bắt làm
khổ sai kéo thuyền thế này có bố láo, bố toét không? Trên trần gian máy nổ Ði-
ê- zen (diesel) bao nhiêu sức ngựa, sức tải mà chả có. Tao đề nghị: một là Diêm
vương mua, không để tao gọi “điện thoại” báo mộng cho người nhà lên phố Hàng
Mã, Hà Nội mua vài cái gửi xuống gắn vào thuyền cho nó chạy khỏi phải dùng sức
kéo của những vong hồn, vất vả lắm. Các lão không nghe, bảo tao là lười biếng
quen thân xác, bắt bọn tao khổ sai rong ruổi kéo dây ròng rã hết ngày này qua
ngày khác đoàn thuyền này. Mẹ kiếp! Diêm vương, Hà bá có khác, bảo thủ bỏ mẹ!
Kiếp sau tao thề, sẽ trốn ngay từ đầu, không thèm xuống đây nữa. Ở đây mọi trật
tự nơi trần gian bị đảo lộn ráo trọi, ức không chịu nổi!
Ðó là Thó. Về con người này, khá nhiều chuyện bi hài…
Thông qua người bạn nào đó gã biết số điện thoại của tôi, thỉnh thoảng gã
lại gọi mời tôi tới nhà gã chơi. Mãi lâu sau tôi mới có thời gian rảnh rỗi để
đến nhà gã. Nhà gã ở một khu phố vừa được đô thị hoá từ đất nông nghiệp chuyển
đổi hình thức sử dụng chia chác đánh bùn sang ao biến thành đất tư cho các quan
chức hành chính trong tỉnh xây nhà riêng. Biển đề là phố nhưng thực ra chỉ là
cái ngõ nâng đời thành phố cho dân được làm sang; nếu định nghĩa cho đúng về
đường phố. Hai dãy nhà hình ống, cái loi choi thò ra vừa như khoe của vừa như
để tranh hơn. Cái biết phận mình chức bé, quyền nhỏ, lương thấp, tiền ít khúm
núm tự thụt vào nấp sau đám cây cảnh để ẩn dạng ẩn hình cho đúng với thân phận.
Người tinh ý khi đi qua con phố này nhìn dáng nhà, nếp cửa nhận biết ngay ai
cấp thấp, người cấp cao, kẻ nào lắm của tiền bằng sự sắp đặt ngẫu nhiên về thẩm
mỹ kiến trúc. Kiểu kiến trúc pha tạp, véo kiểu ông Tây một tí, bẹo kiểu bà Tàu
một tẹo; râu ông Hàn cắm cằm bà Nhật: cũng cột giả, vòm cong, khung nhôm kính
màu, hoa văn tô trát chim cò rắc rối, trông vừa phản cảm vừa gây ý nghĩ lệch.
Thường xuyên bị những nét kẻ vẽ sặc sỡ, cứng quèo vả vào đồng tử như thế gì mà
đôi mắt trẻ em chẳng sớm kính cận, người già chẳng loạn thị và mắc troét
(Stress).
Nhà tôi cần tìm cũng hao hao, anh em sinh ba sinh bảy với số ngôi nhà thụt
vào trên con phố đó. Tôi ấn nút chuông gọi cửa, rôig đứng chờ. Khá lâu mới thấy
cái lỗ tò vò tròn xoe hất mảnh tôn che ra và một con mắt nhòm ra soi mói từ đầu
đến chân tôi. Sau đó “vứt” qua lỗ tò vò một câu tròn vo bốn tiếng:
- Bác hỏi nhà ai?
Tôi mau mắn đáp:
- Tôi hỏi anh Thó!
- Thó là tên nhà em hồi ở quê. Giờ nhà em tên là Thọ. Bác ở quê ra ạ?
Tiếng Việt biến hoá thật tài tình, chỉ đổi mỗi dấu sắc sang dấu nặng làm
cho cái tên hay hẳn, còn có thể sống lâu trăm tuổi nữa! Mẹ gã ngày xưa đi lấy
đất thó (đất sét) về nặn đầu rau để tết ông công ông táo thay vua bếp mới, đẻ
rơi gã tại nơi lấy đất, bèn lấy tên Thó đặt cho gã, ý muốn có đứa con hiền lành
như đất. Nhưng chữ Thó còn một nghĩa chỉ việc ăn trộm vặt: “Bông sen trắng nõn trắng tinh thó về...”.
Cái tên ấy vận vào đời gã. Mười lăm tuổi gã đã là một tay bợm thó. Gã thó từ
phẩm oản trên chùa, đến đấu gạo, ổ trứng gà của khắp mọi nhà trong làng, người
lớn không mấy ai hay biết về việc trộm vặt của gã, lũ trẻ chúng tôi thì biết
khá tường tận, nhiều khi còn bị hắn rủ rê. Cô giáo dạy lớp chúng tôi có bìa tem
phiếu cất trong cặp để khi dạy xong về qua cửa hàng thực phẩm mua lít nước mắm
về ăn, cũng bị Thó… thó mất. Khi xếp hàng đến lượt mở cặp không thấy tem phiếu
đâu, chưng hửng về không. Cả nhà cô bữa đó phải ăn cơm rau chấm nước muối. Nghe
cô giáo kể lại cả lớp đều thương. Riêng bộ mặt Thó vẫn nhơn nhơn không hề gợn
chút xúc động.
“Chỉ thằng Thó”. Ai cũng nghĩ thế và
thì thầm vào tai nhau, lườm nguýt về phía Thó cho bõ tức chứ làm gì được khi
không bắt được quả tang tên kẻ cắp.
- Vâng, tôi tới thăm anh Thọ.
Chắc trông tôi không đến nỗi giống quân “thấy gì là thó” nên cửa được mở ngay
rộng cánh:
- Em mời bác vào chơi, nhà em đang bận chút việc…
HXH
(Còn nữa)