Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM


                               Phần 1

                            Cõi âm (44)

 

Tiếp theo

Vị Phật thần thông nào đã cải tà quy chính được kẻ hỗn hào như Thó trở thành ngoan đạo hôm nay thật là điều lạ? Chả bù xưa kia, oản cúng trong chùa, gà cúng trong đình, nhà sư lơ là, cụ từ không để ý là bị Thó “đột kích” vào bê luôn cả con chui vào ruộng mía ngồi ăn. Thời học cấp hai, Thó học gần như hai năm một lớp, riêng lớp bảy phải mất ba năm. Chỉ được cái tài trộm vặt. Ði làm ở đâu thấy hở thứ gì là thó thứ ấy đem ra quán nước đổi lấy bánh rán, kẹo lạc, thuốc lá, nước trà để uống, ăn và hút. Thó chẳng làm đâu được lâu. Mấy án kỷ luật về tội thó vặt của công, của tư, bị thải hồi trả về địa phương. Sau đó chẳng ông uỷ ban xã nào dám chứng nhận lý lịch cho Thó đi thoát ly nữa. Thó lên thị xã ở theo diện KT3. Bẵng đi trên hai chục năm không gặp nhau, nay gặp lại, Thó bỗng có máu mặt sánh bằng thiên hạ giữa phố phường đông đúc, lại trở thành Phật tử ngoan đạo tu tại gia nữa! Thế này thì, cho dù chúng tôi có sống vài kiếp cũng chẳng thể theo kịp, sánh kịp Thó. Tôi đang định chào để ra về thì Thó ngừng tay gõ mõ, mặc nguyên áo dài nâu đứng dậy nắm lấy tay tôi vồn vã:

- Ðang tụng giở phẩm kinh, thông cảm nhé. Gớm, mình mong ông đến đỏ cả hai mắt đây này.

Thó quay sang nói với vợ:

- Mình đi mua cho chúng tôi cái gì đánh chén đi.

Vợ Thó bảo:

- Hôm nay ngày ăn chay anh ạ!

Thó bảo:

- Gặp bạn cố tri, ta phá lệ!

Sau này, có dịp gặp những người khác tôi mới biết không phải mình tôi vinh dự được Thó mời tới nhà, mà tất cả mọi người quen biết, thân sơ thời để chỏm đều được Thó tuần tự mời đến thăm nhà, kể từ khi Thó xây được cái nhà ba tầng toạ lạc ngay đầu thị xã. Bạn bè ai cũng mừng cho Thó: “chú khoẻ anh càng mừng”. Nhưng cũng có vài người hẹp bụng, ghen tị dò tìm cái sự giàu của Thó để khi ngồi vào chiếu rượu có chuyện mà cười cợt, chế giễu cho ngon rượu, cho vui bữa chén để mua vui trong lúc hết nhẵn trò vui lúc đình đám hội hè mỗi khi về làng.

Sau khi bôn ba nhiều các công trường, chẳng trụ đâu được lâu vì cái tính tắt mắt cố hữu, Thó tự rút ra kinh nghiệm rất đời, “rất kinh tế thị trường”. Thó thổ lộ cho bạn bè cái ý nghĩ mình đúc kết, tích góp được trong “hộp đen” não bộ:

- Bố mẹ đẻ chẳng có chức quyền cho mình nhờ cậy thì kiếm cô vợ, bố mẹ có chức có quyền mà cậy nhờ. Cứ có bố vợ mẹ vợ làm to là nên người ngay tấp lự! “Nhà mặt phố, bố vợ làm to” là đổi đời liền!

Nghe Thó thổ lộ tâm can thế, có người bảo:

- Tình yêu hạnh phúc mà âm mưu, toan tính thì còn gì là vẻ đẹp, là ý nghĩa của tình yêu, hạnh phúc?

Thó đả phá lại ý kiến trên rằng:

- Quên béng cái túp lều gianh với hai trái tim vàng của các cụ ngày xưa đi cho nhanh!

Và Thó giải thích chữ “tông” nghe mới ngáo ngơ, trơ tráo:

- Các cụ nhà ta ngày xưa còn “kinh tế thị trường” gấp trăm lần chúng ta bây giờ! Cứ suy câu “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” thì rõ. “Tông” là cái quái gì chứ? Chẳng lẽ là cái tông đơ cắt tóc hay chuôi con dao tông của làng rèn Ða Sĩ hả các “bố”? Ép cậu thiếu niên 15, 16 tuổi chưa vắt nổi con trâu đi đúng xá cày, cưới “chị” vợ 20, 25 tuổi để lấy người về cày cấy mấy mẫu ruộng, mà chị vợ ấy thường là con nhà giàu, khi về nhà chồng sẽ đem theo của hồi môn mấy sào ruộng, đôi khuyên tai vàng mấy đồng cân, chuỗi xà tích bạc có quả đào đựng vôi đeo lủng lẳng kéo trĩu cả cạp váy, cả thêm vốn riêng vốn tây nữa chứ! “Tông” là những thứ đó chứ gì?

Nghĩ sao Thó làm y vậy. Ước nguyện của Thó được như ý ngay sau đó vài năm lên sống ở trên thị xã. Nhờ lộc nhà vợ Thó có việc làm, được nhập hộ khẩu chính thức vào thị xã, con người Thó oách lên vài bậc!

Văn hào Pháp Môlie ở thế kỷ thứ 17, bằng ngôn ngữ hài kịch ông đã lưu manh hoá một gã thượng lưu để chế giễu thói bịp đời, dâm đãng, tham lam, keo kiệt, lừa lọc của giới quyền chức nước Pháp. Ở ta, những năm 1930 thế kỷ 20 nhà văn Vũ Trọng Phụng bằng bút pháp trào lộng ông đã thượng lưu hoá thằng lưu manh Xuân Tóc Ðỏ làm cho một số người có tật giật mình, vì thế họ kiêng, họ sợ văn ông, vu cho ông theo chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ để vùi dập văn ông hòng giấu lẹm sự dốt nát của bản thân để dễ bề trí thức hoá những cái bằng chuyên tu, tại chức sau này. Họ có biết đâu, văn học hiện thực phê phán giai đoạn những năm 30 - 45 nếu thiếu chùm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thì nền văn học đó chẳng còn hình hài gì nữa để đáng tự hào. Giữa buổi giao thời nhiều biến động đổi trắng thay đen, thì lịch sử lúc nào cũng vô cùng công bằng theo cái lẽ tự nhiên vốn có: “Ðã đi qua cả thời Giông Tố/ Qua một thời Cơm Thày Cơm Cô/ Còn để lại bao Thằng Xuân Tóc Ðỏ/ Cứ nghênh ngang cho đến tận bây giờ” (thơ Xuân Sách). Bước sang thế kỷ 21 rồi, hễ ra đường là cụng đầu, va trán cha con thằng Xuân Tóc Ðỏ còn kinh sợ hơn cả nguyên mẫu Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng!?

 

                                     HXH

(Còn nữa)

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ