Phần 1
Cõi âm
(45)
Tiếp theo
Thó có ông chú ruột bỏ làng vào xứ Nghệ làm ăn, lấy vợ sinh con đẻ cái trong đó. Con ông chú sinh ở đất chăm học nên họ đều học hành đỗ đạt và ra công tác cả ngoài Hà Nội. Một lần về thăm quê, Thó có địa chỉ của họ. Thó tìm đến thăm chơi, người em con ông chú nhận họ, còn Thó nhận… hàng. Một thời gian qua lại chén chú chén anh thân tình, người em họ tên Tho ấy cho Thó cái bằng tốt nghiệp cấp ba không dùng đến. Ðã có bằng cử nhân, thạc sĩ rồi thì ai cần gì bằng cấp ba nữa. Xin được cái bằng, Thó chỉ hạ cái dấu chấm xuống đít chữ O là được cái tên Thọ ngon lành. Ðội ơn cái dấu “chấm” thiên thần ấy mà Thó vừa loại bỏ được cái tên xấu xí vừa không mất công đi học bổ túc văn hoá ngoài giờ cho sau này Thó kiếm được cái bằng đại học tại chức ngon ơ ớ ờ để thăng tiến.
Nhờ cơ chế sống lâu lên lão làng, thêm tác động của ông bố vợ làm quan mà
Thó từ nhân viên bảo vệ quèn leo tót lên phó phòng hành chính, lo cơm áo gạo
tiền cho mấy trăm con người của nhà máy. Trưởng phòng, rồi phó giám đốc, và
chễm chện trên ghế chánh giám đốc cái vèo như tên lửa vượt Ðại dương; bổng lộc
chảy vào nhà Thó dễ như vặn vòi nước công cộng vào đôi thùng, rồi chỉ việc gánh
về nhà. Khi đã lắm của nhiều tiền, Thó nghĩ ngay đến việc “bảo tồn” số tiền của
đã có mãi mãi. Thó kí thác tâm thành vào cửa Phật, cửa Thánh mong của cải không
rơi rớt mà thêm phần sinh sôi nẩy nở. Thó tìm đền, chùa, ông thày, bà đồng, coi
tuổi đặt hướng ban thờ, bốc bát hương thờ Phật, thờ Mẫu, thần linh, gia tiên,
thần tài, ông tiền chủ, bà chúa đất… Bát hương nhơ nhỡ thờ bà cô tổ, bát hương
xinh xinh thờ cô bé, cậu bé. Cái bàn thờ chưa đầy hai mét vuông đặt tới gần
chục loại bát hương to nhỏ khác nhau. Ông cán bộ Thó sớm chiêu chiều mộ, đèn,
nến, hương hoa tụng kinh gõ mõ hàng ngày không hề xao nhãng. Tháng tám hội cha,
tháng ba hội mẹ, chùa Hương - Yên Tử, chùa Thày - Tây Phương, Phủ Giày - Kiếp
Bạc, Bắc Lệ - Thác Bờ, Phố Cát... Thó chẳng chịu kém cạnh ai việc du hành cúng
bái. “Một lễ chùa xa bằng ba lễ chùa gần” mà lị. Ô tô cơ quan sẵn, muốn đi đâu
cứ việc vi vu đi cầu tài, cầu lộc. Cầu cho riêng mình, nhân thể, tiện mồm cầu
luôn cho cả nhà máy ăn nên làm ra. Nhà máy ăn nên làm ra công nhân viên chức
được ăn ba, ta ăn năm ăn bảy tội gì không lễ, không cầu tài lộc cho ta, cho nhà
máy!
Ði chùa, lễ Phật, lễ thánh là để sám hối, để mong thanh sạch cõi tâm. Là “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu
quá” (Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau). Thó lại
nghĩ cách làm ăn cả trong việc lễ bái. Hễ đi lễ chùa xa là Thó thông báo cho
các phòng ban trong toàn cơ quan:
- Mai vợ chồng tớ đi lễ chùa X đây. Chùa X nhiều lộc lắm bạn nào cầu lộc
cầu tài gửi lễ vợ chồng mình lễ hộ, xin tài xin lộc về cho!
Vậy là các phòng ban răm rắp bảo nhau góp tiền gửi thủ trưởng đi lễ xin
“lộc tài” hộ. Lộc tài là vài cái nhẫn, sợi dây chuyền mạ vàng, cái khánh nhựa
đúc hình Phật, hoặc hai ba cành vàng lá ngọc phất phơ bằng giây trang kim sắc
đỏ, săc vàng, sắc xanh mỏng dính, lòe loẹt dán kín quanh chiếc que tre trông
như trò chơi trẻ con. Cầm tiền của các tín chủ gửi đi lễ hộ, chẳng biết Thó có
cúng hộ họ vào hòm công đức đền, chùa hay không? Chỉ thấy khi lễ xong về qua Hà
Nội, Thó bảo lái xe rẽ vào phố hàng Mã mua “lộc” theo giá buôn đem về phát cho
những người gửi tiền thủ trưởng đi lễ hộ!
Ðừng ky bo với thủ trưởng, kỳ xét lên lương sắp tới đến nơi rồi, nếu thủ
trướng ghét thủ trưởng om lại đợt sau còn thiệt hơn!
HXH
(Còn nữa)