Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM


                                Phần 1

                             Cõi âm (38)

 

Tiếp theo

Người khác có con làm quan thì lấy làm tự hào vênh vang với làng, nước lắm. Với bà Vương, con được làm quan thì bà đau đơn đến đứt từng khúc ruột, bà coi đó là lỗi nhục của dòng họ Vương nhà bà, ra đường chẳng dám nhìn ai, không bao giờ bà nhắc đến tên Vương Nhất trước mặt bất kể ai. Cứ thế bà âm thầm chết cay chết đắng trong lòng trong dạ.

Vương Nhất hầu hạ cạnh vua được hơn một năm anh đã thấy chán, thấy cô đơn. Tạng người chí khí, cương trực, lãng tử như anh mà làm việc ở nơi chỉ biết gọi dạ bảo vâng, việc trái lè cũng phải vâng vâng dạ dạ cho vừa lòng vua chúa, anh không chịu nổi. Chán đời nên anh sinh ra rượu chè, thơ phú bét nhè, ngông nghênh chập mạch thi sĩ, chẳng còn biết sợ hãi thằng trên con dưới nào nữa. Vương Nhất chẳng coi lũ vua quan trong triều đình ra củ khoai củ ráy gì hết trọi. Bỏ bễ mọi công việc vua giao, hứng chí anh làm cả những bài thơ châm chích vị quan này, ảm chỉ vị quan kia, cạnh khoé, đá xoáy những kẻ nịnh thần; thậm chí làm cả thơ xỉ mắng vua là bù nhìn dốt nát; kẻ yểu tướng sợ từ cơn gió cái sợ đi để tạc thù bù khú với mấy anh lính cấm vệ dở ông dở thằng. Chuyện đến tai lão quan có tư thù với anh. Hắn thu lượm những bài thơ “làm phản” của anh đem tỉ tót tâu vua. “Nào nghĩa bài thơ này ám chỉ các mệnh quan triều đình thế này, ý bài kia miệt thị nhà vua thế khác”. Lão vua cha truyền con nối ấy là kẻ đui con mắt, què bộ não, trong đầu lão không một khái niệm về lẽ phải điều trái, nghe tâu có kẻ âm mưu phản là sai chém đầu! Vương Nhất rơi đầu cũng là do bệnh quan liêu của tên vua ngu muội ấy.

Vương Nhị, chàng trai thứ hai con bà Vương càng lớn càng khoẻ mạnh, thông minh, cũng học một biết hai, thậm chí có cái hiểu ba bốn. Thấy con sáng dạ quá bà Vương sợ rồi cũng giống người anh cả chỉ vì học giỏi mà mất cả giống lẫn má, chết vì ba bài thơ ngông. Chọn giải pháp an toàn cho con, bà không cho Vương Nhị học chữ nhiều như người anh. Vương Nhị học đủ đọc thông viết thạo là bà Vương bắt anh đi học nghề, “Tiền của bề bề không bằng một nghề trong tay”. Năm Vương Nhị mười lăm tuổi bà Vương sắm mâm lễ vật đội đầu, dẫn con đến xin học nghề một ông thợ ngoã nổi tiếng nhất vùng. Ba năm theo học nghề thợ nề và sau hai năm làm thợ, Vương Nhị đã trở thành thợ cả, đã tự tay xây và chỉ huy cả một hiệp thợ lớn, xây những ngôi chùa lớn hàng trăm gian, đắp phào trần, kẻ hoa văn nổi, hoa văn chìm, kẻ vẽ đủ tư linh, rồng chầu hổ phục, chỉ huy xây dựng cả những cơ ngơi to lớn cho các quan trong triều. Phàm con người ta đừng nên giỏi giang quá có lẽ lại hạnh phúc, lại may mắn. Để cho vua biết mặt, chúa biết tên thì chết mất ngáp rồi.

Năm ba mươi tuổi Vương Nhị được một lão quan lớn trong triều thuê hiệp thợ của anh đến xây lăng cho y trong một hẻm núi. Lăng xây cũng chẳng to tát gì lắm, bề ngoài chỉ là cái miếu thờ cỡ trung bình. Điều đáng nói là phần sau lăng miếu, phần khoét sâu vào lòng núi mới là vấn đề không thể coi là nhỏ, phần ngầm ấy mới đáng kể của công trình. Hàng trăm người thợ tài giỏi được huy động đến đó. Người khoét hầm dúi vào lòng núi, người xây lăng bên ngoài, người xẻ gỗ, người đẽo đá mất gần mười năm liền công trình mới xây dựng xong. Và cũng thật bất hạnh cho những người thợ có đôi bàn tay vàng ấy. Tiếng là lăng, nhưng thực chất đó là nơi cất giữ của cải, vàng bạc châu báu của tên quan lại tàn bạo này. Sau nhiều năm làm quan Toàn quyền ở một nước thuộc địa, hắn bòn rút cướp bóc vàng bạc châu báu của dân bản xứ đem về bày đặt việc xây lăng, xây mộ bố đẻ để cất giấu đống của cải cướp bóc được từ nước ngoài chở về. Lăng xây xong, sau bữa tiệc mừng công trình hoàn thành, hàng trăm người thợ đủ mọi ngành nghề làm việc cho hắn trúng rượu độc lăn ra chết tất cả. Họ đã chết cả rồi nhưng hắn vẫn chưa tin họ thật sự chết, còn tiếp tục sai người nhà chặt đứt đầu từng người xếp thành đống trong đó, rồi xây bịt cửa hầm, xây lấp cửa hậu ngôi miếu lại. Hắn chôn sống trong đó cả một cô gái trẻ mà trước đó hắn mua về nói là làm con nuôi, cho cô ngồi trên chiếc ngai bằng vàng ròng, trong mồm ngậm sâm Cao Ly, gắn xi “niêm phong” miệng cô lại, phòng xa linh hồn con gái nuôi bép xép, tiết lộ kho báu của hắn.

Người con trai thứ ba của bà Vương - Vương Tam cũng là một chàng trai khoẻ mạnh, thông minh, có ý chí hơn người. Khi hay tin người anh cả bị chém đầu, sợ bị liên luỵ, bị tội tru di cả nhà cả họ. Vương Tam bèn trốn chạy lên biên giới, thay họ đổi tên xung vào đội lính thú để giấu mình. Ba năm làm lính canh phòng biên giới, Vương Tam đã anh dũng lập được nhiều chiến công với đất nước. Anh tả xung hữu đột tiêu diệt nhiều toán thổ phỉ để bảo vệ các bản mường nơi biên giới. Vương Tam được quan Châu phong đất cho ba mường, còn hứa gả con gái cho anh, chỉ chờ cô gái đến tuổi biết cài trâm lên đầu thì làm đám cưới. Vương Tam chưa kịp cưới vợ đã bị bọn thổ phỉ từ bên kia biên giới lẻn sang phục kích lúc anh cùng sáu, bảy người lính đi tuần biên. Chúng đông gấp nhiều lần, ngầm đào hầm giữa đường mòn làm bẫy. Thế là cả đội tuần biên của anh bị thụt chân, rơi gọn xuống hầm sâu. Chúng bâu lại dùng câu liêm móc áo lôi từng người lên cắt cổ ném xuống hố để trả thù nhưng trận bị Vương Tam đánh cho thua những lần chúng vượt biên sang cướp bóc không thành.

Ba đứa con trai của bà Vương chết ra sao bà cũng không hay biết, chỉ biết Vương Nhất chết do nhà vua hình tội. Hình tội và chết ra sao bà cũng không được hay. Bà ở nhà mòn mỏi chờ hai người con kia trở về. Mãi chẳng thấy hai đứa về. Cho đến khi chết xuống Âm phủ gặp các con bà mới biết chúng đều chết trước bà đã nhiều năm rồi.

HXH

(Còn nữa)

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ