Phần 1
Cõi âm
(37)
Tiếp theo
Huệ nói tiếp:
- Ở đây, em nhớ có một người mẹ, trên trần gian bà là người hiền từ đức độ, không bao giờ làm điều ác với cả con ong con kiến, ngay trong ý nghĩ bà cũng không hề nghĩ xấu về bất cứ ai, dù người đó đối xử tệ với bà. Bà cũng chỉ nói: - “Hiểu lầm ấy mà”. Xuống đây bà không phải trải qua bảy cửa ngục, không bị quỷ sứ tra khảo, hành tội. Diêm Vương cho đi đầu thai trở lại làm người, bà cũng nhất quyết không đi, bà xin ở lại cõi âm, Diêm Vương hiểu sai ý bà, nghĩ bà thích lên cõi tiên, bèn đưa lên cõi tiên bà cũng từ chối. Bà xin được ở với ba người con trai để chăm sóc họ. Ta tới thăm bà đi.
Tôi hỏi:
- Bà là người mẹ của nước nào?
- Ở đây không phân biệt người nước Tề, nước Ngô hay nước Việt. Đối với người
nước nào bà cũng xứng đáng là người mẹ cao quý, trân trọng. Chiến tranh chỉ
những người mẹ chịu khổ đau, thiệt thòi nhất mà thôi.
Huệ quay sang bảo mấy người đứng cạnh:
- Các anh chỉ giúp đường sang trang trại bốn mẹ con bà Vương.
Tất cả đều nhao nhao:
- Tiên nữ đi theo em, đi theo em. Tiên nữ đi theo chúng em…
Cả đám đông rùng rùng kéo nhau dẫn chúng tôi đi. Qua vài khu vườn lớn đến
một khu vườn nhỏ. Từ xa họ đã đồng thanh gọi lớn:
- Bà Vương ơi, các chú Nhất, Nhị, Tam ơi, có khách, có khách! Tiên nữ Hồng
Huệ đến thăm!
Một bà cụ già tóc bạc nhưng rất khó đoán tuổi, tất tưởi từ trong vườn chạy
ra, trong tay đang cầm cái cuốc móng xới cây. Cả ba người thanh niên cũng bê
đầu của mình trên tay chạy ra theo mẹ.
Bà cụ hồ hởi:
- Quý hoá quá, hôm nay tiên cô Hồng Huệ bớt chút thời gian tới thăm mẹ con
lão. Cảm ơn, cảm ơn tiên cô!
Khi nhìn thấy tôi bà vội im bặt, bộ điệu như khó chịu ngó tôi từ đầu đến
chân vẻ do dự. Lát sau bà mới quay sang hỏi Huệ:
- Người đi cùng tiên nữ kia là ai thế?
- Ðây là bạn tôi trên trần gian xuống chơi!
Bà Vương quan sát lại từ đầu đến chân tôi rồi quay sang hỏi Huệ:
- Bạn cô Huệ có làm quan làm kiếc gì không đấy?
- Không, bạn em thường dân thôi. Mà sao bà Vương lại hỏi về việc ấy?
- Giờ tôi không muốn tiếp xúc với những hạng ấy nữa, cô ạ!.
Xin tuần tự sơ qua lai lịch bốn mẹ con bà Vương:
Bà Vương mang họ Vương, tên Vương, chữ đệm là Mộng. Mẹ bà Vương bảy lần
sinh nhưng chỉ nuôi được mỗi mình bà. Bà là con út. Sáu các người anh, người
chị kia không ai sống nổi quá ba năm. Ngươi chết vì nhiễm trùng rốn, người chết
bệnh sởi, người mất do bệnh đậu mùa, người mất do viêm phổi nhiễm lạnh, người
mất do sài, đẹn... Cái ngày xưa ấy cách đây vài trăm năm trẻ nhỏ hay chết vì
các bệnh như vậy. Cha mẹ bà Vương không có con trai nối dòng, khi bà đến tuổi
lấy chồng gia đình bà quyết không gả con cho người mang dòng họ khác, sợ gả cho
người khác họ, họ Vương của bà mất họ (ấy là cha mẹ bà quan miện vậy). Gia đình
bà nhờ người mai mối, tìm một người họ Vương ở nơi xa để gả chồng cho con. Vì
sợ gả cho người họ Vương cùng làng cùng xã, gần quá nhỡ gả nhầm người cận huyết
thống sẽ làm thoái hóa giống nòi, con cháu nguy cơ bị dị dạng, kém trí tuệ,
hoặc mang bệnh tật di truyền như: mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu
xanh), bạch tạng, da vảy cá... Các con trai bà đều mang họ Vương của bà sự thể
là vì vậy, không phải lý do phức tạp nào khác.
Vương Nhất là người có tư chất thông minh. Học văn giỏi văn, học võ giỏi
võ. Chữ viết nét thanh nét đậm rõ ràng chân phương. Chữ thư pháp của Vương Nhất
nét rồng bay, nét phượng múa, nhiều ông đồ trong vùng còn phải xin chữ của
Vương Nhất về treo. Nếu được sinh trong gia đình giàu có, tin là đường học hành
của Vương Nhất còn đỗ đạt cao. Trạng nguyên, tiến sĩ với tài trí của Vương Nhất
sẽ trong nắm tầm tay. Nhà nghèo nên anh đỗ kỳ thi hương rồi thôi học xin đi làm
thư lại. Một viên quan đầu tỉnh biết Vương Nhất học giỏi, đánh tiếng gả con gái
cho, nếu Vương Nhất chiụ lấy con gái ông ta, ông ta sẽ chu cấp tiền của cho
Vương Nhất ăn học để đỗ đạt cao hơn sau đó ông ta sẽ tiến cử vào triều làm
quan.
Vì Vương Nhất không hám gái, cũng không mê sự giầu sang do người khác ban
phát. Cái tính khỉ của mấy anh hàn nho thường sĩ diện thế. Sợ luỵ nhà quan,
mượn bóng nhà quan để thăng tiến phải chịu ơn họ cho đến muôn đời con cháu thì
nhục lắm. Tính cương trực ương ngạnh sĩ diện ấy hệ luỵ ngay vào cuộc đời Vương
Nhất sau đó.
- À, thằng oắt con này, đã con nhà nghèo còn sĩ, ông sẽ cho mày biết thế
nào là những thằng mắc bệnh sĩ!
Lão quan thâm hiểm ấy không đạt được mục đích gả con cho anh học trò học
giỏi, y liền nghĩ ra một độc kế. Hắn đem đôi câu đối mới sáng tác nịnh, tâng
bốc nhà vua nhờ Vương Nhất viết thành bức thư pháp để dâng tặng vua. Bức thư
pháp treo lên, văn võ bá quan trong triều ai cũng tấm tắc khen đó là nét chữ
của người tài hoa. Mỗi người bình một kiểu theo óc thẩm mĩ nghệ thuật của mình
khi thưởng thức, chiêm ngưỡng văn chương, chiêm ngưỡng nét chữ tài hoa.
Một viên quan triều đình sau khi ngắm nét chữ của Vương Nhất khen nức khen
nở, rồi gật gù tâu với vua:
- Tâu bệ hạ, đây là chữ của người có văn hay, có tài về văn thư, các bậc
quân vương không thể không thu dụng con người này. Chữ của viên quan, tác giả
đôi câu đối cả triều đình ai cũng biết rõ, thô kệch, tủn mủn nét cứng nhắc chứ
đâu được thứ chữ thanh tú bay bổng như thêu mây, dệt gió như chư đôi câu đối
này.
Nghe bọn nịnh thần xúi bẩy, nhà vua cho đòi lão quan tặng bức thư pháp vào
triều để hỏi về người viết chữ. Trúng kế gian của lão, lão tâu với nhà vua ngay
ra thân thế của Vương Nhất. Vua xuống chỉ vời Vương Nhất vào triều ở bên cạnh
để lo việc văn thư giấy tờ cho vua. Ác nỗi, thời ấy người trẻ tuổi ở cạnh hầu
hạ vua chúa không thể giữ lại nguyên bản cái phần “của” phàm tục trên người
được. Bởi vua có hàng trăm cung tần mĩ nữ; hoàng hậu, nguyên phi, thứ phi trẻ
đẹp ở các nơi do các quan địa phương cung tiến về, mình vua sức giời có hạn làm
sao “mưa móc” cho khắp mọi cửa, mọi cung hàng ngày, hàng đêm. Chắc ăn nhất,
người ở cạnh vua, khoẻ người, giỏi trai phải không có “của nợ” kia lủng lẳng đeo
bên người. Họ sai thợ thiến, thiến luôn cái của giời cho của Vương Nhất đi, để
đề phòng từ xa. Không nhỡ con vua nhưng giống má lại của thằng cha thư ký giúp
việc thì có mà ngọng, mà móm; lỗ vốn với nó như chơi. Con vua, phải đúng giống
má nhà vua gieo trồng, chứ giống đầu đen đít khỉ đỏ lai tạp vào, nhỡ nó được
nối ngôi thì nguy cho xã tắc. Chúng nó làm phản làm loạn như chơi!
HXH
(Còn nữa)