Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM

 

                               Phần 1

                            Cõi âm (39)

Tiếp theo

Chia tay bốn mẹ con bà Vương, chúng tôi đi ven qua một vườn táo để vòng lên đê. Huệ bảo lối ấy lên đê được, đi đường cũ gặp lại những người chết chém họ níu lấy hỏi đủ thứ chuyện trên trần gian lằng nhằng còn lâu mới đi nổi.

Khu vườn chúng tôi đi qua trồng toàn táo, cây nào cây ấy xoè tán xum xuê, cành nọ đan vào cành kia thành giàn quả sai trĩu trịt cao hơn đầu người nửa tầm tay với. Dưới những giàn táo có vài chục người đàn ông, người cụt một tay, người khuyết một chân, tất cả họ cần mẫn với tay lựa hái những quả táo chín bỏ vào chiếc sọt tròn đeo trước ngực. Đi qua vườn táo, vừa lên tới mặt đê thì nghe có tiếng người đằng sau gọi giật giọng, gióng một:

- Anh Phong, anh Phong, anh Phong ơi! Cho em nhờ một việc.

Tôi quay lại, Huệ cũng quay lại. Huệ hỏi tôi:

- Người này quen anh à?

Tôi chưa trả lời ngay vì chưa nhận ra người gọi mình là ai. Người đó một tay chống chiếc nạng đang ì ạch leo lên mặt đê một cách khó khăn.

Tôi bèn hỏi:

- Anh là ai, sao biết tôi?

- Em là Tịnh, Tịnh đây mà, anh Phong không nhớ em à? Trông thấy anh em nhận ra ngay. Nhờ anh nói khó giúp với tiên nữ Hồng Huệ xin Diêm vương cho em chuyển đi nơi khác, ở đây buồn lắm, chán lắm. Em muốn được ở thành phố, muốn ở thành phố. Trên trần em ở thành phố, xuống đây họ bắt em lao động vất vả khổ sở lắm em không chiụ nổi. Giúp em với, tiên nữ ơi!

Khi người đó xưng tên là Tịnh, tôi sực nhớ ra con người này.

Xin kể đôi chút về anh ta:

Một hôm, tôi đang xem tranh sơn mài trong cửa hàng mỹ nghệ ở một phố cổ trung tâm Hà Nội. Bỗng nghe tiếng ồn ào ngoài phố, ngoái ra xem chuyện gì thì thấy một người cầm cái nạng giơ lên sắp bổ xuống đầu một người mặc bộ đồ Tô Châu (đồ lính). Rất nhanh, người ấy chắp hai bàn tay vào nhau giơ lên đầu, trong nháy mắt cái nạng vụt xuống đã bị anh kẹp vào nách mình, và anh chỉ đẩy nhẹ cái nạng, kẻ đánh anh đã ngã sóng soài ra hè phố làm cái chân gỗ tuột khỏi đoạn đùi cụt dính lằng nhằng mấy sợi dây da. Quán nước bên kia đường hai gã trai trẻ hơn đứng bật dậy khỏi ghế hàng nước hùng hổ, mỗi gã dư dứ một nắm đấm chạy tới, miệng hô:

- Bà con ơi, thằng kia nó đánh anh thương binh! Tẩn bỏ mẹ nó đi…iii…!

Có điều lạ, cả hai dãy phố người buôn người bán đông vậy mà dường như chẳng ai quan tâm, duy chỉ khách qua đường tò mò dừng lại đứng xem, tuyệt nhiên không thấy ai đứng ra can ngăn một câu! Hai gã kia sấn sổ xông vào đấm tới cái nào đều bị người đó gạt tay làm cả hai ngã bổ chửng đè lên nhau bên gốc cây xà cừ, cạnh mấy chồng mũ cối bày trên tấm nylon trải chềnh ềnh giữa hè phố, chiếm hết lối của người đi bộ.

Người mặc bộ đồ lính trông quen quen, tôi chạy tới thì nhận ra đó là y sĩ Tâm, tôi gọi:

- Anh Tâm!

Tâm vừa quay sang phía tôi liền bị cái nạng của gã chân gỗ phang trộm từ phía sau trúng bả vai. Anh hơi nhăn mặt đưa bàn tay kia lên ôm lấy vai. Hai gã đàn em được thể xông tới định đánh cả tôi thì Tâm kịp xoài chân quét ngang mặt đất làm hai đứa ngã sõng soài lần nữa. Gã chân gỗ đánh trộm Tâm được một cái tưởng thế là oai, đắc thắng sấn sổ định xông vào đánh nữa, cùng lúc tôi và gã cùng nhận ra nhau. Tôi còn đang cứng lưỡi chưa thốt lên lời thì gã đã lắp bắp bằng những lời chợ búa:

- Ôi! Ð. mẹ anh Phong phải không? Ð. mẹ thằng này là thằng nào? Ð. mẹ để em cho nó vài nạng nữa chết cha thằng nhà quê này đi!

Không còn giữ nổi bình tĩnh, tôi bước tới giật cái nạng giơ tay định tát vào mặt gã, nhưng Tâm kịp lôi áo kéo lại làm tôi tát hụt. Tức sôi lên, tôi quát:

- Tịnh! Có biết ai đây không?

Mặt Tịnh thuỗn ra, hết nhìn tôi lại nhìn Tâm. Tôi nói:

- Ðây là anh Tâm, y sĩ tiểu đoàn, người đã băng bó và tha tội tự thương cho mày hồi ở chiến trường đấy! Nhớ không?

Nghe tôi nói thế Tịnh xìu mặt lại lấm lét, sượng sùng như muốn cất cái mặt đi mà không biết cất vào đâu bèn quay ra đổ tội cho hai thằng đàn em đang tựa người vào gốc cây với bộ mặt cũng đần thối như Tịnh. Tịnh quát:

- Hai thằng kia… biến! Ai cho phép chúng mày láo lếu với hai ông anh của tao?

 

                                             HXH

(Còn nữa)

 

 

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ