Phần 1
Cõi âm (40)
Tiếp theo
Mùa mưa năm 1969, tiểu đoàn chúng tôi chốt giữ, bảo vệ tuyến vận tải thuộc tỉnh
K để các đơn vị vận tải chuyển vận quân lương, vũ khí vào tuyến trong dự trữ
chuần bị cho chiến dịch mùa khô tới. Lợi dụng mùa mưa địch đổ bộ đường không nống
ra lấn đất dồn dân lập ấp, đóng bốt cài răng lược để gây thanh thế, để lên gân
rằng chính quyền của họ đang nắm nhiều dân, chiếm được nhiều đất, và chưa bị
suy yếu sau Tết Mậu Thân. Tuyến đường chạy dưới chân khu đồi cỏ gianh trọc lốc
đỏ trơ lở loét do đạn bom đủ loại cày xới liên tục ngày đêm làm cho cây cỏ chưa
mọc kịp để phủ màu xanh cho mặt đất.
Tôi được cử trợ giúp cho văn thư tiểu đoàn đặc trách đi theo y sĩ Tâm bảo vệ thương binh, bảo quản quân, tư trang của liệt sĩ để khi có xe ôtô vào đón thương binh thì bàn giao cho họ và gửi số ba lô tư trang của liệt sĩ về hậu phương cho gia đình họ, cả làm một số công việc thuộc về chính sách khác.
Hôm ấy, từ đại đội 5 khiêng lên một cáng thương. Y sĩ Tâm mở băng kiểm tra vết thương cho người vừa từ dưới đại đôi cáng tới, vì dưới đại đội chỉ mới sơ cứu ban đầu, băng bó còn sơ sài có tính chất cầm máu tạm. Bao giờ tiếp nhận thương binh Tâm cũng kiểm tra, rửa kỹ vết thương, thay lại băng mới cẩn thận trước khi bàn giao cho đơn vị vận tải chuyển về tuyến sau. Người bị thương ấy là Tịnh, cùng ở với tôi trước đây mấy tháng, khi tôi còn công tác dưới đại đội.
Y sĩ Tâm tháo hết băng cũ ra rồi mà vẫn thấy anh loay hoay xem đi
xem lại vết thương mãi mà chưa bảo y tá lau rửa và thay băng.
Bỗng Tâm kéo tôi ra một nơi bảo:
- Theo mình, chiến sĩ này tự thương Phong ạ.
- Tôi hỏi lại Tâm:
Liệu anh có nhầm không?
Y sĩ Tâm khẳng định:
- Nhầm sao được. Rõ là vết thương của người tự làm mình bị thương. Vết thương
không phá rộng mấy, còn ám khói đạn đen cả phía đạn xuyên vào; phía đạn chui ra
cũng khói ám đen các xơ thịt, cả ngoài vải
quần. Ðạn địch bắn từ xa khói không ám vào vết thương được. Phong gọi điện hỏi
dưới đại đội cho rõ trường hợp bị thương của chiến sĩ này. Nếu đúng anh ta tự
thương thì lập biên bản gửi sang quân pháp họ xử lí. Mà lạ, sao không thấy dưới
đại đội viết giấy chuyển thương gì nhỉ?
Tôi lên sở chỉ huy tiểu đoàn gọi điện xuống đại đội để hỏi, dưới đó báo lên Tịnh
nghỉ ở tuyến sau đem súng ra lau, súng cướp cò nên bị thương, dưới đại đội chưa
có điều kiện xác minh. Nghe tôi báo cáo xong, y sĩ Tâm liền bảo:
- Ðúng tự thương rồi, đến dân quân du kích cũng không đến nỗi để súng cướp cò nữa
là lính chính quy đang chiến đấu ở chiến trường, ngày đêm cây súng kè kè trong
tay? Vô lý! Ðồng chí cứ ghi vào giấy chuyển thương là tự thương đi, không cần
xác minh nữa. Nào chúng ta lập biên bản.
Rồi Tâm lẩm bẩm một mình:
- Vết thương này có nguy cơ hoại thư mất, không thể bảo tồn được vì cự ly viên
đạn bắn quá gần, sơ cứu ban đầu không được tốt, vô trùng kém, lại ga rô quá lâu,
cả không đước chăm sóc theo quy trình của việc ga rô. Chắc phải tháo khớp mất!
Anh phẩy tay ra quyết định:
- Gửi nhanh về hậu tuyến cho ngoài đó xử lí.
Nghe Tâm nói vậy tự nhiên tôi thấy thương Tịnh. Chịu đựng được ba tháng gian khổ
giữa khói lửa, bom, đạn rồi, chỉ thời gian ngắn nữa, mùa khô tới chiến dịch mở,
quân ta đánh mạnh trong kia là ngoài này không còn ác liệt nữa, không gắng chịu
đựng, đi tự huỷ hoại cơ thể mình thì coi như là kẻ phản chiến. Cầm chắc phải ra
trước toà án binh. Nghĩ thế, thấy thương Tịnh nên tôi xin với Tâm:
- Thôi anh Tâm ạ, tha cho hắn, hắn còn trẻ nên kém suy nghĩ. Đời hắn còn dài, mất
một chân là thiệt thòi cho hắn rồi, còn ôm thêm án tự thương phải ra toà án
binh, phải đi cải tạo, rất dở cho cuộc đời của hắn sau này. Mà ở chiến trường bị
thương hay tự thương có khác gì nhau. Chui vào chốn bom gầm đạn xé ngày đêm như
này là dũng cảm rồi !
Tâm trừng mắt cự lại tôi:
- Khác chứ! Tự huỷ hoại cơ thể mình không những làm mất sức chiến đấu của bản
thân mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của đồng đội khác.
Thấy tôi đăm chiêu suy nghĩ. Tâm hỏi:
- Chiến sĩ này người nhà cậu à?
Lúc ấy dường như tôi vô cảm. Cất mồm vâng mà không hiểu mình vâng dạ để làm gì?
Tôi lấm lét nhìn trộm Tâm. Tâm thì đang đưa mắt nhìn ra cánh rừng cháy trước mặt.
Một cánh rừng tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang chất chồng lên nhau. Chỗ thì sườn
đồi, nơi thì hốc đá khói xanh, khói trắng, khói đen âm ỉ mù mịt như nghia địa
mênh mông đầy hương khói. Tôi bâng lâng dõi theo ánh nhìn của Tâm. Trên sườn
núi những bông hoa chuối rừng đang trổ lên trời những bắp hoa đỏ cời từ những
thân cây xơ tướp lá, cọng chuối xơ xác tua tủa như những cánh tay gầy guộc quờ
với trời xanh. Tâm thốt lên:
- Hoa chuối, ôi những bông hoa chuối trỗ đỏ đẹp làm sao. Chẳng thể bom đạn nào
huỷ diệt được sự sống trên mặt đất này một khi những cây chuối kia muốn đơm
bông sai buồng sai qả! Nếu một năm sau chúng mình có dịp qua đây, cánh rừng này
lại xanh tươi như vốn nó đã từng xanh. Chiến tranh huỷ diệt nó, nhưng nó cũng biết
cách làm xanh lại mình ngay sau đó để đắp bù cho bản thân, trả lại cho rừng màu
xanh tươi, những thung lũng chuối rừng vốn có.
Tôi có cảm giác như mình lạc giữa rừng hoa chuối đỏ chứ không phải cánh rừng
xác xơ vì đạn bom tàn phá. Chim trời vẫn từng tốp sải cánh lượn vòng hợp đàn, đậu
xuống những thân cây sống sót giơ những đám cành khẳng khiu vẫy vào trời xanh.
Ðàn vượn ẩn mình đâu đó thỉnh thoảng lại hú vang gọi đàn vọng từ vách đá nọ
chuyền cho vách đá khác như có người nhắc lại. Chiều tối và đêm khuya tiếng tắc
kè ném lưỡi vào đêm réo mưa gọi nắng. Nửa đêm về sáng tiếng chim từ quy vẫn lảnh
lót gọi bạn tình “Chót bóp… chót bóp…”, gây nỗi nhớ nhà da diết. Mặc bom gầm, mặc
đạn xé. Ngớt bom đạn dòng suối lại trong, những nụ hoa sống sót lại nở bông đẹp
như ngày thường hoa vẫn nở…
HXH
(Còn nữa)