Phần 1
Cõi âm (23)
Tiếp theo
Trong gương hiện ra một mô đất thấp tịt do bị mưa nắng bào mòn nằm trên một gò đất hoang giữa cánh đồng ngập nước. Dưới lòng đất là hai bộ xương, bộ xương nằm trên sâu chừng 80cm, bộ nằm dưới sâu hơn khoảng một mét hai. Bộ xương trên là của một người lính VNCH chôn sau; nằm dưới là hài cốt của một chiến sĩ giải phóng quân thời những năm 60 - 70 thế kỷ trước. Một đoàn năm sáu người mặc đồ quân nhân do một người nông dân dẫn đường, người cuốc, người xẻng đào đào bới bới. Xắn chừng ba thép mai họ đã gặp bộ xương nằm bên trên. Khi lau rửa để xếp vào tiểu sành họ mới nhận ra đó không phải hài cốt liệt sĩ mà họ muốn tìm, mà đó là bộ xương của một lính chiến phía đối phương, bởi trên cẳng xương tay trái còn đeo cái lắc bằng thép không gỉ khắc một dãy chữ số khá dài, số hiệu đơn vi của người lính đó. Họ định chôn trả lại nhưng người nông dân nhất quyết khẳng định đó là mộ của chiến sĩ giải phóng quân đằng mình, hy sinh trong một trận đánh mà hồi đó bác là du kích cùng tham gia, rồi chính tay bác chôn cất người liệt sĩ này. Bác còn nhớ rõ họ tên, số hiệu hòm thư đơn vị thêu bằng chỉ màu mặt sau ve áo. Hàng năm, nhớ ngày anh hy sinh bác nông dân Nam Bộ ấy vẫn hoa quả vườn nhà thắp hương cúng giỗ anh.
Thể theo
trí nhớ của bác là đúng, điều bác nông dân không ngờ tới là ngôi mộ anh giải
phóng quân do bác chôn cất ngày ấy thì, chỉ sau đó ít ngày bị một quả đạn pháo
bắn vu vơ rơi trúng, san bằng địa mất cả nấm. Thời gian sau, một người lính
phía bên kia cũng đem xác đồng đội của họ chôn chồng lên trên. Nghe người dẫn đường
tìm mộ liệt sĩ cả quyết vậy nên những người đi tìm mộ liệt sĩ tiếp tục đào sâu
xuống. Quả nhiên bên dưới có bộ hài cốt thứ hai gói trong tấm nylon xám - Tấm
tăng dã chiến.
Hai kẻ
từng đánh nhau chí mạng, kẻ trước người sau cùng chết, nằm chung trong một
vuông đất lạnh. Không hiểu lão tạo hoá già nua lẩn thẩn, lú lẫn, hay do lão thích
chơi khăm, trêu ngươi cõi đời, bỉ báng cõi người! Hai bộ xương nằm đó, chính là
hai anh em ruột cùng bố mẹ sinh ra. Bộ hài cốt thứ hai được những người đi tìm
mộ liệt sĩ rửa, lau sạch cho vào chiếc tiểu sành khác đem về nghĩa trang liệt
sĩ, còn tiểu xương người lính VNCH, họ chôn trả lại đúng vị trí đó, đắp nấm cẩn
thận; bởi vị trí, thân phận bộ xương này là nằm ở đây, gò đất hoang lạnh này vì
anh ta là lính phía bên kia chiến tuyến: lính giặc, là “kẻ thù”…!
Chúng ta
cũng nên biết qua một chút về thân phận hai anh em họ.
Một ngôi
làng nhỏ thuộc miền Trung Trung Bộ, vào quãng năm 1954 - 1955. Ðôi vợ chồng trẻ
với hai đứa con trai tan đàn xẻ nghé do cái hiệp định đình chiến mãi tận thành
phố Genève nước Thuỵ Sĩ. Người anh theo cha ra miền Bắc tập kết, người em ở lại
miền Nam cùng mẹ. Mẹ của họ là người đàn bà đẹp; người đẹp sống một mình lại có
chồng Việt cộng thì khó có cuộc sống bình yên trước những người lấy nghề binh
nghiệp, lấy súng đạn làm kế mưu sinh; sống chết khôn lường nên bản năng sinh
tồn của hạng người này là sống gấp, sống hôm nay dốc mình cho tàn cuộc ngày hôm
nay, ngày mai vuông hay tròn, méo mó không cần biết, không cần thiết. Kiểu sống
gấp ấy thường sinh tính ác, manh động, răm rắp làm theo ý cấp trên chỉ bảo:
“Muốn chiến thắng Việt cộng trước hết phải đánh cho tan cái gia đình của họ
trước đã”. Cái đối sách dư phần hoang dã, tàn bạo ấy được những người lính
chuyên nghiệp phía bên kia giở ra hành sự trên khắp miền Nam ngày ấy. Từ doạ
nạt, o ép, đến mua chuộc, bắt buộc…. Người mẹ trẻ ấy muốn được sống yên thân
đành phải nhắm mắt làm vợ bé gã sĩ quan hám gái kia. Đàn ông đa phần thuộc
giống ích kỷ. Thích chiếm đoạt đàn bà đẹp nhưng lại không chịu chấp nhận con
cái họ! Chính vì thế mà người em ở lại miền Nam với mẹ vừa đến tuổi khôn lớn đã
bị bố dượng đẩy vào lính để chống lại người cha Việt Cộng của mình.
Người
anh theo cha tập kết ra miền Bắc, được theo học trường học sinh miền Nam và
trưởng thành trên miền Bắc, sau đó về Nam chiến đấu để giải phóng quê hương.
Hai đội quân trong đó có anh em họ đánh nhau ba năm liền trên cái mảnh đất hẹp
ấy để dành giật một vùng đệm. Một bên tiến lên rừng, một bên tiến về đồng bằng
nên họ tìm cách tiêu diệt nhau bằng những trận đánh kịch liệt. Cả hai đều tử
trận tại chính nơi ấy, vô tình họ được nằm bên nahu chung nấm mộ cho đến ngày
30 - 4 - 1975. Người anh được di rời về nghĩa trang liệt sĩ, còn người em, kẻ
bại trận nằm lại trên gò đất giữa cánh đồng sương trắng nắng, mưa ấy. Rồi người
em cũng được người mẹ tìm được mộ, do người bạn là lính cùng đơn vị, người chôn
cất người em dẫn về vùng chiến trường xưa, tìm để cải táng. Họ đi tìm và hỏi thăm
đúng bác nông dân biết về ngôi mộ ấy. Bác bảo:
- Mộ con
bà đã được các chú giải phóng “tắm rửa” sạch sẽ bằng nước thơm, hớt vào tiểu
sành rồi, cứ việc mang về mà chôn cất.
- Phước
đức quá, cảm ơn chính phủ, cảm ơn trời, cảm ơn ông hai.
Khi đào
lên, mở tiểu ra người mẹ nhận ra đúng là hài cốt con mình. Người mẹ đau khổ ấy
vồ lấy hộp xương sọ của con giơ lên nhìn, nhận ra hàm răng con trai, người mẹ
thất thanh :
- Ðúng
con tôi rồi, hàm răng con tôi, cái răng nanh mọc lẫy của nó đây, đúng rồi! Con
ơi là con ơi!
Sau đó
người mẹ di dời hài cốt con mình về một nghĩa trang thường dân ở ngoại ô một
thành phố. Mộ được xây khá đẹp, ốp đá Granite loại đắt tiền nhất. Ngày Vọng -
Sóc bà mẹ cúng xuống cho người em nào hoa, nào quả xếp đầy một bàn. Như lúc
đứng trước cửa nhà Vinh nhìn sang, chúng tôi thấy…
HXH
(Còn nữa)