Phần 1
Cõi âm (27)
Tiếp
theo
Hai bên dàn trận chiến giữa một bãi trống. Một đội quân quần áo Tô Châu, một đội quân rằn ri, trên tay người nào cũng gậy, cũng kiếm. Chủ yếu là họ gân cổ cái nhau là chính. Bên quần áo rằn ri mắng bên quần áo Tô Châu chơi không đẹp, không quân tử, đánh nhau lối du kích, đang đêm mò vào đánh trộm, chiến thắng kiều đánh trộm không vinh dự, không quân tử. Bên quần áo Tô Châu mắng lại bên quần áo rằn ri là đồ bán nước, đồ theo giặc, đồ cõng rắn cắn gả nhà, không có chính nghĩa thì thua trận là phải, kêu ca oán thán nỗi gì. Bên quần áo răn ri đòi đánh lại trận đường Chín - Nam Lào, trận Buôn Mê Thuột. Bên quần áo Tô Châu đòi đánh nhau lại trận chiến mùa xuân năm 1968. Không bên nào chịu kém lời, kém cạnh việc tay giơ nắm đấm lên hậm hoẹ doạ nạt nhau.
Huệ bảo
họ cãi nhau vã kiểu này thường xuyên, hết gậy gộc đến dao kiếm xông vào quần
nhau như bãi chiến trường thời trung cổ, chán lại chia ra đôi một vật tay, đôi
một đấu võ Tàu, võ ta, võ Nhật, võ Nam Hàn đem ra thi thố đối chọi cùng nhau.
Diêm Vương nhiều lần can ngăn, hoà giải không được phải mời tới chính trị gia
các nước trung lập đến thuyết phục vẫn mưa đổ lá khoai, nước giội đầu vịt. Tất
cả đều do cái tính ương bướng cha truyền con nối kiểu hiếu thắng dở hơi, lúc
nào cũng muốn dành phần thắng về mình, muốn hơn người từ chiếc cravat đến đôi
giày, đôi bí tất màu xỏ trong giày! Kém tắm khó chịu mà lại!
Thấy tôi
chăm chú xem đám đồng chủng cãi, mắng nhau hơi lâu, Huệ lôi tay tôi đi và nói:
- Lịch
sử qua rồi, lịch sử không lặp lại, lịch sử cũng không cho phép ai bày trận đánh
nhau lại ở bất cứ trận chiến nào trên thế giới này. Một khi đã thua, cứ việc
làm con ma thua trận cho yên mồ, đừng cay cú cày sới lại chuyện cũ, cũng đừng
chén tặc chén thù nhấm nháp mãi ba cái chiến thắng xương rơi máu chảy, mẹ mất
con vợ mất chồng để “Gia tài của mẹ” chỉ
là “một rừng xương khô, một núi đầy mồ” (lời nhạc, Trịnh Công Sơn), tổng
kết rùm beng này nọ ra vẻ khoái trá, ra điều đắc thắng! Em cảm thấy buồn nôn
khi xem phim ảnh, chiếu chụp những cảnh tướng lĩnh đứng trên khán đài, trước hàng
quân ưỡn ngực khoe những tấm huân chương kim loại vàng choé để kích thích thế
hệ trẻ ra trận lập công bằng cách giết thật nhiều đồng loại. Em ghê tởm những
cái tên: Ðồi thịt băm, thung lũng nướng chả, cao điểm cối xay thịt. Em dị ứng
với những gì người ta ca ngợi, người ta ghi vào sử sách thế giới những địa
danh: Xích Bích, Oa-téc-lô (Waterlo), Véc- Ðun (Verdun), Trân Châu Cảng... Nghe
nhắc đến những địa danh đẫm máu ấy là hiện ra trước mắt em những đống xương
người đầu lâu xương ống, hiện ra một “Mã
Chiếm Sơn buông cương mà ngẫm nghĩ / Ngựa rung bờm hý lạnh giữa tàn quân”(7).
Dù hiểu theo góc độ tích cực đến mấy đi nữa thì chiến tranh vẫn là tàn bạo là
đau thương, là không cần có trước nhân loại tiến bộ. 83 vạn quân Tào Tháo bị
dìm xuống lòng sông Trường Giang (trận Xích Bích); 60 vạn quân Napoléon bị giết
trong trận Oa- téc tô. 18 hạm đội, tàu sân bay, 232 báy bay, 2.435 binh lính Mỹ
chết (trận Trân Châu Cảng). Xem đó là chiến tích oanh liệt của một ai đó thì
thật là dã man, thiếu tình nhân loại. Nhân loại yêu hoà bình nghĩ gì việc 20
triệu người chết trong thế chiến lần thứ nhất, gần 40 triệu người chết trong
đại chiến thứ 2 thế kỷ XX? Sinh mạng con người do những người mẹ mang nặng đẻ
đau sinh ra, đâu phải cỏ rác mà đem huỷ hoại, giết chóc lẫn nhau không ghê tay
như thế được. Các chính khách nước lớn, nước bé nghĩ gì năm mươi năm qua: từ
1950 đến năm 2000 loài người chỉ có 7 ngày được sống yên ổn trong hoà bình. Còn
lại, không nước này, cũng quốc gia kia đem máy bay, xe tăng, đại bác đi giết
người. Biến thành ma cả rồi mà lúc nào cũng thích thú gậm nhấm cục xương chiến
thắng. Mà bận gì đến cái lũ binh nhất, binh nhì, hạ sĩ quan đầu binh cuối cán
ấy. Dù cho cái bọn dốt nát ấy có theo một tên trùm đế quốc, trùm phát xít chinh
phục được cả thế giới này thì cái thớ bia thịt ấy có thoát được hòn tên mũi đạn
cũng chỉ làm lính hầu, lính canh cửa suốt đời cho giới chính khách mà thôi, anh
hùng anh bá gì những ngữ ấy. Chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ của nhau chẳng đem
lợi lộc gì cho dân nghèo lương thiện. Từ khi có mặt loài người, trái đất này đã
bể máu, núi xương, nước mắt của những người mẹ, người vợ đã chảy ngập tràn mặt
đất vì những cuộc chiến tranh tranh dành lãnh thổ, huynh đệ tương tàn. Loài
người ngày nay đã có những thành tựu về khoa học & kỹ thuật vượt bậc có thể
tạo ra của cải vật chất để phục vụ đời sống, tinh thần cho mình. Chẳng chịu bảo
nhau làm ăn trong hoà bình yên ổn, lúc nào cũng thích đào chiến hào, xây thành
đắp luỹ để đánh nhau. Ðang là thiên niên kỷ thứ ba rồi, đâu thời ăn
hang ở lỗ, thời tranh giành nhau mảnh da thú, khu rừng nhiều hoa quả để tồn tại
cho riêng bộ lạc mình. Hết sản xuất ra đạn trái phá tầm xa, tầm gần, bom trùm,
pháo chụp, mìn cóc, mìn định hướng; lúc nào cũng chỉ thích bóp cò súng, bấm nút
hạt nhân để “Nướng dân đen trên ngọn lửa
hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô đại
cáo – Nguyễn Trãi)!
HXH
(Còn
nữa)
---------------------------
(7). Thơ
Tố Hữu