Phần 1
Cõi âm (25)
Tiếp theo
Huệ, Mít và tôi đang loanh quanh giữa xóm liều tìm lối ra thì nghe xa xa tiếng “đàn bầu” tưng tưng… tửng tửng… từng từng… tưng tưng… lúc gần lúc xa vẳng lại, to dần như vả vào hai lỗ tai liền tù tì. Thấy lạ, tôi hỏi bâng quơ:
- Họ đánh đàn kiểu gì thế nhỉ?
- Không phải tiếng đàn đâu! - Mít trả lời.
- Có tiếng đàn đấy thôi! - Tôi thắc mắc.
- Anh nhầm, tiếng bật bông đây! - Mít giải thích.
Huệ bảo tôi:
- Tính anh Phong tò mò nhỉ? Người này anh biết đấy, thích thì đến thăm ông
ta một lát đi, bọn em chờ!
Nghe Huệ nói thế, tôi nghĩ: “Người lạ mình còn gặp, hỏi chuyện được, người
quen sao lại không. Ðể xem người này có gì mới, có gì hay hơn vài người tôi đã
gặp trước đó!”. Ðầu nghĩ, chân tôi bước thẳng tới nơi tiếng “đàn” phát ra. Đứng
ngoài cửa ngó vào, tôi thấy một người đàn ông hom hem đang tay giữ cái cần bật
bông, tay cầm thanh gỗ gõ đều đều vào sợi dây, có lẽ là dây thép. Nhìn kỹ, hoá
ra người này tôi quen thật, người cùng phố với tôi ngày xưa. Ông ta chuyên sản
xuất chăn bông tiết kiệm và gia công chăn bông cho mậu dịch hồi ông ta còn trên
cõi trần gian.
Mít bảo:
- Cứ khi nào nhớ nhà, nhớ nghề ông ta lại đem cần bật bông ra bật thế!
Về nhân vật này có nhiều chuyện khá thú vị. Xin kể:
Ngồi trong buồng vệ sinh để giải quyết bầu “tâm sự”. Cầm tờ báo trong tay
lão mở đọc chơi chơi. Lão thường đọc báo vào những lúc như thế, lúc khác gì ra
thời gian cho lão đọc sách, đọc báo. Mà lão cần quái gì để người ta phi ngựa
vào đầu. Ðầu lão làm gì còn chỗ nào trống mà thiên hạ hòng nhét chữ nhồi văn.
Ngăn nào ngăn ấy trong não bộ của lão chả đầy ắp những kiện bông nõn Liên Xô,
Trung Quốc, Ấn Độ… của xí nghiệp chăn bông chở đến cho tổ hợp tác (ma) của lão
làm gia công. Lão cứ việc đem bán số bông chính phẩm cho các cơ sở dệt vải, dệt
khăn mặt lấy tiền tậu đất xây nhà, đến hạn trả hàng lão đi mua gom sợi rối, vải
vụn của các nhà máy may, chăn bông cũ, thậm chí cả quần áo cũ đem nhét vào máy
cào, lão cào thành bông tái sinh chần thành chăn thành phẩm trả cho xí nghiệp,
đã có lần vải màn thưa bao mấy lớp bên ngoài là che được mắt thượng đế! Mà
thượng đế thì toàn con dân hiền lành bảo sao nghe vậy, bán cho cái gì ăn cái
ấy, phân phối thứ gì mặc thứ ấy, chia vật gì mua dùng vật ấy, đố đứa nào dám
cãi, dám kêu ca, dám phản đối. Hễ kêu ca, hễ cãi là mất xuất, thiệt thân. Ấy là
thời “Thứ gì cũng phân, mà phân như cứt”(6).
- “Ði làm cùng cơ quan với người ta, người ta được mua phân phối chăn, màn
nhà mình sao lại không? Hay mua rồi đem bán cho con phe lấy tiền chênh lệch lập
quỹ đen tiêu riêng chứ gì?”. Ối giời ơi! Mùa đông này mẹ con tôi chết rét mất
thôi!...”
Ấy là những lời chì chiết của mấy bà vợ bị mất phần chăn, phần màn phân
phối ở nơi làm việc của chồng thời ấy - thời bao cấp.
Trong ruột chăn thì bông gì chẳng là bông. Bụng đói, cật rét thì nhét củ
sắn, lát khoai, dong riềng, thậm chí nhét củ chuối vô dạ dày cho no nữa là...
Ngày đông tháng giá nằm ổ rơm còn ấm nữa là... Con dân nước Nam truyền đời chịu
đói, chịu rét, chịu khổ từ trong trứng chịu ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay
nên ai muốn đè thì cứ việc trèo lên mà đè, ai muốn cưỡi cứ việc nhẩy lên lưng
họ mà cưỡi… vô tư đi!
Trời xui đất mách thế nào lão mở tờ báo để xem, lại trúng phóc trang báo có
bài dạy cách tính tuần trăng, con nước, năm, tháng, ngày, giờ kết hợp âm dương,
ngũ hành sẽ đẻ ra con thần đồng. Chẳng hiểu tác giả bài báo copy từ nguồn thông
tin lá bắp cải già của nước cha căng chú kiết nào đem xào xáo ra đại ý thế này:
“Ðàn ông tuổi 60 -70 phối hôn” với phụ nữ 25 – 30 tuổi sẽ sinh con cái thông
minh và có thể trở thành Hoàng đế tài giỏi như Ðại đế Pi e, kém tí ti cũng bằng
nhân tài Nít (vì không đeo kính lão thị nên lão đọc nhầm thành đại đế Phe, nhân
tài Hít). Mớ thông tin ấy làm lão sướng rơn, sướng đê mê cả người. Lão vội tống
khứ vài kiện bông ra khỏi một ngăn não bộ, vơ nhanh mẩu tin trên nhét vào thế
chỗ để lưu và nhớ, để làm theo.
Của cải, tiền, vàng, đô la lão đâu thiếu. Lão chỉ thiếu những đứa con có
học thức, thiếu cái sự nổi tiếng, thiếu cái danh cái giá để đời; thiếu cái
tiếng thơm lây có được từ con cái. Những đứa con trước của lão học hành toàn
phá ngang, bỏ dở, chẳng đứa nào học qua nổi lớp 7. Vì chúng trông thấy ông bố
có cả một đống của cải lù lù ra đấy, chúng cần gì phải học nhiều cho mệt thân,
nọc xác! Ðời lão thì chịu đứt đuôi con nòng nọc cái việc học hành thi cử rắc
rối lôi thôi của thiên hạ rồi, lão có muốn học cũng chịu, lão xin hàng! Bốn cái
nhà to vật vã toạ lạc trên bốn con phố trung tâm đất vàng, chỉ việc với tay tiền.
Ôi! Nhưng lão già mất rồi, bữa nhai được bao nhiêu đâu. Hai hàm răng cái
thò cái thụt, chen cá lành cái giả nhai thứ gì răn rắn là phải nhờ cái nồi áp
suất hỗ trợ nên ăn chẳng mấy thú vị. Ngày xưa, năm mười bảy tuổi lão sai lầm
nghe theo bố mẹ lấy vợ hơn tuổi. Lấy vợ để có người làm ruộng. Giờ mụ ta già
khú đế, răng giả hơn lão hai hàm. - “Mẹ kiếp, mai đưa mụ già ra toà ly dị luôn.
Mụ còn vị quái gì để lão phải chung thân. Tất tật đều khô như ngói đâm, tình củ
lẫn cái tình tình đều khô như ngói đâm, làm lão cứ phải gân cổ phì phào hát
Karaôkê với lũ tiếp viên nhà hàng tháng vài bận. Từ mai chẳng phí tiền phì phào
hát với lũ mắt xanh mỏ đỏ nữa. Ly mụ giả hai hàm xong lão sẽ lấy một cô vợ trẻ
để nàng đẻ cho lão một thiên tài!”.
Nghĩ sao lão làm vậy. Nhà đang nuôi sẵn thị Hẹn, người giúp việc.
- “Ư, đúng rồi, quên béng đi mất, cứ phải đi tìm mãi đâu đâu cho tốn công,
tốn của, tốn sức”.
Thị Hẹn không bén mắt cánh trai trẻ nhưng với lão thì... gái đứng đường còn
ôm hôn chun chút cũng có sao đâu... miễn là thị còn trẻ, còn đẻ ra con cho lão.
Lão chia tài sản rất chi sòng phẳng. Ba cái nhà, một cho mụ giả hai hàm,
một cho vợ chồng thằng cả, người con gái khi lấy chồng lão đã của hồi môn cho
tiền, vàng làm vốn đầy đủ rồi. Cái nhà còn lại, lẽ đương nhiên là của lão. Chia
sòng phẳng thế toà án nào chả tán thành ngay cho lão ly dị.
Chẳng biết thời đi hát Karaokê có em mắt xanh mỏ đỏ nào bung cái tọ với lão
không? Còn Thị Hẹn mau bụng mau dạ đáo để. Ở với lão chưa đầy ba tháng đã mắt
trợn, tay chẹn cổ ậm oẹ nôn khan, nhai khế chua, sấu xanh cả quả giòn rau ráu.
Dải rút quần thay mấy lần vẫn bị ngắn vì cái bụng của thị cứ phình phĩnh lên
như một quả đồi trên miền Trung du đang giai đoạn mọc thêm.
HXH
----------------------------------
(6): Vế đối của nhà thơ Thanh Tịnh.
(Còn nữa)