Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Nhưng nhức nỗi buồn thế hệ


Tập thơ Giấc của Lữ Thị Mai ngay từ khi ấn hành ( tháng 12. 2010) đã được giới thiệu như một hiện tượng thơ của năm 2010. Thống kê được đến 18 bài đăng trên các trang web trong Nam ngoài Bắc, cả vài trang ở rất xa cũng thấy họ post giới thiệu lại vài ba chùm. Chắc đây phải là tập thơ hay.

Ấy là khi lướt xem thơ Lữ Thị Mai trên mạng internet tôi trộm nghĩ vậy. Mãi gần đây tôi mới có tập thơ Giấc trong tay để đọc trọn 35 bài in trong đó. Trái với ngôn ngữ thơ “gai góc” của Du Nguyên (người học cùng khoá), ngôn ngữ thơ Lữ Thị Mai uyển chuyển mềm mại, đằm đằm từ câu mở đầu đến câu kết của mỗi bài:  “chiều làm mưa thanh tân/ nhảy nhót trên đường xa xỉ, trên mái tôn chật hẹp tóc buồn…” (hai câu mở đầu)… Và hai câu kết: “em chỉ là hạt mầm cô đơn/ khóc trước sự thành tâm của cỏ” (Mê khúc).
Thơ Mai nhưng nhức nỗi buồn thế hệ. Một thế hệ tưởng được sự “luông chiều” của thời đại, được hưởng sự mát lành, được sống thoải mái trong nhung lụa gấm vóc giữa lòng đất nước đang phát triển giàu có chỉ việc ăn học và sau đó là làm việc để đáp đền lại gia đình và đất nước đã chăm bẵm, nuôi nấng mình nên người. Chợt nghĩ thì đơn giản thế, khi soi mặt vào sông Hồng lại không phải thế: “những bàn tay mọc lên từ ý nghĩ/ muốn vỗ về em trọn giấc thật thà/ mà gió sông Hồng vô chừng quá/ đẩy mặt người trôi xa…” (ngày của sông Hồng).
Hình ảnh con chuồn chuồn, là hình ảnh của những ngày thời tiết đẹp, những ngày bình yên, trong sự tưởng bình yên ấy lại có gì đó không mấy bình yên: “Chú chuồn kim ngủ vùi trên lá cỏ/ mây bỏ đi cùng gió/ còn em với tóc hoe vàng/ có con đường dụ bước lang thang/ lúc niềm tin bỏ ngỏ/ gió chẳng còn là gió/ nắng qua thềm tựa cột thoát y…”(ngày bình yên).
“bữa tiệc mùa thu” ngỡ đó là một bữa tiệc vui ngày tựu trường, hoặc bữa tiệc tạm chia tay bạn bè sau mỗi năm học, nghỉ hè… nhưng hoá ra đó là bữa tiệc: “mỗi người góp một vài chuyện cũ/ chạm chén leng keng/ giữa hoang lạnh nấm mồ/ đũa bông cười hớn hở/ hoa sữa tan rồi/ nhúm sót lại cuối đường mây trắng/ em chưa vu quy đã thành hoá phụ…”.
Một cách mượn hoa để nói về người, về nội tâm nhiều nghĩ ngợi của mình trước cuộc sống đang phát triển ào ạt, nhanh quá thành lấn át những gì thuộc về truyền thông: “buổi trưa hoa bằng lăng bỗng cũ/ như hoạ tiết nỗi thời/ năm nay váy hoa lên ngôi/ phố dài guốc cao thấp thỏm/ chiếc xe đạp chở nỗi buồn của những cánh đồng/ rao bán dọc phố/ tóc ngắn lơ cài bỏ đi biền biệt/ trên cao môi đỏ hững hờ…” (Hoa trong thành phố).
-“ buổi tối mang tên bình yên
về núp sau lưng người khuất mặt
sự động cựa vẫn chỉ là dự định
chạy rông trong căn phòng
im lặng ứ đầy khát vọng
em lại kể anh nghe về những cơn mơ
bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa các bào thai
                                     mồn một hình hài
mà chẳng thể nào siêu thoát
lời thanh minh của cô gái 8x về cái chết của người tình
giọt nước mắt mẹ cha đoản mệnh khóc  đưa con thơ
                                                     bị bạo hành…”
(Viết sau im lặng).  

Gần đây tôi hay mò mẫm trên trên mạng đọc thơ thế hệ cuối 8x tôi có cảm giác… nói chung là họ buồn, phơi ra những ngóc ngách của trái tim buồn. Chẳng hiểu sao họ lại buồn đến vậy? Ở vào tuổi như họ, thế hệ chúng tôi cắp sách đứng chờ tàu điện, thậm chí đi bộ tới trường nhưng chúng tôi đâu có buồn đến vậy? Ngay cả khi ra trận, đi vào nơi bom đạn miệng vẫn toang toang hát những khúc ca hào khí. Có lẽ ngày đó chúng tôi không có sự so sánh gì nhiều về cuộc sống giữa sang giầu và nghèo hèn, nông thôn và thành thị… chẳng lẽ bây giờ thi ca nhiều bức xúc đến thế này sao: “bầu trời thả xuống ban ân huệ/ trêu ngươi những kẻ khát thèm/ có một mặt người/ chong đêm/ mọc trên chiếc dây đàn hồi/ ùn tắc âu lo vụn vặt/ giấc mơ quả lắc/ đánh đồng ám ảnh thời gian/ kéo mặt trăng gần lại mặt người/ lấp láp nếp nhàu vô nghĩa…” (giấc mơ quả lắc).
“Cá vàng” cũng là một bài thơ gợi với nhiều trăn trở, trăn trở thế hệ: “trong chiếc bể toàn rong rêu giả tạo/ cả sóng cũng giả tạo/ ngày lại ngày/ cá vàng giương vây bơi cho thoả giấc mơ ảo giác/ tôi ngắm nỗi ám ảnh quầng thâm mi mắt/ hình như những con cá thích bể nước hơn cả đại dương (…).
Sau đây xin được giới thiệu một chùm thơ của Lữ Thị Mai in trong tập Giấc. Chùm thơ dưới đây không nằm trong số mười tám bài mà chúng tôi đã đọc được trên các trang web mà chúng tôi chép đúng hình thức của văn bản gốc.
 
ngụ
thêm đôi lần cởi thắt lưng ban mai
rồi bỏ đi cùng dọc dài lơ đễnh
khuôn ngực tháng năm sạm khô mất ngủ
buổi sáng nay
ai hiền hơn chú thỏ bông?

con hẻm nhỏ cứ như không
nhà cách nhà, người cách người tiếng kêu thấp thỏm
tôi ngồi im góc cũ
chậm rãi nếm vị mặn trên mấy ngón tay
sau một lần đi biển
sau một lần giữa đám đông vụt biến
chiều chẳng thể lạ hơn những buổi chiều
phố hun hút bàn cờ lả lơi váy áo
người người không dám qua đường
nơm nớp sợ những chiếc xe đã giảm ga mà hằn học
                                                   cái nhìn vượt ẩu
kẹt giữa ngã tư

đêm đến
trong chiếc lồng ở góc phòng
có tiếng thỏ bông mắt hồng vụng dại
chiếc dây áo màu xanh tôi yêu
ngu ngơ cười trên bờ vai xa lạ.

bung
mỗi đêm
tôi lại về phía sau cánh cửa thiêm thiếp
căn phòng hơn chục mét vuông mở ra những khoảng tối
                                                      không cùng
nhiều bông hoa trắng đã quay đi hướng khác
bên góc bàn bỏ quên
bung một lời nguyền
tôi thường về nhà
bằng bước chân vay mượn của kẻ khác
cô gái thất tình
gã đàn ông say
đưa trẻ lang thang vé số…
bước chân không hợp chủ
ngồn ngột bung khỏi đề giầy

trốn chạy
cái nhìn vuốt lưng
bần bật chiếc khuy buồn rạn nứt
hoang mang cơn hát
bung cái nhìn quẩn quanh
đoá quỳnh hương thèn thẹn
này thao thức
này chờ mong
(giấc mơ không về trên cánh hoa mong manh)
Phím ngay lãng quên
Bung từng nốt nhớ

Ngoài vườn
có tiếng chim đêm
khàn khạn hót…

trầm cảm
những dấu chân của tôi đi đâu?
sự im lặng sao mà tội nghiệp
giữa giọng nói quen, nhiều mặt người quen
quy lưng với nhau làm sao biết được

đêm tối u mê
nước mắt bỏ đi rồi
tiếng cười ủ ê lợm giọng
… khe khẽ nói về điều bí mật!

còn đọng vài câu thơ
mang máng chảy nơi nào
trước nỗi đau ước mình nhỏ lại
con kiến lang thang khu vườn bàn tay

nhân gian ngõ tối đứng chờ nhau
ta trút bỏ tinh khôi trống vắng
trả lại mùa thu vòng hoa niên bí mật
bỗng thấy mình hoà tan đầy ngộ nhận.
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ