31. về Thơ Leo Thang:
Thơ leo thang
xuất xứ từ một dòng thơ nước Anh. Nhưng chỉ vài nhà thơ nước Anh ở thế kỷ 19
làm ít bài theo lối leo thang trong cả đời thơ, hình như họ không được người
thưởng thức thơ thời đó ủng hộ, nên họ không mặn mà với thế thơ này lắm. Riêng thi
hào Nga, Mayakovsky, cả sự nghiệp thơ
ông theo lối leo thang. Với Maya, chỉ thơ leo thang mới tải nổi chất hùng ca hoành tráng của cuộc
cách mạng Tháng Mười Nga. Maya rất thành công bằng thể thơ này:
- Nếu mai sau
tới
ngày tận thế
Hành tinh này
tan tác
ra tro
Riêng cầu kia
vẫn khom mình
đứng
Trong tro bụi
hoang tàn
đổ nát...”
Khi du nhập sang
Việt Nam,
thơ leo thang được coi là thơ tự do. Những năm 1940 nhóm thơ Dạ Đài cũng có vài
người làm thơ theo lối leo thang. Tiêu biểu là thi sĩ Trần Dần, và sau này ông
còn theo lối thơ này:
“Tết!-
Ồ thế, thêm
một Tết
Tôi
quăng nó
Vu vơ
vào một xó lòng,
nơi đó
là kho
đồng nát
một đống Tết xa nhà
đã gỉ han lên…
Chao ôi!
chuỗi ngày đêm
thắt
nút tất niên,
đau
như
một nút thừng
thắt cổ!”
(Chương X,
trường ca “Đây Việt Bắc)
Hiện nay nhà thơ Lê Đạt còn trung thành với lối thơ leo thang. Tập thơ Bóng
Chữ in năm 1994 của ông hầu như bài nào theo lối thơ leo thang của ông cũng
hay:
Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ
Nhà số lẻ
phố trò chơi bỏ dở
Mộng anh hường
tìm môi em bói đỏ
Giàn trầu già
khua
những át
cơ rơi...
Thơ Lê Đạt mà đọc vội vàng thì hơi khó cảm nhận vì những từ ngữ lấp lánh
chất sáng tạo từ ngữ của ông. Xin chỉ
dẫn bài “Át cơ” là bài thơ nhiều bạn đọc thơ yêu thích. Lê Đạt “Là người làm
mới chữ” (Vân Long), ông dùng từ rất điêu luyện; ngôn ngữ thơ ông
như nhảy lách tách trên các trang giấy. Xin chép thêm bài thơ nữa, bỏ đầu đề để
các bạn đoán thử xem thi sĩ cho ta cảm nhận về cái gì?
-Sóng tháp bút
bước mở trần
ấm lắng
Mưa búp măng
lưng phím nắng
dạo ngần
Mình nước đập ngà
sóng vỗ
trắng
Nhựa nhạc phồng con nốt
khuông xuân.
Nước Mỹ cuối thập kỷ 60
thế kỷ 20, những nhà thơ người Mỹ gốc châu Phi chuyên sáng tác bài ca truyền
miệng trình diễn đã thể nghiệm thể thơ theo lối leo thang. Đúng hình thức là họ
“thả dây thang” (qua quan sát văn bản tiếng Anh), với cung cách tách một tiếng
thả từng âm cho rơi dần xuống như nhỏ giọt:
S e r p
e
n
t
i
ne screams of happiness
hot molted masses of marvlous messages
and HEAVY anger
p
o
u
r
i
n
g
forth from fiery throats
of your thick reeds
spurting rhytythms
all over
all under
and all around.
Chuyển ngữ:
- Những tiếng
hét
loằng n
g
o
ằ
n
g vì hạnh phúc
nóng làm rụng lông vô số thông báo tuyệt vời
và tức giận nặng nề đổ x
u
ố
n
g
từ những cổ họng bốc lửa
những lưỡi gà
dầy của anh
phun ra nhịp
điệu
khắp trên
khắp dưới
khắp chung
quanh.
(Nguyễn Thuỵ ứng dịch.)
Truyền thống đã
có thơ Đường luật, thơ Lục bát, Song thất lục bát, thơ Tự do, (thơ leo thang
cũng được hiểu là thơ Tự do)... sau này ai đó có “sáng chế” thêm lối thơ gì
khác nữa để lập danh, dựng tiếng mà cái hay chỉ ở mức thấp lè tè, nói bỏ sông
bỏ bể, cũng khó có độc giả, chỉ để... “Giờ bán cân bà đồng nát mua về” (thơ
Trần Nhương).
HOÀNG
XUÂN HỌA Giới thiệu các luật thơ- thể thơ- cách làm thơ
Đi vào chốn mê cung của thi ca khó lắm thay.
Để làm được thơ hay còn phải trau dồi học hỏi nhiều, phải có tâm hồn phong phú,
sâu sắc, có trí tưởng tượng bay bổng, có cái đầu thông minh, đôi khi là một cái
đầu lạnh cộng sự hiểu biết phải uyên bác,
thông tuệ,
điêu luyện và giầu vốn ngôn từ; vừa phải là người có quyết tâm cao mới theo nổi cái nghề khổ ải
này. Nói như nhà thơ Phạm Thiên Thư: “Thơ hay phải dày kinh nghiệm, phải
chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để (được) trong tâm, phải trầm
trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả”
(Huyền ngôn). Còn làm thơ để chơi chơi, thì xin mời tất cả, ai thích thì cứ việc vui
vẻ làm thơ. Người cao tuổi luôn làm thơ, đọc thơ, thuộc thơ để rèn trí nhớ, giữ
được sự minh mẫn. “Không làm gì cả, không chăm chú đến vấn đề gì cả là điều
bất hạnh nhất của tuổi già” (Vích To- Huy Gô).
Khương mai, Thanh Xuân, Hà Nội
14/ 4/ 2003 - 14/
4/ 2004
Bổ sung - 2015
HOÀNG XUÂN
HỌA