Phần II
Phụ Lục
Haikư, một thể thơ có xuất xứ từ Nhật Bản, được truyền sang Trung Hoa và một số nước phương Tây như Pháp, Mỹ... Thơ Haikư tiếng Nhật thường là một dòng trên dưới 17 âm tiết, khi phiên âm sang La Tinh được tách thành 3 dòng: Dòng đầu: 5 tiếng; dòng thứ hai: 7 tiếng; dòng thứ ba: 5 tiếng (5 -7 - 5), và cũng không hạn chế số chữ trong một bài tùy vào cảm xúc của người làm thơ. Thơ Haikư thường đề cập thường xuyên với hai đề tài thiên nhiên và đời sống con người Nhật Bản.
Thiên nhiên trong thể giới thơ Haikư là những cảnh vật bình dị, thân quen như ngôi nhà xưa cũ, ao nước, mảnh sân rêu phong, một tia nắng nhỏ; những sinh vật nhỏ bé như chuồn chuồn, con ếch, bươm bướm, bày đom đóm... “Đây được cho là những phút chớp lấy khoảnh khắc của thực tại để rồi cuối bài là sự thăng hoa về cảm xúc và sáng tạo theo nguyên lý mùa và tương quan hình ảnh. Kết cấu bỏ lửng của thơ Haikư chính là cái hư không, vô định và mở ra nhiều cảm xúc mơ hồ cho người đọc... Nhắc đến thơ Haikư, nhiều người yêu thơ sẽ không thể quên tên của những người đặt nền móng, khai sáng cho thể thơ này như Matsuo Basho (1644 – 1694), Yosa Buson (1716 – 1784), Kobayashi Issa (1763 – 1827), Masaoka Shiki (1867 – 1902)… Mỗi nhà thơ đóng một vai trò quan trọng nhất định trong quá trình hình thành và phát triển của thơ Haikư...”(Văn hóa Nhật Bản).
Ngôn ngữ Nhật đa âm, một câu thơ 5 tiếng, hoặc 7 tiếng
đọc lên nghe dài nhưng nghĩa chỉ một, hai tiếng nếu dịch ra tiếng Việt.
Thí dụ:
Furuikeya
Kaerutobikomu
Mizunooto
Phiên âm:
Fu ru I ke ya
Ka e ru to bi ko mu
Mi zu no o to
Tiếng Việt:
Trong ao xưa
Con ếch nhảy vào
Tiếng nước khua.
Tiếng Việt đơn âm nên có thể dùng 17 chữ trong 3 dòng để
diễn đạt cho một bài Haikư. Thơ Haikư cần sự ngắn gọn, lắng đọng, suy tư, ngân
nga, một chút thiền càng hay. Nếu thơ Haikư làm bằng ngôn ngữ Việt, gieo vần
chân hay vần gián cách, hoặc vần lưng đọc càng êm ái du dương, dễ nhớ… nhưng
không bắt buộc.
Về nội dung, Haikư chính thống đòi hỏi trong bài phải nói
về một trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông (tứ quý). Cũng không có nghĩa phải
nêu hẳn tên cái mùa ấy ra mà dùng biểu trưng: Như hoa này thuộc mùa này, quả
kia thuộc mùa khác để diễn tả; lá vàng, nắng, mưa, sương, tuyết làm biểu trưng
cho một mùa... hoặc diễn đạt hình ảnh lớn về vũ trụ chỉ cần gợi:
Tiếng ve kêu râm ran (chỉ mùa hạ)
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!
Vân vân và vân vân… cũng có thể lồng chuyện thế sự,
hoặc hình ảnh về tình mẫu tử:
Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.
(Issa)
Người Nhật làm thơ Haikư không ghi đầu đề, mà ghi số thứ
tự cho từng bài.
Ở ta, trước đây các nhà thơ: Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường
cũng từng làm lối thơ kiệm lời này, và các ông đặt tiêu đề cho mỗi bài.
Nhưng các ông làm không nhiều, đếm trong hai tập thơ của Lê Đạt đã xuất bản:
“Bóng chữ và U75 từ tình” chỉ chừng mươi bài:
ĐẶC NHIỆM
Thương anh đường trường
không người trò chuyện
Em đặc nhiệm dăm kỷ niệm tháp tùng
THỤ LỘC
Xứ oản đất chùa hương mộc
Vụng đường tu
E dám thụ lộc chùa
CÓ THỂ
Có thể sau lòng tiễn nhau biệt cửa
Một huệ tình
Ơn chữ ngộ thừa yêu.
GA
Em sao xa
chiều
bao la ga.
Những bài thơ khác, thơ hai câu của Lê Đạt cũng mang tính Haikư khá cao:
NGHỈ LỄ
Sao em nỡ nghỉ yêu Chủ Nhật
Xuân đình công phố thất nghiệp tình.
CẤM CỬA
Nhà em đường thênh thang xa lộ
Biển an toàn cấm cửa mình anh.
GIẢ NGHĨA
Một thư đãi bôi mấy lời giả nghĩa
Mưa thanh minh cho mía nhạt tình.
Phải thừa nhận rằng chữ nghĩa của Lê Đạt dùng trong thơ rất tài tình.
Dịch giả, nhà thơ Dương Tường trong tập Thơ Dương Tường
do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 2005 ông đã ghi rõ :
(Bắt chước phong cách Haikư ở từng bài Haikư của ông):
LẠC 1
Ai bẻ ghi tôi
tu huýt còi
hoang ga em?
LẠC 2
Ô kìa một mối tình thôi lôi
ai thả trôi
giữa dòng kí ức
MÀU NHỚ 3
Hồ môi thơ lã chã âm xưa
bản nháp chiều tơ liễu
mưa đưa.
Về nhà thơ Trần Dần, ông không tuyên bố là thơ Haikư nhưng hình thức về thể loại trong thơ của ông rất sát với thơ Haikư:
SẸO ĐÈN 5 - 6
jậu sắt
sẹo jài jách lá mượt jòng jừa
tuần lễ lấm
CHÙM 22
Bustơ cây
nhu nhú lá
mùi thịt buổi sớm
THƠ MI NI
Vô tư như thưở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa.
THƠ NGẮN
Quả đất Á, ÂU đều đất
Anh đau ở chỗ nào
Vết thương ngàn dậm lạnh
KHÔNG ĐỀ
THÔI - về nhà
kẻo vợ
chờ cơm!
Vì giai đoạn ra đời những bài thơ kể trên ba ông rất thân nhau, vịn vào thơ để vượt qua thời kỳ mắc tai nạn nghề nghiệp.
Với ý tưởng làm mới ngôn ngữ Việt, thơ Việt các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt,
Dương Tường đã phần nào thành công trong thế thơ này, tuy các ông làm thơ Haikư
không nhiều, cũng là gian đoạn manh nha để thể thơ này phát triển tại Việt Nam
những năm gần đây ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Nha
Trang...