Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Giới thiệu luật thơ, Thể thơ, cách làm thơ (Tiếp theo và hết)


Luật, thể, cách làm thơ
Phần II


Phụ Lục


Trích những lời bàn về việc làm thơ của người xưa:

            -“Những kẻ chuộng công danh bây giờ thì chỉ theo đòi hóng gió lặt lấy những chữ bã mía của tiền nhân, tập làm cái thứ văn chương hoa hoét...”
                                                                       (Phạm Đình Hổ)
                                                                          (1768- 1839)


            -“Thơ cốt ở ý; ý có sâu xa thơ mới hay. Phải làm cho người đọc phải suy nghĩ...Thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời. Như thế mới là thơ có giá trị”.
                                                                        (Lê Hữu Trác)
                                                                           (1720- 1790)
            -“Chỉ cần nhà thơ mất lòng tin vào cuộc đời, tài năng sẽ chết, vì anh ta không còn nghe được dòng nước ngầm của thi hứng... Vì thơ là từ con người làm ra, và để  phục vụ cuộc sống con người”.
                                                                  (Cát -xin Ku-li ép)

            -“Có khi ba năm mới nghĩ được một câu, mười năm mới làm thành bài thơ. Sao người ta lại tự mình làm khổ mình như vậy? Bởi vì khi viết văn, do ý nghĩ ra, lấy lời mà diễn đạt ý. Không thoả mãn về lời thì phải xét lại ý; không thoả mãn về ý thì phải dò lại thần; khi nào thần trọn, ý đủ, mới có thể viết thành bài văn. Cho nên nhà thơ không thể không khổ tâm rất mực vậy”.
                                                                            Ngô Bá Sĩ
                                                                            (1788-1867)
           (Những ý kiến trên do nhà thơ Hoàng Trung Thông sưu tầm,
           Xuân Diệu viện dẫn. Báo Văn Nghệ số 19 (705) 17 - 5- 1977)


             Luận bàn về thơ, của các nhà thơ đương đại:                                                    
            -“Một tác phẩm nghệ thuật phải vâng theo quy luật của cuộc sống và còn phải vâng theo quy luật của tác phẩm nữa. Cuộc sống diễn ra như một dòng sông chảy, nước dính liền nhau và đi. Nhưng một bức tranh hội họa là một khung tĩnh vật. Chỉ có quay phim, điện ảnh mới chớp được sự sống trong sự di động của nó, còn bức tranh thì phải lấy cái đứng yên mà diễn đạt cái chuyển đi, chỉ hoàn toàn lấy không gian mà cố gắng diễn đạt thời gian. Nếu muốn lấy tranh mà diễn đạt những câu chuyện, thì phải vẽ tranh liên hoàn, phải vẽ nhiều bức tranh kế tiếp nhau; nhưng mỗi bức tranh liên hoàn ấy đều phải có quy luật riêng của nó, nghĩa là phải có một trung tâm tình cảm, cảm xúc, một sự hoàn chỉnh về hình thể! Vừa nối dính với bức tranh bên cạnh, vừa phải tự trọn vẹn trong nội bộ của mình. Bài thơ cũng vậy: nếu cần kể chuyện, thì làm theo thể loại thơ kể chuyện: còn thì mỗi bài thơ là một trái đơn, chỉ có một hạt, như trái xoài, chứ không phải là một trái mít nó là trái kép, thực chất là nhiều trái ở chung trong một cái vỏ. Nhiều khi, người làm thơ vì tham nói nhiều chuyện khác nhau trong một bài thơ (bởi thực tế phong phú quá) cho nên làm ra xoài nhiều hạt, dồn hai ba bài thơ trong một bài. Nhưng làm như vậy trái với quy luật thưởng thức của người đọc thơ; mà khi người đọc thơ không chấp nhận, khi người đọc đã rút hết cái “lượng thông tin” trong bài thơ rồi, và họ bỏ ra, thì họ cũng không dùng lại một lần thứ hai nữa đâu, bởi đây chưa phải là một tác phẩm; vì một tác phẩm, một bài thơ hay, thì, như lời đồng chí Phạm Văn Đồng nói, "một cuốn sách có giá trị, hàng chục vạn người đọc, năm này qua năm khác, đọc mãi, thế hệ này đọc, thế hệ khác đọc”.
                                                                   (Xuân Diệu)
                                              (Trong việc làm thơ, báo Văn Nghệ
                                                   số 16 (702) ngày 16- 4 - 1977)
  
-“Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển khác thường...Làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm...Mà trước hết nên lo sao thơ phải nói lên được những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại. Dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay...
            Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng của nhà thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự. Không ai đọc thơ riêng bằng trí thức mà yêu thơ. Hiểu thơ kỳ thực là vấn đề của cả tâm hồn...
            Vượt khỏi tất cả mọi luật lệ, không phải thơ trở nên buông thả, bừa bãi. Sự cẩu thả, buông lỏng chưa bao giờ đi đôi được với nghệ thuật...Nghệ thuật có kỷ luật sắt của nó, nhưng trong đó không thể là những trói buộc, lề lối định sẵn bên ngoài...”
                                                             Nguyễn Đình Thi     
                                                   (Mấy ý về thơ viết từ năm 1949.
                                         Phụ bản thơ báo Văn Nghệ số 2 quý II 2003)

- (Làm) "Thơ khó như cấy lúa. Nó gần gũi với ta 4.000 năm nay nhưng vẫn chưa hiểu hết, còn tranh luận về bệnh vàng lụi- Người đọc thơ không có chiếu cố bất cứ ai, khi nó đã là giấy trắng mực đen. Thơ có cái quy luật của nó, người đọc cũng có cái nhận thức tàn nhẫn của nó. và như thế văn học mới phảt triển được.
            Trong hoá học có một định luật mà học sinh phổ thông nào cũng phải thuộc. Ấy là định luật bảo toàn trọng lượng của các chất tham gia phản ứng bao giờ cũng bằng trọng lượng các chất thu được sau phán ứng. Nghĩa là đầu vào bao nhiêu thì đầu ra bấy nhiêu. Trong thơ cũng đúng như thế. Muốn có thơ hay thì phải sống, phải trải, phải chiêm nghiệm, phải bóp đầu suy nghĩ. Nghĩa là cái đầu phải nặng, phải khá. Chớ suốt ngày trà lá nói dóc, tán phét mà đòi thơ hay thì không có đâu. Ấy là tôi nói những người làm thơ thứ thiệt. Nói đến con ong- Con ong bay đến một bông hoa thì đã cho đời một giọt mật, còn con nhặng (có khi cũng hao hao giống con ong đấy) bay qua cả một mùa hoa cũng chẳng làm được trò trống gì, có khi lại làm thối hoa ra cũng chưa biết chừng."
                                                                      Chế Lan Viên
                                               (Chề Lan Viên nói về thơ, báo văn Nghệ
                                             số 46 (2287) ra ngày 15/11/2003. TD sưu tầm)            
- “Học tập thơ ca thế giới. Rất đúng và cần thiết. Vấn đề là phải tiêu hoá nó. Nhưng thơ ca dân tộc cũng nhiều cái hay lắm chứ. Sự kỳ lạ, cao rộng, sâu sắc, sự tinh tế của cha ông, chúng ta chưa học hỏi cho đến nơi đến chốn. Có một câu ca dao Nam Bộ tôi cho là cực kỳ tài tình: “Muối chua, chanh mặn, ớt ngọt, đường cay; nhánh gừng thì đắng...từ ngày xa nhau”. Đây là viên ngọc của ca dao Nam Bộ. Xa em tôi không muốn nói là tôi buồn quá, tôi khổ quá, tôi không nói là đau đớn quá mà là nỗi đau ấy làm tê liệt toàn thân đến nỗi đánh lộn mọi cảm giác. Cho nên (nếm) muối thành chua, (ăn) chanh thành mặn, (ăn) ớt thành ngọt, (ăn) đường thành cay, (nhấm) nhánh gừng thì đắng. Không (hề) có chữ đau, không có chữ buồn,  không có chữ tê dại, không có chữ chết toàn thân... mà chúng ta thấy tất cả, đau đớn tột cùng. Và tôi đọc Nguyễn Trãi, lắm lúc kinh hoàng vì tính hiện đại của ông. Bây giờ chúng ta cứ hô hào hiện đại, nhưng thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã viết như thế này: “Đìa ham nguyệt hiện chăng buông cá, Rừng tiếc chim về ngại đốn cây”. Muốn ăn cá nhưng tiếc trăng hơn cá, không lỡ buông câu, vì buông câu thì vỡ hết cả mặt ao và trăng cũng vỡ luôn theo nước. Và không dám bẻ một nhành cây, sợ chim không về nữa. Một ông lão nhà nho ẩn khuất ở Côn Sơn cách đây năm thế kỷ mà hay và sâu sắc đến thế. Hay một câu dân ca Thái: “Yêu nhau đựng nước ở trên sàng, thả lá tre thành cá...” Đây là hiện thực, hay tượng trưng, hay là gì? Hoặc dân ca Hà Tây: Để đáp lại câu hỏi của cô gái: “Trăng lên đỉnh núi trăng tà/ Mình yêu ta thật hay là yêu chơi. Người con trai trả lời: “Ví bằng mình quyết lấy ta/ Ta về ta bán cả nhà ta đi/ Ta bán cả núi Ba Vì/ Bán chùa Tam Thất Phật đi lầu lầu/ Ta về bán hết ngựa trâu/ Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung/ Bán ba mươi sáu thổ công/ Bán ông Hành Khiển, vợ chồng Táo Quân/ Bán từ giờ Ngọ giờ Dần/ Giờ Tý, giờ Sửu, giờ Thân, giờ Mùi/ Ta về bán cả que cời/ Bán tro vun bếp, bán tăm khêu đèn/ Ta về bán trống, bán kèn/ Có gì bán hết lấy tiền cưới em... Thế đấy, khỏi phải trả lời là yêu thật hay là yêu chơi? Mà con người này cũng thật đặc biệt, dám bán trời, chưa đủ, bán cả thời gian, xưa nay chưa từng có. Đây là trường phái gì, hiện thực, siêu thực hay lãng mạn?.. Không cần giải thích, trước hết ta thấy nó hay, nó chinh phục trái tim ta mạnh, tức khắc. Nói thế để nói rằng chúng ta thật sự có những quả núi văn học lớn, không thua kém ai hết. Đôi mắt chúng ta cứ liếc sang nước ngoài. Học tập (nền văn học) nước ngoài là đúng nhưng đừng quên chúng ta có những tài sản văn học lớn. Chúng ta mới mở ra thế giới chừng vài năm, còn văn hoá của chúng ta hàng mấy nghìn năm. cái gốc mấy nghìn năm đủ cho chúng ta xen xét tất cả các giá trị ở đời.”
                                                              (Hữu Thỉnh)
                                              (Thơ Là bữa tiệc của tâm hồn,
                                Phụ bản thơ báo Văn Nghệ số 5 tháng 11- 2003 )

- “Thơ phải mới mẻ qua từng dòng, qua từng bài, nhưng thơ chẳng bao giờ là “mốt”. Bởi, làm gì có “mốt” số phận”?
                                                    (Thanh Thảo)


  Những bài và câu thơ tài hoa.
   (Trích từ sổ tay để các bạn yêu thơ tham khảo)

- Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
                        (Đoàn Thị Điểm)
                           (1705- 1748)
- Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
                           ( Nguyễn Du)
                           (1765- 1820)      
- Mành rủ liễu, tán dương tùng
Trúc khua vách đá, lan lồng áo tiên.
                                     Phạm Thái
                                    (1776-1813)

Tỳ bà                                   
                                   Bích Khê                 
                      (Cả bài thơ toàn vần Bằng)

Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Dây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung thương
Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào nguyên cho xa xôi
Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
                                             (B.K)
- Bàn tay đỡ một trời yêu
Hỏi lòng ta vậy có liều hay không?!
                                 (Viên Lan Anh)
-Tôi cất đi những cái bực mình
của một thời tôi yêu em kỳ lạ
để đến sau này, lỡ tôi chẳng còn gì để cho em cả
Tôi sẽ tặng em những cái bực mình.
                               (Phạm Đình Ân)
- Giá như ngày xưa… gác gươm sườn núi đá
Tháo đôi giầy cỏ thả trôi
Cởi áo vắt vai cười ha hả
Vời trông bốn hướng đất trời…
                  (Trần Huiền Ân)
Chó vây tiếng sủa inh tai
Con bò lạnh nhạt đương nhai nắng tàn
       (Nguyễn Nguyên Bảy -Từ Thức bơ vơ)

- Cái răng khuyết, em đừng hàn đấy nhé
Xin cứ dành phần khuyết ấy cho tôi.
                            (Nguyễn Hoà Bình)
- Người quê vẫn dáng cau gầy
Ngõ quê vẫn gạch lát đầy ánh trăng.
                              (Lê Đình Cánh)
- Xe đời bẹp bánh chông chênh
Vá cho tôi!
                 - Nắn lại vòng si mê…
                                   (Hoàng Cầm)
- Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại
Xuân ơi xuân, lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về...nhưng nắng đã Côn Sơn.
                              (Hoàng Nhuận Cầm)
- Yếm cô gió lật rập rình
Ngực trăng nhú sáng một mình gió xen.
                                (Nguyễn Việt Chiến)
- Một tình yêu chớm nở dưới trời xanh
Con ngu si con không biết để dành
Đem tiêu hết vào những ngày hư ảo.
                                        (Thu Bồn)
- Mải mê đuổi một cánh diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
                                (Đồng Đức Bốn)
- Sắt nhiễm từ
hút chặt vào nhau
Chúng mình nhiễm gì đâu
mà hút nhau như thế?
            (Nguyễn Thế Cơ)
- Nghĩa trang dù đẹp mấy mươi
Cũng không khơi được nụ cười mẹ tôi.
                               (Vũ Thành Chung)
- Ngủ đi… cái ngủ cô đơn
Trời đang thổi rỗng từng cơn gió mùa
Nừa chăn nửa chiếu vẫn thừa
Nửa gian tập thể sương lùa bốn bên.
                          (Nguyễn Văn Chương)  
- Cuối phố có ngọn đèn thắt cổ
Hãy chỉ cho tôi chỗ nào tôi đổ bớt tôi di.
                                        (Trần Dần)
- Kính thưa thục nữ Thị Mầu
Yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người
Thật tình dám chịu dám chơi
Dám ai vỗ cái mời đời như em.
                         (Nguyễn Duy)
-Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi  ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong.
                     (Phạm Tiến Duật)
- Đến Trường Thành, ta được làm hảo hán
Chễm chệ ngai vàng, ta được làm vua...
Mua tấm vé, ta làm chi cũng được!
Nhưng, để làm người - biết lấy chi mua?
                          (Lưu Trùng Dương)
- Cô gái hái trộm sen
                               về ủ tuổi
Lỏng khuy cài
                      gió cởi
                                một dòng hương.
                                                (Lê Đạt)
- Mấy ai đi hết tình đầu
Tôi ngồi rút cỏ mà khâu nỗi buồn.
                          (Trần Quang Đạo)

- Cỏ may gỡ mãi cũng ra
Còn thương nhớ ấy gỡ ra thế nào?
                          (Phạm Đức)
- Chia biển cả giận hờn ra sóng gió
Chia anh ra em nhận đươc gì?
                     (Đặng Huy Giang)
- Lòng anh thăm thẳm - lòng sông
Em ngụp lặn giữa mát trong rộng dài.
                          (Trần Thị Mỹ Hạnh)
- Ngày xưa em chửa lấy chồng
Sao anh không gói nắng hồng sang chơi.
                              (Nghiêm Thị Hằng)
- Mắt con thuyền thúng ca dao
Chiếc lông mày đã cắm sào sông anh.
                            (Trần Mạnh Hảo)
- Giặc về cây lúa nghẹn đòng
Đói nghèo từng đã níu cong mái chùa.
                         (Nguyễn Trung Hậu)
- Những trưa hè ngùn ngụt nắng Trường Sơn
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xoá.
                      (Nguyên Hồng)
- Soi đuốc trăng bắt con cá suối
Nướng đỏ bình minh nhắm rượu cần.
                                      (Hoàng Xuân Họa)
- Sông Hương không chở thuyền đầy
Để cây núi Ngự uốn gầy gió đông.
                                     (Quang Huy)
- Ngã ba sông xoè đỡ cánh trăng nghiêng
Dòng nước chảy như từ dòng ánh sáng
Cơn mưa vừa đẩy bờ xa thẳm
Kéo hương vườn đâu đó xích gần tôi.
                           (Trần Trung Hiếu)
-Tránh được cơn mưa lại ướt nỗi buồn
Sợ nắng trưa lại gặp chiều lạnh lẽo.
                         (Nguyễn Bích Huyền)
 - Trăng non sắc tựa dao cau
Bổ đêm thành những khối màu xám đen
                         (Vũ Thị Huyền)
- Này sương, này gió, này trăng
Tôi trao em liệu có bằng người ta?
Này cây, này lá, này hoa
Em cho tôi đủ thắm qua một đời?
                           (Trần Ninh Hồ)
-Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nẻo ở trong nhau.
                                         (Hoàng Hữu)
- Em lấy chồng về tận chốn xa xôi
Bỏ lại dòng sông - Bỏ đôi bờ xưa cũ
Anh vụng dại cứ chất đầy nỗi nhớ
Sông và Em lấp kín cả đôi bờ.
                      (Ngô Đăng Khoa)

- Ngoài cửa sổ, cây bạch dương biết thế
Trổ lên trời lặng lẽ đoá trăng quê.
                        (Trần Đăng Khoa)
- Bím tóc lửng lơ đuổi theo gió thổi
gọi tên mình trên đường gió vu vơ.
                                 (Lê Thị Kim)
- Em về gom cốm mùa thu
Giã vào nỗi nhớ
                         đến giờ chưa xanh.
                   (Trần Hoàng Thiên Kim)
- Muốn trèo lên nắng mà đi
 Muốn đu lên gió mà về với nhau.
                           (Đỗ Trọng Khơi)
- Chiều bão, nghe tin hai nửa lục bình thất lạc
Chung một đời sông mà cách mấy cuộc đời nhau.
                                  (Trần Thị Ngọc Hồng)
- Giọt chuông Thiên Mụ rơi thầm
Đưa đây nỗi nhớ anh cầm, Huế ơi! 
                   (Trương Nam Hương)             
- Ba trận mưa mây một trận nồm
Nhạt màu nắng quái nhuộm chiều hôm.
                               (Yến Lan)
- Nghiên đá đền Sơn cỏ sẫm rêu
Kình thiên bút nọ đã lên meo
Muốn về nâng bút dầm nghiên đá
Pha nước Hồ Gươm viết thật nhiều.
                     (Bàng Bá Lân)
- Mồ hôi ướt cả tiếng ve
Mồ hôi ướt cả tiếng hè chang chang...
- Muốn làm cơn gió tạt ngang
Bẻ đôi mùa hạ cắt ngang nắng hè.
                         (Nguyễn Đắc Lễ)
- Lênh đênh hồn cắm sào ngang
Năm ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ.
                                (Du Tử Lê)
-Ta với nỗi buồn trong đến đáy
Ai đi nghiêng xé một sắc ngày
Cây cỏ thu chiều về cuối nằng
Phớt màu hoa dại ở chân mây.
                            (Mai Linh)
-Tất cả chúng ta đều bội thực u buồn
Có những nỗi -buồn- mặt- người không nhận diện.
                                              (Vi Thuỳ Linh)
- Thôi thì thôi nỗi buồn vàng
Thả ta xuống đỉnh trời hoang một mình.
                              (Phạm Thị Ngọc Liên)
- Đục trong thì cũng một dòng
Suối đừng vò nát dòng sông làm gì.
                               (Nguyễn Long)
- Liễu buồn rủ nét mi cong
Người không đến nữa còn mong nỗi gì.
                             (Trần Vũ Long)

- Em chê ta nhạt lòng thế cuộc?
 Bảy chục năm mặn nhạt cõi nhân sinh
Ta còn chín cả chiều cay đắng nữa!
                                     (Vân Long)
- Em đá vào ta một trái buồn
còn ta đá lại trái cô đơn.
            (Phương Xích Lô)
- Que diêm mảnh cứ châm bờ rạ ướt
Khói lửa nào đắng đót trái tim côi.
                         (Đoàn Thị Lam Luyến)
- Dòng sông Đà hùng dũng dường kia
Giờ ngăn đập sông luồn qua cửa cống
Biển Vũng Tàu cứ tưởng mình dài rộng
Dàn khoan dầu, biển hoá mảnh ao quê.
                                    (Trần Nhương)
- Thôi nằm, nói chuyện triền miên
Tiếng gà kéo mảnh trăng liềm vào mây.
                              (Nguyễn Đức Mậu)
- Em gieo khao khát lên trời lộng gió
Mơ gặt về những đoá sao xanh.
                                      (Trà Mi)
- Người quan họ làm quan theo họ
Đất Thuận Thành không thuận cũng thành.
                         (Câu đối truyền miệng)
- Cơm ăn mẻ bát xứ người
Vẫn canh cánh một góc trời chợ quê.
                             (Dương Thuý Mỹ)
- Người tôi yêu lại đi xa
Người yêu tôi ở lại nhà... chán ghê.
                          (Phan Thị Thanh Nhàn)
- Điều đơn giản chợt về trong ý nghĩ
Ước mỗi ngôi nhà sáng mỗi ngon đèn thương.
                                  (Nguyễn Thị Hồng Ngát)
- Người mà bán cái lạnh lùng
Thì ta mua cái bão bùng trong tim.
                              (Bình Nguyên)
- Ly rượu đầy không đủ cạn nỗi đau
Không đủ thắp cho lòng tôi hy vọng
Đường phố chiều đông cho lòng tôi lá rụng.
                                        (Định Nguyễn)
-Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa.
                              (Phạm Hồng Oanh)
- Chỉ có cánh đồng gieo trồng ước mơ
Không có cánh đồng gặt hái ước mơ.
                                        (Kim Ô)   
- Em nấu canh rau muống
Muống mùa này ra hoa
Hấng làn heo may rụng
Rắc suông ba gian nhà.
              (Vũ Thị Phúc)


- Thôi đừng cố đếm bao nhiêu rác
Hãy gắng nhìn cho tỏ chất người.
                               (Việt Phương)
- Mây luồn đáy nước qua cầu
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.
                                   (Hằng Phương)
- Đang yên ả giữa cây xanh
Con đường tự xé mình thành ngã ba
                               (Hồng Quang)
- Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Em tìm gì khi thất vọng về tôi?
            (Hồng Thanh Quang)
- Mẹ mượn đèo Ngang buộc một đầu guốc võng
Cột gỗ nhà ta một đầu võng kẽo cà.
                            (Nguyễn Hữu Quý)
- Nhớ mẹ nhiều nhưng không ai khóc
Tiếng cười giòn neo thả tan vầng trăng.
                 (Hoàng Thị Xuân Quý – Ra khơi)                           
- Giá có thể cái nhìn em cầm được
Tôi gói về bọc những cơn mơ.
                 (Trần Quang Quý)
- Bạn đã từng thương nhớ ai thắt ruột cháy lòng
Như Tổ quốc mình thắt lại ở miền trung!
                                        (Lê Chí Quỳnh)
- Còn thao thức gió - là còn...
Sông ơi xin trở lại nguồn làm mưa.
                              (Bế Kiến Quốc)
- Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh
Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
                           (Nguyên Sa - Chia biệt)
-Giá đắt nhất là nụ hôn miễn phí
Cả cuộc đời trả nợ vẫn chưa xong.
                        (Nguyễn Bảo Sinh)
-Tàu lao nhanh, thời gian lao nhanh
Ba cây liễu không lên tàu cũng lao vun vút
                               (Nguyễn Hoàng Sơn)
- Ước gì vớt hết long đong
Đem ra biển đổ cho lòng thảnh thơi…
                             (Tâm Tâm)
Bên Sông
- Gió rủ oanh đi ngàn liễu khóc
Sông đùa lạnh tới bóng trăng run...
Thuyền ai tiếng hát bên kia vắng?
Ghé lại cho nhau gợi chút buồn.
                           (Quách Tấn)
- Mộng còn lưởng vưởng bến xa mờ
Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ.
                        (Hàn Mạc Tử)
-Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lững thững đi.
                            (Trần Huyền Trân)


- Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím.
                                                 (Hữu Thỉnh)
- Một chén rượu, chiều bao quá giấc
Giấc mơ thu - đó giấc cuộc đời.
         (Hoàng Trung Thông, Khóc Định Nguyễn)
- Ra đường gặp tiếng xưng "em"
Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau.
                              (Nguyễn Quang Thiều)
 - Người về phía khói hương rồi
Con quỳ khóc chỗ mẹ ngồi trống không.
                                (Hải Từ)
- Về thăm làng em lái chiếc xe hơi
Người đi đón vẫn quần nâu, áo vá
Anh là cọng rơm vàng dưới bánh xe em đó
Cọng rơm vàng dập nát vẫn vàng rơm
                               (Nguyễn Trọng Tạo)
- Ghen là bởi quá yêu thôi
Không yêu ai giữ của trời thành riêng?
                                  (Thân Đưc Thi)
- Những lời đang vỗ cánh
Chưa chắc là đã bay.
             (Nguyễn Vũ Tiềm)
Tôi muốn làm con sông chia hai bờ thương
Lại muốn làm con sông nối hai bờ nhớ.
                                    (Lãng Thanh)
-Tháng tám treo liềm đêm về không ngủ
Nghiêng phía nào cũng tiếng mưa rơi.
                                (Vũ Duy Thông)
- Que cời nhọ suốt quanh năm
Sống cùng vua bếp mơ nằm với trăng.
                              (Thanh Thìn) 
 - Mưa da diết đứng nhặt hồi chuông rụng
Gánh lên vai mười hai nhịp Trường Tiền.
                                     (Đinh Hồi Thủ)                              
- Người về tôi nhọn lên nhiều
Chỉ xơ
          Kim rỉ
                    Đâm liều vải thưa...
                        (Lã Thanh Tùng)
- Đời đương thực thế thành hư ảo
Em hoá sương mù, ta hoá nhau.
                        (Bùi Ngọc Trình)
-Trăng nghiêng thả sóng bậc thềm
Tôi đi lấy sợi rơm mềm trói mưa.
                              (Quỳnh Vân)
- Mẹ kiếp! Một triệu thi sĩ giết- trăng mà trăng
                                                       không chết
Một tỉ tình nhân lấy trăng ra thề bồi, trăng cứ trơ
                                                                  trơ
Mà có khi trăng chết vì con lý ngư vọng nguyệt
Mê đôi mắt cá si dại kia, trăng rơi tõm xuống hồ                         
                                 (Chế Lan Viên)

Tài liệu tham khảo:
Tham khảo từ nhiều giáo trình văn học, Tác phẩm lý luận văn học, Lịch sử văn học Việt Nam, các tài liệu nghiên cứu Ngôn ngữ, Từ điển văn học, tài liệu chuyên đề về văn học, các hợp tuyển thơ, tập thơ, các tác phẩm thơ của nhiều nhà thơ cùng nhiều loại hình báo chí  khác...
Gồm những tác giả: Nguyễn Thiện Kế. Ngô Đức Kế, Kiều Oánh Mậu, Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm, Tản Đà, Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Hoài Thanh,  Quách Tấn, Xuân Diệu, Vũ Ngọc Khánh, Đinh Trọng Lạc, Tạ Ngọc Liễn, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi...

      Mục Lục:

      Lời Nhà Xuất bản

Thứ tự.          Tiêu đề                                   
    
1. Bàn về ngữ âm tiếng Việt
2. Cách gieo vần trong thơ
3. Láy từ trong thơ
4. Điệp ngữ trong thơ
5.Phương pháp sóng đôi trong thơ
6. Đảo ngữ trong thơ
7. Phương pháp đối lập trong thơ
8. Phản ngữ trong thơ
9. Cách đối âm trong thơ
10. Câu đối câu
11. Thể câu đối
12. Chơi chữ trong dân gian
13. Chơi chữ trong câu đối
14. Cách nói quá sự thật
15. Khoán thủ
16. Một hình thức thơ độc đáo khác, dạng tạo mô hình
17. Thể thơ lục bát
18. Thể thơ song thất lục bát
20. Thơ lục ngôn thể
21. Thể thơ Đường luật
22. Thể thơ tứ tuyệt
23. Thể thơ yết hậu
24. Thơ thủ vĩ ngâm
25. Thơ liên hoàn
26. Thể trâm
27. Thể minh
28. Thể phú
29. Thơ tự do
30. Thơ xướng họa
31. Về thơ leo thang



NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA DÂN TỘC
19 Nguyễn Bỉnh Khiêm –ĐT: (04) 0434239
Giới thiệu các thể thơ, luật thơ, cách làm thơ

Hoàng xuân Hoạ
(Biên Soạn)


Chịu trách nhiệm xuất bản:
Lưu Xuân Lý

Biên tập: Trần Phượng Trinh

Trình bày bìa: Bùi Anh Hoàng
Sửa bản in: Tác giả


Chế bản và in tại Cty CP Đông Tác- Nhà sách Tràng An
---------------------------------------------------------------------
In 1000 cuốn khổ 13X 19 tại Trường THKT in.
Giấy phép xuất bản số 79- 644/XB – QLXB cấp ngày 20/6/ 2004.
Trích ngang KHXB: 79 – 644/XBDT – GP cấp ngày 30/6/2004
In xong nộp lưu chiểu tháng 7 năm 2004





XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ