Với tôi, nhà thơ Hoàng Xuân Hoạ như một người anh
cả trong nhà. Nên tôi luôn kính nể và trêu chọc anh theo kiểu đành hanh em út.
Tôi vốn lêu têu... Cái gì dính đến "yêu... yêu…" là ngại.
Nhất là lại
bàn chuyện yêu với người trong nhà như anh, nó cứ thế nào ý.
Anh chấp nhận chơi với tôi - một Hạt Cát nhỏ bé vô
danh nhưng hay chành choẹ, hay lấn lướt. Anh thì luôn nhường nhịn với vai người
trên ra vẻ không thèm chấp.
Tôi hiếu thắng bèn lôi tất cái gì thuộc về cái thời
yêu đương "trót trét" của anh để tấn công cho bõ tức.
Song khi đọc ÁO MƯỜNG, ngay câu đầu "Ngực em
chót vót Ba Vì" thì tôi lui xa mươi mét... mà phục. Vì sao ý à?!
Vì cái lẽ, các thi nhân, các danh tướng, các trang
nam nhi... tóm lại, nửa thế giới luôn coi cái nơi sản sinh ra NGUỒN SỐNG ấy vỏn
vẹn là cái đẹp, cái hấp dẫn, để thoả cái đói, cái khát, cái say, cái gỉ gì gi
đi nữa thì NÓ cũng chỉ là cặp tuyết lê mịn, đôi trái đào tiên hồng... đằm khát
khao, mê đắm.
Nhưng NGƯỜI TRAI trong ÁO MƯỜNG thì không thế. Anh
coi NGỰC người yêu là núi thiêng Ba Vì - nơi cội nguồn hàm chứa bí ẩn nguồn
sống đất và nước, đã sinh ra muôn loài cỏ cây, muông thú, bướm ong; là đỉnh
thẳm (từ mượn của nhà thơ Hạnh Nguyên); là nơi hội tụ sức mạnh truyền đời âm
thầm quật cường, mà lại hiện hữu rất thực và mịn mền mướt mát non tơ.
Nhưng muốn có được nó thì NGƯỜI TRAI đó phải nâng
mình bay lên ngang tầm, với nỗ lực hết mình, dồn mọi cố gắng vươn cho thật cao;
phải dọn tâm thân cho thanh khiết ngọt lành và mọng chín mới mong có được...
Ngọn núi thiêng sẽ vô tri nếu kẻ đến là một kẻ vô
tâm; là đá lạnh rêu phong với kẻ hồ đồ; là gai mây lá han với kẻ phàm phu tục
tử... nhưng với người nguyện "chết đứng một thì trẻ trai" như NGƯỜI
TRAI trong thơ HXH thì núi thiêng chót vót lại dịu dàng chào đón, chờ mong...
Đời người đàn ông có mấy thì trẻ trai để "chết
đứng" đây? Và dù có mấy thì đi nữa thì đã bao giờ có duyên gặp được một
thiêng liêng đến thế mà "chết đứng" một lần?!
Khi tình yêu chân thành thì sự thanh tân của vẻ
phồn thực trắng trong tinh khôi cũng thiêng liêng và thánh thiện đến độ khiến
"một thì trẻ trai" của ai đó "chết đứng" hay “chết ngồi” đi
nữa... cũng đáng cho các tráng sĩ gác kiếm quy phục...
Ta đọc tiếp:
Câu "lưng ong vời vợi ban mai" làm tôi
bật cười. Tôi ngó thời gian viết bài thơ... Nó từ năm 1979 - 1989. Trời đất,
nhà thơ anh mất mười năm cho một cái "lưng ong" cũng đáng lắm, vì nó
"vời vợi ban mai" cơ mà... nó gợi mở cả một ngày nắng đẹp, hưa hẹn cả
một mùa tình dịu dàng ấm áp đâu đó đang đợi, đang chờ... nên NGƯỜI TRAI trong
cuộc "quên khuấy đường dài về quê".
Thiên địa ơi, bị trúng "ngải tình" rồi.
Yêu rồi... Yêu một cái gì đó mênh mang lắm, đằm diết lắm... đâu chỉ cái lưng
ong ấy! Một lưng ong cụ thể cứ ôm đại... rồi buông, rồi quên. Một "lưng
ong vởi vợi ban mai" mới là dịt dằng khát khao, là quên lú lối về quê...
Mà có lần về được đến quê đi nữa thì mỗi "ban mai" liệu có nhoà đi
dấu ấn?! Nhà thơ ơi?!
Tôi lần theo nhịp thơ anh... Xuôi theo khao khát
NGƯỜI TRAI trong thơ (chắc gì đã là anh?!) một niềm đắm mê giấu kín không ngôn
từ, niềm mong ước cháy bỏng được hiện bằng hình tượng "cỏ vô phong".
Cỏ này không gió cứ tự rung... Tình yêu cũng là một trạng thái không cần có đối
tượng mà tâm hồn cứ dâng lên, cứ kiếm tìm, cứ ảo huyền dàn cảnh mơ tiên ru
người ta về Thiên thai xứ mộng. Cái khao khát rất người và thanh tịnh không
thần thánh, làm cho lối ví mông lung có vẻ "ngoa ngôn" của hai khổ
thơ trên hiển hiện thành mầm cỏ non xanh cõng sương trong vắt mà sớm sớm chúng
ta thường ngày bắt gặp.
Và trạng thái người trong cuộc, từ "chết
đứng" qua "quên khuấy" đến đây thì bị "bỏ bùa mê"...
Thôi rồi... đắm chìm rồi...
Sự phát triển cao trào của tâm trạng, của hoàn cảnh
đúng với những gì mà bài thơ muốn nói. Đúng với những quy luật tình cảm con
người vốn có.
...Mờ mờ ảo ảo, một cái gì đó như vậy mà không phải
vậy. Các cung bậc tình cảm là thế mà cao hơn thế. Sự trân trọng thánh thiện
trong tình yêu khiến câu chữ thăng hoa, khiến những cái hiển hiện trước mắt
thành cao siêu, khiến ham muốn con người thành ước mơ thần thánh, khiến cái
nhìn, cái thấy rất đỗi bình thường thành pha lê trong vắt.
Cái tài tình của nhà thơ là dùng ngôn từ như lạ,
như quen, như phô mà lại rất thực để biến một cái gì đó rất đời thường thành
một mông lung xa xăm, thành nồng nàn khát khao, mê đắm rất người nhưng lại
không dung tục tầm thường...
"hai hàng khuy tết sóng đôi
tôi - người lúng túng giữa trời áo em"
Tôi thú vị khi hình dung vẻ lúng túng của NGƯỜI
TRAI trước hàng "khuy tết " và trong "trời áo" người
yêu...
Có một cái gì đó vụng về đáng yêu, ngỡ ngàng lúng
túng. Câu kết rất thực, rất vẹn tròn của tình yêu khát khao trao gửi hay dâng
hiến kiếm tìm, mà người đọc cũng bay bổng trong cảm giác hạnh phúc lâng lâng
đôi lứa họ.
ÁO MƯỜNG - Một bài thơ PHỒN THỰC rất tình tế mà ở
đấy ta chỉ thấy tình yêu thiêng liêng bao trùm hết thảy.
ÁO MƯỜNG
Ngực em chót vót Ba Vì
làm tôi chết đừng một thì trẻ trai
lưng ong vời vợi ban mai
làm tôi quên khuấy đường
dài về quê
váy chàm quét mướt triền đê
cỏ vô phong(*) bỏ bùa mê
tôi rồi
hai hàng khuy tết sóng đôi
tôi - người lúng túng giữa
trời áo em
(1979 - 1989)
----------
(*): Tương
truyền, trên núi Ba Vì có thứ cỏ Vô Phong Đông Đao (trời không gió cỏ vẫn
động), lá cỏ hai nhánh, sáng ngày tách ra, tối tự chụm vào. Trai gái Mường lấy
cỏ này làm bùa yêu nhau.
Bùi Cửu Trường