Cuộc sống cứ xoay vần con tạo, Hoàng Xuân Họa mãi day dứt trong niềm suy tưởng, trong những dự cảm, những chiêm nghiệm, suy tư về con người, về cuộc sống, tình yêu và nhân tình thế thái. Lời thơ có lúc như lời chuyện trò thủ thỉ, có lúc tưởng như bông đùa nhưng ngẫm kĩ đó chính là những tâm sự, nỗi niềm day dứt trước hiện thực cuộc sống với bức tranh đời nhiều nhức nhối, đa đoan.
75 bài trong tập Trót một thời yêu (2) không phải bài nào cũng hay, có
những bài chưa đạt đến độ sâu, câu chữ, ý tứ còn đơn giản nhưng bên cạnh đó
cũng có nhiều bài đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.
Thế mạnh của Hoàng Xuân Họa là thơ viết về đề tài thế sự với những liên
tưởng, so sánh độc đáo. Từ những hình ảnh, sự việc đơn giản của đời sống nhưng
với cái nhìn nhạy cảm của người nghệ sĩ nó trào dâng trong ông bao trạng thái,
bao cung bậc cảm xúc, những hình ảnh hiện thực trở nên lung linh nhiều màu sắc.
Chẳng hạn: từ hình ảnh tháp Bay-on, con chim cu, người đứng giữ tháp nghiêng
Pisa…nhà thơ gián tiếp gửi gắm vào đó bao nỗi đau đáu, khắc khoải làm người đọc
nao lòng.
Đọc bài thơ Mẹ ơi sân golf người đọc không khỏi nhói lòng bởi những sự
thật, những sự thật vô cùng cay đắng và xót xa. Phải chăng đó là tiếng kêu cứu
?
Vẫn biết rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều đáng mừng,
đáng vui. Nhưng đằng sau đó còn nhiều điều cần phải nghiên cứu, xem xét từ các
tổ chức, đoàn thể, cơ quan, chính quyền, các chuyên gia trong việc hoạch định,
thực thi các dự án, các công trình, nhà máy, xí nghiệp…
“Mỳ chính giết chết
dòng sông
sân golf giết chết
cánh đồng, mẹ ơi
còn đâu bến nước con
bơi
còn đâu ruộng rạ con
chơi thả diều...”
Đọc mấy câu mở đầu bài thơ nghe sao mà xa xót. Những câu hỏi tu từ trong
bài thơ như cấu véo tâm can người đọc. Câu trả lời đầy đủ phải thuộc về những
người quản lý. Họ sẽ có nghĩ suy gì trước những thực tế đáng buồn như vậy?
Cái quan trọng nhất đó là cần phải có tâm và có tầm nhìn chiến lược. Không
thể biến những ruộng đất canh tác của người dân vào những dự án treo, sử dụng
những công việc, mục đích vô bổ, không đem lại lợi ích gì. Trong khi người dân
phải mất đi nhiều thứ, kể cả những thứ vốn đã ăn sâu vào máu thịt từ bao đời
nay.
Hoàng Xuân Họa đã phát huy cao độ vốn sống, vốn văn hóa, sự hiểu biết của
mình để bình giá, nhìn nhận cuộc sống.
“Rất khó hiểu cái
thằng người chúng ta/ hình như sự gì cũng thích quá/ nói quá lời, ăn quá miệng,
làm quá tay/ thích đi vay mà không “thích” trả/ khi yêu ai thì yêu tất cả/ ghét
ai suốt đời xúc đất đổ đi/ miếng gì ngon vơ đầy lòng hê hả/ và cũng không biết
xấu hổ bao giờ/ chút công trạng nhỏ, suốt đời tung hô/ bao tội lỗi lấp vùi xí
xóa/ miệng nam mô, bụng dao găm một bồ/ cái thằng người! Ta không hiểu nổi/Kẻ
giết chồng, tranh vợ cướp ngôi/ lại được tôn anh hùng, vương bá/ người lập công
xong ở ẩn góc đồi/ người ngay thẳng giơ đầu chịu chém..” (Thằng
người)
Cuộc sống là dòng xoáy khôn lường và lòng người cũng lắm quanh co phức tạp
có nhiều ẩn khuất khó nỗi tỏ tường:” Chút
công trạng nhỏ, suốt đời tung hô/ bao tội lỗi lấp vùi xí xóa/ miệng nam mô,
bụng dao găm một bồ…” Vì thế cần phải nhận thấu bản chất bên trong để tránh
rơi vào những cạm bẫy, dối lừa, sống đúng bản chất người hơn.
Đôi lúc nhà thơ ngậm ngùi:
“Mẹ sinh ta vốn hoang
toàng ngay thẳng/ chẳng biết lụy đời và cũng bất lụy nhân/ ngay Thượng đế ta
cũng coi như vắng/ dòng sông trong ta biết nhớ về nguồn...” (Chẳng để
làm gì)
Nhà thơ vẫn luôn đặt niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống nhưng hình như
tất cả đều không có kết quả tốt đẹp:
“Hy vọng vào đêm/ đêm
tàn/ hy vọng vào ngày/ ngày tận/ hy vọng vào thời gian/ thời gian chạy trốn/ hy
vọng vào đời/ đời cạnh tranh được - mất...” (Hy vọng…)
Để rồi có lúc nhà thơ tự hỏi:
“ta chẳng uống, chẳng
say chẳng chín vay
mười nợ
mà đất trời vây bão
táp áp trấn ta?...”
(Tản
mạn đêm)
“Ai đem trộn dở vào
hay/ trộn cay vào ngọt, trộn đầy vào vơi/ trộn yêu vào ghét phần tôi/ trộn khôn
vào khéo, xoay đời vần xoay ...”
(Ai trộn)
Có lúc Hoàng Xuân Họa tỏ ra hoài nghi: Hình như có hình như không và ông
cũng nhận ra rằng:hình như tôi quá dại khờ/ vụ mùa không cấy đi chờ vụ chiêm.
Thậm chí có lúc ông ngơ ngác trước cuộc sống và tình yêu: “Em người tốt nụ tốt hoa/ còn tôi mất trắng cửa nhà vì yêu (Trắng). Đến
nỗi ông không biết chọn gì: Biết chọn gì cho em/ biết chọn gì cho tôi. Bởi lẽ:
trời xanh xanh cao tít/ đất rộng mặt hẹp lòng/ dòng sông trong chảy xiết/ biển
cả sóng vô hồi/ lòng người đầy toan tính…” (Chọn gì).
Hạnh phúc là điều mà Hoàng Xuân Họa cả đời trăn trở và cả đời phấn đấu vì
nó. Thế nhưng trong cõi đời, cõi người mênh mông này, nhà thơ đã thu nhận được
gì?
“Hạnh phúc tìm ta/ hay
hạnh phúc trốn ta/ ta từng đỏ hoe mắt đợi/ ta lăn như bống giữa đời/ nắm tuột
mây trôi/ cầm rơi tay gió/ ai vẽ rồng bay/ phượng múa/ nhử mồi ta say./ Suốt
đời/ ta trả/ không vay/ thước đo không đủ/ cân đầy chưa xong/ rối như canh hẹ
bòng bong/ dòng đục/ ta uống/ dòng trong/ phần người...”
Nhà thơ có những vần thơ viết về bạn, viết để tặng bạn hết sức chân thành,
ở đó gợi lên những suy tư, trăn trở về số phận, cuộc đời, thời cuộc… Các bài
thơ: Oản tù tì cùng lão Tạ (Tặng nhà văn Tạ Duy Anh), Dương tường thả đỉa ba ba
(Tặng Nhà thơ- dịch giả Dương Tường), Xướng theo “khúc biến tấu xương rồng”
(Tặng Nhà văn Trần Quang Đạo), Tôi muốn (Gửi nhà văn Văn Chinh), Cầm sợi tóc
(Gửi bạn thơ Nguyễn Bính)…
Bài thơ Ghi ở triển lãm thời bao cấp, gợi nhớ một thời quá khứ đã qua nhưng
cũng làm cho chính nhà thơ giật thót mình khi chính ông cũng đã từng trải qua
những năm tháng như thế.
“Cái thời xếp hàng mua
gạo đã xa/ nay xem triển lãm làm ta giật mình/ ám ảnh từ miếng ta ăn/ hụm nước
ta uống vẫn hằn vết nguyên...”
Giữa cõi nhân gian rộng lớn này, giữa cuộc đời với bao nhiêu những nghịch
lý, những điều trái khoáy. Đôi lúc nhà thơ phải thẳng thắn nhìn nhận:
“Nhìn mặt trăng/ ta
đâu thấy Hằng thấy Nguyệt/ Cuội chăn trâu -Thỏ Ngọc- Hậu Nghệ/ thấy đâu nào/
các người khéo hão huyền hư cấu/ cả lão xẩm mù kia nữa/ nhìn thấy quái gì
trăng/ mà ê-a/ ca mãi khúc thiên đường?...” (Đừng hư cấu)
Ở bài Trong vườn thú, nhà thơ Hoàng Xuân Họa đang nói đến các con vật với
những đặc tính, điệu bộ, cử chỉ, hành động… của riêng từng loài nhưng gợi lên
cho người đọc bao suy ngẫm về con người và cuộc đời.
“Đuổi con khỉ kia đi/
nhốt vào chuồng/ ai dạy mày nhảy nhót/ ai dạy mày hít bã mía trẻ con/ con bìm
bịp nữa/ nếu bắt được mi thì ta ngâm rượu./ con chim công chỉ đẹp cái đuôi, đôi
cánh/ múa may, làm dáng/ mất buổi sáng chẳng được việc gì./ Hai con sư tử luôn
chân vòng đi vòng lại/ gầm gừ/ ích chi/ một khi bị nhốt…”
Hai người đàn bà chờ đợi là bài thơ nói lên được những nỗi đau, nỗi mất mát
lớn lao, niềm hy vọng và nỗi buồn cắn xé tâm can của những người vợ có chồng,
người mẹ có con tham gia kháng chiến, họ đã mãi mãi ra đi không trở về.
…………………………………….
“Ba mươi năm người đi
chưa trở lại
Bao người đi, về cả-
sau chiến tranh
Hoa bìm ơi, tàn nở mấy
mươi lần
Em đứng đợi nát nhàu
năm tháng.
Mấy chục buồng cau bên
ấy để già
ba mươi lứa lợn mẹ
nuôi đều đẫy tạ...”
Hơn ba mươi năm chiến tranh đã lùi xa, những người đồng chí, đồng đội của
anh, tất cả họ đã “trở về”. Riêng anh, em phải đứng đợi nát nhàu năm tháng. Bởi
vì: “bao người đi cùng anh ngày ấy/ họ về
rồi, hạnh phúc đầy tay/ mẹ mong anh đỏ dừ hai mắt/ em chờ anh tóc cạn màu mây
Mẹ đã khóc cạn khô
nước mắt, em đã chờ tóc bạc màu mây””... Bàng hoàng, hẫng hụt
trước mất mát và nỗi đau quá lớn, vậy nên:
“Giấy báo tử, mẹ không
tin là thật/ em cũng tưởng đơn vị ấy họ nhầm!/ Mẹ từng ngày cũng mong như thế/
em từng đêm hằng mong như thế…”
Hai người phụ nữ ấy đã lấy sức chịu đựng của chính mình để chống lại sự già
nua, chai lì của tâm hồn dưới sự bào mòn của thời gian. Dẫu khổ đau, bất hạnh
nhưng trong tận sâu thẳm tâm hồn mình, họ chưa bao giờ hết khao khát, hi vọng
và mong ước ngày người ấy trở về. Dù đó chỉ là những hi vọng mong manh.
Vốn là một
người đã từng nếm trải bao thăng trầm của cuộc sống và bao biến cố thời đại, và
hơn hết Hoàng Xuân Họa cũng từng là một người lính nên ông có những chiêm
nghiệm, triết lý rất sâu sắc về con người và cuộc đời. Ông đem đến cho người
đọc những vần thơ nhiều suy tư, trăn trở, với những nỗi đau, nỗi cô đơn và cả
những khát vọng, mơ ước đầy nhân bản. Trót một thời yêu (2) là một tập thơ như
thế.
NVH
Bài đã in trong tập:
Tình Thơ Bạn Thơ (Nguyễn Văn Hòa 36 Khúc Đò Đưa),
NXB Hội Nhà văn, quý 2, 2020, do hai
nhà thơ
Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên chủ biên.