Phần 1
Cõi âm (48)
Tiếp
theo
Cũng lúc
ấy một người trong đoàn kéo chiếc thuyền đến sau hớt hơ hớt hải chạy lại:
- Chú
Phong! Có phải chú Phong đấy không?
Tôi
ngoái lại, đần người vì chưa nhận ra người vừa gọi mình. Ðang định lại trí nhớ,
để nhớ thì mồm người đó đã cấp tập, liến thoắng:
- Chú mày không nhận ra anh à? Phi đây! Cụm trưởng khu dân cư số 60 ở ngõ Chín Rồng đây! Chóng quên nhau thế? Lần nào tớ đến thu tiền quỹ tổ, đến nhà đằng ấy cũng được đằng ấy cho uống rượu. Rượu táo mèo của đằng ấy có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm, mềm môi, uống vào lắm! Đã lắm!
Nghe ông
ta nhắc chuyện rượu làm tôi nhớ toàn bộ về con người này:
Ấy là
vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thời kì đất nước hấp hé mở cửa,
không còn cấm chợ ngăn sông, nhân dân được tự do buôn bán kinh doanh. Toàn thể
các chủ hộ khẩu ngõ Chín Rồng họp hội nghị để bầu ra cụm trưởng, đại diện cho
khu dân cư nhận những công văn, chỉ thị, quyền lợi và để thu các loại quỹ nghĩa
vụ do các hộ dân trong khu dân cư đóng góp lên UBND phường. Cụm dân cư số 60
(ngõ Chín Rồng) tự phát hình thành từ khu tập thể nhà binh cùng dân tạp pí lù
từ khắp các phường phố khác trong nội thành đất chật người đông tách hộ khẩu,
mua đất làm nhà cho con cái ra ở riêng. Ðất ở đây không của ông cha ai để thừa
kế lại cả; mà là đất đầu thừa đuôi thẹo của một trại lính sử dụng không hết bỏ
hoang hoá cỏ mọc um tùm; chỗ thì chó ỉa, chỗ làm nơi đổ rác thải ba chạ của
những gia đình sinh sống quanh đó. Người làng Thượng, trước đây chuyên trồng
rau mầu, thấy đất bỏ hoang tiếc của, bảo nhau ra khai phá trồng rau để cải
thiện đời sống. Gieo trồng lâu lâu không thấy ai nói gì thì chiếm luôn làm đất
tư cho gọn. Khi có người hỏi mua, được món tiền thì bán cho họ làm nhà ở. Ðịa
bàn nằm châng lâng như một ốc đảo giữa hai phường. Phường nọ “đá” cho phường
kia chẳng phường nào muốn nhận cái lọ mắm thối. Vì ở đó có dấu hiệu của cái túi
chứa mọi tệ nạn xã hội, mất điểm thi đua của phường như chơi. Cửa hiệu buôn bán
to không, khách sạn, nhà nghỉ không, cơ quan xí nghiệp cũng không nốt, có nguồn
gì để mà thu được tiền về cho công quỹ của phường cơ chứ? Những quyền lợi thời
bao cấp như sổ gạo, tem phiếu thịt thà, củi, dầu, mắm, muối mọi tiêu chuẩn
trước đây phân phối, giờ nhà nước không còn cung cấp nữa. Có tiền ra chợ, bình
đẳng trước thị trường, lấy gì khống chế được trên 300 hộ dân, với hàng nghìn
con người một nửa thuộc diện công nhân quốc phòng, nửa còn lại gồm những ông
già, bà cả nghỉ hưu và dân phe lưu động, sáng chợ giời buôn xe đạp, chiều phố
Phùng Hưng buôn xe máy. Họ đi sớm về khuya, buôn tàu bán bè mãi đẩu mãi đâu nắm
sao được việc làm ăn của họ mà quản lý? Mà quản lý cái gì ở họ chứ? Toàn dân
trên bộ răng dưới cát tút!
Thấy
tình hình đùn đi, đẩy lại bùng nhùng chẳng ai nhận thứ dân cư ba vạ này, ông
quận trưởng ra quyết định sáp nhập vào phường K. Phường K là một xã ngoại thành
mới lên “đời” đô thị. Từ chính quyền đến các đoàn thể được bầu bán phân chia
đều theo các dòng họ. Phường K đang cần giữ bí mật việc điều hành “đất nước”
của mình. Họ ngại cái “lọ mắm” thối dở ông dở thằng, hiểu biết không ra hiểu
biết, ngu dốt chẳng ra ngu dốt rất khó “cai trị” này. Ông quận ép buộc rát quá,
phường đành phải chấp nhận nhập thành một khu dân cư. Những kẻ ngụ cư chín
người mười làng ấy, nơi chôn nhau cắt rốn có tổ tông, ông cha tử tế nó còn bỏ
đi thì chắc gì đó là con dân ngoan lành dễ cai trị. Ðầu gật, nhưng bụng các ông
uỷ ban phường K đều không được vui vẻ trống dong cờ mở cho lắm. Phường K coi
cụm dân cư 60 như đứa con nuôi, khi nào thấy làm được việc hứng lên đến vuốt
ve, quăng cho vài miếng, lúc ghét thì thây kệ. Thành ra ngõ phố luôn bị bùn lầy
nước đọng, cứt chó, phân người, rác thải vứt, đổ ba lung tung chả khác bên xóm
liều bên TN là mấy. Vì cái suy nghĩ ẩm ướt ấy của chính quyền phường K mà cụm
dân cư số 60 trở thành “khu tự trị" thái ra thịt của ông tân cụm trưởng
Phùng Văn Phi.
Cuộc
họp, đề cử đến năm người mà chẳng ai chịu nhận. Ðược bầu làm cán bộ mà ông bà
nào cũng chối bay bẩy, giẫy như đỉa phải vôi, sợ như sắp bị lôi ra pháp trường
xử bắn. Bầu lớp trẻ, lớp trẻ từ chối bận việc cơ quan, nhà máy. Bầu lớp trung niên,
người nghỉ chế độ mất sức, chỉ định ai người đó cũng cáo từ rằng phải đi làm
thêm, buôn bán thêm, phải kiếm sống, chẳng ai muốn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
Cuộc hội nghị bỗng thở phào như trút được gánh nặng, khi ở một góc khuất có một
người giơ cao tay xung phong tình nguyện ra “gánh vác việc dân việc nước”. Một
trăm phần trăm giơ tay tán thành ngay để mong cuộc họp giải tán nhanh còn về
xem tivi, sắp chương trình phim truyện đến nơi rồi. Họp lâu quá! Buồn ngủ chết
đi được!
HXH
(Còn
nữa)