Phần II
Cõi thiên đường (4)
Những lần, những năm làm việc dưới trần gian quen biết những vị chức sắc nơi này nơi kia, từ thần sông, thần núi, thổ địa các làng, xã, huyện lên đến tỉnh, nắm được các chiêu thức làm ăn của cõi người, biết thứ gì giá trị thứ gì không, thứ gì đáng là vàng là tiền, thứ gì chỉ là bùn là cát, các vị Phán quan đều ma mãnh quỷ quái cả. Cách đây vài chục năm đất đai ở các thành phố lớn dưới hạ giới rẻ như bèo, bạn bè hàng xóm thân nhau cần thiết có thể xin nhau vài ba mét vuông, người rộng bụng cắt cho ngay. Thập kỷ 90, đất tăng giá ầm ầm, dân buôn đất hôm trước mua trăm mét để đấy, ngủ một đêm dậy mở mặt ra đã lãi gấp đôi gấp ba, phất lên giàu thành những đại gia bất động sản, mặt mày núng nính thịt, tha hồ ăn to nói lớn, họ thao túng dược cả “thần linh thổ địa”!
Năm
2000 (Canh Thìn), năm nhiệm kỳ Sở vương hành khiển và Biểu tào phán quan xuống
trần làm việc. Mãn hạn, cuối năm bàn giao lại cho Thời thần Ngô vương hành khiển
và Hứa tào phán quan, hai vị Hành khiển, tào phán quan cai quản tiếp năm Tận Tỵ
(2001). Biểu tào không về trời mà ông ta ở lại cõi trần, nói là: “Ở để đi du lịch”!
Mà Biểu tào có về trời cũng chỉ để ngồi chơi, uống rượu và đánh cờ với với nhau
chứ có việc gì trên đó mà làm. Cõi tiên ấy mà! Ở lại trần gian rong chơi sướng
hơn, lắm của ngon vật lạ hơn!
Biểu
tào đóng vai một Việt kiều về nước để làm ăn. Ông ta nhằm vào một bãi đất hoang
ở một xã ngoại thành nọ. Bãi đất ấy có một dự án rất chi quy mô của mấy nhiệm kỳ
Hội đồng nhân dân trước ra nghị quyết xây nhà văn hoá xã, gồm một khu vui chơi
giải trí: Hội trường, thư viện, sân bóng chuyền, sân bóng đá, sân quần vợt, sân
cầu lông cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu Chiến Binh, các đoàn thể Thanh - Thiếu
niên - Nhi đồng. Nhưng kẹt nỗi huyện chưa rót tiền về, nên đất còn để hoang cho
cỏ mọc cho vui. Đám trẻ em thấy bãi đất bỏ hoang, chiều chiều rủ nhau ra đá bóng,
thả diều… Giờ có doanh nhân “Việt kiều” về nước đầu tư góp phần xây dựng đất nước
thì tạm nhường cho họ trước, bao giờ có tiền thì xây nhà Văn hoá sau, lấy đất
chỗ khác xây cũng được, “làng ta, xã ta thiếu cha gì đất cát” lấy chỗ nào chẳng
xây dựng được một “Cung văn hóa” hoành tráng trên giấy!
Xã hạ
quyết tâm lãnh đạo nhân dân giao đất lại cho vị doanh nhân “Việt kiều” kia. Mà
xã không đồng ý cũng không được, cấp trên: Huyện, tỉnh đã ký duyệt cả rồi, cấp
xã làm trái lệnh được à? Mà xã mình cũng sắp nên đời đô thị mới đến nơi. Dân đô
thị ai lại đi làm nông nghiệp, dây vào ruộng ruộng vườn vườn, cày cày cuốc cuốc
hai sương một nắng cháy đen mất làn da bà con ta thì còn ra thể thống gì là dân
đô thị. Dân đô thị phải da dẻ hồng hào, trắng nõn trắng nà mới ra dáng chứ!
Không
những khu đất ấy, quan trời còn lấy thêm dăm bảy mẫu ruộng đang canh tác ổn định,
lấy thêm cả khu đầm, hồ một tập thể nông dân đang đấu thầu nuôi trồng thuỷ sản.
Vị Tào phán quan đó đem đô la âm phủ, thứ tiền mà dân gian cúng trời, cúng thần
thánh những đêm Giao thừa mà Biểu tào ăn bớt được hoá phép ra thành đô-la Mỹ
chính hiệu, đổi lấy Việt Nam đền bù việc thu hồi đất. Mỗi mét vuông họ được đền
bù 25.000đ gọi là tiền đền bù hoa mầu trên đất. Đất đai là của thiên nhiên do
nhà nước quản lý, nhà nước muốn lấy lúc nào thì lấy… phận dân đen cấm kêu ca!
Những
người nông dân, quen với những mối lợi trước mắt, mừng rơn khi nhận tiền đền bù
đem về xây nhà, mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy, cho con cái đi hát Karaoke, đi học
nhẩy đầm, hít lắc cho văn minh kịp người thành thị, cho sướng một đời làm người
thành thị; cứ việc đút hai tay túi quần để làm người thành thị đi bát phố hít bụi
đường, hít khói ôtô, khói xe máy đã no một bụng đẫy, đủ sung sướng rồi… cần gì
giữ ruộng giữ đất cho vất vả! Khi tiền hết, đất không còn một tấc cắm dùi thì vợ
chồng con cái kéo nhau lên các thành phố lớn, chồng làm cửu vạn, vợ buôn chè
chai đồng nát, con cái đứa đánh giầy, đứa bán báo rong để hưởng thụ cho đã cuộc
đời người thành thị, để ơn trời, ơn bề trên cho quên đất!
HXH
(Còn nữa)