Phần II
Cõi thiên đường (6)
Các bác chỉ tài đánh “du kích” nhỏ lẻ, véo đầu cá
chắp vá đầu tôm, ghi chép hời hợt sống sít vài ba sự việc cỏn con xào nấu ra những
tác phẩm hèm hẹp kiểu hàng nội địa vừa thiếu tính thời đại, vừa thiếu tinh thần
dân tộc truyền thống, tính sử thi thì yếu; yếu tố nhân văn cho một tác phẩm văn
học hiện đại thì mờ nhạt, manh mún nhỏ hẹp. Có một giai thoại trên văn đàn: Một
nhà văn bực nhà phê bình nọ, nhà văn thách nhà phê bình viết thử lấy một cuốn
truyện xem hay đến mức nào mà tinh đi chê ỏng chê eo, dạy đĩ vén xống: “Nhân vật
này phải thế này, nhân vất kia phải thế khác thì tác phẩm sẽ đạt đến tầm nọ tầm
kia”. Nhà phê bình nghe được bèn xa xôi dẫn lời một nhà phê bình gia người nước
ngoài:
- Con gà đẻ một lứa mấy chục quả trứng mà nó có biết thưởng thức món trứng rán ngon thế nào đâu!
Nhà
văn đủng đỉnh gõ ba tong vào không khí:
- Có
biết cái sự đẻ của con gà vừa đau vừa rát thế nào không?
Với
những suy nghĩ về nền văn học của đất nước chưa có được đỉnh cao, cả việc tóm
được cái giai thoại vui vui kể trên làm nền cho Tung xây dựng một quyết tâm viết.
Tung viết như bị ốp đồng, mê cuồng trong viết lách.
Không
rõ tại ở bẩn hay tại nằm ổ rơm mà chấy rận như sung. Năm ấy, trời rét căm căm,
rét ông chưa qua rét bà lại đến, rét tàn rét hại, mưa phùn gió bấc lai rai cả
tháng trời, được ngày hoe hoe tí nắng ấm là người lớn trẻ con kéo nhau lên mặt
đê sưởi nắng và bắt chấy rận cho nhau. Các bà già vạch diềm áo nhặt rận cho vào
mồm thun thút, cắn kêu câng cấc. Có người nhiều rận quá bắt không xuể bèn rải
áo, rải quần, rải khăn vấn ra mâm đồng dùng vỏ chai xiết như xiết đậu xanh,
nghe tiếng rận nổ lép bép, máu rận dính đỏ tím lấm tấm khắp mâm, vậy mà có anh
nhà thơ nằm nhờ ổ rơm một đêm lại tưởng tượng ra ổ rơm sướng như ngủ giường
tiên để viết thành thơ, thành văn? Riêng gã, nghĩ tới ổ rơm, hoá chấy sinh rận
như sung kinh khiếp thế nào rồi. Xin vái ổ rơm mười đời nón lá. Gã căm thù lũ
chấy rận, chính vì chúng mà gã phải sống với người dì ghẻ cay nghiệt. Vì chúng,
những con chấy cái rận giống ký sinh trùng chuyên bám trong quần áo để hút máu
người mà cuộc đời gã không hề có tuổi thơ êm đềm.
Ngày
ngày chị Bút đến bắt chấy rận giúp bà cháu gã. Ðem cho gã dăm tấm mía de, khi
tước mía ăn, vỏ mía sắc như cật nứa cứa rách mép, rách lưỡi, bã mía dính đỏ
máu. Tay bắt chấy cho bà cháu gã, mồm chị Bút tỉ tót những lời đường mật:
- Bà
chẳng đẻ ra con cũng như bà đã đẻ con, con sẽ coi bà như mẹ đẻ, con sẽ thay cô
Hai phụng dưỡng bà, chăm chút con anh Hai như con mình...
Khi
lấy được bố gã rồi dì ghẻ thay đổi hẳn cách đối xử.
Ký ức
cuộc đời gã tràn ứ ngòi bút chảy đầy từng trang giấy vẽ lại người mẹ ghẻ cay
nghiệt chao chát. Không rõ người mẹ ghẻ ấy ghét gã ở điểm gì mà cứ thượng cẳng
chân hạ cùi tay lên cái thân hình còm nhom cậu bé 9, 10 tuổi mồ côi mẹ về quê tản
cư ngày ấy. Ðánh mỏi tay dì huy động đến mồm, tru tréo quật săng móc mả tận cụ
tổ ngũ đại nhà gã chửi cho sướng miệng. Không sao, cụ ngũ đại là của cả dòng họ,
mà cụ chết từ đời tám hoánh gã đâu biết mặt cụ để mà thương xót.
- A,
bà đào bới xới rễ nhà mày thế mà mặt mày cứ trân trân như đĩ trần không váy.
Thánh sư cha con đĩ đẻ ra mẹ mày.
Ðến
nước ấy thì gã không thể chịu được nữa. “Con đĩ đẻ ra mẹ” gã là người bà ngoại
yêu thương kính trọng của đời gã. Người bà ngoại trước khi dì ghẻ lấy bố gã từng
đùm bọc chăm bẵm cả tuổi ấu thơ của gã ở quê những năm tản cư. Tính theo cấp bậc
họ hàng thì dì ghẻ còn phải gọi bà ngoại gã là bà trẻ, gọi mẹ gã bằng cô “cháu lấy chồng cô, thóc lúa đổ bồ, giống má
nhà ta!” Lấy bố gã rồi gã vẫn quen lệ cũ gọi dì ghẻ là chị. Bà có chum thóc
nếp để dành ăn tết, chị em dì ghẻ lẻn vào lấy trộm về xay ăn dần. Vườn củ bột của
bà sắp thu hoạch bị chị em dì đêm rủ nhau đào trộm gánh đi chợ bán. Bà ngoại tiếc
của trồng ngược cây chuối trước cổng, vẽ vôi thành hình mặt, mũi, mồm lên củ
chuối bắc ghế chửi rủa suốt sáng trưa chiều tối. Mỗi câu chửi, bà lại lấy gai
găng, gai bồ kếp cả chùm cắm vào mắt mũi kẻ ăn trộm thóc, trộm củ bột của bà
cho nó đui mù thui chột, nhưng hai kẻ ăn trộm vẫn sống nhơn nhơn.
Trong
góc khuất tâm hồn gã, bà ngoại là cõi thiêng liêng của đời gã, mà dì ghẻ dám
xúc phạm. Bao nhiêu tội tầy đình của chị em dì ghẻ gã đã cho qua. Lần xúc phạm
cõi thiêng này gã không còn chịu nổi nữa. Gã phải cãi lại:
- Chị
không được láo! Bà tôi, mẹ tôi còn là bề trên của chị…
Thế
là dì ghẻ túm lấy, dúi gã ngã lăn ra đất rồi tay thụi, chân đạp túi bụi. May
cho đời gã, được người hàng xóm tốt bụng xông vào ngăn lại không thì gã đã xuống
ngủ với giun ở nghĩa trang Hợp Thiện Quỳnh Lôi từ năm 1950 rồi, còn đâu cái đầu
ương bướng cho gã mộng mị chuyện văn chương chữ nghĩa.
Bị
người hàng xóm ngăn không thoả mãn được cuộc đánh đòn gã, khi bố gã về dì ghẻ
nghiến răng trợn mắt bù lu bù loa:
- Ới
giời cao đất dầy ơi! Quý tử nhà anh đấy, vác gậy định đánh mẹ con tôi. Mai mẹ
con tôi phải về quê thôi, còn ở đây có ngày mẹ con tôi chết mất.
HXH
(Còn nữa)