Phần
1
Cõi âm
(10)
Tiếp theo
Hiện anh còn dồi dào, sung sức lắm, anh không thích vì anh đang bị cô đơn. Anh cô đơn giữa đám vợ con ích kỷ, dung tục, họ coi tiền là tất cả, họ không hiểu anh, vả lại anh cũng chẳng hiểu nổi họ. Vợ anh sau bao năm tháng đổ mồ hôi sôi nước mắt đánh vật với đồng lương như ban phát, như bố thí, phải dè sẻn trầy trật mới đủ ngày hai bữa ngon ngót dạ nên bây giờ với chị ấy, chẳng cái gì trên đời này to bằng đồng tiền, cũng chẳng tình nghĩa gì lớn bằng chiếc nhẫn vàng đủ đồng cân đồng lạng, chẳng tình cảm nào hơn được tờ 100 Đô la Mỹ.
Ðám con cái
nhà anh, thứ chúng cần là cần một ông bố làm quan to, một ông bố biết vơ của
cải của xã hội về cho gia đình mình như những ai đó mà chúng từng nhìn thấy
ngoài đời. Bất hạnh nhất cho anh là con cái anh chúng không chịu nhìn vào những
tấm gương chịu khó, chịu đựng vượt lên hoàn cảnh để học tập mà vươn tới con đường
thành đạt, mà chúng cứ nhìn vào góc tối các nhà quan để coi anh là một ông bố
cù lần, bảo sao làm vậy, có sao ăn vậy, coi mọi người đều tốt tính như mình,
không hề biết thu va hà vén cho mình, gia đình mình. Cái bi kịch ấy chẳng riêng
gì gia đình anh, mà gần như phổ biến trong cõi người này! Vả lại anh muốn phấn
đấu để có quyền chức cũng không thể được. Tội hủ hoá của ông cụ nhà anh có đến
đời chắt anh cũng chưa tẩy rửa sạch để mà lên “đời” lý lịch! Cõi trần gian trầm
luân bể khổ thế đấy anh hiểu không? Chúng nó coi anh là một ông bố ngu, không
thức thời, không biết cách luồn lách làm quan để mà tham ô tham nhũng! Các ông
bố bà mẹ nhà khác người ta tranh thủ khi làm quan để kiếm đất, kiếm biệt thự,
kiếm ôtô, kiếm nhiều đô la cho con cái họ tiêu sài thoải mái, nhảy nhót, lắc
liếc đàng điếm nơi quán xá thoải mái… Anh bị cô đơn nơi trần thế, cô đơn giữa
những người thân yêu. Ðau nhất đời anh là đám con cái anh chúng đều có học thức
nhưng chúng đối xử với anh như kẻ vô học. Ðã có lần thấy chúng cãi láo, do vợ
anh kể công đẻ ra chúng nó, một đứa chả nói vỗ vào mặt vợ chồng anh rằng: “Hai
ông bà sướng với nhau thì sinh ra chúng tôi chứ đâu phải ông bà chủ trương đẻ
ra chúng tôi? Nếu chủ trương đẻ chúng tôi ra thì ông bà phải chuẩn bị cho mỗi
đứa một cái nhà ba tầng trước đã! Ông bà phải biết rằng: “sinh ra con người là
sinh ra một nỗi khổ!”. Chúng tôi là những nỗi khổ do các ông các bà tạo ra bừa
bãi trên đời này, làm chật chội cả trái đất này(!?).
Anh rộng rãi với đời nhưng người đời đâu có rộng lòng với anh. Cuộc đời là
cái chăn hẹp trên cái giường đã chật hẹp lại quá đông người chen chúc, không
biết co nên anh bị thiếu chăn đắp, bị túng bấn nghèo thiếu cả đời. Không phải
em nói để mê hoặc anh, để đoạt lấy anh đâu, muốn chiếm được anh em đã chiếm từ
lâu, từ khi ở chiến trường. Là người của cõi tiên, em chỉ cần lái họng súng của
một lính Mỹ về phía ngực anh là ta được ở cùng nhau ngay. Em về trời lúc tuổi
còn rất trẻ. Suốt thời gian anh ở chiến trường em đã đi theo để bảo vệ anh. Sau
cái đêm thấy anh bị bất lực ấy, em thương anh lắm. Không những thương anh,
thương cho cả một thế hệ trai tráng khoẻ mạnh phải xa nhà, xa bố, xa mẹ; người
có vợ phải xa vợ, xa con, vác súng đi về phía mặt trận, đêm đêm hành quân leo
đèo lội suối giữa bom gầm đạn xé, giữa toạ độ bom B52 sập núi đổ rừng như đang
đi giữa những trận động đất kinh hoàng. Con người lúc nào cũng phải gồng mình
chống đỡ với sự chết chóc, gì mà “cái khoản” kia của các anh chả bất lực, chả
quẹo quèo queo lại. Ðịnh sau chiến tranh trở về ta sẽ tìm lại nhau, lấy nhau để
đắp bù cho nhau. Mơ ước ấy ấp ủ trong em chỉ được vài tháng đã tan biến vào
rừng rậm Trường Sơn. Nay có được nhau rồi, anh ơi, đừng để mất nhau anh nhé.
Ôi, hơn ba mươi năm em đợi chờ nẫu nà gan ruột anh có biết không?
HXH
(Còn
tiếp)