Phần I
Cõi âm
(6)
Tiếp
theo
Tổ tiên ta khi đặt ra cặp từ “đạo đức” nghe đầy một tiêu chuẩn phạm trù phẩm chất tốt đẹp của con người, hàm chứa sự rèn luyện, tu dưỡng lâu năm mới có được. Lại không tính rằng: Nếu đem chữ “đạo” ghép chung với một từ khác thì chữ đạo không còn mấy thanh cao như khi đứng chung cùng chữ “đức”. Tỉ như ghép với chữ “chích” (đạo chích), hay chữ “tặc” (đạo tặc) chẳng hạn!
Xin lái
chuyện sang một vị đích tôn của một dòng họ người làng tôi. Vị này có ba năm
theo học chữ nho thời để chỏm của một thày đồ kiêm thầy bói. Chẳng rõ ông thày
đồ kiêm thày bói này “trồng trọt” vào “bụng” vị mấy mẹt chữ thánh hiền, mấy
chục cái điển tích Tầu rắc rối từ thời Bàn Cổ đến Đường - Tống- Nguyên - Minh…
mà vị hay cả nghĩ, hay kiêng khem vơ vẩn để “bảo vệ” cái phần hồn cao quý của
anh nhà nho, học vấn ngắn cũn cỡn cái quần thâm đất may gạn vải. Không phải vị
ấy kiêng khem thứ gái đẻ kiêng: “Thịt gà cá chép ba ba” mà kiêng khem hình thể
cái… (không viết ra đây được). Cắt chéo góc bánh chưng làm tám miếng cho đều
nhân thịt, nhân đậu nhất định vị ấy không đụng đũa. Ở nhà vị ấy rất thích ăn
bánh chưng, vợ vị ấy khi bóc bánh, bao giờ cũng thắt lạt cắt làm tám phần vuông
chằn chặn thì vị ấy mới ăn. Đi uống café với nhau, bánh gatô hình tròn, hình
vuông thì vị ấy chịu khó ăn cho kỳ nhẵn đĩa; nếu bánh hình tam giác là vị ấy
uống café suông với lý do phòng bệnh từ xa: - “Mình không thích ăn của ngọt. Ăn
ngọt nhiều dễ mắc bệnh tiểu đường”! Nhưng vị lại xúc vài ba thìa đường vào ly
café uống cho khỏi đắng! Kiêng kem kỹ vậy không rõ vị mò mẫm trong đêm tối ra
làm sao mà vợ vị ấy đẻ sòn sòn bốn cô con gái rượu liền tù tì. Gần sáu chục cái
lá vàng rơi, giật mình thấy thiếu một cậu ấm chống gậy khi về cõi Hoàng tuyền,
vị ấy vội vàng đi bao một em khuyết chồng để tu hú đẻ nhờ kiếm tí trưởng nam
“nối dõi tông đường” dòng họ hay kiêng khem nhà vị. Không hiểu mười hai bà Mụ
chơi khăm vị ấy hay các bà già quá sinh lú lẫn, khi “nặn” cậu ấm cho vị ấy các
Mụ quên “nặn” cái “vòi” thành thứ cô gái đẻ thuê vẫn tòi thêm cô gái rượu nữa
để Tết nhất, Tết nhị, Tết tam, Tết tứ hàng năm có non nửa tá anh con rể đến
biểu tết vị ấy cả năm con gà trống thiến, kèm năm chai rượu Vodka, tha hồ cho
vị cắt tiết, tha hồ say bí tỉ cho nhanh cạn mùa xuân.
Chung
chăn với đám bác Nhiêu, anh Xã (hai chức vị phải mua bằng tiền để tránh phu
phen, tạp dịch ở làng, xã ngày xưa), đám bố cu, mẹ đĩ được cách mạng huy động
theo cầm cờ, hô khẩu hiệu cho thêm đông người thời tiền khởi nghĩa, cho đủ ban
bệ. Cái đám dân ngu khu đen thiếu hiểu biết ấy nếu không được hướng dẫn, định
hướng cẩn thận, khi lật đổ được đài Cửu Trùng rồi họ dễ manh động “thừa thắng
xông lên” đè bẹp Đan Thiềm và tiêu diệt luôn Vũ Như Tô (1) cho gọn. Với cách
hiểu của đám người này cứ cái gì do giới trí thức và người lao động có tay nghề
cao xây dựng ở các thời trước đều là của phong kiến đế quốc cả, phải đào tận
gốc trốc tận rễ! Tiếng đi tham gia kháng chiến mà nhiều anh chưa bắn đứt nửa
sợi râu xồm thằng Tây. Bắn chim, bắn nai, bắn hoẵng về cải thiện đời sống
riêng, để ăn tươi với nhau thì có. Đây không phải số nhiều, nhưng những kẻ
thuộc số cá biệt ấy cũng không phải hiếm. Có anh đơn vị cử đi hái rau tàu bay,
đi lấy măng đã đi “lạc” vào rừng, vào bản để cho mế nhận làm con nuôi, để ở lì
đó cho mế vui nương vui rãy; thậm chí, có kẻ lấy vợ, sinh con… khi đơn vị cử
người đến tìm, đón mới về! Kháng chiến thành công cũng được “trên khen ta lính
chiến hào”(2) nào giấy khen, bằng khen, huy, huân chương mà thành tích chưa
chắc bằng một bác phú nông. Tuy không cầm súng ra trận ngày nào, nhiều bác phú
nông, địa chủ, tư sản cũng ủng hộ cho kháng chiến hàng tấn thóc, tiền và vàng
để nhận tờ giấy biên lai rồi bỏ quên đâu mất, hay mối xông mất lúc nào không
nhớ nữa. Không được tặng huân, huy chương đeo ngực nhưng các bác vẫn tự hào với
lòng mình, riêng lòng mình rằng mình cũng được góp ít mồ hôi cho kháng chiến
thành công, cho nước nhà độc lập, những thứ khen thưởng kia chỉ là hình thức,
có thì cũng tốt mà không, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình kinh tế nhà các
bác.
HXH
-----------
(1):
Kịch Vũ Như Tô của nguyễn Huy Tưởng.
(2): Thơ
Nguyễn Hòa Bình
(Còn
tiếp)