Phần I
Cõi âm (7)
Tiếp theo
Những kẻ cơ hội, dây máu ăn phần ấy biết gì về quản lý con người, quản ký kinh tế. Hạng người quen ăn phần chia chác xôi thịt ở góc đình làng, mắt họ nhìn vào đâu cũng thấy có phần được chia, phần được ăn, được chồm chỗm ngồi mâm trên. Vị thế không được ngồi mâm trên, phải tụt xuống ngồi mâm dưới họ cũng nhất quyết đòi ngồi bằng được chiếu hoa! Tài cắp vặt của hạng này khỏi phải bàn. Kẻ cắp chợ Đồng Xuân nhiều anh còn phải “về quê” học nghề “phở gia truyền” của họ.
Cô gà mái tơ nghe tiếng anh gà trống nhà bên mổ mỏ vào viên sỏi kêu tục
tác… tục tác… (thóc thật… thóc thật”…), lại tưởng là thóc thật, cô mái tơ tí
tởn chui bờ giậu lẻn sang để cùng “chàng” xơi “thóc thật”, tối không thể về
chuồng nữa. Bởi đời cô đã đứt từ lúc nhảy rào sang nhà hàng xóm để ăn “thóc
thật” cùng chàng gà trống. Nhà có buồng chuối để chờ thật già, chờ chín cây ăn
cho thơm cho ngọt sắc, sáng hôm sau ra thăm vườn chỉ còn lại đoạn còng xanh bị
thiến nhựa chảy ròng ròng. Ổ trứng gà mẹ đang ấp ngoài chuồng, tối đi ngủ quên
không cất cũng bị bê mất luôn. Cực chẳng đã, phải đem giấu ổ gà ấp vào buồng
ngủ là cả một điều phiền phức cho người ngủ trong đó, bọ mạt gà đêm bò sang
người đốt nhí nháy ngứa ngáy cả đêm, rất khó chịu. Muốn được lứa gà mẹ tròn con
vuông đành phải hiến thân mình cho bọ gà đốt nhay nháy ba lần bảy là hai mươi
mốt ngày đêm. Đến nỗi dân gian phải đặt vè để hù dọa: “Tội nhất ăn trộm trứng
gà (tội ăn trứng ăn con)/ Tội nhì cắt tiết, tội ba trộm bò”, chúng nó cũng đâu
có hãi sợ ba câu vè đồng dao vớ vẩn. Làng xóm ngày nào cũng om sòm rác tai vì
những tiếng chửi, rủa mất trộm mất cắp. Hết bà xóm ngoài chửi mất gạo, bà xóm
trong rủa sả mất thóc, chị xóm đình kêu mất váy lĩnh. Gà gáy canh ba, bác thợ
cày chợt tỉnh giấc ra rút rơm cho bò ăn thêm để mai đi cày sớm thì chỉ thấy còn
lại cái chuồng rỗng không. Ngay lúc ấy bác thợ cày cầm khoanh dây thừng chạy
khắp cánh đồng đi tìm, vì sợ bò xổng chuồng đi ăn lúa, hoặc giẵm đạp nát hoa
màu ruộng người ta, có mà bán bò đi để đền. Tìm mãi đến sáng chẳng thấy bò đâu,
lùng sục khắp làng trên xã dưới, rặng tre, bụi duối cũng biệt vô âm tín con bò
đêm qua “tuột thừng” đi đâu mất. Tìm mãi đến trưa con, chiều cái chẳng thấy tăm
hơi con bò đâu, lúc ấy mới cho là mất thật. Chỉ còn biết về xui vợ ra đứng giữa
ngã ba đường làng réo to chửi tới cao tằng tổ tỉ, cao tằng tổ khảo, thúc bá đệ
huynh… cái đứa đêm qua trộm bò của bà… Chửi chỉ mỏi mồm (vừa mất của vừa mỏi
mồm). Các nhà sư không biết nói tục, chửi tục nhưng bị mất trộm nhiều lần bức
xúc quá không đừng được cũng đành giấu Phật Thích Ca, vụng Phật Bà Quan Âm ra
rõ xa cửa chùa đứng: “Bá ngọ cái đứa ăn trộm của chùa”, nghe cứ nhồn nhột cả
nhĩ tai. Ngay từ lúc dân còn nhường nhà cho ở, nhường ổ rơm cho ấm, họ đã trổ
tài đạo điễn… ăn rất chi thạo nghề đạo diễn:
- Bố ơi, nhà “ta” nuôi chi những năm con chó cơ ạ?.
- Nuôi cho nó giữ nhà chứ chú!
- Chó giữ nhà chỉ cần một đến hai con sủa đánh tiếng kẻ trộm đã đủ sợ són
ra quần, việc gì phải dùng đến nửa tiểu đội chó để chúng ăn hại cơm giời ạ!
- Chó mẹ đẻ một lứa sáu con, con nào cũng huyền đề bốn chân, lưỡi đốm, tai
vểnh, mắt xanh, yếm trắng, tướng chó này vừa khôn vừa dữ vừa chung thành với
chủ, bán đi tiếc lắm.
- Nhưng bố ơi, bảy mẹ con chúng nó xơi của bố ngày đấu gạo chứ chả ít!
- Ừ, thì có sao cho ăn nấy, cơm hớt ấy mà; đun rơm đun rạ, cơm đầu nồi,
trốc vung vừa oi khói, vừa dính gio muội người không ăn được thì cho chó ăn, có
cho chúng ăn cơm ngon đâu mà tiếc. Nhà giầu nuôi ngựa để cưỡi, nhà nghèo nuôi
chó nuôi mèo làm bầu bạn cho vui cửa vui nhà. Chắc quê các chú rào làng “kháng
trộm”, chống cướp tốt lắm nên mới không cần nuôi nhiều chó giữ nhà. Quê các chú
nghiêm nhỉ, không có lũ lưu manh, trộm cắp. Sướng nhỉ!
- Nhưng bố ơi, gà mái ghẹ, cầy tơ là ngon nhất hạng. Chó già dai nhách ăn
chán chết, làm thịt đi, chúng con “tương trợ” một tay…
Cách dân vận kiểu "đạo diễn ăn" của mấy anh Nhiêu anh Xã khéo mồm
làm sao, cứ ngọt như mía lùi mà đắc dụng. Bác chủ nhà nghe bùi tai, xiêu lòng
xổ dạ ra ngay, đưa thòng lọng cho mấy chú tròng cổ, cắt tiết làm lông thui
vàng, “tương trợ” giúp những xiên chả nướng, nồi nhựa mận, đĩa thịt đùt, thịt
mông luộc vàng ngậy, đĩa dồi thái vát khúc nào khúc ấy bóng nhẫy mỡ chó, trông
rõ nhân lạc nhân đậu xanh bên trong hằn rõ trên da miếng dồi, cả nắm lá mơ tam
thể, củ riềng thái lát để cạnh. Lính ta làm công tác dân vận rất chi có trình
độ dân vận. Ấy là họ chưa đi học Liên Xô, Trung Quốc chuyên sâu về dân vận lớp
nào đâu đấy! Chỉ học truyền miệng thôi mà trình độ đã cao cấp vậy. Chỉ số IQ
của các nhà "đạo diễn ăn" này có lẽ cao nhất thế giới, hơn hẳn người
Do Thái là cái chắc!
Trao quyền lực, trao tiền bạc vào tay mấy chú môi lúc nào cũng mấp máy đòi
ăn gì mà cơ quan chả xảy tham nhũng, tham ô. Những vị chức sắc ấy có mắc khuyết
điểm ở cơ quan này lại được chuyển qua cơ quan khác, nắm chức to hơn, cao hơn.
Ba tôi cũng là cấp dưới, cấp cơ sở, giám đốc cấp cơ sở làm gì có quyền được
chọn cấp phó cho mình. Giám đốc, phó giám đốc các nhà máy trực thuộc tỉnh, đều
do ban tổ chức tỉnh cử về, hay trên thích ai thì đưa người ấy lên.
Một ngày đang ngồi viết kiểm điểm về “tội” hủ hoá của mình tại cơ quan, ba
tôi bị cái quạt trần tuột móc rơi trúng đầu làm ông chết tại chỗ. Thế là các
loại “thông tấn” vỉa hè tung tin ba tôi tự tử để chạy tội tham ô tiền bạc của
cơ quan đem bao gái! Nhiều người biết ba tôi bị đổ oan, cũng chẳng ai dám đứng
ra minh oan cho ông. Ông chết rồi họ nhờ vả gì được nữa mà minh oan giúp ông,
lâu dần thành vấn đề của lịch sử, cho qua đi! Cái chết hi hữu của ba tôi vô
tình thừa nhận mình phạm tội để đám bác Nhiêu, anh Xã ấy phủi tay mà trong
sạch, mà thăng tiến. Chuyện đó như một tảng đá đè nặng tuổi thơ tôi.
HXH
(Còn tiếp)