Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM

                          

                               Phần 1

                            Cõi âm (15)

 

Tiếp theo

 

Kể đến đây Huệ lặng đi, hai khoé mắt nhoè ướt, giọng trùng xuống:

- Có phụ nữ nước nào khổ như phụ nữ xứ này không: Chờ chồng nuôi con, thờ chồng nuôi con, thờ chồng thờ con…?

Nếu không chiến tranh họ đâu phải vây?

 

Đưa ra những câu hỏi trên xong, lắng đi một lát, Huệ kể tiếp:

“Người thứ hai tan xác bởi quả bom phát quang trên một điểm chốt, tay một nơi, chân một nẻo, nguyên bộ ruột vắt lòng thòng trên ngọn cây cổ thụ còn sót lại nơi sườn đồi, sau đó “được chôn” vào bụng lũ quạ đen. Riêng cái đầu, vị thế ăn trên ngồi trốc được ưu trên tung lên rõ cao rồi mới rơi, lăn lộc cộc xuống sườn núi một quãng xa vướng vào một gốc cây giắt lại trong khoang rễ trồi trên mặt đất. Ðàn lợn bản gần đó, chủ đi sơ tán lâu ngày, bị bỏ đói đang lang thang kiếm ăn. Con lợn mẹ đi đầu bắt gặp, cho đó là miếng mồi ngon liền khịt khịt mũi thăm dò, thấy là thứ ăn được, liền ngoạm cái tai vừa kéo lê vừa rứt, gặm, hai chiếc răng nanh nhọn hoắt uốn hình móc câu vếch ra hai bên mép vô tình thọc vào hốc mắt làm con ngươi mắt trong hộp sọ vọt ra, chú lợn con đi cạnh tớp được trệu trạo nuốt chửng không kịp gì nhai. Cả đàn lợn con sấn đến xúm xít tranh với lợn mẹ: con gặm má, con rứt tóc, con nhay tai giằng đi giằng lại, dãi nhớt bê bết quện với đất đồi đỏ quạch nhầy nhụa. Ðàn chó trong bản đánh hơi thấy cũng kéo nhau đến tranh phần. Ðàn lợn yếu thế đành phải nhường bộ. Bầu đoàn thê tử nhà lợn kéo nhau lên rẫy sắn, nương ngô thây cha lũ chó má tranh nhau cái thủ người dai nhách, khó nhằn. Cái món thịt sống, nhất lại thịt người, khi đói, gặp, buồn mồm thì nhá chơi chứ không phải món khoái khẩu của mẹ con nhà lợn.

Lũ chó tranh nhau gặm hết cái thủ người xong, dường như miệng con nào con ấy còn thòm thèm, con đầu đàn ngẩng lên phía đồi chốt sủa oang oang một hồi rồi dẫn cả đàn thừa thắng xông lên đỉnh chốt, nơi có nhiều xác tử sĩ của cả hai bên trận chiến còn nằm đâu đó mà hai bên chưa thể lấy về chôn cất sau những ngày đêm nện nhau chí tử, vì cả hai bên đang phải co về căn cứ củng cố lại lực lượng của mình cho những trận đánh sau.

Chiến trường thường có những khoảng lặng chờ đợi, những khoảng lặng chờ đợi cho một trận đánh gây một sự im lặng đến rợn người. Lũ súc vật, thú hoang thường đi kiếm mồi vào những lúc ắng tiếng súng tiếng bom như vậy.

Người thứ ba chết tuy được toàn thây nhưng tròn trịa một khúc bi hài. Anh này người gầy yếu, lúc khám tuyển quân anh chỉ nặng 45kg. Sức khoẻ xếp loại B1. Hết A1, A2, A3 người ta dùng đến người sức khoẻ B1. Cái chết của anh thứ ba, một cái chết hy hữu; không công đồn, chưa phá vây, chẳng bom rơi đạn lạc chạm vào người. Ðang trên đường cùng đơn vị hành quân vào chiến trường. Ngang đường bị sốt rét anh vẫn hạ quyết tâm ra trận. Sốt rét ở rừng nhiệt đới là chuyện cơm bữa, chả sao đâu. Mười người ở rừng thì bảy tám người mắc chứng sốt rét. Cái bệnh sốt rét cứ như anh giả vờ. Ðang khoẻ mạnh, ăn như thuồng luồng, rắn giáo bỗng đùng đùng nổi cơn sốt, người run cầm cập, đắp cả đống chăn lên người vẫn rét run môi, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Ðếm ấy đang hành quân, anh thấy người ớn lạnh, lấy hộp cao sao vàng (dầu gió) ra quệt xoa mũi, xoa hai bên thái dương, trán, cổ và gáy. Nghĩ xoa dầu thế sẽ ấm người trở lại mà hành quân. Nhưng người anh cứ mỗi lúc một rét căm căm, rét từ trong gan trong ruột rét ra, hai hàm răng đánh vào nhau cầng cậc, môi trên môi dưới liên tục bư bư đánh đàn, người chùng xuống bủn rủn, đầu gối, cổ chân, hai kheo chân bải hoải nhũn ra không muốn bước, lại bị cái ba lô đầy ự quân trang, rồi khẩu súng AK, cộng 200 viên đạn, thêm bao tượng 6 kg gạo vắt vai cứ mỗi bước lại như có người chất thêm vật nặng đè anh xuống. Ðang bước trong hàng quân rầm rập giữa ngút ngàn “Trường Sơn ta đi không một dấu chân người”(4) thì anh bỗng lăn quay ra ngất đi. Chỉ huy tiểu đội báo cáo lên chỉ huy trung đội, chỉ huy trung đội báo cáo lên chỉ huy đại đội. Chỉ huy đại đôi nghi chiến sĩ này sợ gian khổ, sợ chết nên giả vờ ra thế, đóng kịch để tìm cách “B quay” về miền Bắc trốn tránh nhiệm vụ đánh giặc. Chính trị viên trưởng đại đội hạ một câu sắc lạnh:

- Khiêng!

Câu hạ lệnh gọn lỏn ấy được truyền ngay xuống tiểu đội có người “giả vờ ốm”. Tiểu đội trưởng hội ý chớp nhoáng với hai tiểu đội phó, rồi cả tiểu đội dừng lại tạt vào cạnh rừng dỡ, san ba lô, súng đạn, lương thực của ba người cho toàn tiểu đội mang vác để có hai người khênh võng chiến sĩ ốm hành quân theo cùng đơn vị.

Nằm trên võng do đồng đội khiêng đi một lúc, đỡ sốt, thấy mình khỏe lại. Nhận thấy việc đồng đội khiêng mình hành quân ra chiến trường. Không đành lòng để đồng đội vất vả vì mình, anh bảo họ dừng lại rồi tụt khỏi võng tự đi và lấy chiếc võng quấn quanh người cho ấm, nhưng cũng chỉ đi cố được một chặng ngắn, người anh lại bủn rủn ra, hai đầu gối rời rã chùng xuống không còn muốn bước. Biết không thể cố đi được nữa, và cũng không muốn để đồng đội đang trên đường ra trận phải khổ vì mình, anh nói với tiểu đội trưởng:

--------------------------------------

(4): Thơ Gia Dũng.

                                            HXH

                                          (Còn tiếp)

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ