Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Hạt Cát gào thét trong cô đơn tìm mẹ và tìm mình

“Ai bảo bạn rằng có gì đó sai trong việc buồn? Thực tế thì nỗi buồn mới cho bạn chiều sâu. Tiếng cười là nông; hạnh phúc chỉ là bề ngoài. Nỗi buồn thấm vào từng chiếc xương, thấm vào tủy. Không có gì sâu bằng nỗi buồn…”
(Rajneesh – nhà thần học Nhật)


Trên bìa tập thơ màu tím Huế với ba dòng tên: Bùi Cửu Trường, Hạt Cát, Diệu Sinh, nếu không là người quen biết chị từ trước sẽ nhầm, nghĩ là thơ của ba tác giả. Vâng, chị là Bùi Cửu Trường - tên khai sinh; Hạt Cát - bút danh một trang blog của chị; Diệu Sinh - là pháp danh quy y tam bảo do nhà chùa đặt (chắc thế). Có thể tạm hiểu về chị bằng ba giai đoạn làm nên ba cái tên kể trên cũng vui: Bùi Cửu Trường của một thời thiếu nữ xanh xa, một thời học hành để thành cô bác sĩ mát tay của bệnh viện 108; Hát Cát, là bút danh viết báo, viết về những loài cây thuốc, làm thơ đăng blog. Kẻ viết những dòng này may mắn được quen biết chị đâu như từ quãng năm 2009 – 2010 trên blog 360 yahoo. Tiếc là trang blog đó đã đóng cửa tháng tư năm 2012, nên cùng nhau chuyển “nhà” sang blogger và Facebook để sáng tác và hằng ngày đọc văn thơ của nhau, chia sẻ cùng nhau. Vì: hình như tất cả đã nghiện internet, giờ là nghiện Fecaboook đến khó bỏ. Xin không dài dòng nữa, mà đi vào trọng tâm bài việt này - về thơ của chị.

Thơ Hạt Cát đọc mướt mà, mang hồn truyền thông đậm nét và hoài hoài tâm trạng buồn. Buồn và cô đơn như nắng, như gió, như mặt trời, như mắt trăng ngày lặn xuống, đêm ngoi lên, hết mờ sang tỏ quay vòng cùng vũ trụ, cùng thơ như một nhu cầu tự thân; lòng không buồn (chị nói) nhưng chị viết về nỗi buồn làm người đọc thấy chị buồn như chảy nước:

Gió thu tan tác mây thu
Mảnh trăng thu khoác sương mù mong manh
Đã đành cung quảng lạnh tanh
Giá băng thôi cứ giá băng ngàn đời...
   (Xin làm chiếc là vàng rơi)

Con người là một khối cô đơn, một khối buồn, khối buồn ấy là tảng băng ngầm bản thể. Nỗi buồn cũng có bản thể của nó, nó luôn hoạt động ở góc khuất tâm hồn nên chúng ta phải chấp nhận nó, sống chung với nó. Nỗi buồn qua những cảm xúc sau: lo âu, nghĩ ngợi, giận giữ, thất vọng, tuyệt vọng, khổ đau… khát vọng. Khát vọng cũng là một nỗi buồn. Đang vui đấy, cười đấy, hát đây nhưng buồn cũng ngay tại đấy. Ngay khi đang vui, một tin gió, tin mây vô tình nào đó mang dáng dấp nỗi buồn ập đến thì dù vui mấy, hạnh phúc ấy cũng bị dập tắt và thay thế nỗi buồn vào. Nếu nhà thơ biết tận dụng những nỗi buồn của mình biến thành sản phẩm thi ca chắc chắn sẽ làm lên cái đẹp. Thực tế thì nỗi buồn tạo ra chiều sâu cho tâm hồn. Nếu không có tâm trạng buồn, chúng tôi tin là Hạt Cát không viết mấy câu thơ như này:

Nếu bây giờ em lại yêu anh
Em sẽ không còn là em nữa
Như trâu vác ách cày è cổ
Em nai lưng trả nợ duyên mình!

Nếu bây giờ em lại yêu anh
Em sẽ thành lặng câm chiếc bóng
Khua khoắng chổi rơm cùn gẫy cán
Em lùa mù mịt bụi tháng năm…

Người Nhật có câu : “Bóng tối tuy tối, ngược lại bóng tối cũng rất đẹp”. Trong đời sống con người, hàng ngày, hàng giờ có bao nhiêu chuyện hên xui ấp đến làm ta sung sướng và cũng làm cho nỗi buồn dâng cao. Chính nhà thơ là người đối diện với nỗi buồn nhiều nhất, quyết liệt nhất:

Chuyện thì chẳng đáng gì đâu
Chỉ cần thoáng bận... Lỡ nhau dễ dàng
Bao nhiêu chằng chịt dọc ngang
Chuyện làng xóm, chuyện họ hàng, chuyện riêng...
 (Chả thể nào)

Thì ra cái gì cũng làm thi sĩ Hạt Cát buồn được: “Bao nhiêu chằng chịt dọc ngang/ Chuyện làng xóm, chuyện họ hàng, chuyện riêng...”. Đó là nỗi buổn 12h ban ngày. Còn về đêm thì sao?

Nó đây:

Cuốn theo mỏng mảnh cành hoa
Thẫn thơ gió đến canh ba vẫn buồn.
Gượng cười nén giận giấu hờn
Run run em nhặt hoàng hôn một mình
Dừng chân đếm ngói mái đình…
 (Thôi em, trang 103)

Sao thế nhỉ? Thường thì khi đi lễ chùa là lúc lòng tịnh, rũ sạch nỗi buồn để chiêm ngưỡng cửa Phật. Mà ở đây, trước cửa chùa chị vẫn nỗi buồn vương theo:

Sắm sanh khăn áo lên chùa
Hai tay em hứng giọt mưa lạc loài…
Buồn đến thế này nên chị muốn Đổ Buồn Đi:
- Gánh buồn đem đổ xuống sông
Sông bị nghẹn dòng… sông khóc tỉ ti…

Không rõ sông khóc hay người khóc? Có lúc đọc xong tôi gọi điện thoại hỏi sao viết buồn vậy? Chị trả lời là ai viết chứ không phải tôi, tôi chỉ gõ bàn phím hộ, do ai đó đọc vào tai mình? Chuyện một đấng thần linh làm thơ xong đọc vào tai cho người trần ghi chép chẳng riêng gì nữ sĩ họ Bùi, mà nhiều thi sĩ nổi danh khác, khi được hỏi về “bếp núc" thơ ca cũng từng nói vậy về những bài thơ xuất thần đặc sắc của họ.

Thôi thì chúng ta cứ tin lời nữ sĩ họ Bùi vậy. 

Khi làm thơ, người ta cô đơn để viết. Người cô đơn ngồi viết trong cô đơn thì nỗi cô đơn sẽ nhân lên gấp bội và từ đó mà sinh ra những câu thơ “gào thét” chăng:

Buồn gì, buồn đến thế này!
Buồn từ rốn bể, chỏm mây buồn về.​

Khi định hình được nỗi buồn từ rôn bể chân mây buồn về, người buồn ấy chuyển kênh sang Triết Lý Vụn:

Xung quanh: nhôm nhoam đã cuội
Nhủ rằng: ngọc bích lung linh…
(Triết lý vụn)
Triết lý vun xong thấy vẫn còn buồn nên chị đã đem buồn ra xé:

Em cứ nhẩn nha xé nỗi buồn từng mảnh
Nỗi buồn thành đám bụi mờ
Dính chặt mảnh đời lam lũ câu thơ
Em ném buồn vào lửa…
 (Xé buồn)

Xin dừng lại ở đây, không bàn thêm về nỗi buồn nữa. Vì nỗi buồn trong thơ chị trích mãi, dẫn mãi vẫn còn… dài dài nhiều nên chúng tôi xin nhường lời cho những ai đã có tập thơ Bùi Cửu Trường - Hạt Cát - Diệu Sinh trong tay tự cảm thụ thêm…

Xin bàn về mảng thơ khác của chị. Mảng thơ viết về mẹ. 

Khi bời rối là khi cần tĩnh lặng
Ta neo mình dưới đáy trái tim ta.
Khi cô đơn đến tận cùng hoang vắng
Ta lại thương đến quặn ruột mẹ xa.
Biết vô thường muôn đời dâu bể
Nhưng ta không đối diện nổi chính mình
Không công nhận mẹ yêu giờ như thế
Một lặng câm không còn nữa dáng hình.
Mẹ một mình đi về cuối cõi
Ta lưu đời chìm nổi lênh đênh.
Mai con cháu đưa mẹ về vĩnh cửu
Ta thấy lòng hơ hoác trống tênh 
Biết hình hài chỉ là giả tạm
Mà với ta mẹ là sự vẹn nguyên.
  Mẹ yêu hỡi... 
Huỷnh tuyền xa xôi lắm
Mẹ ở đâu?
Ơi mẹ dịu hiền?! 
                          (Mẹ ở đâu)                           



Bài thơ chúng tôi dẫn trên đây là lấy từ trang mạng FB Hạt Cát Diệu Sinh của chị. Bài này chị mới làm chua in trong tập thơ đã xuất bản kể trên. Lần tìm những bài chị viết về mẹ đã in trong tập. Bài đầu tiến tôi gặp là bài Về Quê Tối Với Mẹ. Với bốn câu mở đầu:

Dắt em lủi thủi con đi
Mặt trời chìm xuống chân đê. Tối rồi!
Mịn màng ngọn cỏ non tươi
Lúa thu ngậm sữa cuối trời xa xa…

 Mặc dù đã đọc bài Mẹ Ở Đâu và biết rõ mẹ chị không còn nữa nhưng khi đọc khổ thơ đầu Về Quê Tối Với Mẹ, lòng tôi vẫn hý hửng tưởng người mẹ rất đỗi yêu thương của chị vẫn ở quê để chị cùng em dắt nhau về thăm. Những câu sau đó chị tả về cảnh vào đêm ở quê hương với hình ảnh: “Hương đồng ngan ngát chiều tà/ Trăng thượng tuần chải chiếc lược ngà ngọn tre… Ruộng bờ rậm cỏ, lối quê xám mờ/ Bến cầu ao cũ. Mẹ kìa!”… Những tưởng chị nhìn thấy mẹ đang đứng giữa sân đón mình. Nhưng không phải, mà là chị vừa đi vửa tưởng tượng những hình ảnh của mẹ từ ngày xưa hiện về trong tâm thức lúc chị cùng em trên đường về quê. 

Về Quê Tối Với Mẹ, một bài thơ khá cảm động.

Bài: Đồng Không Quê Ngoại, thể song thất lục bát, một bài thơ với nhiều ẩn ức. Cùng như hàng triệu gia đình khác trên nữa nước, từ sông Bến Hải trở ra vừa được giải phóng năm trước thì năm sau, năm 1956 cơn bão CCRĐ từ đâu tràn về khắp nơi, quét qua làm cả gia đình bên ngoại bay đi. Biến thiên của thời cuộc ấy bỗng nhiên tán phá tan nát cả một gia đình.

Bài thơ này khi chị đăng lên blog, một độc giả đọc xong đã có đoạn lời bình khá xúc động:
“Đọc xong Đồng Không Quê Ngoại, với phản xạ tự nhiên của một lão nông trải qua nhiều bất hạnh,  là nhân chứng của CCRĐ và đặc biệt là đã biết sống chứa chan tình người; Tôi - Hải Âu đã ấp tác phẩm lên tim mình mà ngân ngấn nước mắt, mà thổn thức, mà đồng hành chia sẻ cùng tác giả…”.

Không rõ năm 1956 ấy, người ta nhập cảng từ đâu về cuộc CCRĐ khiên cưỡng gây ra bao thảm cảnh:


Ao nước rộng ngày xưa câu cá
Vườn dọc ngang trĩu quả xanh cây
Thế mà… lại hoá trắng tay.
Nhà mình từ bấy đến nay… không nhà.

Cái sân họ xé ba, chia bảy
Mấy căn nhà họ lấy đem đi
Thắt lưng tần tảo sớm khuya
Tai bay vạ gió chuốc về bỗng dưng...


Một việc làm vô lối đã gây ra những nanh nọc tai trời ách nước ấy xin nhường cho lịch sử sau này soi sáng, phán xét, người trần mắt thịt như chúng ta cứ thương thức thơ, bàn về thơ cho lành.

Không những Bùi Cửu Trường “moi móc” từ gan ruột mình ra những nỗi buồn lòng, buồn tình đầy trải nghiệm chưng cất thành thơ mà chị còn “nhập cảnh” những nỗi buồn từ những hoàn cảnh, cảnh ngộ mà chị quan sát được:

Chồng không về, con cũng không về…
Cả dâu rể đều không trở lại
Ngôi nhà trống trải.
Mâm cơm bữa nào cũng trắng xóa nỗi đau
Đắng lòng nhìn bát đũa không
Bát đũa những người ra trận…
Không về!
(Tái tê - trang 41)

Qua thơ Bùi Cửu Trường, người đọc thêm hiểu về phụ nữ Việt nam nói chung, người mẹ Việt Nam nói riêng ở phương diện nào họ cũng thua thiệt và khổ đau. Sự khổ đau của họ là do đâu tạo ra, do ai tạo ra thật rất khó lý giải. Mà thơ thì cần gì dài dòng lý giải, chỉ gợi thôi là đủ!
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ