Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

“Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm" - Một tiểu thuyết mới lạ, chân thực


Tiểu thuyết “Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm”của tác giả Hoàng Xuân Họa, với trên 250 trang - một cuốn sách không dày, nhưng cũng không thể coi là mỏng. Dung lượng chuyển tải trong đó gồm những gì mà tác giả gọi là tiểu thuyết? Nếu tác giả coi đây là một cuối tiểu thuyết thì người đọc chúng ta cũng đành ấm ức mà chiụ thiệt!


Vì rằng... định nghĩa về tiểu thuyết và hình thức của một cuốn tiểu thuyết không là vậy: Nội dung không theo lối kể chuyện thông thường, không chương không hồi, những nhân vật xuất hiện rồi không còn được quay lại “giải trình” số phận của mình cho đến chót. Chuyện xoay quanh hai giấc mơ với hai nhân vật chính, Phong và Huệ. Phong là người trần gian, Huệ  là người cõi tiên...
Chưa bao giờ và chưa tiểu thuyết nào tôi đọc - suy ngẫm lâu như cuốn tiểu thuyết “Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm” của tác giả Hoàng Xuân Họa (NXB Hội Nhà văn, 2012). Với cách hành văn lạ, tưng tửng bày ra những bi kịch cuộc sống nhằm thanh lọc tâm hồn của một người viết không chuyên cứ ám ảnh, thôi thúc tự trong tâm thức khiến tôi không dứt ra nổi…



Khi vừa được tác giả gửi tặng sách, bóc phong bì đọc nhan đề tôi ngạc nhiên thốt lên: “Ôi cái ông bạn vong niên của mình chán đời rồi chăng?". Từng say sưa, trở trăn đến khắc khoải với hai lần “Trót một thời yêu” (hai tập thơ cùng tên) bỗng dưng người thơ ấy trốn vào “Cõi Trời”,“Cõi  Âm” để quên đi thực tại ư?”. Song càng đọc, càng suy ngẫm tôi càng hiểu ra: tác giả mượn giấc mơ để phản ánh hiện thực, gửi gắm vào đó một giá trị tinh thần mới! Giấc mơ của Phong (nhân vật xưng tôi) đang sống trên Cõi Trần bỗng gặp lại Huệ - người bạn tình đã hy sinh trong chiến tranh hơn ba mươi năm trước. Cuộc chu du xuống Cõi Âm, lên Cõi Trời đã rọi chiếu rõ bộ mặt đời sống thực tại với những thăng trầm của xã hội qua hai cuộc chiến tranh và cả thời hậu chiến.



Gần đây, đọc tiểu thuyết của các tác giả không chuyên – những người cầm súng trước khi cầm bút viết về đề tài chiến tranh với những gì họ mắt thấy, tai nghe, trải qua và cảm nhận chúng bằng cả tâm hồn lắng đọng kinh nghiệm sống và được chiếu sáng bằng lương tri người nghệ sĩ - công dân, tôi thấy khuynh hướng sáng tác của họ thể hiện rõ nét qua sự kết dính hiện tại với quá khứ một cách linh hoạt, sinh động dựa trên ký ức… Tiểu thuyết “Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm” của tác giả Hoàng Xuân Họa hội tụ đủ những  ưu thế đó.
Hai nhân vật chính Phong và Huệ gặp nhau khi Phong được ban hậu cần đơn vị cử đến K9, nhận và phân phối gạo cho các đại đội trong tiểu đoàn. Hai chiến sĩ gái cùng làm với Huệ đi mở thêm kho khác ở triền núi bên kia tranh thủ mùa khô nhập gạo từ hậu phương vận chuyển vào để dự trữ  cho chiến dịch sau. Giữa khung cảnh chỉ hai người bên nhau trong rừng sâu khi bình yên, lãng mạn, khi bom rơi đạn nổ cận kề cái chết, người con trai hai mươi tư tuổi và người con gái hai mươi tuối sao có thể dửng dưng được với nhau? Vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn họ bất chợt nhận thấy ở nhau thôi thúc họ thăng hoa, dâng hiến, trao nhận… Nhưng ước muốn cháy lòng ấy bất thành bởi tiếng máy bay xé trời xẹt qua. Họ vội vàng buông nhau ra để chạy vào hang đá tránh bom. Cứ liên tục như thế… sau đó bao nhiêu cố gắng của hai  người đều trở nên vô nghĩa. Ngẫm mà thương! Bom đạn kẻ thù quấy phá cả những giây phút thăng hoa hiếm hoi họ được gần bên nhau. Càng thương hơn khi biết sau khi chia tay nhau không bao lâu, Huệ đã hy sinh trong lúc đang mở đường chuẩn bị cho cho chiến dịch mùa khô tới. Nỗi đau xót tột cùng người trinh nữ ấy đã khiến Phong suốt đời vương vấn đến mức gặp lại Huệ trong mơ, Phong được nàng báo mộng nàng bất tử bởi nàng là người của Cõi Tiên.



Cùng Huệ đi hết Cõi Âm, Cõi Trời, Phong được gặp gỡ, nghe kể hoặc ôn lại bao số phận con người của một thời máu lửa, đa dạng, phức tạp, bi hài cùng bao trắc ẩn, để thương  yêu, để căm hận, để khát khao mong muốn sống tốt hơn trong Cõi Người. Viết về chiến tranh, ngòi bút Hoàng Xuân Họa không hề dễ dãi, giản đơn, ca ngợi xuôi chiều. Mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ đều dứt ra từ những trải nghiệm ám ảnh, đớn đau, quằn quại… Gặp nhau trong mơ, Huệ kể cho Phong nghe về sự hy sinh của biết bao đồng đội : chị Thu vĩnh viễn ra đi sau khi hạ gục thằng Tây dâm dục; một chiến sĩ vô danh chết không toàn thây bởi quả bom phát quang trên một điểm chốt tay một nơi, chân một nẻo, nguyên bộ ruột vắt lòng thòng trên ngọn cây rừng. Một chiến sĩ khác mất trên đường hành quân do bị sốt nằm lại giữa rừng, Đại đội anh bị trúng tọa độ B52 gần như bị xóa sổ hoàn toàn cả đơn vị. Đại đội đi sau hiểu lầm là anh “B quay giữa đường cách đó ba ngày” nên bị thông báo về địa phương là đào ngũ. Vẫn biết rằng chiến tranh đâu phải là trò đùa nhưng sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ vô danh không chỉ là máu xương mà còn là danh dự. Những điều này tác giả viết ra để mọi người phải ngẫm về cái giá cần trả của bao người cho cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. 
Trong hoàn cảnh oái oăm, người hy sinh thầm lặng thì bị nghi phản bội; còn người chết do thói xấu ăn trộm vặt lại được phong liệt sĩ(!!!). Cái chết hy hữu của Mít - anh chàng dân quân du kích xã - một tay xạ thủ khẩu đội súng cao xạ 12,7ml không phải vì chiến đấu với giặc mà vì ngầm ăn trộm mít của nhà hàng xóm nên bị rắn cắn đúng lúc tốp máy bay Mỹ cắt nốt quả bom còn lại xuống trận địa. Đồng đội cho rằng Mít bị sức ép bom hy sinh! Gặp Mít ở cõi âm, thấy anh chàng đang nhăn nhó vì những cơn đau buốt di chứng nơi bị rắn cắn, Phong hỏi Huệ:“ Diêm vương cũng bắt tội liệt sĩ à?”. Mít giãy nảy thanh minh: “- Tôi không là liệt sĩ. Khi tôi chết, trần gian họ vẽ vời ra thế, nào tôi biết gì đâu”. Toàn chuyện nực cười, mà cười ra nước mắt… Người như Mít còn tư cách chán. Anh ta không dám nhận mình là liệt sĩ mà tại “Trần gian họ vẽ vời ra thế ”.
Viết về chiến tranh, “Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm” không né tránh những hy sinh, thua thiệt tạm thời, không né tránh miêu tả, phản ánh những con người ti tiện, hèn nhát… Tính gay gắt của cuộc chiến được miêu tả trung thực trên nhiều khía cạnh. Trong cơn xoáy lốc của chiến tranh, đặc biệt trước những tình huống hiểm nguy, vàng thau được phân định rõ ràng, con người bộc lộ rõ bản chất của mình… Độc giả sẽ bắt gặp trong tiểu thuyết "Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm" những nhân vật dũng cảm - kiên định như Huệ, chị Thu và rất nhiều chiến sĩ vô danh khác… Độc giả cũng bắt gặp những kẻ hèn nhát, phản bội, xấu xa, đê tiện qua chiếc gương Quá Khứ Hiện Về của Huệ: Vinh từ giao thông hào ôm cây súng vọt khỏi vị trí nhao đến một gốc cây cổ thụ cao nhất làng để  trốn tránh cái chết khi bọn lính rằn ri nhảy ra từ máy bay lên thẳng, tràn vào xóm làng, chĩa súng bắn như vãi đạn vào những mái nhà tranh ẩn dưới các gốc dừa… Kẻ tên là Tịnh thì ngồi bó giò trong hậu cứ rê súng bóp cò vào bắp chân để tự thương, nhưng lại bắn chệch vào xương ống chân làm vất vả bao nhiêu người phải trèo đèo lội suối, vượt hàng trăm cây số đưa hắn từ mặt trận trở về quân y hậu phương. Y sĩ Tâm kiểm tra, biết Tịnh tự thương nên quyết định gửi Tịnh ra hậu tuyến xử lý. Song Phong tự nhận hắn là anh em họ để xin Tâm tha cho hắn… Không ngờ sau hòa bình, Phong tình cờ thấy hắn gây sự đánh Tâm ở ngoài phố khi hắn ép bán mũ cối giả, Tâm hỏi mà không mua. Phong giật mình khi nhìn thấy chiếc huy hiệu thương binh đeo trước ngực Thịnh. Thật đau xót khi Phong cởi khuy vén áo ngực Tâm để xoa dầu vào chỗ đau do Thịnh đánh mới biết Tâm có một vết thương làm lép một bên vai. Một kẻ khác mác giải phóng quân hẳn hoi, to cao đẹp trai, chưa vào đến chiến trường đã dát chết, “tuột xích” lủi về quê cày ruộng. Đã thế, lại còn xí xớn ngủ với vợ bạn, bị cả họ anh bạn kia bắt được, đè ra “xin nửa con cu”, xấu hổ không dám đi bệnh viện, chữa lang băm ở nhà, khi bị nhiễm trùng máu nặng mới đến bệnh viện thì đã muộn. Lại nữa, một gã đại đội trưởng tép riu mà cũng khoe ra đến là lắm thứ quyền lực để gạ gẫm con gái… Những nhân vật xấu xa, đê tiện ấy tuy không nhiều nhưng không thể không nói đến. 
Dựa vào nguyên tắc viết theo tinh thần phản tỉnh, ngòi bút của Hoàng Xuân Họa giúp độc giả có cái nhìn chân thật về chiến tranh không phải để hạ thấp con người mà nhằm tạo hình ảnh tương phản, đối lập, tôn cao giá trị đích thực của những người lính chân chính dũng cảm quên mình bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Viết về nỗi đau thương mất mát, về khoảng tối trong mỗi con người nhưng với cái nhìn nghiêm minh, nghiêm túc, đầy ý thức trách nhiệm một công dân. Tác giả tái hiện những sự kiện trong chiến tranh nhằm đề cao khát vọng hòa bình của cả dân tộc.
Bên cạnh việc mô tả tính phức tạp và ác liệt của chiến tranh, ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm của chiến sĩ, phê phán thói hèn nhát, cơ hội của một số kẻ đào ngũ, ngòi bút Hoàng Xuân Họa còn giành sự xót thương, cảm thông cho số phận của những con người bên kia giới tuyến bị ép buộc cuốn vào vòng chiến tranh, có người chưa kịp ra trận đánh đấm gì đã chết; không làm gì hại dân hại nước mà bản thân và gia đình vẫn bị xóm làng, xã hội khinh rẻ, kỳ thị. Chiến tranh, người theo bên này được coi là bên ta, người bị ép theo bên kia bị coi là theo địch! Qua lời kể của một hồn ma - Huệ -  bi kịch của những con người lương thiện bị ném vào vòng xoáy của cuộc chiến không lối thoát. Đó là điều “Chuyện  Cõi Trời, chuyện Cõi Âm” muốn đề cập, thấm đẫm cảm hứng nhân đạo để lên án chiến tranh. 
Không trải qua cam go của cuộc chiến, không có tấm lòng nhân ái và thái độ dũng cảm khi phản ánh hiện thực thì không thể có cái nhìn vào sự thực sâu sắc đến vậy!
Đến “Cõi Âm”, ta còn gặp những hồn ma của thời hậu chiến với muôn mặt đời thường cùng bao “Hỉ, nộ, ái, ố” chốn trần gian. Anh chàng Đông nghèo khổ thời trẻ có công cứu một cán bộ cách mạng, sau hòa bình được học hành rồi trở thành cán bộ quản lý Sở nhà đất rồi thoái hóa biến chất khi “tận thu” những khu nhà đất ngon nghẻ nhất cho con cái của mình. Đến khi  xuống Âm phủ Đông vẫn theo thói cũ, lo xa, dự trữ nhà cho con cái như lúc trên trần gian. Lại gặp lão bật bông người cùng phố với Phong chuyên sản xuất chăn bông tiết kiệm và gia công chăn bông cho mậu dịch với nhiều mánh khóe che mắt Thượng Đế  xuống đến Cõi Âm gã vẫn cứ bật bông “tưng tưng”. Lại đến khu giành cho  tầng lớp trung lưu gặp những con người có mẽ ngoài bảnh bao sáng láng luôn giành nhau một chiếc ghế để xem chiếu phim, xem đấu bóng chuyền, xem đá bóng , Phong chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh: “Ghế thì ít đít thì nhiều/ cho nên đấu đá là điều tất  nhiên”. Lại gặp một người cao lênh khênh, vận bộ đồ ký giả trước ở trần gian lợi dụng việc làm báo để làm giàu bất chính, bất lương bằng tiền tài trợ của nhà nước, dọa đưa tin này tin nọ lên báo để tống tiền các doanh nghiệp lỡ sơ xuất trong việc làm ăn. Lại  trông thấy  Nam Tào từ trên mây ngó xuống, nách cắp cuốn sổ dày cồm cộp, tay cầm cái bút lông cùng hai thiên binh, thiên tướng đi tróc nã Từ Đào, một gã lãng tử với bộ óc đẫm mây, tràn gió lúc nào cũng như người mộng du.
Cứ nhẩn nha thong thả như thế, tác giả đưa ta đi xem cảnh những kẻ Sở Khanh, ăn chơi đàng điếm bạ đâu tán gái đấy, rải con khắp mọi nẻo đường quốc lộ trong Nam ngoài Bắc, làm cho bao sinh linh bé bỏng bị giết khi còn là thai nhi. Giờ xuống trần gian, những kẻ Sở Khanh ấy lại bị chính những đứa con mình giết hành hạ tra tấn lại…  Cứ thế, tác giả dẫn dụ ta lạc vào giấc mơ huyền bí của ông, gặp những người “trần sao, âm vậy” để chiêm nghiệm sâu hơn về thế thái nhân tình .
Sau giấc mơ dài ở Cõi Âm, Phong trở về với đời thường nhưng đầu óc cứ lâng lâng tiêng tiếc, như vừa bị đánh mất thứ gì đó to lớn quý giá lắm và lại lấy cớ để “vi vu chìm vào giấc ngủ”. Lần này Phong lạc vào giấc mơ về Cõi Trời - giấc mơ ngắn chỉ bằng một phần tư giấc mơ về Cõi Âm. Và Phong ngộ ra: dù là ở Cõi Trần hay Cõi Âm, Cõi  Trời cũng chẳng hiếm những kẻ có chức có quyền “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”(Truyện Kiều - Nguyễn Du). Cái Cõi Trời mà Phong chứng kiến, nghe có vẻ quy củ nhưng cũng lắm luật lệ nhiêu khê, úi sùi: Trên trời có 12 vị Hành khiển, tức 12 vị Thần thời gian, được Ngọc hoàng hàng năm sai mỗi vị xuống làm việc dưới trần một năm theo âm lịch cùng thần hộ vệ của mình là các Biểu Tào phán quan. Khi hạ giới cúng giao thừa “Tống cựu nghênh tân”, mâm vật phẩm ấy với ý nghĩa để tiễn hai vị Thời thần cũ về trời, đón hai vị Thời thần làm việc năm tiếp theo – năm mới. Tào phán đi theo quan Hành khiển để thu vật lễ, hai thứ chính là rượu và tiền vàng. Họ bảo đem những thứ ấy về nhập vào kho nhà trời(!?)  
Xuống Cõi Âm, Phong gặp ối người quen! Lên Cõi Trời, Phong lại cũng gặp không ít người quen: Tung - nghệ sĩ nửa mùa “lên du lịch vũ trụ xem có gì lạ để về viết lách cho vui. Chuyện trần gian viết mãi nhàm quá rồi, chẳng muốn viết nữa”. Rồi lại gặp ông giám đốc Công ty sửa chữa ô tô Cát Tận, ngày còn làm “cán bộ thủ kho” trên trần thế từng móc ngoặc ăn cắp sợi của xí nghiệp bán cho con phe lấy tiền chia nhau. Rồi bị công an kinh tế tóm được, phải vào nhà đá “bóc lịch”. Ra tù lại vẫn chứng nào tất ấy, không chừa! Giờ lại gặp gã lên kiện trời... 



“Chuyện cõi trời, chuyện cõi âm”, ngoài hai nhân vật chính là Phong và Huệ, các nhân vật khác chỉ được điểm mặt một lần, điểm chuyện về đời họ một lần, khoảng một vài trang hoặc chỉ một vài dòng, rồi không bao giờ tác giả cho họ cơ hội quay lại… nhưng với giọng kể kề cà, rủ rỉ, với  cách xây dựng hình tượng qua bút pháp chấm phá, chi tiết tiêu biểu chọn lọc, ta vẫn hình dung ra chân dung từng cái tôi cá thể trong xã hội loài người ở Cõi Trời, Cõi Âm không khác chi xã hội loài người đa dạng và phức tạp ở dương thế. Chuyện mặc dù viết dưới hình thức huyền ảo nhưng bút pháp rất hiện thực, sâu sắc. Đó là kết tinh kinh nghiệm sống trên trường đời với bao biến cố thăng trầm tác giả từng trải qua từ tuổi hoa niên đến thời khói lửa, từ thời bao cấp đến thời hội nhập, mở cửa… Từ hai giấc mơ của nhân vật Phong làm tôi ngộ ra bao điều bổ ích. Và trên cả, tôi nhận được từ cuốn sách một tinh thần nhân văn, nhân hậu, khát vọng vươn tới những giá trị Chân - Thiện – Mỹ được tác giả khéo léo giấu đi dưới giọng kể khách quan cho người đọc tự cảm nhận.
Gấp cuốn sách lại,  tôi càng thêm yêu quý, cảm phục hai nhân vật Huệ và Phong. Huệ hy sinh khi còn trẻ thì bất tử trong lòng mọi người là đương nhiên rồi, nhưng Phong từ bom đạn trở về vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ” giữa vòng đời bon chen danh lợi thì thật là điều đáng quý! Không mắc phải “Hội chứng chiến tranh”, không bị những hồi ức đẫm máu làm bấn loạn tinh thần, Phong đàng hoàng tự trọng sống thực với chính mình. Phong coi khinh gã giám đốc cơ hội tên Thó (Thó thành Thọ). Rồi chi tiết, người cựu chiến binh tên là Tâm bị gã thương binh Tịnh đánh giữa phố đông người - chính y sĩ Tâm, người từng băng bó và tha tội tự thương cho hắn ở chiến trường, làm Phong ân hận việc làm vô lối của mình về lòng thương không đúng chỗ hồi ở chiến trường, đã góp phần lừa dối nhân dân, gây hậu quả đớn đau cho Tâm hôm nay. Ra biển, cùng vợ vào nhà nghỉ, nhân viên nhà nghỉ bảo cho mượn chứng minh thư nhân dân, Phong lại tự mình nhắc nhân viên nhà nghỉ: “Cả giấy kết hôn nữa chứ!”. Ôi, cái anh chàng cựu binh dũng cảm trong chiến tranh, lại khù khờ, ngu ngơ, lạc lõng giữa thời buổi cơ chế thị trường thông thoáng, ối người chẳng phải vợ chồng cũng dẫn nhau vào nhà nghỉ, khách sạn tranh thủ “Bù đắp thiệt thòi” vì ngày xưa toan tính bằng hôn nhân để leo lên “lầu cao” danh vọng! Trong bữa tiệc nhà Trời, Vương Mẫu sau khi giơ cao chén rượu chúc tụng mọi người, nhấp một hụm rồi lạnh lùng đưa chén cho Phong. Vì không hiểu tập tục nhà Trời, Phong cứ cầm chén rược rồi đứng như trời trồng giữa hội trường đông đủ quan lớn quan nhỏ ăn mặc lòe loẹt tung hô nhau, nịnh bợ nhau. Khi Huệ bảo: “ Mẹ cho, sao anh không tạ ơn mẹ rồi uống đi”. Phong nghĩ: “Tôi nghèo thì nghèo thật, phó thường dân thì phó thường dân thật, nhưng chén rượu thừa, miếng cơm thừa dù của trời chăng nữa, chết đói ngay tôi cũng không thèm” Rôì đặt trả ly rượu xuống bàn ngay trước mặt Vương Mẫu, hung hăng định rời khỏi bàn tiệc. Vương Mẫu nắm tay Phong kéo lại bảo ngồi vào ghế phía bên trái, rồi bà nói với Huệ: “Thằng này làm mẹ thích! Làm người phải biết kiêu hãnh mới đáng làm người. Làm người mà nhỏ nhen tư túi, tham ăn tục uống,  ăn của thừa của đút lót thì làm chó mèo cho đúng bản chất…”



Tôi kính trọng Phong - nhân vật phảng phất hình bóng của tác giả như những mảng tự truyện. Song tôi vẫn ước: giá tác giả đầu tư thời gian hơn nữa để xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong thời bình không chỉ sống mẫu mực, đạo đức trong gia đình, ngoài xã hội mà còn có ảnh hưởng tốt lan tỏa đến cộng đồng trong Cõi Thực chứ không phải Cõi Mơ.



Tôi thích văn phong  lúc mộc mạc giản dị, lúc lãng mạn tình tứ, lúc châm biếm sâu cay của Hoàng Xuân Họa nhưng tôi vẫn ước khi diễn tả tình yêu thăng hoa lên đỉnh điểm tình dục, tác giả dùng giọng văn mượt mà, kín đáo, tế nhị hơn (Dẫu là trong hoàn cảnh chiến tranh, bom rơi đạn nổ, khoảng lặng giữa hai trận đánh, con người cận kề với cái chết).
Dẫu sao, “Chuyện Cõi Trời, chuyện Cõi Âm” vẫn là một tiểu thuyết chân thật giúp tôi ngộ ra bao điều mà dòng văn học chính thống một thời né tránh. Tôi xin mượn lời của nữ liệt sĩ -  Tiên cô Huệ nói với Vương Mẫu để kết thúc bài viết này: “Mẹ ơi, tuy cuộc sống trần gian có sông thương biển khổ thật đấy nhưng con vẫn muốn sống dưới đó… Loài người tuy đói nghèo khổ ải nhưng đại bộ phận họ biết yêu thương nhau, họ sống với nhau bằng lòng nhân ái, lòng vị tha. Hạnh phúc mà họ có được là lòng can đảm, đức hy sinh. Ngay trong nghèo túng họ vẫn sinh ra những thiên thần bé nhỏ của họ. Cõi tiên chúng ta không bao giờ có được”.
                
----------
(*): Bài viết có tham khảo Tiểu luận- phê bình văn học “ Tiểu thuyết đương đại” của Bùi Việt Thắng- NXB Quân đội nhân dân- 2006.



Lai Châu, ngày 4.9.2013 

Bùi Thị Sơn

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ