Phần II
Cõi
thiên đường (19)
Tiếp theo
Quê hương “Chị hai năm tấn quê ở Thài Bình” gửi lên nông trường một đoàn nam nữ cháu chắt các lão nông ngày xưa theo cụ Nguyễn Công Trứ mở đất ra biển, nay lên mở đất trên rừng. Trong đó có Nhàn. Ngay buổi họp mặt mới cũ vừa thấy Nhàn lòng Minh đã xốn xang. Trong mắt Minh, Nhàn là cô gái đẹp. Đôi mày cong cong thanh tú, đôi mắt huyền nhung lóng lánh trên khuôn mặt trái soan đầy đặn, hây hây đôi má hồng. Bình thường khuôn miệng Nhàn nhỏ xinh, khi nàng cười miệng rộng mở tôn nụ cười thêm quý phái, hai núm đồng tiền khi ấy in tròn xoe hai bên má. Phàm trần một cô gái có nét duyên, nét đẹp đã đắm thuyền tình khối chàng trai rồi. Nhàn có gấp đôi cái đẹp cái duyên như thế thì đến cha ông trời nhìn thấy cũng nuốt nước miếng mà thèm nữa là những chàng trai bằng xương bằng thịt do cha mẹ đẻ ra, tạo hóa phú cho thói đa tình.
Minh quay sang ba người bạn Tiến, Dũng, Hoài tuyên bố xanh rờn:
- Bằng mọi giá tớ phải cưa
em này!
Ba người bạn chụm đầu thì thầm với nhau rồi một người nhăn nhăn cười,
bảo Minh:
- Mày coi ba chúng tao là ba cây gỗ mục trong rừng hẳn? Em cũng lọt mắt tụi tao rồi hen (chữ hen
họ nhại tiếng các anh Nam Bộ sống và làm việc cùng).
- Thế thì lần lượt đọ găng.
- Xong béng, Chủ nhật này được nghỉ ra bãi cát ngoài suối ta đọ với
nhau xem.
Dọa nhau cho ra vẻ thôi, thực tình tất cả họ cũng chẳng iêng hùng
như những công tử thế kỷ 18, 19 bên Châu Âu gì. Chạm tự ái là đòi quyết đấu!?
Nhàn được biên chế về cùng tỏ sản xuất với Minh do Hồ Nâu làm tổ
trưởng. Hôm sau anh phân việc Minh đi làm cùng Nhàn.
Nhàn có giọng hát chèo khá hay. Tổ văn nghệ của đội diễn trong đêm
liên hoan những ngày lễ kỷ niệm. Nhàn lên sân khấu hát trích đoạn chèo Thị Mầu
lên chùa. Tay phải em cầm chiếc quạt giấy rung rung múa theo nhịp, chân nhon
nhón chạy lên, lùi xuống, tay trái mềm mại vẫy vẫy đôi quạt như làn sóng nhấp
nhô, như chim vẫy cánh cất mình bay. Vài lượt múa như thế song em mới cất tiếng
hát: "Người đâu đến ở chùa này, cổ kiêu ba ngấn"... Mọi khán
giả đều im phăng phắc, vì bị tiếng hát của Nhàn thu hết mọi lời. Là người Hà Nội
Minh từng xem nhiều loại hình sân khấu mà vẫn bị giọng hát chèo của Nhàn hút hồn.
Ngày ba lần, nghe kẻng cơm là cả hai cầm bát có ý chờ nhau để ngồi
chung mâm. Đi làm thì luôn được anh Hồ Nâu phân công làm việc cùng. Họ chỉ dừng
ở tình bạn, chưa dám vượt biên cương. Hình như tình yêu là thế, bao giờ cũng lấy
tình bạn làm bước đệm. Tình bạn giữa hai người không qua được cặp mắt trắng dã
của đội trưởng Nguyễn Em.
Nguyễn Em cũng là thành viên của cái tập đoàn sản xuất Bãi Lai. Tập
đoàn giải thể, Em được phân về một đội của nông trường. May đời Em gặp được đội
trưởng Chương một cán bộ kháng chiến tập kết là đồng hương. Chương đứng ra bảo
lãnh cho Em. Lý lịch đời Em có ngay trang đẹp mỹ mãn: Từ năm... đến năm đi tập
kết kháng chiến cài Em vô chính quyền nguỵ hoạt động nội gián... Chương tìm
hai người đồng hương nữa đồng chứng thực cho Em là người kháng chiến. Đời
Em thăng hoa từ đó. Em được đi học bổ túc văn hoá, rồi học tiếp trường sơ cấp
lâm nghiệp. Ra trường, Em về đội Hiền Lương làm cán bộ kỹ thuật trồng trọt; được
kết nạp Đảng. Đội trưởng Chương về Nam chiến đấu, đội phó Trung lên đội trưởng,
Em lên chức đội phó. Chiến trường miền Nam quân ta đánh mạnh, vùng giải phóng mở
rộng, càng cần nhiều cán bộ người quê trong đó về tăng cường lực lượng. Đội trưởng
Trung về Nam. Nguyễn Em tót lên ghế đội trưởng. Cái đầu ngu của Minh không biết
điều. Phàm cái gì cán bộ lãnh đạo đã để mắt tới thì chớ dính vào, ngoan cố sẽ
ăn đòn thù.
Lên chức đội trưởng được ít ngày. Nguyễn Em đưa ngay Nhàn lên văn
phòng đội làm kế toán phụ. Còn Minh, Em nện cho một đòn “bút”, cả dòng họ và
tên cùng thằng người bay bật vào trại chăn nuôi trong rưng sâu. "Ở đó mà
yêu lấy đàn lợn, đàn bò cho chừa bản chất tiểu tư sản lãng mạn yêu đương nhăng
nhít, thiếu lành mạnh dễ dẫn đến hủ hoá ảnh hưởng danh dự tập thể như chơi”!
Nhiều lần học chính trị, Em vừa thuyết giảng vừa răn đe để ngăn chặn từ xa mà
cái đầu đặc bí ngô của Minh không sáng ra cho thế mới đáng đời...
HXH
(Còn nữa)