Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Đời vơi đong đủ cho đầy

Doi-voi-dong-du-cho-day
“Đời vơi đong đủ cho đầy" là câu lục trong bài thơ lục bát Trả nợ I của Hoàng Xuân Họa in trong (Vườn năm nhà - thơ, NXB Hội nhà văn, 2015). 


Bài thơ có 4 khổ, 3 khổ đầu nhà thơ trả 16 “món” nợ, “món” nào cũng sâu sắc đủ đầy, người đọc có cảm giác trái đất này nhận hết những món nhà thơ “trả” hoàn thiện hoàn mỹ lắm; trả xong những nợ nần, nợ đời của mình. 


Cả bài thơ chỉ có 1 câu duy nhất "Tháng năm xuôi ngược đã từng" để nói về thân thế, có lẽ là thân thế của người mang kiếp văn chương, còn lại là những cặp trả- nhận liên tiếp nối với Tôi xin… Những câu thơ lục bát cứ lướt đi, lướt đi để gió trả cho mây, sông trả cho suối, cây trả cho rừng… Thực, ảo đan xen dẫn dụ, tư tưởng dâng hiến của nhà thơ dần hiện rõ.

Nhưng đến khổ kết, cảm giác êm đềm không còn nữa, nối với trả cành cho lá, cánh chim trả trời là tôi khờ tôi dại tôi người trắng tay. Đã vậy câu bát này lại được chẻ làm tư: tôi khờ/ tôi dại/ tôi người/ trắng tay. Cảm giác ngỡ ngàng pha chút nghi ngờ phân vân làm sao tránh khỏi. Đến trăng mà còn được trả bậc thềm sao lại tôi khờ/ tôi dạị/ tôi người trắng tay (tôi cứ muốn không tách dòng thơ ra thành ba dòng nên mạo muội không đánh dấu tách để bàn ở ý sau).



Đọc lại Trót một thời yêu (NXB Hội nhà văn- 2006), Trót một thời yêu 2 (NXB Hội nhà văn - 2010) và đọc lại cả chục bài trong Bích Câu thơ (NXB Hội nhà văn- 2009) tôi đã nhận ra một cái gì đó xin góp cùng tìm ra cách hóa giải cái kết hóc búa của bài thơ. 


TRẢ NỢ I


Tôi xin trả gió cho mây

trả sông cho suối, trả cây cho rừng
tháng năm xuôi ngược đã từng
trả muối cho mặn, trả gừng cho cay

đời vơi đong đủ cho đầy

trả tối cho sáng, trả ngày cho đêm
trả thương cho nhớ dài thêm
trả thuyền cho bến, bậc thềm trả trăng

trót vay chút tím bằng lăng

tôi trồng trả phố xanh bằng hàng lim
trả mất cho kẻ đi tìm
trả cành cho lá, cánh chim trả trời

không vay tôi vẫn trả đời

tôi khờ
tôi dại
tôi người trắng tay.

Xin được nói ý cuối với bốn chữ "tôi người trắng tay". Xin đừng hiểu nhầm “người trắng tay” với “kẻ tay trắng”. Nhà thơ giàu có lắm. Cái tâm thánh thiện được chuyển hóa thành một bài lục bát nhuyễn như Trả nợ-I sẽ vĩnh viễn đọng lại với thời gian. Thi sỹ đa tình có gì đó đa tình, nhưng theo tôi anh còn đa đoan. Phải tin vào một cái gì đó lớn lắm anh mới nguyện "đời vơi đong đủ cho đầy". Hay là anh noi theo người xưa "con tằm đến thác còn vương tơ lòng"?                                                                                    

Nguyễn Ngọc Minh
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ