Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Người tu trong ngôi đền Haikư - Đinh Nhật Hạnh

Triều dâng…
                   Biển biếc ….
                                  Mông lung…
Buồm giăng theo sóng cháy bùng đêm nay
Trăng soi đơn chiếc canh dài
Người xa trăng sáng cũng hoài, trăng ơi!
Chim trời chấp chới bay đôi
Mà ai xa lắm… ai ngồi nhớ nhung
Sương sa…
                              Biển vắng…
                              Lạnh lùng
                              Tàu đi còi rúc não lùng khơi xa
                              Nơi đây không một canh gà
                              Biển đêm ôm ấp trăng ngà mộng mơ (…)
                             (Biển lạnh Hạ Long, 1980)

Tôi có cảm giác nhà thơ Đinh Nhật Hạnh ôm nỗi buồn bếp nước không người chăm sóc, ra biển ngồi cho nguôi ngoai. Nhưng anh cũng chẳng nguôi ngoai được bao nhiêu trước cánh buồm cũng cô đơn như người, biển cũng vắng hoe vắng hoắt khi đêm xuống: “Nơi đây không một canh gà/ Biển đêm ôm ấp trăng ngà mộng mơ”... Mới biết, để nguôi đi một nỗi buồn là không dễ nên nhiều khi, nhiều người đành phải chung sống với “lũ” những năm tháng còn lại của đời mình. May mà trời phú cho anh khiếu năng thơ ca. Có lẽ năng khiếu thơ ca giảm buồn hữu hiệu nhất, và anh trờ thành đam mê môn nghệ thuật giàu vẻ đẹp, giàu cảm xúc, giàu sức gợi… “Thơ như tiền định” (tiêu đề một bài thơ của anh). Anh làm thơ từ thời ra nhập hướng đạo sinh khu vực Bắc kỳ do nhà cách mạng Hoàng Đạo Thúy làm thủ lĩnh. Nhập vào tập thể ấy, Đinh Nhật Hạnh viết bốn câu thơ đầu đời trong ngày đầu xa mẹ:

”Đã lỡ ra đi chẳng lẽ về

Không về nhớ tiếc cảnh đồng quê

Sông Lam bát ngát đầy thơ mộng

Trống rỗng lòng sao nhớ nhớ ghê.
                             (1942)

Rồi cuộc sống bão táp cuốn đi, duyên thơ không cho anh phát tiết thời trai trẻ, chỉ lúc có cảm xúc thì anh làm thơ vào sổ tay để… cất đi làm kỷ niệm. Nhưng từ năm 1975, anh có dịp tham quan nhiều vùng đất nước sau chiến tranh và trong mấy năm làm chuyên gia ở nước ngoài, tầm nhìn được mở rộng, men thơ ủ sẵn trong anh được “chưng cất” trở lại; nàng thơ bấy lâu ngủ im bừng thức. Nghỉ hưu, có nghề y trong tay anh không mở phòng khám, hoặc đi làm thêm để có thu nhập mà anh lục lại những cuốn sổ tay trong đó có những ghi chép, mà ngày xưa anh gọi là “phôi thơ” (bán thành phẩm của thơ) đem đọc lại. Thật bất ngờ, những ghi chép đó tạo cảm hứng cho anh sáng tạo liền mạch để vừa cho vui, vừa chia sẻ cùng bè bạn, những người yêu thơ anh quen biết. Mạch thơ  trong anh bắt nguồi từ câu hát ví dặm bên đôi bờ sông Lam quê hương được khởi động chức năng, lời ru xưa của mẹ ùa về thắp lửa bùng lên: “Ru con Gia huấn, Phan – Trần/ Thúy Kiều mệnh bạc, Thúy Vân dịu dàng...” (Tâm khúc dâng mẹ, khúc 2).

Đinh Nhật Hạnh có những bài thơ thế sự mà nhiều người đọc tâm đắc: “Chuyện nhặt bên hồ, Rác, Tả thanh thiên…”. Thơ Đinh Nhật Hạnh nhiều bài mang hồn vía những câu ví dặm:

“Sông Lam xanh dải lụa thề

Dòng vương hương ngát thuyền chè đêm đêm.


Bát nước chè gay

Buổi chia tay ai rót

Sóng sánh mật ong

Vàng tươi màu nắng

Chát xít đầu môi

Ngọt đằm cuống lưỡi

Hường chè xanh bốc khói thơm lừng”

                     (Hương chè xanh xóm cũ)

Chính những câu ví dặm như này đã ảnh hưởng vào thơ anh:

“Anh thương em nỏ nói khi đầu

Bây giờ đã lỡ ăn trầu người ta

Ăn trầu người ta   

Như chim mắc nhạ

Như cá mắc mồi

Dặn bạn về kiếm lửa tìm đôi kẻo buồn”.

Cũng như nhiều người làm thơ sinh ra trên các vùng dân ca khác. Những khúc dân ca ngọt ngào ảnh hướng lớn tới thơ họ làm nên những phong cách thơ riêng cho mỗi người.

Sau khi in liền bốn tập thơ vào các năm 2004, 2005, 2006: “Vườn hương, Hương lan, Quầng trăng, Bụi thời gian” tưởng anh gác bút nghỉ ngơi cho khỏe tuổi già. Đùng một cái, bạn bè thấy anh xuất hiện trên các diễn đàn thơ câu lạc bộ với những bài thơ ba dòng - thơ Haikư, thể thơ đặc trưng của người Nhật. Và anh mê đắm đến cả trong giấc ngủ, khi ăn lúc nào anh cũng ngẫm nghĩ để tìm hiểu đến tận chân tơ kẻ tóc thể thơ này. Tài liệu trong nước đọc chưa thỏa mãn được nhu cầu khám phá của mình, anh nhờ bạn bè, con cháu ở nước ngoài, cứ thứ gì chạm đến dòng thơ Haikư là anh nhắn họ gửi về. Rồi nào dịch, nào so sánh để chắt lọc xem có gì ấn chứa bên trong mà thơ Haikư đang mê hoặc cả thế giới đương đại Phương Tây như Pháp, Mỹ mà thơ Đường luật Trung Quốc, thơ Lục bát Việt Nam hai thể thơ hay đến thế chưa “xâm lăng” văn hóa nổi vào Phương Tây được? Có phải do tài tiếp thị của người Nhật hay do thể Haikư có bùa bả gì bên trong? Sau một thời gian tìm hiểu cặn kẽ anh nghiệm ra rằng: thơ Haikư “bỏ bùa” nhiều người làm thơ trên thế giới hiện nay là do sự ngắn (kiệm lời), sự gợi, sử liên tưởng đậm chất dân dã của nó. Anh đem tài liệu thu hoạch được phổ biến cho bạn bè và CLB thơ Hải Thượng, một CLB mà những người làm thơ một thời cùng làm trong ngành Y. Thật bất ngờ, mọi người chỉ đọc qua tài liệu anh đưa, một tháng sau họ đã có những bài Haikư mong muốn; tuy chưa thật hay, chưa thật Haikư nhưng cũng là một bước khới đầu đáng kể, đáng kích lệ. Bởi, trong cuộc sống bão hòa thông tin như hiện nay. Nào thơ, nào truyện ngắn, tiểu thuyết, truyền hình, báo giấy, sóng phát thanh, internet… thứ gì cũng muốn xem, muốn đọc, muốn nghe để khám phá, để hiểu biết… để giải trí; thơ là môn nghệ thuật không dễ dàng cảm thụ, thời gian của một ngày không nhiều cho ta thưởng thức mọi thứ nên thơ ngắn sẽ là phổ cập nhất trong tương lai với những người yêu thơ. Theo con đường này, anh cảm thấy mình đi đúng hướng. Và anh ém mình ngồi “nhật tụng” trong ngôi chùa Haikư ba năm để nghiên cưu, dịch thuật và sáng tác, đến nay anh đã có trong tay hàng ngàn bài thơ dịch của các tác giả cổ điển như: Basho, Buson, Isa, Shiki (Nhật Bản) và những tác giả trên thế giới. Anh đã sáng tác hàng trăm bài Haikư, nhiều bài có chất lượng, mang lại bốn giải thưởng trong hai cuộc thi “Sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản, 1011 và 2012:

Trôi

chiếc giầy mồ côi

gọi mẹ

                   (giải nhì)


Khều đống đổ nát tìm con-

Được

một chiếc giầy nguyên vẹn

                        (giải ba)


Phố Hội mờ sương-

ánh trăng quyện

bóng đèn cổ tích

                        (giải ba)


       Đinh Nhật hạnh đăng thơ trên các báo: Người đại biểu nhân dân, tạp chí Văn Việt, tuần báo Người Hà Nội, Nguyệt san người Hà Nội, tạp Chí Hương sắc Việt Nam và các tờ báo lớn khác. Đài truyền hình VTC10 đã đã dành một chương trình nói về sự đam mê thơ Haikư của anh, rồi chương trình thơ người chơi lan trên VTV4, báo điện tử Việt Nam - nét... Anh tâm sự: “Mình làm thơ Haikư theo một dòng riêng từ năm 2007, tiêu chí là Haikư mở, thổi hồn Lục Bát vào Haikư để nhập tịch Việt với các mảng đề tài: tình yêu, đất nước, số phận con người; nếu được thì mình sẽ siêu thực, siêu hình, tân hình thức... mang bản sắc Việt. Sức khỏe cho phép, kiến thức thơ tiến đến sâu rộng thì mình sẽ làm đúng theo mơ ước hiện tại. Mình mê Haikư vì đó là chiếc kính vạn hoa, là đôi cánh có thể đưa chúng ta đến chân trời khám phá tâm hồn con người nhiều bí ẩn từ thể thơ lạ này”.

Nguyện

làm chú tiểu

quét chùa Haikư

Và:

Mơ-

lung linh Haikư

trên xanh trời Lục Bát

Ở vảo tuổi 84 rồi mà anh vẫn mơ ước như một chàng trai. Chính thơ đã chắp cánh làm ước mơ của anh trẻ lại. Thơ thật thú vị.
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ