Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Đọc “Gửi mùa thu cũ" của Hoàng Giáp Tôn

Trong đời người biết bao lần mùa thu đi qua, mùa thu trở lại, biết bao lần ta lãng đãng mơ hồ trước mùa thu thấm đậm tình thu như thi sĩ Xuân Diệu đã viết: “Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về, mùa thu mới về, yểu điệu thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây...”.

Chính cái sự “lá không vàng, lá không rụng, khói nhẹ mơ hồ đâu đây” đã làm nên một mùa thu Việt đầy bản sắc, hương sắc. Bởi mùa thu Việt không giống mùa thu Tàu, khác hẳn mùa thu Phương Tây cho nên mỗi người Việt dù đi đâu, ở đâu thì cũng trong sâu thẳm hồn mình ngồn ngộn mùa thu Việt, không lẫn:

“... Trăng thu vời vợi trên cao
Xõa dài tóc liễu lao xao gió hồ

Chập chờn sóng vỗ nhấp nhô
Xạc xào trong gió lá khô xa cành
Vài làn mây mỏng mong manh
Vội vàng những cánh chim nhanh... vút trời!
Chợt nghe một giọng à ơi,
nhẹ như tiếng gió ngỏ lời đâu đây?
Trời thu rắc lá thu bay
Bước chân xa xứ người xâlối về...”!
 (Lạy trời cho lá thu bay)

Hoàng Giáp Tôn đặt tên cho tập thơ của mình: Gửi lại mùa thu cũ. Mùa thu cũ trong anh với nhiều long đong lận đận, nhiều đa đoan thân phận, nhưng anh vẫn muốn năm nào cũng được gặp lại mùa cũ của đời mình:
 
-“... Nửa đời lận đận, long đong
Sắp tròn một kiếp khép vòng nhân gian
Đã đành rằng phận đa đoan
Gặp mùa thu cũ lại man mác lòng...!”
(Gặp mùa thu cũ)

Từ sự tìm về gặp những mùa thu của lòng mình anh đã lăn qua nhiều trăn trở trong những ngày xa quê như vần thơ nhớ về Hồ Tây khi anh ngồi lướt web ở nơi rất xa Hồ Tây:

“... Đường thu về thư thả thật yên bình
Lá thu rụng dệt thảm vàng nẻo bước...” 

Còn gặp nhiều trong đó những câu thơ khác anh viết về mua thu, mùa cuối thu:

“...Heo may hun hút mặt hè
Bàng trơ trụi lá còn khoe nhánh gầy. 
Bầu trời u ám sắc mây 
Xập xòe bầy sẻ rộn bay sau nhà. 
Cành đào nẩy mấy búp hoa 
Chỉ vài tuần nữa đã là vào Đông!...’
(Heo may Hà Nội)

Mùa thu trong tâm tưởng Hoàng Giáp Tôn là mùa nhớ, mùa thương, mùa của những năm xa cách, mùa của những kỉ niệm thời ấu thơ với những mối tình thuở học trò có cây đa cũ, cây si bên Hồ Gươm và cây sấu ngon nhất Hà Thành. Đó là cây sâu ở đầu phố Hàng Trống thời anh.
 
Không riêng gì mùa thu, mà anh viết về đề tài khác cũng nhiều khơi gợi về cảnh cũ người xưa:

“... Ánh bình minh vừa le lói chân mây
Con phố vắng cựa mình vươn sức sống
Ông hàng phở cả hơi và tốt giọng
Tiếng rao hàng chát chúa xé toang đêm
Hương ngạt ngào theo khói phở bốc lên
Những lát bánh thái đều như sợi miến.
Bà bánh khúc ghé nhờ soi ánh điện
Trao hàng xong cẩn thận đếm lại tiền
Cô bún riêu đôi mắt lá răm duyên
Bên bếp lửa khách chủ cùng tất tưởi
Cái vị ngậy tê tê nơi đầu lưỡi...”
(Chợ ven nội)

Thơ Hoàng Giáp Tôn là những gợi hình, gợi cảnh, gợi nhớ, gợi thương, gợi lại những kí ức, thuộc về kí ức có vui có buồn, có nhớ thương, có luyến tiếc, có cả hờn giận và trào lộng. Như một bức tranh chấm phá đủ gam màu, chứa nhiều cung bậc tình cảm. Nhưng trong đó Hà Nội luôn chiếm vị trí đặc biệt trong các bài thơ của anh. Hà thành dưới ngòi bút của Hoàng Giáp Tôn có thấp thoáng dáng dấp những người trinh nữ kiêu sa, huyền bí thâm trầm, nhưng có khi chỉ là cái phông, cái nền cái khung cảnh để gửi gắm tâm sự:

“... Mảnh trăng xưa giải mây mù vẫn đây
Hồ xưa sóng vẫn gọn đầy
Thấy heo may lạnh lại say với lòng...”
(Gặp mùa thu cũ)

“... Nhớ sớm heo may buốt lạnh đầy
Phố phường thưa vắng lá run bay
Ngang trời vụt cánh chim qua vội
Mặt sóng tan nhòa, những bóng mây...”
(Hà Nội trong tôi những nỗi buồn)

“... Vài chiếc lá sấu bay
Rơi bên hè lặng lẽ
Gió thở dài nhè nhẹ
Sóng Hồ Gươm chau mày...”
(Cây sấu ngon nhất Hà Nội)

Thú vị là nhiều bài thơ của tác giả sáng tác trong những năm 1958 - 1972, đó là giai đoạn mà tuổi trẻ Hà Nội và cả nước phải tạm gác bỏ nhiều thứ sang một bên để phấn đấu. Thời đó không thể có tình yêu mùi mẫn, ướt át. Tất cả những gì được coi là lãng mạn là ủy mị đều phải gác lại để đuổi bắt lý tưởng... Và tình yêu lãng mạn, ướt át thời đó bị coi thứ “xa xỉ phẩm” không được phép có. Thế mà thơ của tác giả thời kỳ này vẫn lai láng tình yêu đôi lứa. Thật lạ! Ngọn lửa tình yêu cháy bỏng trải qua tuổi trẻ học trò, đằm thắm hơn, nghĩa tình hơn theo năm tháng trưởng thành, rồi chín dần vì được bổ xung thêm chất tư duy, dằn vặt, trăn trở.

Thơ của Hoàng Giáp Tôn như nhật ký ghi chép tâm hồn, ghi chép cõi lòng của tác giả. Đọc thơ anh thêm hiểu về anh, hiểu những cảm xúc chân thành trong những lời thơ tự nhiên, đời thường của một con người đã chứng kiến nhiều biến chuyển của xã hội; một nhà giáo, một nhà khoa học làm thơ. Anh lăn lộn từng trải với thời cuộc nhưng không bị “say sóng” bị mất lý trí khi cảm xúc. Tuyển tập trên 100 bài thơ này phù hợp rộng rãi với cả bạn đọc trẻ tuổi và cả các bạn đọc nhiều tuổi. Chắc chắn bạn đọc sẽ hứng thú với người giới thiệu  khi thưởng thức Gửi lại mùa thu cũ, một mùa thu Việt toàn bích.


LỤC BÁT RU EM...

Ngủ đi, đôi mắt anh yêu,
Ru em anh gọi gió chiều du dương.
Cho anh vuốt mái tóc hương
Cho anh ngồi ở bên giường ru em,
Ngủ đi anh sẽ mang đem
Cho em muôn giấc mơ kèm tình anh,
Ngủ đi hỡi suối tóc xanh
Ngủ đi, say giấc mộng lành tình yêu!



Ngủ đi đôi mắt diễm kiều
Ngủ đi hỡi cặp môi yêu thắm đào 
Cho anh hái những vì sao
Trong mơ, anh sẽ cài vào tóc em
Níu trăng anh giữ sau rèm
Dệt chùm mây trắng, anh đem chăng màn.
Ngủ đi em, cả không gian
Ru em, rộn tiếng cung đàn tình anh!
Ngủ đi em... ngủ ngon lành
Ngủ đi... cho giấc mộng thành tình yêu!
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ