TS. GS Nguyễn Tiến Lộc
- Tôi biết Hoàng Xuân Họa khoảng mươi năm nay, khi đó anh vừa in xong tập thơ ở NXB Hội Nhà văn “Trót một thời yêu” nói về những những buồn vui, đau đớn, giằng xé của tình yêu sóng gió đầy uẩn khúc ám ảnh suốt cuộc đời anh. Tôi dò hỏi xem anh đã từng yêu những người đẹp nổi danh nào, bao nhiêu cô mà đến nỗi bất hạnh như thế, anh chỉ mỉm cười, nụ cười rất tình tứ, trả lời nhẹ nhàng: “Chỉ một cô thôi”. Chao ôi, chỉ một cô thôi mà sao để lại vết thương sâu đến thế, có phải anh yêu quá dại dột, trót yêu mù quáng đến mức bán cả gia tài, sự nghiệp vì tình yêu chăng. Trong một thời gian dài, có lẽ ba bốn năm sau, anh lại cho ra đời tiếp tập thơ thứ hai, đầu đề vẫn như tập trước, tình cảm, giọng điệu, văn phong và cả NXB vẫn như cũ, nhưng ý tứ sâu sắc hơn có nhiều bài hay đã đăng trên các báo in và báo mạng. Điều này cho tôi thấy anh có một tình yêu lớn lao và tan vỡ cũng kinh khủng. Tôi nể anh là con người sâu sắc, kín đáo trong văn chương, cuộc sống và chung thủy trong tình yêu.
Chúng tôi là những con tép, con tôm nhưng
cũng “trót” yêu văn chương như anh trong tình yêu, nên hay gặp nhau để tâm sự
“vụn“ cho vui thôi, không dám mon men đến những chỗ mâm cao cỗ đầy, mà chỉ:
“Kình nghê vui thú kình nghê,
Tép, tôm ta lại vui bề tép tôm” (Nhị độ mai).
Nhưng vài năm
bẵng đi chúng tôi không gặp nhau, tuy cùng sống ở Hà Nội, lý do rất đơn giản:
Hà Nội đất rộng đấy, là thủ đô lớn thứ 9 trên thế giới và đã cơi nới đến tận Mê
Linh, Sóc Sơn, nơi có cả đồng bào thiểu số sinh sống, nhưng riêng chúng
tôi không có nơi ở, phải long đong, lận đận để tìm cho mình và gia đình một chỗ
trú chân. Gần đây sau khi yên cư, chúng tôi mới gặp lại nhau, chuyện trò “tôm
tép” nhiều hơn, nhất là khi anh Họa trở thành một biên tập viên “cứng” của
trang mạng “Văn Đàn Nguyễn Nguyên Bảy” được độc giả trong Nam, ngoài Bắc yêu
thích truy cập miên man hàng ngày. Trong bối cảnh này, tôi được anh Họa tặng cuốn
“Cười xuyên thế kỷ“ cũng do NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2014. Cuốn sách đang được
nhiều người đọc và đang đăng dần trên “Văn Đàn Nguyễn Nguyên Bảy”. Tôi đã đọc tập
truyện này nhiều lần,nhiều ngày, nhiều tuần và có trao đổi với một vài bạn viết
và cũng thu nhận được ở họ một số ý kiến, đồng thuận và không đồng thuận. Giới
cầm bút thường là như thế. Riêng việc chọn những truyện hay thì giống nhau.
Tập truyện có nhan đề là “Cười xuyên thế kỷ”,
nhưng trong tập không có truyện nào có tên như vậy. Nhưng đọc hết tập truyện
thì hiểu rằng cười, cười nữa, cười mãi là chủ đề chung cho hầu hết các truyện
in trong cuốn sách. Trong dân gian có ba mươi sáu kiểu cười: cười tủm, cười ruồi,
cười nửa miệng, cười đểu, cười khinh bạc, cười hô hố, cười chảy nước mắt... thì
trong tập truyện này cũng có nhiều kiểu như vậy. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Nguyên
Bảy, người chủ trì trang mạng nói ở trên, hiểu “Cười xuyên thế kỷ” là cười một
trăm năm, kể từ ngày sinh của tác giả là năm 1939.Tôi nghĩ nếu cười xuyên thế kỷ
theo kiểu bắn xuyên táo thì có thể phải đến vài trăm năm. Tuy nhiên, nói đi rồi
cũng phải nói lại, “quân tử nhất ngôn là quân tử dại“ cho nên tôi xin nói lại rằng,
truyện của Hoàng Xuân Họa tập trung vào “cười” những thói dởm đời, hãnh tiến, cầu
danh, cầu lợi, xun xoe, nịnh trên, nạt dưới, trưởng giả học làm sang, bủn xỉn...
như đã thể hiện trong các truyện của tác giả thì ý nghĩa, tác dụng của nó không
thể tính được bằng thế kỷ như nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy và tôi dự tính mà có
khi phải lên đến chủ nghĩa cộng sản may ra mới hết được những chuyện cười rơi
nước mắt như thế. Mà hết cười thì cuộc đời này buồn đi biết bao! Cái thâm thúy
của Hoàng Xuân Họa khi đặt tên cho đứa con tinh thần của mình phải chăng là ở
chỗ ấy. Và tôi thích cái tiêu đề “Cười xuyên thế kỷ”.
Cốt truyện
trong các truyện ngắn của Hoàng Xuân Họa thường rất đơn giản, có truyện có thể
chỉ coi như một bài báo, nhưng từ cái đơn giản ấy mà viết thành truyện lại
không đơn giản. Một doanh nhân hợm hĩnh, có dư một số tiền đã tưởng ghê gớm, dắp
tâm lừa nhà chùa, đặt làm một pho tượng lớn tặng nhà chùa dựng ở giữa sân chùa,
một vị trí đẹp nhất. Vừa làm lễ khánh thành xong, một cơn lốc ập đến, một tiếng
sét đánh tan pho tượng, bụng phật toác ra, tro cốt của bố nhà doanh nhân lén để
ở trong đó tung tóe, vụn nát theo mảnh bình vỡ, Bà mẹ doanh nhân ra khỏi chùa
chưa bao xa, phải quay lại, vừa khóc vừa thu dọn những vụn bình, tro xương của
chồng mà người con dùng việc công đức để táng mộ bố giữa sân chùa mong được
phát tài phát lộc nhiều hơn nữa, nhưng chưa được một khắc đã vụn nát… Trời đã
trừng phạt. Luật nhân quả đấy. Tác giả không để cho đứa con trai trở lại nhặt
nhạnh tro xương của bố là để nói rằng kẻ lừa đảo này rất khôn ngoan, hắn luôn
biết lừa và dấu mặt. Ngày xưa các cụ nói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”,
nhưng hiện nay, trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường này, những kẻ lừa
dối thánh thần, lừa nhà chùa, lừa dân làng, không phải đợi đến đời con đâu, mà
cơn “khát nước” sẽ đến ngay khi “Đời cha ăn mặn, đời cha khát nước”. Đấy, chưa
đến một khắc của nhà Phật, Bức tượng đã sụp đổ.
Truyện “Sét đánh pho tượng“ nói trên cảnh báo
cho những kẻ lừa dối, hám danh lợi nhiều điều bổ ích, ý nghĩa của truyện bật ra
từ chỗ đó. Đó cũng chính là thông điệp của tác giả gửi đến tất cả chúng ta, những
người đọc.
Truyện “Người mặc áo số không” lại “cười” một
kiểu khác. Nhân vật chính là một gã bị đuổi khỏi cơ quan vì mua bằng giả, lừa bịp
để thăng quan tiến chức. Từ đó, quanh năm ở nhà cũng như khi ra đường, gã độc mặc
bộ đồ kẻ sọc đen, nền trắng in con số không -0- trên lưng áo. Có người hỏi, hắn
hậm hực trả lời: “Đã là số 0 thì còn ý nghĩa gì nữa mà hỏi”. Nhưng chuyện chỉ
như thế thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi vậy, tác giả mới cho chúng ta biết, hắn
là đứa con út tham lam trong gia đình nghèo. Khi mẹ chết do tai nạn giao thông,
hắn đòi chia phần nhiều trong số tiền các chị biếu mẹ để sinh sống khi còn sống
mà cụ còn dành dụm được và cả trong số tiền bồi thường của người gây tai nạn
cho cụ thì hắn cũng đòi như vậy. Khi mẹ sống, là cán bộ nhà nước thuộc loại khá
nhưng hắn không hề góp phần nuôi mẹ mà đẩy trách nhiệm cho người anh cả. Mẹ rất
tủi thân. Ngược lại, trong cuộc sống riêng giàu có của mình, hắn nuôi một con
chó ngoại rất khôn để giúp hắn giữ của và chơi đùa với cô vợ trẻ xinh đẹp. Khi
con chó chết, hắn ra các vùng quê xin mua đất để chôn trong nghĩa trang, nhưng
nhất loạt bị từ chối, dân các làng khinh rẻ nhân cách của hắn, chăng đâu bán đất
cho hắn để hắn làm cái việc ngược với thuần phong mĩ tục. Đó là bài học về luân
thường đạo lý mà tác giả dành cho kẻ vô lương tâm, thất đức, đáng để cho thiên
hạ cười chê.
Ngoài những
nhân vật trung tâm ở hai truyện nêu trên, các nhân vật của Hoàng Xuân Họa phần
lớn là những kẻ có nhiều thói hư tật xấu ở thành thị và nông thôn trong thời kỳ
những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị đảo lộn, những yếu tố của nền
văn hóa mới chưa có chỗ đứng vững chắc trong đời sống của nhân dân do đất nước
có quá nhiều biến động từ thời bình sang thời chiến, từ chia cắt hai miền đến
giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ
chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với rất nhiều chủ
trương, phong trào xây dựng cuộc sống mới, nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc
mà chưa có tổng kết. Những truyện của Hoàng Xuân Họa “Cười xuyên thế kỷ”, theo
tôi nghĩ đã góp phần vào việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa như đề cập
ở trên. Một điều đáng tiếc ở tập truyện này là ở văn phong của tác giả. Ngòi
bút, ngôn ngữ của tác giả đều thể hiện tính hài hước, nhưng nhiều khi hơi quá
đà và trùng lặp, tưởng như là hấp dẫn người đọc nhưng lại lộ ra sự đơn điệu,
đùa cợt không mang tính văn chương. Nếu tác giả khắc phục được vài nhận định
nho nhỏ có thể sai lầm của tôi thì tập truyện “Cười xuyên thế kỷ“ của nhà văn
Hoàng Xuân Họa có chỗ đứng vững vàng hơn nữa trong lòng độc giả như chúng tôi.
N.Y 19/8/2014
Nguyễn Tiến Lộc
(Nhà văn)