Bài thơ : “Lại năm mới”
Lời bình của nhà văn Hoàng Dân
Bài thơ : “Lại năm mới”
Lời bình của nhà văn Hoàng Dân
LẠI NĂM MỚI
mới gì hơn hay vẫn mới cũ mèm
mới cà chớn, hoang đường sinh sự mới
mới giả vờ, mới con cá thờn bơn
thân mỏng dẹt vây giương tua tủa
da nhẫy trơn rất khó nắm cầm
mới để rồi trầy xước, mới lơn tơn
như vốc đất ném lên trời tinh tướng mới
thiên hạ tưởng, thiên hạ sướng, thiên hạ rồ
đào toét nở, sâm banh bôm bốp nổ
mới đôi ngày phù phiếm… mới giời ơi!
Ta hằng ước: từ khi mười tám tuổi
mới bầu trời, mới đổi thay sao
mới mặt đất, cả tình đời tươi mới
đâu cần chi? Chút mới…! Mới theo mùa!
Lời bình:
“Lại năm mới”! – Một câu cảm thán mà ta thường gặp hằng ngày, ví như: lại họp, lại đấu đá, lại thi đua, lại vòi vĩnh, lại xin đểu… Nhiều vô thiên lủng! Trước một hiện tượng nào đó cứ lặp đi lặp lại, gây ức chế, buồn nản, thậm chí là phẫn nộ… thì ta dùng chữ “lại”! Nhưng cái nhan đề bài thơ là “Lại năm mới” thì có vẻ ít gặp? Tuyệt đại đa số chúng sinh thường háo hức đón chờ… năm mới, nhưng cũng có không ít người ngao ngán khi… năm mới… mò đến! Họ là ai? Thứ nhất, là những người nghèo. Nghèo đến mức, một bộ quần áo mới chỉ giá 130.000 VNĐ mà cha mẹ cũng không mua nổi cho con, khiến đứa con 11 tuổi xấu hổ với chúng bạn mà phải… treo cổ tự tử! Nghèo đến mức con gái nhịn đói từ bữa chiều hôm trước đến trưa hôm sau, tan học về, khi đi qua cầu thì đói lả rồi ngã xuống sông… chết! Nghèo đến mức, trước Tết khoảng một tháng, người cha ra Hà Nội với hi vọng dùng sức lao động cơ bắp để kiếm ít tiền… sắm Tết, nhưng rồi người cha ấy ngồi ở “chợ người” suốt ngày này qua ngày khác mà cũng chẳng có ai thuê mướn gì, tối 30 Tết, trên đường ra ga đi nhờ tàu về quê, may mắn nhặt được một cái… bánh chưng đem về… làm quà cho con! Rồi cha con, vợ chồng ôm nhau rớt nước mắt… Nghèo đến mức, sáng mồng một Tết, trên bàn thờ chỉ có một quả bưởi và một nải chuối (thu hoạch ở vườn nhà) để thắp hương cúng tổ tiên! Nghèo đến mức, trước Tết Đinh Dậu còn có tới 15 tỉnh xin Trung ương cấp gạo… cứu đói cho dân!... Nhiều lắm!...
Thứ hai, là những người già. Đối với người già nói chung, thời gian trôi nhanh khủng khiếp! Xoẹt một cái là Tết! Mà Tết tức là gần thêm… cái chết! Trong thực tế thường có ít nhất ba loại người già:
- Một, những người còn khỏe mạnh, đủ ăn đủ mặc, đủ vợ đủ chồng, con cháu chắt…
- Hai, những người cô đơn không nơi nương tựa, thui thủi trong túp lều rách hoặc đói khát, lay lắt nơi gầm cầu xó chợ…
- Ba, những người sức tàn lực kiệt, bệnh tật dầm dề, muốn chết mà Trời chưa cho chết…
Những người già thuộc hai loại sau không chỉ chán Tết, mà còn sợ Tết như sợ… hủi!
Hiểu như thế mới thấy sự từng trải của một đời người gói trong chữ “lại” ở cái nhan đề bài thơ “Lại năm mới”!
Ừ thì chán Tết! Ừ thì sợ Tết! Nhưng cái Tết nó cứ lù lù… dẫn xác đến thì biết làm sao? Thì thử bàn về nó chơi…
Ngay khổ thơ đầu đã thấp thoáng cái giọng điệu hài hước có pha chút chì chiết:
Nào năm mới
mới gì hơn hay vẫn mới cũ mèm
mới cà chớn, hoang đường sinh sự mới
“Nào năm mới” - Mi đã đến ngoài ý muốn của ta, nhưng thôi, ta đành chịu trận! Vấn đề là mi có gì “mới” không, hay là mọi thứ trong cuộc đời này, mọi lời chúc đầu môi chót lưỡi… vẫn “cũ mèm” như muôn năm cũ?! Tệ hơn, cái “mới” của mi chỉ là một trò “cà chớn”, “hoang đường” và chỉ gây ra những “tai họa mới”?!
Đến khổ thơ thứ hai thì tác giả đã bóc mẽ chân tướng của cái gọi là “mới”:
mới giả vờ, mới con cá thờn bơn
thân mỏng dẹt vây giương tua tủa
da nhẫy trơn rất khó nắm cầm
mới để rồi trầy xước, mới lơn tơn
như vốc đất ném lên trời tinh tướng mới
thiên hạ tưởng, thiên hạ sướng, thiên hạ rồ
đào toét nở, sâm banh bôm bốp nổ
mới đôi ngày phù phiếm… mới giời ơi!
Cái “mới” trong bốn câu thơ đầu được giải thích khá thú vị. Nếu “mới giả vờ” là cách giải thích trực tiếp thì “mới con cá thờn bơn… mới lơn tơn” lại được giải thích gián tiếp bằng một ẩn dụ “cá thờn bơn”. Phải chăng cái hình hài quái dị “nhẫy trơn” ấy là những phiên bản méo mó của một loại người? Chúng có thể là bọn bất lương nói chung và cũng có thể là đám quan tham ô lại nhũng nhiễu nói riêng? Với chúng thì năm mới hay năm cũ có gì khác nhau đâu? Chúng vẫn trơ trẽn “lơn tơn”, tức là lăng xăng làm trò khua môi múa mép “trăm voi không được bát nước xáo” như bản chất của chúng vậy thôi! Đừng ảo tưởng!
Bốn câu tiếp theo nhắc lại cái trò “đánh bùn sang ao” của những kẻ thơn thớt hứa hão từ năm cũ sang năm mới và sẽ tiếp tục hứa cho tới khi chúng… “hết biết thở” (chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc trong tác phẩm “Đất nước đứng lên”): “như vốc đất ném lên trời tinh tướng mới”! Cái chi tiết “vốc đất ném lên trời” khá… thâm nho và thú vị! Đang yên đang lành, tự nhiên lại hứng chí, bốc một nắm đất ném lên trời cho nó rơi xuống lả tả để làm trò, rồi bảo đó là “thay đổi”, là “mới”?! Đất thì vẫn là đất, “nguyễn y vân” và “vũ như cẫn”…, thế mà dám xưng xưng bảo là “mới” ư? Trò hề này là anh em ruột với “đất bằng nổi sóng” từng gây ra bao nhiêu hệ lụy trong quá khứ… Vậy mà vẫn có không ít kẻ ngây thơ cả tin: “thiên hạ tưởng, thiên hạ sướng, thiên hạ rồ”! Rồi hí hửng trong cảnh chợ chiều ảm đạm: “đào toét nở, sâm banh bôm bốp nổ/mới đôi ngày phù phiếm… mới giời ơi!”
Khổ thơ cuối bày tỏ ước mơ về một cái “mới đích thực”:
Ta hằng ước: từ khi mười tám tuổi
mới bầu trời, mới đổi thay sao
mới mặt đất, cả tình đời tươi mới
Nhưng ngay sau đó là nỗi buồn trước một thực tại trì trệ, nhàm chán:
đâu cần chi? Chút mới…! Mới theo mùa!
“Lại năm mới” ư? Cái “Mới theo mùa” ấy sao mà vô vị, vô duyên, vô lí, vô tình…? Nếu có vui thì cũng “Vui là vui gượng kẻo mà…” (Nguyễn Du)
“Mới” như thế mà không… chán mới là sự lạ!
Thạch Bàn, 24.2.2017
Hoàng Dân
Nhà văn Hoàng Dân, người đội mũ