Chuyện
kể về một người tù được tha, trên đường trở về nhà. Sự trở về nhà trong những
ngày đầu được tự do làm cho gã như lạc giữa cõi người, lạ lẫm giữa cõi người.
Vẫn cái cõi người gã từng sống thời xanh trẻ ngày xưa với bao dự định đẹp đẽ
cho tương lai. Thời xanh trẻ ấy gã tưởng mình sẽ rời núi, lấp được biển, nhưng
chính đời gã bị núi lấp, biền xô chìm nghỉm vào bể đời đen bạc.
Cõi
người nặng nề với những bất trắc. Những bất trắc như từ trên trời rơi xuống,
rơi phải đầu ai người đó phải chịu trận làm cho gã không thể thực hiện được
những dự định đẹp đẽ cho đời mình. Chính vì sự bất trắc của cõi người nên gã
mới bị bắt, bị tống giam bảy năm không qua điều tra, không viện kiểm sát thụ lý
hồ sơ, cũng không tòa án kết tội! Sự tác trách, cứ tình nghi là bắt, “bắt nhầm
còn hơn bỏ sót”, tống giam một cách vô lối. Thử điểm qua một đoạn văn sau đây,
khi gã về thăm làng, gặp ông chú họ và một người nữa, những người ký giấy bắt
gã đi “cải tạo” ta sẽ thấy rõ lắm nỗi oan khuất của kiếp người: “Thực ra anh
cũng không oan uổng gì. Nhiều đứa hồi ấy chỉ không có điểm ghi trong sổ chấm
công hợp tác xã, bỏ làng đi lang thang cũng đủ điều kiện để cho đi cải tạo rồi.
Không tội gà thì cũng tội vịt. Chẳng anh nào oan! Bây giờ Nhà nước cho về, tốt
nhất là lo làm ăn đừng giở chuyện cũ mà rách việc...”(Trang 170).
Trên
đường về, vì ngăn chặn không để bọn xấu đánh tráo chiếc ba lô giấy lộn của
chúng để lấy chiếc ba lô đồ đạc của một người hàng xóm cùng quê khi gã gặp trên
đường về mà bị bọn đầu trôm đuôi cướp đón đường đánh dằn mặt cho chừa lần sau
không được chõ mũi vào việc “làm ăn” của người khác. Một chuyện cũ ở bãi vàng,
bưởng nọ tranh đất làm ăn của bưởng kia, chúng tạt át xít vào nhau, gã chỉ là
người vô tình đứng xem cũng bị hệ luỵ, bỗng một ngày “đẹp trời” tự nhiên bọn ma
cô ấy tìm đến tận nhà bắt gã bồi thường năm triệu đồng vì tội “đứng xem” đồng
bọn của chúng bị tạt át xít bỏng mặt nhau(!) Trong khi nhà gã đang nghèo rớt
mùng tơi. Cái âm mưu ấy lại do lão hàng xóm tên là Chỉ, Chỉ Đen người đầu tiên
gã gặp trên tàu lúc ra tù. Chỉ Đen, người hàng xóm khắc tinh của đời gã, một kẻ
làm đủ nghề, dùng mọi mánh lới, thủ đoạn để làm sao cho ra đồng tiền dù đồng
tiền ấy kiếm ra bằng bàn tay bẩn hay bàn tay sạch Chỉ Đen cũng làm. Cuộc mưu
sinh của kiếp người với những chi tiết đọc mà thấy lắm nỗi chua xót. Miếng cơm
manh áo tầm thường cái thời con người chỉ cần được no bụng hơn người khác một
chút mà đã phải dùng nhiều thủ đoạn khinh khủng đến thế, vậy thì để có được
những bữa cơm sang trọng toàn đồ đặc sản với những chai rượu Gold Label,
Napoleon ở những khách sạn ba, bốn, năm sao ngày nay thì người ta phải dùng đến
những bàn tay bẩn thỉu nhơ nhợp đến thế nào?
Độc
giả còn gặp trong Thăm Thẳm Đường Về nhiều mảnh đời khác nữa, cùng những bất
hạnh của họ; bất hạnh của kiếp người một đời chân chất, ngay thẳng, cả tin vào
ngày mai sẽ được công bằng, sung sướng như trên thiên đường. Thiên đường mơ ước
của họ chẳng thấy đâu, chỉ thấy suốt đời phải bon chen, tranh giành nhau mãi
trong cái chăn hẹp trần giới điên đảo những ma giành quỷ giật mãi không thôi.
Thăm
Thẳm Đường Về, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Hồng Giang, do nhà Xuất bản
Hội Nhà văn Việt Nam cấp phép, ấn hành đầu năm 2009. Nhà văn Hồng Giang hiện
sinh sống và viết tại một tỉnh miền núi, anh là hội viên Hội văn học nghệ thuật
tỉnh Tuyên Quang. Hồng Giang còn có một trang blog riêng để hàng ngày post
những sáng tác mới. Xuyên suốt Thăm Thẳm đường về là nhân vật Khải. Cái
tên Khải rất ít được nhà văn gọi đúng danh tánh do cha mẹ anh ta đặt cho. Chẳng
biết nhà văn ghét anh ta ở điểm gì mà toàn gọi Khải với cái tên gã, một cách
gọi đầy miệt thị, kinh bỉ? Mà Khải có tội tình gì đáng để phải thiếu thiện cảm
với một nhân vật do mình sáng tạo ra đến thế? Khải bị tù đày là do cơ chế quản
lý con người mất dân chủ của một bộ phận “người làm cha mẹ dân”. Pháp luận,
kiến thức hành pháp còn thuộc loại sơ đẳng, họ chẳng coi nhân quyền ra gì nên
họ thích bắt ai đi cải tạo là họ bắt, giống như các lãnh chúa phong kiến xưa.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến Kahlil Gibran, một thi sĩ Mỹ, gốc Li Băng khi ông
bàn về nô lệ: “Tôi đã thấy ách nô lệ què quặt; nó đặt đầu cổ của con
người nằm dưới sự khống chế của các bạo chúa, nó khiến những kẻ thân thể cường
tráng nhưng tâm trí bạc nhược phục tùng con cái của lòng tham để chúng sử dụng
làm công cụ cho quyền lực của chúng...” (Nguyễn Ước dịch). Ông nhà thơ Gibran
sống “dở giăng dở đèn” giữa hai thế kỷ 19 và 20; cuối thế kỷ 19 bên châu Mỹ vẫn
còn một số nước duy trì chế độ nô lệ, nhận ra bộ mặt quái gở của nó nên ông
viết vậy để lên án sự quái gở vô lối của nó.
Đọc
Thăm Thẳm Đường Về gợi nhớ có thời, ngay cha mẹ rứt ruột đẻ con ra, đứa
con của họ nghịch ngợm, hỗn hào một tí chẳng biết cách dạy con cho nên người tử
tế thì chớ, đi vợ chồng bàn nhau làm đơn “xin” chính quyền cho con đi cải tạo
(!). Một thứ văn hoá cải tạo đến là ngu si của những kẻ làm cha, làm mẹ… nghĩ
lại mà kinh.
Thăm
Thẳm Đường Về của Hồng Giang đưa người đọc “cưỡi xe honda” trở về cái thời, nếu
ai đó rủ ta quay về sống lại thời đó một vài ngày cho vui chắc chắn ta cũng
phải tìm đường vượt biển đi tìm miền đất khác như hàng vạn người đã làm như thế
vào những 1980 thế kỷ 20.
Cảm
ơn nhà văn Hồng Giang đã thông qua nhà thơ Vũ Từ Trang tặng Hoàng Xuân Họa tiểu
thuyết Thăm thẳm đường về, một cuốn truyện đọc để ngẫm lại một thời buồn vui
lộm nhộm…