Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

“Trót một thời yêu” - một trái tim đau

Trot-mot-thoi-yeu
Bạn có thể nhầm cho rằng "Trót một thời yêu" là tập thơ tình nhưng hoàn toàn không phải. Sức tải tư tưởng nặng hơn cao hơn xét về mặt nhân tình thế thái. Ngay cặp lục bát đề từ đã làm ta thay đổi lối cảm thông thường: “Mùa thu cầm chắc trong tay/ Loay hoay rơi mất chẳng hay lúc nào”. 

Cuộc sống con người dây mơ  rễ má nhiều quá, ràng buộc lẫn nhau nhiều quá, người có lòng tự trọng cao thấy mình lúc nào cũng mắc nợ. Mà nơ nần, ơn huệ là khổ sở chứ sung sướng gì. Muốn sống thanh thản tốt nhất không bị day dứt vì vướng mắc nợ nần. Trả nợ một là một trong những bài thơ như thế. Từ cảm giác sợ mang nợ suốt đời mà tác giả cứ tưng tửng xin trả nợ xuyên suốt sang các bài khác: Trả nợ II, Một chút, Buông chài, Tôi đếm, Tìm mua thu, Trách vầng trăng trách chợ nghèo, Nhầm, Bán nốt… Đọc số bài thơ trên cứ thấy khơi khơi bóng dáng của sự nợ nần chua chát, dẵn dỗi của một trái tim đau!

Ỡm ờ ba thị, Thị Hến, Thị Nở, Thị Màu. Theo mắt nhìn của nhiều đời khác nhau, họ là gái xấu, gái bỏ đi nhưng trong con người họ cũng có những khát khao chung của đàng bà. Khát khao của Thị Màu đâu phải thằng Nô, khát khao của Thị Hến đâu phải “huyện quan tính đĩ “chuột mèo”, chánh tổng, thầy đồ, thày bói, bốn kẻ “dâm dê thượng hạng” đi tìm của lạ. Đọc Ỡm ờ ba Thị cứ ngỡ tác giả viết để chê trách, phê phán ba nhân vật này nhưng không phải thế. Bằng cái nhìn cảm thông với những nỗi khát khao của họ, tác giả hạ bốn câu ở khổ thơ thứ ba đọc giật thót mình: “Thằng Nô ở đợ đâu rồi/ ra đây cô bảo vài lời Nô nghe/ cái nia lật ngửa ra hè/ cái nong phía cổng đem che kín vào”. Cái cô Thị Mầu rực lửa kia chẳng thèm vụng trộm mà công khai mất rồi. Làm cái việc ấy mà chỉ che mỗi cái nong phía cổng thì thật là táo bạo, bất cần đời chứ còn gì nữa. Thị Hến tuy là gái góa bụa thật cũng không phải của ôi, của thừa để cho không lũ lâu nhâu sâu mọt đầu chày đít thớt gà què ăn quẩn cối xay ấy dày vò. Câu kết thể hiện quan niệm, thái độ, cách nhìn về Thị Mầu khác hẳn cách nhìn xưa nay: “Sân đình trọc phú – phú ông/ nắm tay chơi tập tầm vông cùng Mầu”.

Trách vầng trăng, trách chợ nghèo tác giả ghi rõ là viết hộ tâm sự một người bạn. Hẫng hụt, trống rỗng vì người yêu đi lấy chồng, mà lại đi lấy chồng rất vội vàng, lấy chồng giữa mùa hạ nóng nực. Đau đấy, buồn đấy nhưng chỉ nhẹ nhàng trách chứ không oán hận, không trách người con gái kia bạc tình, mà chỉ “trách vầng trăng, trách chợ nghèo”, trách “bát canh cua chẳng ngọt theo ý mình”. Trách vu vơ mà ám ảnh vô cùng. Mở đầu bài thơ đã như dự báo trước sự không bình thường của đôi trai gái này:”Chợ Diền em mua tặng tôi/ Một xâu bánh đúc để rồi lạt không”. Bánh đúc mà xâu bằng lạt thì con đâu bánh đúc mà đem về làm quà? Dù cố tình ghi là viết hộ tâm sự một người bạn thì người đọc cũng khó tin đó là bài thơ viết hộ, đây chính là tâm trạng của tác giả. Xét qua bài “Gửi người quên hẹn” sẽ là như thế: “Cái hôm tôi ngỏ lời yêu/ gặp tôi Bún Thượng sẽ chiều em qua/ tôi chờ héo vạt hoa cà/ ngồng vườn cải bẹ, sơ già muớp hương/ chiến tranh tôi ra chiến trường/ thư về em chẳng vấn vương chút nào/ hôm nay đất rộng trời cao/ tôi về Bún Thượng lòng nao nao lòng”.

Rồi những câu thơ về thực tế cuộc sống nhiều bất công hoặc nhiều điều tác giả chưa bằng lòng được thể hiện khá đằm, khá gợi: “Ai hái vầng trăng vứt xuống vũng trâu đầm/ để trăng mặt mày lấm lem bùn đất…/ trách Nàng Bân suy tính mãi thiệt hơn/ để tháng ba này mất không cái rét” (Mất không cái rét). Nơi phố thị phồn hoa người ta làm ăn bằng đánh quả, mánh múng, quan hệ bằng nhậu nhẹt: “Bọt mép, bọt bia quện nhau bê bết/ lẩu cá, tôm chiên, bò tái, bê thui/ nhồm nhoàm tằm ăn rỗi/ mở thầu, ký hợp đồng nơi quán nhậu/ phần chục phần trăm chia chác tít thò lò/ quên người mẹ quê mùa quanh năm cấy gặt/ ngày hai bữa chưa no” (Nơi bàn tiệc). Bằng phương pháp đối lập hình ảnh, đối lập từ để cảnh tỉnh những kẻ chỉ biết châu đầu tằm ăn rỗi, để mở thầu, để bàn nhau rút ruột công trình ăn chia với nhau, quên mất những người mẹ nghèo hai sương một nắng làm ra hạt gạo, củ khoai mà ngày hai bữa chưa no. Từng câu, từng chữ cứ da diết, cứ khía vào tâm thức khi đọc.

Kẻ vá trời, bài thơ có tự lạ. Nhìn tiêu đề cứ nghĩ tác giả tán hươu tán vượn bốn phương, tám hướng ra vẻ ta đây anh hùng anh bá dám dấn thân làm một việc động đất… là vá trời! Khéo tưởng tượng ra một em (chắc là bà xã) “xe rách trời”: “Đang tay em xé rách trời/ để tôi vá víu một đời không công/ vá làng chỗ rách đằng Đông/ đằng Tây em quậy sứt bong chỉ tà/ mụn Nam vừa vá hôm qua/ hôm nay vạt Bắc rách ra nữa rồi…”. Tôi tin, Kẻ vá trời sẽ được nhiều người đọc là đàn ông thú vị, vì nó nói hộ nỗi “thống khổ” của họ về những cơn ghen tuông vô lối của chị em mình. Trót một thời yêu là tập thơ đọc được.
                                                                                            
 Bạch Huệ Anh
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ