Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

“Núi thơ" của Nguyễn Nguyên Bảy

Cầm tập thơ vuông vắn, dày cộp chắc nịch trên tay, mở trang mục lục thấy ghi những 203 bài với 480 trang ruột không kể trang xí nhê và bốn trang lót để trắng cùng cái bìa ép cứng 3 - 4 ly mới thấy tác giả trân trọng thơ mình và trân trọng bạn bè, người đọc biết chừng nào; nhưng cũng thấy ngài ngại... khéo mình không đủ kiên nhẫn “tiêu hóa” hết cái “núi thơ” ngân ngất này mất!

Giữa thời buổi thông tin đông như... quân Nguyên: Trên 700 tờ báo giấy, gần trăm kênh truyền hình, trang web, trang blogs nước trong nước ngoài vô thiên lủng, mở máy tính nhấn chuột vào bất cứ địa chỉ trang web đặt sẵn ở máy là tha hồ đọc đủ thứ thượng vàng hạ cám... có mà sức vóc tầm lực sĩ ngồi liền tù tì 24/24 giờ mỗi ngày cũng không đọc xuể. Ấy vậy mà ông nhà thơ Nguyên Nguyên Bảy in cả một tòa “núi thơ”... hãi thật!
Thôi thì nhà thơ có công sáng tạo, có công in, mất công gửi tặng chẳng lẽ mình đang tâm thất lễ với thơ; thất lễ với nhà thơ! Bèn ngồi lặng im chắp tay vái đức thánh tổ nền ca dao bốn nghìn năm nước Việt, các cụ Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, bà chúa thơ Nôm, cụ Tú Xương và các thi sỹ thời thơ mới trong Nam ngoài Bắc. Cả: “Xin trời đất linh thiêng, nhận cho con trăm vái”, phù hộ cho con đủ lực, sáng trí để con có quyết tâm thưởng thức, cảm thụ cái “núi thơ” của bạn gửi tặng. May, nhờ anh linh các vị tiên tổ phù hộ độ trì, cái “núi thơ” dày cộp này đọc xong một bài lại muốn đọc bài thứ hai, thứ ba... tư... năm... sáu... Bởi cái “núi thơ”của Nguyễn Nguyên Bảy là “núi thơ” đáng đọc. Đọc không bị phí công, không cần thiết “tiết kiệm mắt” như nữ sỹ Lý Phương Liên vẫn khuyên ông chồng cả ngày vùi mắt vào sách, vào thơ...



Từng bài... từng bài... ngôn ngữ ngồn ngộn những từ hiện đại, hình ảnh thăng hoa phi ngựa dồn dập vào tâm thức khi thụ cảm:
“Bồng trên tay một loài hoa kỳ lạ/ Sắc mắt hương môi thơm sữa/ Kinh thành rối rít lạ quen...” (Cổ tích con), lúc da diết, khi đanh đanh, lúc cưng cứng ẩn ẩn hiền hiện như cô gái tuổi chơi trò ú tim. Đang nhẩn nha với cảm xúc nâng nâng trước cảnh thiên nhiên đằm thắm, lại bị nhưng câu thơ khác lái sang tâm trạng ngây ngất tràn tràn: “Cảm trăng ta vỗ ru thơ/ Nghe thơ trăng ngủ bao giờ chẳng hay/ Ta chùi giọt khóc vào tay/ Thức chờ trăng trễ giờ bay vềt rời...” (Rằm suông), và bỗng cô gái ẩn đâu đó hiện ra phía sau òa lên một tiếng làm giật nảy mình:

“Hà Nội xuân ngời như gái một con.

Soi gương tự phải lòng mình...”
           (Hà Nội đang là bình minh)
Hà Nội đẹp “như gái một con” chỉ người ngắm mới thấy được cái đẹp của cô gái một con để mà mê, mà phải lòng. Đằng này cô gái một con “trông mòn con mắt” ấy lại soi gương để “tự phải lòng mình”? Cách viết thật lạ, thật tài hoa. Ấn tượng..ấn tượng...! 
-“Khổn chị Dậu
Khổn thúy Kiều
Đâu phải khổn nào cũng khóc?
Đầm kiệt làm gì có nước
Khổn thị Nở
Khổn chí Phèo
Rạch mặt chửi cả làngvũ đại...”
                         (Cửu tụng)
Chữ  “Khổn” có lẽ là từ sáng tạo của tác giả, nghe mơi mới hay hay, thật thú vị.
-“Quên cơm sáng
bỏ bữa chiều
Đầu moi những hạt tín điều ra ăn
Trong đêm thao thức
ngày nằm chiêm bao...”
“hạt tín điều” là cái hạt chi nhỉ???. Phải thừa nhận ông thi sỹ ni dùng từ “tàn bạo”! “Hạt tín điều” - Đó là hạt của thi ca, và chỉ thi ca mới có thứ hạt này đem cho “nhân loại” xơi một bữa tiệc ngon lành! 
Ông thày Phong thủy Nguyễn Nguyên Bảy có nhiều bài thơ “sắp đặt” rất chi phong thủy, rất chi bát quái... quái! Dẫn người đọc thơ mình vào những ma trận kinh dịch, ma trận thơ: 
-“Hôm qua
sống giữa yêu thương
Xung quanh
ùa bốn phương hồn hỏi han
Bây giờ
người tưởng thật gần
Đã thành xa lắm
muôn phần lạ xa...”
(Ngã bảy)

Hoặc:
-“Cũng chỉ là thiên là địa
Sao thiên thượng lại bĩ
Sao địa thượng lại thái
Nam mô đời
Cực bĩ ắt thái
Cực thái ắt bĩ
Bĩ thái một đời cây
Nam mô trái
Trái gì cũng thể trái hồng
Chín xong rụng xuống là xong một đời
Chỉ riêng có trái tim người
Chín suốt cuộc đời nuôi sự sinh sôi”.
                     (Nam mô đời)
Xin không dẫn gì thêm nữa kẻo làm hỏng mất cảm xúc của người đọc. Đôi khi người dẫn“chương trình” hứng chí, chủ quan quá đà phiếm chỉ ngoài ý tứ thơ của tác giả cũng gây nhiễu sóng. Anh còn hàng nghìn bài thơ khác đang tiếp tục in vào những năm tới.
Chúc mừng Nguyễn nguyên Bảy.
Mời bạn bè đọc một phần nhỏ thơ của bạn tôi dưới đây để đồng cảm và chia sẻ cùng anh, thơ anh:
         
SÔNG TƯƠNG

Gió thổi qua mắt em
Gió mang theo vị mặn
Mắt em nhìn đâu sao lâu chớp thế
Có phải em dong thuyền ra bể
Lỡ rớt mái chèo trên sông Tương?


Hỏi em anh bỗng nhiên buồn
Chiều nhạt nắng tóc xòa vai nhạt nắng
Sông Tương
Sông Tương ở đâu
Mà ai cũng đi qua Sông Tương nhỉ
Ai đi qua cũng rớt mái chèo


TÀU ĐIỆN ĐÊM

Tàu chạy cuốn đêm đông
Chở độc một người khách
Gió trong khoang chật ních
Run cầm cập môi hôn
                       
Đènđôi ngọn lom đom
Nhợt nhạt vàng mệt mỏi
Người lái tầu thở khói
Dựng hờ cổ áo bông

Phố như một dòng sông
Tầu trôi ngang qua cửa
Leng keng chuông gọi đỗ
Khách mơ hồ xuống ga

Tầu ngược về Thụy Khuê
Lao nhanh trong giận dỗi
Tội nghiệp chuyến tầu cuối
Chở toàn là gió hoang

Tầu mất hút cuối đường
Cây rơi vài phiến lá
Tầu vê ga tầu ngủ
Khách biết ga nào về?

Sông mê bến lú
Ngãvào trong say xõa tóc
Thịt da nào chẳng bếp lửa hương cây
Xác thân mời gọi

Giá đừng có những lời ngọt lợ
Anh đã lừa được mình đây chính là em
Để nhắm mắt mềm lòng

Hiện giữa thinh không
Em ôm mặt xấu hổ đỏ rực
Cháy khét từng cọng tóc

Lời ngọt lợ vẫn ru anh
Phù thủy những ve vuốt lửa
Anh cố cháy mà không thể cháy

Gió gõ cửa
Trong thinh không không em
Chỉ còn thoảng mùi khét tóc cháy

Anh nắm mùi khét ấy
Trước mặt sông mê sau lưng bến lú
Bâng quơ một tiếng gọi đò


GA CANH TUẤT (1970)
 
Trai thới chiến mấy người ba chục tuổi
Được trời cho cưới tình yêu
Nào ai khen tích trò trống mái
Ba khoan thêm tội cho Kiều.
.
Rồi sinh con ơn trời không là gái
Chiến tranh biết hết khi nào ?
Luân hồi nhân danh sông núi
Trí trai dài một ngọn lao.

Rồi hôn con rồi kề vai đồng đội
Ga này ga cuối biết đâu
Dẫu là vậy vẫn là đời trăm tuổi
Lẽ người sống hết nông sâu.
 

GA CANH THÌN (2000)
 
Tóc bạc không lo bạc tóc
Khòm lưng không sợ lưng khòm
Chỉ sợ bút không còn lực
Cho hồn run rẩy trăng non.

Không nhớ mình bao nhiêu tuổi
Nhựa xuân dâng ngực tràn trề
Mai nở rụng đầy một cội
Thân cành nẩy lộc non tơ.
.
Đừng hỏi ga nào sẽ xuống
Ngưa phi tung bờm ngựa phi
Vay xuân cắt đầy máng cỏ
Ngựa xuân sức vó đang thì.


CUỐI RU

Cuối ru với gió của tôi
Hanh heo phố cổ
Hưu ngồi quạnh hiu
Đènvàng hắt bóng xiêu xiêu
Sáng mờ mờ gọi
Tay kiêu bấc buồn

Cuối ru ẩn hiện trong hồn
Giăng tơ từng sợi
Để bồn chồn lo
Cuối ru chợt nhớ bên đò
Mắt thơ thần đợi
Một bờ nắng lên
Điệu vần ru lội triền miên
Kinh thành ngách ngõ
Những miền đất yêu
Quên cơm sáng
Bỏ cơm chiều
Đầu moi những hạt tín điều ra ăn
Cố nhai hết những băn khoăn
Trong đêm thao thức
Ngày nằm chiêm bao
Sống không nuốt nổi ước ao
Xem ra thân xác tầm phào xác thân
Thở than nghe tiếng tri âm
Vọng về từ thuở muông cầm xa xưa
Tôi ơi
Tôi có đâu ngờ
Mình tìm mình mãi
Mình chờ mình thôi
Và tôi không buồn không vui
Bước chầm chậm bước môt trời mưa mau
Mặt kinh thành sáng làu làu
Tắm mưa trẻ nắm tay nhau làm rồng
Tôi đi về phía bến sông
Thân lau góp bắc cầu vồng qua vai
Trong gió ai đó thở dài
Tiếc ư?
Đành chuộc một vài câu ru


CHÂN HƯƠNG

Cháy rồi,cháy hết phầnthơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương.
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ