Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Đọc “Linh hồn lang thang" của Nguyễn Nguyên Bẩy

linh-hon-lang-thang
“Linh hồn lang thang” được viết theo phong cách chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, hiện tại đan xen với quá khứ giải trình một nỗi niềm, cũng là nỗi đau đời của nhiều lính chiến  từ chiến trường trở về, tưởng rằng mình đang có trong tầm tay tất cả, hóa ra lại không. Tên truyện “Linh hồn lang thang”  nghe khá gợi.

Nhân vật Mạnh, một anh nhà báo đầy nhiệt huyết, cả tin, ngay thẳng trước cuộc sống, tưởng ai cũng thật thà như đếm giống mình nên bị bạn phản bội, lừa cướp mất người vợ hiền thục, nết na. Hành động phản thùng ấy chỉ có ở những kẻ tầm thường, kẻ bất lương. Kẻ bất lương ấy lại do chính tay Mạnh lôi từ một tập thể hổ lốn công trường về vực hắn đi theo nghề chữ nghĩa, viết lách để sau 10 năm từ chiến trường trở về anh bị mất trắng hạnh phục trong tay hắn.

Tác giả cho lình hồn thoát xác để độc thoại nội tâm, nhân vật lúc là người bằng xương bằng thịt, lúc là linh hồn bay bổng tự do liên tưởng về những vấn đề ấu trĩ của xã hội; gặp người này người kia, thân cũng như sơ, trèo qua không gian, thời gian khái quát hóa những cam go thời chiến tranh trên miền Bắc. Những phong tục tập quán đậm chất văn hóa hoang dã tại một vùng núi Tây Nguyên được tác giả diễn đạt trình tự bằng hình tượng các thế hệ nhân vật giàu lòng yêu nước... Chúng ta cùng thưởng thức một trang văn khá đẹp sau đây:
“Yblem ra hiệu cho anh im lặng. Mắt Yblem chong chong nhìn về phía trước. Anh dỏng tai cố nghe, mà chẳng thấy gì, chỉ có tiếng gió rừng và tiếng cành khô gãy. Nhưng anh tin chắc là Yblem đã nghe thấy cái gì đó, tai Yblem thính lắm.
Đột nhiên, trong lùm cây trước mặt, bên kia bờ suối, một đôi hoẵng líu ríu đi ra. Chúng nghênh tai nghe ngóng. Trăng óng như tơ đang chảy dài theo dòng suối lóng lánh.
Con đực bước lên phía trước mấy bước.
Con cái nhẹ bước theo, bước ngắn hơn, cái đuôi ve vẩy, hệt như một cô gái làm duyên.
Suối trăng mời mọc.
Con đực đi tới gần bờ suối. Nó dong chân đứng lại chờ con cái. Khi con cái đi tới ngang với nó, nó quay mặt về phía con cái. Con cái sáp mặt lại. Chúng cạ mõm vào nhau. Chúng hôn nhau hay là nói với nhau điều gì đó. Chúng cứ lặng yên cho trăng choàng áo tơ lên người. Chúng in lên thảm cỏ thành một bóng.
Anh thấy cây ná trong tay Yblem run lên. Rõ ràng, nếu mũi tên bay đi, chắc chắn sẽ xuyên cả hai con hoẵng. Tại sao Yblem chưa bắn?
Hai con hoẵng đi sóng hàng xuống suối. Con đực vươn cổ uống nước. Rồi nó ngoảnh đầu lại như mời con cái. Con cái thong thả bước thêm một bước, rồi cũng vươn cái cổ dài xuống suối.
Lúc này mà bắn là ngon nhất. Anh nghĩ. Nhưng Yblem vẫn ngồi lặng câm, chỉ nghe hơi thở rất nhẹ và bàn tay run run. Yblem là một thợ săn cừ khôi, chắc chắn Yblem phải biết bắn vào lúc nào.
Hai con hoẵng trở lên bãi cỏ. Con cái khụyu chân nằm xuống bãi cỏ, còn con đực đi vòng, chầm chậm quanh con cái. Anh mường tượng như là chúng đang múa hát.
Đừng bắn chúng Yblem ơi. Anh nghĩ thầm trong bụng. Chúng đáng yêu quá. Chúng là hai linh hồn. Biết đâu, lúc này  chúng chẳng vẽ trong đầu nhau những mơ mộng tương lai. Chúng sẽ sinh ra những con hoẵng xinh xẻo và những con hoẵng ấy sẽ lớn lên, sẽ lại yêu nhau, lại ra suối uống trăng như thế này.
Anh quay nhìn Yblem. Yblem vẫn im phắc. Sợi ná đã căng. Chỉ một giây nữa thôi, mũi tên sẽ bay ra khỏi ná và hai con hoẵng kia phải chết. Anh bỗng thấy khắp người nổi gai ốc. Người ta bảo, những người ưa xúc động không thể đi săn được. Cũng đành, anh sẽ không bao giờ đi săn nữa. Nhìn thấy cảnh tượng này lòng anh không đành.
 - Về thôi, tao không muốn bắn.
 Yblem buông ná xuống, đột ngột quay sang anh, nói thầm, rồi ra hiệu cho anh nhẹ chân ra khỏi lùm cây, theo con đường mòn về buôn.
Phía sau lưng, con suối trăng vẫn chảy và đôi hoẵng vẫn đang múa hát bên nhau.
Đi một quãng khá xa, anh mới lên tiếng.
- Tại sao mày không bắn?
- Từ giờ trở đi tao sẽ không đi săn nữa.
- Sao vậy?
- Tao không biết.
Yblem bước đi lầm lũi.
Anh hiểu là tâm hồn Yblem đang xáo động...:”
                                         (Cuối đoạn 3)

Trang văn trên đọc thật thích. Nếu để cho nhân vật Yblem bắn gục đôi hoẵng kia thì chẳng hóa là tự khẳng định cái giống người chúng ta quả là độc ác. Độc ác ngay cả khi mình đang cần một tình yêu, lại đi “tiêu diệt” tình yêu của đôi hoẵng bên bờ suối giữa đêm trăng ảo huyền mênh mang đem về làm bữa... nhậu! Bời chúng cũng là những sinh linh, chúng cũng có tình yêu, không có tình yêu sao chúng tồn tại để có tiếng hoẵng kêu sương phá tan cái tịch mịnh núi rừng hằng đêm. Chỉ tiết này mang tính nhân văn khá cao, phải có một tư duy sâu sắc, giàu lòng nhân ái mới đủ dũng cảm “bắt” một anh thợ săn không bắn con mồi trong đêm đi săn, xách ná trở về tay không và nói: “Từ giờ trở đi tao không đi săn nữa”?.   
Mới đọc qua bốn chương, đã thấy thấp thoáng lập trình về điều thiện và cái ác thời nào cũng... có trên cõi phàm đơn bạc, giả trá... 

Vậy “Linh hồn lang thang” có bao nhiêu chương tất cả mà thày kinh dịch NNB mỗi ngày chỉ post có một chương? Đọc thòm thèm quá đi!
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ