Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy bình chùm thơ khai bút đầu năm

Ảnh: Nguyễn Phương
HỘI LIM CUỐI CHẦU

Mùa xuân má ứng tươi tươi
lung linh tia nắng ngọt môi ai tìm
trời xanh thăm thẳm cánh chim
xé rào anh tới hội Lim cuối chầu


chen chen mấy ả Thị Mầu
liếc xuôi liếc ngược, liếc đâu cũng tình
anh đi… đi mỗi một mình
cái xe máy mượn với bình rượu thơ

khật khà khật khưỡng anh mơ
Trương Chi khoe sáo, Tấm giơ khoe hài
Từ Thức tính một tính hai
cõi trần cũng tiếc Bồng lai cũng thèm

vắng người nên đỡ phải chen
anh leo Quán dốc, anh men qua cầu
cái cầu dải yếm chín màu
buộc anh trăm nút còn đâu lối về?
                           

VÚ MẸ

Tam Đảo, Ba Vì
Căng sáu bầu vú mẹ
sữa tràn đồng xanh.


ĐINH TẶC

Em đinh tặc tình trường
trái tim anh nửa đường xịt lốp
trắng đời ẩm ương.


TẾT MỪNG TUỔI MẸ

Mùng một Tết con xuất hành mừng tuổi mẹ
sáu mươi năm, mẹ vẫn tuổi ba ba
vuông đất hẹp mẹ nằm hiu quạnh qúa
cỏ rồi bời nhần nhận đắng sương sa

nơi mẹ nằm, xung quanh toàn người lạ
ai cũng tuổi cao, ai cũng mất khi già
chỉ riêng mẹ mất thời quá trẻ
mái tóc xanh mươn mướt buông xòa

sáu mươi năm, trên hai mốt nghìn ngày qua
tấm bia đá phai màu bạc phếch
con bây giờ đã sang tuổi bảy ba
tóc pha sương, thân lùn đi đôi khấc

đời chẳng có gì, chỉ toàn thấy mất
châu báu không, cũng chẳng tài ba...
bao lì xì hình chú mèo đỏ gấc
con kính dâng...
                       sao mẹ mãi chẳng cầm
                      
 Mùng một Tết Tân Mão

Đọc ba câu thơ của Hoàng Xuân Họa : /Tam Đảo, Ba Vì/ căng sáu bầu vú mẹ/ sữa tràn đồng xanh/ Tôi giật mình thốt lời: Haiku Việt đây chăng? Sao thi nhân không nói? Tôi vội vàng tìm cuốn Thơ Haiku Việt do NXB Văn học ấn hành, được nhà thơ Đinh Nhất Hạnh ký tặng Tết Tân Mão mới rồi. Tôi mở đọc, gặp ngay bài Haiku của Đinh Nhất Hạnh: / Sương khuya hồ Tây/ sâm cầm vụt cánh/ trăng lay/ Đọc tiếp Đinh thị Thu Vân: Tôi, bóng thành đôi / còn trăng khuyết nữa/ ai đầy, ai vơi?/ Và thêm: / Trên gương/ chú ruồi hôn bóng/ vơi ngày cô đơn/ của bạn thơ Haiku trẻ Thanh Tùng...

Ô hay, đang đò đưa thơ Hoàng Xuân Họa bỗng nhảy vào "nhiều chuyện" Haiku, là sao? Là thế này, cuốn HaiKu này và nhiều nhiều những sách thơ khác của các bạn thơ tặng, tôi đang tính xếp vào valy bồng về sài Gòn , thì bỗng có bạn thơ " chuyên nghiệp" ghé thăm, tia mắt qua đống sách, mới khuyên rằng: Mi đã mấy chục năm làm thơ sao chưa chịu rời chiếu nghiệp dư vào sa lông chuyện nghiệp mà tung hoành, già rồi, thời gian dâu nữa mà nhâm nhi cái thứ nghiệp dư này. Tôi ngậm miệng không dám cãi và tất nhiên vẫn bồng sách về Sài Gòn và đọc không sót cuốn nào của bằng hữu. Đã nói rồi, nhiều lần, nay nhắc lại thơ là tiếng lòng, đã là tiếng lòng thì làm gì có chuyên nghiệp và nghiệp dư nhỉ ? Chúng mình cùng nhau sung sướng trên chiếu thơ nghiệp dư đã sao ? Cũng nhờ chiếu nghiệp dư này mà tôi biết Haiku Việt. Và nhé, đôi ba bài Haiku tôi dẫn ở trên mời "các chuyên nghiệp" thơ đọc và so sánh với tài thơ chuyên nghiệp của mình.

Tôi nói vây không có ý so ganh gì thơ phú với nhau. Mời đọc một câu của Nhật Chiêu trong bài Nắng mới từ thơ Haiku (sách đã dẫn):

/ Từ khắp mọi miền đất nước, thơ Haiku đã ngân nga tiếng nói giầu nhạc điệu, tiếng nói mang hồn lục bát, để đi đến một hòa âm mới"/

Thưa bạn Nhật Chiêu, nói rằng: Từ khắp mọi miền đất nước , e là "nổ" này văng miểng quá! Và thêm tiếng nói này mang hồn lục bát để đi đến một hòa âm mới/ thì hình như chưa thể và không bao giờ có thể, bởi dân Nhật họ sẽ kiện đấy, bởi HaiKu là HaiKu và dân ta cũng chẳng chiu đâu, Lục bát là Lục bát. Và dù Haiku Lục bát có phối ngầu với nhau cũng đẻ ra thứ Haiku Việt  chứ làm gì có thứ xác Haiku, hồn Lục bát ?

Nhựng, với ba câu bài Vú mẹ dẫn ở trên của HXH mà tôi hiểu thêm Haiku và thêm yêu quí thơ thì kể ra HaiKu cũng đã có đất ở thi đàn thơ Việt ta rồi đấy.

Nhưng Hoàng Xuân Họa có nói mình làm thơ Haiku gì đâu. Bài này ba câu như bất kỳ các nhà thơ nào khác khi ngẫu hứng sinh tình vẫn làm đấy chứ! Tôi tự cười mình và xin anh cho cùng đi Hội Lim cuối chầu (bài lục bát). Công bằng mà nói, câu mở của khúc lục bát đầu: / Mùa xuân má ửng tươi tươi/ thì quả là hơi xưa xưa cổ cổ, hơi nhà quê, nhưng may quá, ba câu sau thơ từ từ lên ga: Lung linh tia nắng ngọt môi ai tìm (rõ ràng là đang từ từ lên ga, tia nắng ngọt môi nghe được lắm chứ, để rồi bay vút lên / Trời xanh thăm thẳm cánh chim/ Xé rào anh tới hội Lim cuối chầu.../ Bốn câu vừa dẫn không thật hay, cũng chẵng phải lục bát khuôn mẫu, nhưng rõ ràng là bốn câu thơ, mà khi đọc lên ta nghe lòng xao xuyến. Xé rào (hẳn là sợ sư tử Hà Nội - Hà Đông bây giờ đã là Hà Nội) Xé rào để đi chơi hội Lim cuối chầu / Hội Lim cuối chầu là hội Lim gì ? là sắp vãn hội? Mua bán, đong đưa gì lúc sắp vãn hội hở Thơ? Đọc rồi khắc biết. Và đoan chắc một điều dù đi hội Lim cuối chầu nhưng Hoàng Xuân Họa đắc ý, khoái sướng lắm vì nếu không khoái sướng thì  làm sao viết được hai câu kết thơm nức nở thế này: Cái cầu giải yếm chín mầu/ Buộc anh trăm nút còn đâu lối về ?

Bài Vú mẹ ở trên tôi bình được, vì đó là vú mẹ non nước, vú mẹ sữa tràn đồng xanh , còn Mẹ bài sau là Mẹ của riêng Hoàng Xuân Họa.  Cảm thương cho HXH, mẹ lên Trời lúc anh mới 13 tuổi, 60 năm rồi / Con bây giờ đã sang tuổi bẩy ba/.  Mồ côi khổ lắm ai ơi, tôi cũng mồ côi cả tứ thân phụ mẫu gần ba chục năm rồi. Nói về cha mẹ, anh Họa ơi, người con nào cũng  rơi nước mắt xót thường và ai cũng trách mình đã không báo đáp được công trạng hiếu nghĩa gì cho cha mẹ. Anh là người con làm thơ, viếng mẹ bằng thơ, hỏi đã mấy ai viết được những vần  thơ về mẹ muối ruột, xót gan thế này:

Nơi mẹ nằm, xung quanh toàn người lạ
Ai cũng tuổi cao, ai cũng mất khi già
Chỉ riêng mẹ mất thời quá trẻ
Mái tóc xanh mươn mướt buông xòa.

Anh Họa ơi, cho em được cùng anh đi viếng hương hồn Mẹ. Thưa Mẹ, xin mẹ nhận nơi chúng con tấm lòng thành của những đứa con thơ.

Bao lì xì hình chú mèo đỏ gấc
con kính dâng
sao mẹ mãi chẳng cầm...
                                                   

Nguyễn Nguyên Bảy
XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ