Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Máy in tiền


- Ối giời cao đất dày ơi, ông Đụt ơi là ông Đụt ơi! Nhà này còn thiếu đồ bãi rác lắm hay sao mà lại rước thêm cái ôtô bãi rác nữa về? Quần áo si đa, đài bãi rác, ti vi bãi rác, vi tính bãi rác, nồi cơm điện bãi rác, xe máy bãi rác còn tạm dùng được, chứ rước cái ô tô bãi rác về làm sang thì thật là đời bố ngu, đời con ngu, tình hình này thì đến đời cháu cũng ngu nốt mất thôi! Chẹt chết người ra đấy có lấy máu vạn ra mà đền. Không đền  người ta thì rũ tù chứ chả chuyện chơi đâu. 

Để vợ dồn một thôi một hồi cho sướng miệng, Đụt mới gượng gạo nói:
- Máy in tiền đấy. Chưa chi đã độc mồm. Nhét cứt vào miệng bây giờ.
Nổi cơn tam bành lên, thị sấn sổ gí sát người vào chồng:
- Mồm đây, đưa cứt ra mà nhét. Chồng người ta có cứt vàng cứt bạc mới đe nhét vào mồm vợ chứ cái thứ cứt thối hoắc của ngữ ấy có nhét vào mồm chó nó cũng nhè ra cho nhanh nữa là... đòi nhét mồm vợ. Không biết dơ!
Nghe vợ nhiếc thế Đụt buồn cười lắm, nhưng không dám cười, vờ mím chặt miệng quay đi nói vớt:
- Mồm lúc nào cũng choe choé như mồm hàng cá hàng thịt.
Vợ Đụt có thời từng buôn cá, buôn thịt, nghĩ chồng xỏ xiên mình nên chạnh lòng tự ái:
- À, khinh con này hàng cá hàng thịt hả? Không có con hàng cá hàng thịt này thì lấy của đâu chạy chọt để đi học nước trong nước ngoài, hả?
 Đụt có thời đi học nước ngoài thật, còn giựt được cả bằng phó tiến sĩ sử học nữa chứ đâu phải  chuyện thường. Vậy mà con gái đang học phổ thông trung học, học đến môn lịch sử thế giới, lúc làm bài tập ở nhà, hỏi Đụt: “Nữ tướng nông dân 19 tuổi Gian Đa (Jeanne d'Arc) là người nước nào hả bố?” Đụt phán một câu êm như nước sông Sen: “Gian Đa là người nước Nga” mới tợn chứ! Con gái Đụt đinh ninh tin theo cái “kiến thức phó tiến sĩ” của bố viết luôn hai trang giấy về chiến công lừng lẫy của “Nữ tướng Gian Đa người nước Nga” bị cô giáo chấm cho quả trứng ngỗng đem về chưng với nước mắt cả nhà ăn mấy bữa không hết. Con gái rượu ức quá bắt Đụt mua đền cái xe Mi Fa mới cứng để cưỡi đi cho sướng một thời con gái.
Người khác đi du học chuyên tâm vào việc học hành để tích luỹ kiến thức văn hoá, kiến thức khoa học của Năm Châu bốn biển đem về phục vụ đất nước, Đụt đi du học, có học hành gì đâu, còn mải buôn quần bò, lùng mua tủ lạnh, áo bay, nồi áp suất, dây mai xo đóng thùng gửi về nước cho vợ bán để làm giàu, cuối mỗi năm học xì tiền biếu các thày xin điểm để lên lớp. Cái bằng đại học Đụt cũng xỉa tiền thuê thày làm luận văn hộ, đến bằng phó tiến sĩ cũng “bảo vệ” bằng tiền nốt. Thế nên, khi con gái hỏi về Gianđa nhân vật lịch sử chống xâm lăng người nước Pháp, Đụt lại nhầm với nhà văn Gaiđa(1) người Nước Nga! Nghe chuyện về Đụt mà cười rơi mắt. Khi về nước Đụt vừa nhiều tiền lại vừa có... “tài”, làm các chiến sĩ vượt Trường Sơn đi đánh giặc về phục lăn lóc. Đụt vác “cái bằng phó tiến sĩ” lên Bộ GD&ĐT nộp. Thời ấy, đa số thanh niên đều ra chiến trường, không học bây giờ thì học sau, việc đánh giặc cần hơn. Sinh viên năm thứ nhất năm thứ hai, thứ ba đều xếp bút nghiên để ra trận. Khi thống nhất đất nước, cả Nam - Bắc đều thiếu nhân tài, được người có bằng “phó tiến sĩ” như Đụt là của độc. Bộ GD&ĐT nhận ngay Đụt vào biên chế nhà Bộ. Đụt được phân về một trường đại học giảng dạy môn lịch sử(!). Chẳng biết Đụt soạn giáo trình giáo án thế nào lại đem râu ông nọ cắm sang cằm bà kia, trận kịch chiến lừng danh thế giới ở vào thế kỷ 19, trận Oatéclô Đụt giảng cho sinh viên rằng trận chiến đó xẩy ra trên đất Anh! (khi đứng trên bục giảng, giảng bài chợt nhớ tới phim Ôtenlô nên Đụt nghĩ đại ra thế). Đụt chắc mẩm Oatéclô với Ôtenlô chỉ là một! Cụm âm tiếng Tây Oatéclô với cụm âm tiếng Tây Ôtenlô nghe rưa rứa như nhau, đều là “lô lô” cả. Ấy là “lô lô” ở những thế kỷ trước, nếu “lô lô” ở thế kỷ 20, Đụt sẽ nhầm với “lô đề, lô tô, lô hàng hóa” cho mà xem. Làm lũ nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... học trò được mẻ cười vỡ cả... giảng đường. Bị sinh viên bóc mẽ nhiều lần Đụt nhận thấy mình không đủ kiến thức làm nghề sư phạm, đành lặng lẽ rút lui ra chợ giời buôn xe đạp, xe máy. Nghề buôn chợ giời không còn là thời hoàng kim như vài chục năm trước nên Đụt năng động chuyển nghề, sang sắm cái ôtô đi chở hành... khách. Nghề này thiên hạ đang hái ra tiền. Dân đạp xích lô, dân xe ôm cũng đang vẫy cánh lên đời xe ôtô ầm ầm ngoài đường cái quan tíu tít.
“Con” xe Đụt vừa sắm là “con” xe “bà già” quá đát, những không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông thì chớ, lại chạy đến đâu khói xì đen mù mịt trời đất, ô nhiễm môi trường kinh khủng khiếp. Chiếc xe ấy, ở nước ngoài người ta đã xếp vào bãi rác, bọn con buôn nhận thấy đem về Việt Nam còn chạy tốt. Chúng rước về. Nó đã được mua đi bán lại qua tay vài người. Sang tay Đụt, tình trạng xe: máy rão, lốp mòn, phanh hãm từ Cầu Chui Gia Lâm, xe rông tới Trâu Quỳ mới đứng lại. Những người sử dụng trước đã in tiền trăm bạc triệu khối ra để làm giàu, giờ về tay cha con Đụt, Đụt cứ việc để thế tạm đi in tiền tiếp cái đã, việc tu sửa, sang tên đổi chủ hẵng để tà tà vì cái luật giao thông nước Nam nhà đang thông thoáng như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, có chẹt chết người, hai bên giải quyết “nội bộ”, đền tiền cho nhau là xong, có ai bắt tù bắt tội đâu mà hãi!
Con trai Đụt lúc nhỏ đi học chữ chẳng hiểu nghĩa, học toán mãi mà chưa biết cách giải ra đáp số. Ở ta, hồi xưa chưa có người thi thuê, làm hộ bài thành thử cậu ấm nhà Đụt cứ đúp lên đúp xuống. Vợ chồng Đụt luôn phải quà cáp thăm thày, thăm cô suốt mỗi học kỳ cậu “ấm” mới đỗ được cái bằng phổ thông cơ sở để có “trình độ” theo bố ra đứng chợ giời, bố buôn xe con mồi chài. Trước khi mua ôtô Đụt cho con trai đi học lớp lái xe cấp tốc 3 tháng lấy cái “bùa” lái xe. Về, con lái, bố làm phụ chở khách thu tiền.
Chuyến mở đầu khai trương của bố con Đụt hôm nay rất chi là gặp may mắn. Xe vè vè tới cổng bến, khách đã nhao nhao tranh nhau lên chật hết các ghế, ai muốn đi thêm cứ việc lên xe, vịn vào nhau mà đứng, nêm cối vào mà đứng, có quá tải vài chục người nhà xe vẫn chở. Đứng thì đứng khách vẫn lên, vẫn đi. Ngày nghỉ cuối tuần nào tình hình xe cổ chả thế. Học sinh, sinh viên về quê xin “viện trợ”, cuối tuần nào chả đông như trẩy hội, không chen lên đi có mà nhỡ... tàu. Người Việt mình được cái dễ tính, thích nhanh nhanh chóng chóng cho được việc cái đã, có bị thiệt thòi tí “quyền lợi” cũng không sao. Bởi tổ tông họ đã di truyền cho họ lối sống chịu thiết thòi thế, thành ra con cháu họ cứ theo nếp ấy, chịu thiệt thòi đã quen.
Chạy được mươi cây số. Đường quang quang, xe êm êm, gió mát mát, tiền thu một nắm cầm tay, phởn chí, Đụt khe khẽ chúm môi thổi sáo mồm : “xe ta băng băng qua trăm suối ngàn sông...” Bỗng nghe đánh ràà... roạt… Toàn xe chao đảo, quay ngang sắp lao lên hè đường, may sao nó đứng khựng lại được. Cái xe chỉ hơi nghiêng đi chút chút. Có hơi làm hành khách xô ầm vào nhau một chút. Trán người ngồi sau có hơi bị khảo vào gáy người ngồi trước một cái hơi mạnh. Hành khách có hơi bị người ôm gáy, kẻ bê đầu la ôi ối đôi chút... Nhưng không sao, nhà xe mới “tặng” cho mỗi vị khách một cái cộc đầu nhau tạm thôi, không đấu đầu với xe khác là may chán rồi! Khối xe còn chui gầm tàu hỏa, lao xuống vực sâu tới tới đã sao! 
Đụt vội vàng mở cửa xe nhẩy xuống đường để xem tình hình “thế giới” ra cái làm sao. Đụt thấy một bên bánh trước lăn đâu mất, còn lại cái trục mayơ xiết sạt mặt đường tạo thành rãnh dài ngót ngét chục mét. Làm cho hai bên phố, trẻ con, người lớn nhao nhao chạy đi xem như xem văn công về diễn ngoài sân kho làng ta! Thì ra cái xe của Đụt một bên bánh bị tuột đâu mất bu lông, chiếc bánh xe vừa bật ra khỏi trục theo đà lăn xoẹt qua lật đổ chiếc bàn của bà hàng nước trên hè làm hỏng hết cả bánh kẹo. Mà hình như cái bánh xe của Đụt đang đói bụng chưa muốn uống nước trà chén, hắn chỉ rẽ vào chào bà hàng nước một câu xã giao rồi chạy văng mạng sang quán phở kề bên. Như người ta, vào hàng phở kéo ghế ngồi đàng hoàng vểnh râu lên gọi bát tái lăn mà ăn có phải ngon lành không. Đồ dở hơi! Nó lại chẳng giống ai cả. Chắc nó đang thừa “bánh” trong người nên không thích bánh phở. Nó du đổ chỏng kềnh thùng nước phở, làm xương bò xương trâu văng tung toé tràn nền nhà rồi lăn ra húp nước phở với ông địa, ông thần tài vừa bị chính nó ẩy ngã cũng đang chổng mông chổng tĩ mặt vào vũng nước phở béo ngậy dưới nền gạch lát.
Bố con Đụt biết lỗi tại bánh xe nhà mình. Xin được bồi thường việc hỏng hết bánh kẹo của bà hàng nước, cả đền thùng nước lèo cho hàng phở để “chuộc” lại cái bánh xe về, mai ra chợ giời mua vài con bù lông khác lắp lại, lại có thể chạy ba mươi năm nữa... vẫn còn tôôô... ốt… Đường nhà nước rộng thênh thang, dài tít tắp, xe ta tha hồ đi, tha hồ tuột phanh, tha hồ tuột bánh... tha hồ in tiền vô tư thoải mái để giàu sang vô tư!  
Đám hành khách vội vàng bỏ xe chạy lấy người, ra vẫy xe khác để đi cho nhanh. Nhiều người cũng muốn đòi lại tiền vé, lại sợ nhỡ nhà xe lắp cái bánh vừa tuột vào xe, bắt đi nốt tiền thì hãi lắm... eo ơi! 
---------------------------------
(1). Gai Đa, nhà văn Nga chuyên viết chuyện thiếu nhi.

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ