Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM


                                     Phần II

                        Cõi thiên đường (18)

 

Tiếp theo

Anh Nâu là người Thượng tập kết ra miền Bắc sau hiệp hiệp định đình chiến Gơnevơ, năm 1954 . Đặt chân lên đất Bắc anh được đưa về trường bổ túc công nông Giáp Bát, Hà Nội học bổ túc văn hoá. Ba năm ninh văn nấu toán anh chỉ lấy nổi bằng lớp 7 đỗ vớt do ưu tiên người miền núi tập kết. Trong khi những người cùng học đều tốt nghiệp cấp 3, người vào đại học, người đi học nước ngoài. Không rõ do tắc trách từ khâu nào mà anh bị rơi tõm vào tập đoàn sản xuất MN, tâp trung toàn những người lý lịch chưa rõ ràng về thân nhân. Những người là tề, điệp, trước khi tập kết từng làm việc cho chính quyền Pháp ở một số địa phương miền Trung, miền Nam. Lúc tập kết ra miền Bắc, các địa phương trong đó ép họ đi theo để giữ bí mật cho lực lượng ém lại, nằm vùng trong đó hoạt động khỏi bị lộ. Tàu Ba Lan đổ tất cả lên bãi biển Sầm Sơn. Bộ đội có đơn vị bộ đội, cán bộ các dân chính, đảng thì tỉnh nào theo quân số tỉnh, huyện, xã đó nhà nước phân công về các cơ quan, các ngành nhận công tác, còn trơ lại số tề điệp bắt buộc đi tập kết, đang chờ chủ trương từ cấp trên. Ban đón tiếp lập danh sách ai ở tỉnh nào theo tỉnh đó, cứ tỉnh ngoài Bắc kết nghĩa với tỉnh trong Nam đưa về tỉnh đó cho anh em kết nghĩa đùm bọc nhau.

Là những tên tay sai hạng bét trong bộ máy hành chính cấp xã của chính quyền tề nguỵ thời 1946 -1954, học không hay đi cày sợ bùn lấm, nửa đời sống nghề do thám, chỉ điểm kiếm miếng bánh Tây quăng, bơ thừa sữa cặn, lưng ngay thuồn thuỗn, biết xếp họ làm việc gì cho phù hợp. Trong khi miền Bắc còn bộn bề trăm công nghìn việc sau chiến tranh, việc nào cũng quan trọng cả? Thôi, người ta “tập kết” ra đây thì tất tật đều là người của kháng chiến, yêu nước cả! Họ tự khai mỗi người một bản lý lịch “bịa” rất chi nhiều "thành tích". Cũng cống hiến cho cách mạng, cho kháng chiến cả đống công lao mùi mẫn như giọng ca bài chòi, cải lương họ thường ngâm nga những lúc nhớ nhà, nhớ vợ con trong rứa. Người này từng giữ chức này, kẻ kia từng làm tước nọ khá oai hùng cho kháng chiến! Tỉnh lưu họ lại nhà khách của tỉnh cho họ an dưỡng và học thêm chính trị để nâng cao và củng cố tinh thần cách mạng vô sản cho bài bản... thì cách sống buông thả lưu manh lính tẩy trong con người họ trỗi dậy liền ngay. Rượu chè bê tha lướt khướt, ê a ba câu bài chòi, cải lương rẻ tiên tán gái, tranh yêu với đám con trai ngoài phố đánh ghen náo loạn cả cái thị xã yên tĩnh bên một dòng sông vốn xưa nay yên ả, êm đềm. Tỉnh đành cấp kinh phí làm lán trại dưới Bãi Lai cho họ xuống khai hoang trồng trọt, và lập thành tập đoàn sản xuất MN. Hai năm đầu tỉnh bao cấp từ A đến Z, sang năm thứ ba đi vào tự lực. Làm được một cân sản phẩm họ đòi ba lần quyền lợi. Hết chịu nổi, tỉnh đành nhập tập đoàn đó vào nông trường Sông Thu. Nông trường sông Thu đang làm ăn có lãi, khi nhập thêm họ, lỗ vốn liền tay. Một đội trên ba trăm con người, lương tháng lĩnh đều đều mà sản xuất không ra sản phẩm. Trồng mía hoá lau, trồng củ tía ra củ nâu. Tỉnh cùng nông trường khắc phục hậu quả bằng cách chia đều cho mỗi đội sản xuất vài chục vị.

Anh Hồ Nâu là cán bộ kháng chiến thực thụ, thương tích đầy mình, thành tích cũng đỏ ngực. Anh thích cuộc sống hoang giã nên anh dựng cái nhà sàn nho nhỏ cạnh khu tập thể. Muốn  ăn cá đêm xuống suối rọi đèn pin chém cá, thích thịt chim thì vác nỏ vào rừng săn chim; muốn ăn thịt chồn, thịt cáo anh đặt bẫy. Ba ba nhờ anh bắt nấu chuối xanh, đậu phụ, thịt ba chỉ cùng các thứ rau gia vị ngon hết chê anh cũng không ăn.

Anh bảo:

 -Tau ăn con ni chạy nhà cầu không kịp.

Những chàng trai, cô gái Hà Nội tình nguyện đi xây dựng kinh tế, văn hoá miền núi, tất cả đều tuổi mười tám đôi mươi háo hức đem sức trẻ đến nơi gian khó để cống hiến cho đất nước. Họ sống hồn nhiên, làm việc vô tư: khai hoang, đào hố, gánh phân, trồng cà phê, trồng chè, trông sắn... việc gì cũng xông pha làm tất tật theo lệnh cái kẻng bằng quả bom lép gõ từng hồi vang khắp rừng khuya núi vắng.

Keng keng... một hồi ba tiếng, con trai con gái từ trong các lán trại vùng dậy tập thể dục.

Keng keng... ba tiếng kéo nhau đi ăn sáng một bát ngô mảnh không ra hấp, chẳng phải bung, nhai sái quai hàm mới nuốt nổi.

Một hồi chín tiếng, cả đội vác dao vác cuốc ra ra ruộng làm việc.

Keng keng... chín tiếng về nghỉ trưa.

Keng keng... năm tiếng mọi người vác bát đũa xuống nhà ăn sáu người một chậu men cơm, đã độn ngô mảnh còn cõng thêm sắn tươi thái lát. Thức ăn thì trưa đu đủ xào, chiều lào luộc (tiếng Sán Chỉ gọi quả đu đủ là Cà Lào). Sinh hoạt kham khổ thế họ vẫn sống vẫn làm việc say sưa hết mình. Tháng bốn chủ nhật chỉ đuợc nghỉ hai. Chủ nhật này lao động X.H.C.N. Chủ nhật tới được nghỉ, chủ nhật sau tới làm để ủng hộ... có đến 101 lí do Chủ nhật lao động ủng hộ vẫn vô tư!...

                             HXH

(Còn nữa)

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ