Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

CHUYỆN CÕI TRỜI & CHUYỆN CÕI ÂM


                                

                              Phần II

                    Cõi thiên đường (8)

 

Tiếp theo

       Mấy năm sống ở nhà bố mẹ nuôi sung sướng bao nhiêu thì nay khổ nhục bù bấy nhiêu. Xin đi làm chẳng đâu người ta nhận, vì gã chưa đủ tuổi lao động. Bố gã đi buôn bán xa cả tháng mới về nhà vài ngày rồi lại đi chuyến khác. Gã xin đi theo thì ông bố bảo:

       - Ở nhà đi học.

       Ði học!

       Ô hô… học! Bụt cũng không thể sống giữa tiếng bấc tiếng chì, tiếng chì chiết, miệng đay răng nghiến như thế để mà học, mà thi cử, mà đỗ đạt! Năm 1960 gã khai tăng tuổi đi Thanh niên xung phong gánh đất đắp đường… Ðoạn trên là quãng đời niên thiếu của gã. Thời thanh niên ư? Còn khối chuyện cho gã viết lách dài dài…

 

       Mặt rỗ nhằng rỗ nhịt, sẹo to đè sẹo nhỏ nổi bờ đen như lỗ bi lỗ đáo, di chứng bệnh đậu mùa từ thời thực dân đế quốc vãi đầy mặt Uynh. Thấy các chàng trai trẻ khôi ngô tuấn tú, cuời vô tư, nói vô tư, yêu cũng vô tư… Uynh tức lắm.

       - Tổ cha chúng mày, cậy có bộ mặt nhẵn nhụi trắng trẻo đẹp trai một tý thằng nào thằng ấy nhắng nhít tít mù thấy gái như mèo thấy cá rán, buông đũa buông bát là tót sang C (đại đội) con gái để tán tỉnh. Miệng thằng nào thằng ấy còn bốc hơi sữa nồng nặc mà đã đòi xí xớn. Ông mà được làm vua thì ông thiến cả bộ đem ninh cám vỗ béo cho đàn lợn tăng gia trên C bộ chứ để chúng mày nhông nhông như chó dái, khó ngăn được tội hủ hoá.

       Không làm được vua để thiến các chàng trai nhưng Uynh luồn lách ngoi lên được chức B trưởng (trung đội trưởng) cai quản gần bốn chục con người. Cổ Uynh lúc nào cũng đeo lủng lẳng cái còi thiếc như đeo thứ bùa hộ mệnh tôn giáo. Là người miền Bắc nhưng Uynh luôn mặc bộ bà ba đen, cổ quấn cái khăn rằn đặc trưng Nam Bộ buông dài thượt hai đầu khăn trước ngực, chân dận đôi dép lốp Bình Trị Thiên đế dầy bốn năm phân cho thêm phần dã chiến, cho ra vẻ ta từng là cán bộ thời kháng chiến đánh Pháp đuổi Nhật giải phóng cho dân nghèo, đánh đổ lũ địa chủ, tư sản chúng bay, làm cho lũ bay hết ăn trên ngồi trốc. Chúng bay chớ coi thường tao!

       Là con nhà đạp xích lô, Uynh từng theo nghề bố ở ngõ Lò Lợn phố Bạch Mai. 1955 Uynh mới đi công trường đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan. Con đường đầu tiên được khôi phục trên miền Bắc. Uynh ở đó liên tục cho đến 1959 thì được điều sang phụ trách Thanh niên xung phong đi mở đường mới. Các cán bộ người miền Nam tập kết ăn mặc quần áo thế nào, Uynh bắt chước ăn mặc thế nấy. Uynh còn giả giọng miền Nam để loè người không biết: rằng ta đây cũng là cán bộ miền Nam tập kết cho thêm cao giá!

       Ðang ngủ ngon bỗng cả lán giật mình thức dậy vì tiếng còi của Uynh thổi toe... toét, toe… toét, toe.. toét toét... Mở mắt ra trời còn tối om. Xem đồng hồ thấy mới 5 giờ kém mười lăm phút. Gã bực mình bảo:

       - B trưởng ơi, bốn mươi nhăm phút nữa mới tới giờ, sao B trưởng đã báo thức sớm thế?

       Giọng cuội cuội, tỉnh bơ, Uynh nói:

       - Ðồng hồ tớ năm giờ ba mươi phút rồi. Ði ngủ đồng hồ tớ, báo thức cứ đồng hồ tớ mà dậy.

Trưa, đã quá giờ nghỉ 15 phút mà chưa thấy Uynh thổi còi cho mọi người nghỉ. Gã nhắc:

       - 11giờ 30 nghỉ, mà giờ đã 11 giờ 45 B trưởng chưa thổi còi cho anh em nghỉ. Các B khác họ nghỉ cả rồi?

       Vẫn giọng cuồi cuội Uynh bảo:

       - Lúc đi làm đồng hồ tớ, giờ cũng đồng hồ tớ mà nghỉ!

       Gã bảo:

       - Ðồng hồ của B trưởng hãng gì mà khi đi làm thì nhanh, lúc nghỉ lại chậm rề rệt vậy?

       Uynh nói tỉnh bơ:

       - Ðồng hồ Matscơva!

       Gã chê:

       - Ðồng hồ B trưởng loại vứt đi, hãng không tên tuổi. Của tôi đồng hồ Vi- le (Wyler) Thuỵ Sĩ tự động chạy bằng nhịp đập trái tim con người lúc nào cũng đúng guýp với giờ nhà đài tun tút. Ðồng hồ loại lên dây cót hàng ngày sánh sao bằng.

       Bị gã chê bôi, Uynh trợn mắt vừa lên lớp vừa doạ:

       - Này này, xem lại lập trường đi nhé! Hàng của tư bản mà đòi tốt hơn hàng xã hội chủ nghĩa được à? Cẩn thận cái mồm không tống vào trại Lý Bá Sơ (14) bây giờ.

----------------------------------

(14): Lý Bá Sơ, nơi cải tạo tù hàng binh, tề nguỵ thời kháng chiến chống Pháp, giờ là trại cải tạo Ba Sao tỉnh Hà Nam.

 

HXH

(Còn nữa)

XEM BÀI TRƯỚC XEM BÀI SAU TRANG CHỦ